Tình hình kinh tế Canada 6 tháng đầu năm 2023

18101

Ngày 8/6/2023, Ngân hàng hoàng gia Canada đã đưa ra báo cáo đánh giá kinh tế vĩ mô của Canada và nhận định là nền kinh tế Canada có sức chống chịu tốt hơn dự báo, đạt mức tăng trưởng 3.1% trong Quý 1 và 0.5% trong Quý 2 so với Quý liền kề trước (con số tăng trưởng Quý 2 theo ước tính của Ngân hàng Montreal còn lên tới 0.8%[1]). Số liệu chính thức của Cơ quan thống kê Canada công bố ngày 30/6/2023 có sự khác biệt đôi chút, theo đó, mức tăng GDP thực của Canada không thay đổi trong tháng 3 và tháng 4/2023 (0%) nhưng có thể tăng nhẹ lên 0.4% trong tháng 5[2]. Dù là đánh giá chính thức của Canada hay của các nhà kinh tế đều cho thấy tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tiêu dùng  của Canada vẫn giữ ở mức cao, bất chấp lạm phát và lãi suất. Trong 6 tháng đầu năm 2023, theo đánh giá của IMF, Canada là nước có mức tăng trưởng GDP thực cao nhất nhóm G7[3]. Nhờ mức tiết kiệm cao, tăng trưởng của Canada có thể sẽ giảm trong Quý 3 và Quý 4 nhưng cả năm vẫn giữ mức tăng trưởng dương, chứ không lâm vào suy thoái như “kỳ vọng” của Ngân hàng trung ương nhằm “làm nguội” nền kinh tế Canada và làm giảm cầu. Đóng góp vào tăng trưởng của Canada chủ yếu là các lĩnh vực: giao thông vận tải, khai khoáng (dầu khí), xây dựng (bất động sản), hành chính công trong khi khu vực dịch vụ, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp ghi nhận sụt giảm. Nhờ mức nhập cư tăng kỷ lục trong 6 tháng đầu năm, nền kinh tế Canada dự kiến sẽ tiếp tục chống chọi tốt; cả doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng có sự lạc quan cao hơn vào triển vọng tăng trưởng.

Lạm phát: Lạm phát ghi nhận cuối tháng 5/2023 là 3.4% và đã giảm đáng kể so với mức cao điểm ghi nhận tháng 6/2022 là 8.1% (nhưng có sự tăng nhẹ so với tháng 3: 4.3%). Lạm phát giảm chủ yếu là nhờ giá xăng dầu và vận tải giảm. Mặc dù mức lạm phát này thấp hơn nhiều nước G7 nhưng vẫn giữ ở mức khá cao, nhất là trong các lĩnh vực thực phẩm, nhà ở và năng lượng. Theo số liệu mới nhất, lạm phát trong lĩnh vực thực phẩm đã kéo được xuống dưới mức 2 chữ số (hiện là 8.3%). Tuy nhiên, một số sản phẩm vẫn giữ mức tăng cao, ví dụ: dầu ăn (+21.1%), thịt gà (+10-11%) và cá, bánh mỳ và các sản phẩm từ ngũ cốc (+13.2%), rau đông lạnh và chế biến tăng 18% … Nguyên nhân tiếp tục gây áp lực tăng giá hàng hóa là do nguồn cung hạn chế trong bối cảnh thời tiết không thuận lợi ở các khu vực đang phát triển khiến giá nhập khẩu tăng, cũng như chi phí đầu vào cao hơn như thức ăn chăn nuôi, năng lượng và vật liệu đóng gói. Việc lạm phát không giảm được như kỳ vọng về mức dưới 3%; nhất là lạm phát trong lĩnh vực thực phẩm vẫn giữ ở mức cao buộc ngân hàng trung ương Canada đã phải tăng lãi suất thêm 0.25% lên mức 4.75% (mức cao nhất kể từ năm 2001) vào tháng 6/2023. Đây là đợt tăng lãi suất trở lại đầu tiên sau khi tạm dừng chiến dịch thắt chặt tiền tệ kể từ tháng 1/2023[2]. Dự kiến, ngày 12/7, Ngân hàng trung ương Canada sẽ công bố đợt tăng lãi suất tiếp theo lên thêm 0.25% nhằm đạt được mục tiêu giảm lạm phát.

Lao động: Tỷ lệ thất nghiệp của Canada trong tháng 5 đã tăng lên 5,2% trong tháng 5/2023 (số việc làm bán thời gian tăng lên mức 15.500, số việc làm toàn thời gian giảm 32.700). Tỷ lệ thất nghiệp tăng lần đầu tiên kể từ tháng 8 năm 2022, (từ mức 5,0% trong tháng Tư)[3]. Việc làm tăng trong ngành sản xuất (+13.000; +0,7%), dịch vụ (+11.000; +1,5%) và tiện ích (+4.200; +2,7%), trong khi đó giảm trong các lĩnh vực kinh doanh, xây dựng và các dịch vụ hỗ trợ khác (-31.000; -4,4%), cũng như trong các dịch vụ chuyên môn, khoa học và kỹ thuật (-13.000; -0,7%). Tại các tỉnh bang, việc làm giảm ở Ontario (-24.000; -0,3%), Nova Scotia (-5.200; -1,0%) và Newfoundland and Labrador (-4.200; -1,8%) vào tháng 5 năm 2023, trong khi tăng ở Manitoba (+8.200; + 1,2%). Các tỉnh bang khác ít có sự thay đổi.

Chính sách nhập cư: Canada dự kiến đón ít nhất 500.000 người nhập cư năm 2023; con số năm 2022 là 1 triệu [4]. Tăng dân số giúp cải thiện tình trạng thiếu lao động tại Canada, tạo ra nhiều việc làm thúc đẩy sản xuất của cả nền kinh tế. Tuy nhiên, tăng trưởng cấu trúc dân số khiến tăng nhu cầu tiêu dùng, làm cho nền kinh tế khó “nguội đi”. Điều này thể hiện rõ trong thị trường nhà đất tại Canada luôn trong tình trạng cung ít hơn cầu.

Lòng tin kinh doanh: Kết quả thăm dò lòng tin doanh nghiệp do Ngân hàng trung ương Canada thực hiện cho thấy tiếp tục giảm trong tháng 5 so với tháng 4; từ 58.2 (tháng 3) xuống 56.8 (tháng 4) và hiện nay là 53.5. Chỉ số lòng tin của các doanh nghiệp nhỏ cũng giảm từ 56.2 điểm xuống 54.1 điểm trong tháng 6/2023. Sản xuất công nghiệp giảm từ 2.2 xuống 1% so với Quý trước đó; PMI tháng 6 cũng giảm so với tháng 5 theo đà của tháng 3 (từ 50.2 xuống 49 và hiện nay là 48.8).

Lòng tin tiêu dùng của Canada có sự phục hồi nhẹ trong tháng 6/2023 nhưng vẫn giữ ở mức thấp 51.43 điểm, thấp gần như những mốc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á 2009 hay đại dịch Covid 2020. Chỉ số bán lẻ của Canada so với cùng kỳ năm trước nhờ đó có sự tăng nhẹ từ 2.4 lên 2.9 điểm; đóng góp chủ yêú là hàng tiêu dùng tổng hợp, thực phẩm ăn uống; trong khi giảm nhiều nhất là nội thất, điện tử và máy móc gia dụng.

Xuất nhập khẩu hàng hóa: Tổng xuất nhập khẩu của Canada với thế giới 4 tháng đầu năm khoảng 498 tỷ CAD, trong đó xuất khẩu đạt 257 tỷ CAD, tăng 6,39%. Nhập khẩu đạt 242 tỷ CAD, tăng 6,53% so với cùng kỳ 2022 (nhưng là tăng trưởng âm cho cả xuất và nhập khẩu nếu tính theo USD). Thặng dư thương mại đạt 15 tỷ CAD[5]. Xét riêng tháng 5, xuất khẩu hàng hóa của Canada giảm 3.8%, trong khi nhập khẩu tăng 3%. Kể từ năm 2020, đây là tháng đầu tiên, Canada ghi nhận mức thâm hụt lớn đến 3.4 tỷ CAD do có sự sụt giảm của cầu thế giới về các sản phẩm Canada có thế mạnh như ngũ cốc, dầu khí; trong khi Canada tăng nhập xe cộ và phương tiện đi lại[4]. Xuất khẩu khoáng sản, năng lượng và ô tô đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu. Hoa Kỳ vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Canada và Canada vẫn duy trì mức thặng dư lớn với Hoa Kỳ nhờ vào việc duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào địa bàn này. Trong 4 tháng đầu năm, Canada nhập khẩu tăng hầu hết ở cả 10 đối tác chủ yếu (trừ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan),  trong đó, nhập khẩu từ Hoa Kỳ chiếm một nửa tổng nhập khẩu của Canada. Canada cũng ghi nhận mức tăng nhập khẩu mạnh từ các nước đối tác đồng minh như Nhật Bản (9.9%), Đức (9.2%), Anh (13.8%). Ngược lại, về xuất khẩu, Canada giảm mạnh xuất khẩu tới hầu hết các nước đối tác chính, riêng xuất khẩu của Canada vào địa bàn Trung Quốc lại ghi nhận mức tăng trưởng đột biến đến 26.8% so với năm trước.

[1] https://globalnews.ca/news/9803771/canada-gdp-april-2023/

[2] Số liệu tăng trưởng tháng 5/2023 dự kiến sẽ được công bố vào ngày 28/7/2023: https://www150.statcan.gc.ca/n1/daily-quotidien/230630/dq230630a-eng.htm?lnk=dai-quo&indid=3569-1&indgeo=0

[3] Trong 5 năm, từ 2017-2022, nền kinh tế Canada đã tăng quy mô thêm 30%, đạt mức 2.8 triệu tỷ USD.

[4] https://www150.statcan.gc.ca/n1/daily-quotidien/230706/dq230706a-eng.htm?lnk=dai-quo&indid=3612-3&indgeo=0

TS. Quỳnh Trần, Tham tán thương mại

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn