124 Thương hiệu quốc gia Việt Nam làm nên 1,4 triệu tỉ đồng cho đất nước

11864

Với 283 sản phẩm được công nhận là Thương hiệu quốc gia Việt Nam đến từ 124 doanh nghiệp, doanh thu tạo nên lên tới 1,4 triệu tỉ đồng trong năm 2020.

Tối 25-11, Bộ Công thương đã tổ chức Lễ Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020 với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh – Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam – qua 17 năm chương trình đã góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò quan trọng của thương hiệu trong việc gia tăng giá trị cho sản phẩm gắn với 3 tiêu chí: chất lượng, đổi mới sáng tạo và năng lực tiên phong.

Theo đó, các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia đã khẳng định vị thế hàng đầu vững chắc trong lĩnh vực hoạt động của mình, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu dù gặp phải không ít khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến khó lường. 

124 Thương hiệu quốc gia Việt Nam làm nên 1,4 triệu tỉ đồng cho đất nước - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG tạo việc làm cho hơn 471.000 lao động – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Theo số liệu báo cáo của 124 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2020, tổng doanh thu năm 2019 đạt trên 1,4 triệu tỉ đồng, tổng doanh thu xuất khẩu đạt hơn 137 nghìn tỉ đồng, tổng nộp ngân sách nhà nước trên 200 nghìn tỉ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 471 nghìn lao động. Doanh nghiệp cũng đóng góp hoạt động xã hội 9,5 nghìn tỉ đồng và nộp bảo hiểm xã hội trên 20 nghìn tỉ đồng.

Việc tuyên truyền, quảng bá của chương trình góp phần tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Trong năm 2020 mặc dù gặp khó khăn, kỳ xét chọn thương hiệu quốc gia vẫn thu hút hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia.

Điểm nhấn chương trình là số lượng doanh nghiệp và sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tăng với tỉ lệ cao nhất từ trước đến nay, tăng 27 doanh nghiệp so với năm 2018, có 17 doanh nghiệp đã có 7 lần liên tiếp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia kể từ kỳ xét chọn đầu tiên.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng số lượng các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng nhanh thể hiện rõ niềm tin ngày càng tăng của doanh nghiệp đối với các đường lối, chính sách của Chính phủ. Đồng thời khẳng định chất lượng hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam ngày càng được cải thiện, dù trong khó khăn doanh nghiệp vẫn nỗ lực tiên phong, đổi mới, sáng tạo.

Để phát huy, Phó Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam cần khai thác tốt tiềm năng, tận dụng lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu thông qua giá trị thương hiệu, kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp với Thương hiệu quốc gia Việt Nam; thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, tăng cường chủ động hội nhập, đặc biệt trong bối cảnh kỷ nguyên số, cách mạng 4.0.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương cần tiếp thu đầy đủ các đề xuất, kiến nghị, tạo điều kiện thuận lợi về chính sách, cơ chế và nguồn lực, hỗ trợ các doanh nghiệp trong thời gian tới, hướng đến mục tiêu năm 2030 có trên 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

N.AN

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn