Khai thác cơ hội xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm chế biến của Việt Nam vào thị trường Canada

67545

Thị trường bán lẻ của Canada bao gồm khoảng 24.000 cửa hàng bán lẻ và 5 chuỗi siêu thị lớn chiếm lĩnh trên 80% thị phần. Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và tạp hoá chủ yếu tập trung ở 3 tỉnh bang Ontario, Quebec và British Colombia (74%), nơi tập trung đa số dân cư. Giá trị tiêu dùng của thị trường bán lẻ thực phẩm và đồ uống của Canada trước khủng hoảng lạm phát trung bình khoảng 100 tỷ CAD/năm[1], trong đó giá trị nhập khẩu khoảng 30 tỷ. Hiện nay trong hệ thống phân phối Canada, ước tính có khoảng 100.000 đầu sản phẩm, khoảng 75% có nguồn gốc từ Canada; 25.000 đầu sản phẩm là nhập từ thế giới.

Do tình trạng thống lĩnh của các chuỗi phân phối lớn, các cửa hàng tiện lợi,  và tạp hoá dần bị thu hẹp thị phần vì không thể cạnh tranh. Ngược lại, các siêu thị mang tính sắc tộc (siêu thị châu Á, siêu thị Hàn Quốc, siêu thị Việt Nam…) có xu hướng mở rộng và hiện có tốc độ tăng trưởng cao nhất ngành bán lẻ tại Canada với 10% trong khi tốc độ tăng trưởng trung bình toàn ngành chưa đến 5%. Với cơ cấu dân cư trên 40 triệu người, trong đó khoảng 19% có nguồn gốc châu Á và có mức nhập cư tăng đều qua các năm, các sản phẩm thực phẩm chế biến của Việt Nam còn có nhiều tiềm năng để thâm nhập thị trường Canada.

Tuy nhiên, để đưa hàng vào hệ thống bán lẻ ở Canada, các doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù chính phủ Canada công bố công khai danh bạ các nhà nhập khẩu Canada theo ngành hàng và mã HS, nhưng khi các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận để chào bán sản phẩm, các nhà nhập khẩu Canada và các chuỗi siêu thị thường không phản hồi. Hàng hoá đưa vào hệ thống bán lẻ ở Canada chủ yếu dưới ba hình thức: hàng sản xuất theo đặt hàng của siêu thị (private label); chuỗi phân phối đặt mua trực tiếp (thường là của các công ty đa quốc gia sản xuất) và qua các nhà mua buôn/tổng đại lý nhập khẩu.

Hệ thống bán lẻ thường có đội ngũ quản lý ngành hàng có trách nhiệm tìm kiếm để giới thiệu lên kệ các sản phẩm mới sau quy trình bình chọn nội bộ. Tuy nhiên thực tế, các quản lý ngành hàng đều phụ thuộc vào các nhà môi giới, bán buôn, đại lý tổng kho để có thông tin về các sản phẩm mới. Các chuỗi bán lẻ thường không tham gia vào các đoàn vào mua hàng, tìm kiếm nguồn cung và ít trực tiếp tham gia vào các hội chợ triển lãm thực phẩm và hàng tiêu dùng. Mỗi đại lý nhập khẩu chỉ quản lý từ 10-25 nhãn hãng tại một thời điểm và có vị trí đối thoại tốt hơn các nhà sản xuất trong quan hệ với chuỗi bán lẻ.

Như vậy, đối với các mặt hàng mới muốn chào bán vào thị trường, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần tiếp cận được các nhà môi giới hoặc tổng đại lý nhập khẩu tại các hội chợ triển lãm hoặc các sự kiện kết nối giao thương do Thương vụ tổ chức. Các nhà môi giới đóng vai trò trung gian tìm kiếm khách hàng, hỗ trợ tiếp xúc đàm phán, giới thiệu các tính năng sản phẩm và có thể giúp thiết lập mạng lưới phân phối. Nhà môi giới thường không đứng tên giấy tờ mà các nhà nhập khẩu mới là người làm thủ tục nhập khẩu, nộp các chứng chỉ và thủ tục kiểm định. Hàng hoá được nhập khẩu sẽ đặt tại kho của nhà nhập khẩu hoặc chuyển về kho của nhà phân phối, từ đó sẽ bán cho các cấp phân phối khác nhau (chuỗi siêu thị lớn, cửa hàng tiện lợi hoặc tạp hoá).

Trong năm 2023, Thương vụ đã phối hợp với các đối tác Canada thử nghiệm mô hình đưa đoàn các nhà nhập khầu và phân phối Canada vào Việt Nam kết nối giao thương với 30 doanh nghiệp Việt Nam đã được chuyên gia của hai nước đào tạo và tuyển chọn trong năm 2023 nhằm đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của thị trường và thị hiếu tiêu dùng Canada. Đoàn 5 doanh nghiệp nhập khẩu và 2 siêu thị Canada đã có trên 100 cuộc kết nối riêng 1-1. Sau đó, tại hội chợ Foodexpo, đoàn doanh nghiệp Canada còn có cơ hội tiếp cận thêm với gần 500 doanh nghiệp tham gia trưng bày tại hội chợ. Ước tính, mỗi doanh nghiệp Canada vào Việt Nam đã tìm được ít nhất 4 mặt hàng mới và tiến đến ký kết hợp đồng.

Đáng lưu ý, trong số các doanh nghiệp tham gia đoàn về, có công ty K&D Trading có trụ sở tại Vancouver và tổng kho ở 2 thành phố lớn Vancouver và Toronto. Đây là doanh nghiệp do nữ làm chủ – chị Hoàng Hải Thu – một sinh viên Việt Nam sang Canada du học vào cuối những năm 2000. Sau khi đưa thành công một số thương hiệu lớn của Việt Nam vào thị trường như: yến sào Khánh Hoà, sữa đặc có đường Vinamilk, mì Omni, gạo ST 25, bơ Tường An…, K&D Trading đã mở rộng hoạt động sang cả lĩnh vực kho vận, giao hàng và thương mại điện tử.

Kể từ sau đại dịch, người dân Canada đã rất quen thuộc với các kênh thương mại điện tử để phục vụ nhu cầu mua sắm thực phẩm và đồ uống. Theo báo cáo của Statista 2023[2],  giá trị bán lẻ thương mại điện tử của Canada lên đến 62 tỷ đôla Mỹ, trong đó giá trị thực phẩm chế biến chiếm 1.6 tỷ đô la. Hiện nay, thị phần thực phẩm chế biến mới chỉ chiếm 2.5% giá trị giao dịch thương mại điện tử nhưng được dự báo sẽ lên gấp đôi vào năm 2025 và sẽ còn tăng mạnh nữa. Hiện nay, đã có 15% thế hệ thanh niên genZ lựa chọn đi chợ qua mạng và giao hàng tại nhà. 34% số người tiêu dùng Canada nhận định mua thực phẩm online là tiện dụng. Vì vậy, gần đây, ở Canada đã bắt đầu xuất hiện một số những sàn thương mại điện tử chuyên biệt cho hàng thực phẩm bên cạnh Amazon, ví dụ như InstaCart, với số lượng người dùng ứng dụng ngày một tăng. Bên cạnh đó, các chuỗi siêu thị thực phẩm lớn của Canada cũng đã phát triển sàn thương mại điện tử của mình như Loblaw, Shoppersdrugmart, Walmart, TnT…

Những phân tích trên cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam thực phẩm chế biến sẽ có cơ hội rất tốt để thâm nhập vào thị trường Canada thông qua thương mại điện tử vì độ dung nạp của thị trường lớn; người tiêu dùng Canada có xu hướng “phụ thuộc” vào thương mại điện tử nhiều hơn người dân các nước khác do cường độ làm việc cao, nền tảng thanh toán thuận lợi an toàn và tốc độ Internet cao.

Ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiếp cận các nhà phân phối, Thương vụ đặc biệt quan tâm đẩy mạnh khả năng xuất khẩu trực tuyến sang Canada qua nền tảng thương mại điện tử (TMĐT). Do đặc thù của hàng thực phẩm nhập khẩu không cho phép đóng gói và kiện toàn dịch vụ từ nước ngoài (parcel and fulfillment from oversea), việc tìm được các trung gian thương mại điện tử với mức giá hợp lý sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ dễ dàng tiếp cận thị trường nước ngoài. Các trung gian thương mại điện tử này ngoài việc duy trì mở “quầy” trên các sàn giao dịch điện tử tại Canada, trực tiếp bán các sản phẩm tại Canada, sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam vấn đề giấy phép, vận chuyển, kho bãi, đóng gói…. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải trả một số chi phí như: phí quản lý mã hàng, phí lưu kho và phí quầy thương mại điện tử, tuy nhiên, theo chúng tôi, các chi phí này hoàn toàn đáng bỏ ra để tiếp cận thị trường, thử nghiệm thị hiếu tiêu dùng và quảng bá thương hiệu; trong khi chi phí đưa hàng vào hệ thống bán lẻ lớn ở Canada lớn[3] (shelf space fees, slotting fees, listing fees cho từng sản phẩm); sau giai đoạn bán thử, nhiều siêu thị không tiếp tục đơn hàng, khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam vừa mất phí lớn, vừa chịu ép giá. Đưa hàng vào hệ thống siêu thị còn chịu đọng vốn lớn do hầu hết các siêu thị Canada đều yêu cầu trả chậm ít nhất 90 ngày. Hơn nữa, tham gia vào thương mại điện tử, doanh nghiệp Việt Nam có độ tương tác cao với người tiêu dùng nước ngoài để có thể linh hoạt điều chỉnh sản xuất theo thị hiếu, nhu cầu; không bị đọng vốn vì thanh toán trực tiếp, chi phí ban đầu bỏ ra thấp, toàn quyền kiểm soát thương hiệu…

Tham gia đoàn mua hàng vào Việt Nam lần này, ngoài việc nhập khẩu một số mặt hàng đưa vào các chuỗi bán lẻ tại Canada, K&D Trading còn  triển khai chương trình cung ứng trung gian dịch vụ thương mại điện tử, theo đó, K&D Trading sẽ đứng ra là nhà nhập khẩu (xin giấy phép nhập khẩu), làm thủ tục hải quan, cung ứng dịch vụ lưu kho, giao nhận và trung gian bán hàng trên một hoặc cùng lúc trên nhiều sàn thương mại điện tử. Chia sẻ với Thương vụ, lãnh đạo của K&D Trading còn chia sẻ tham vọng xây dựng một sàn giao dịch thương mại điện tử của riêng mình nhằm phục vụ cộng đồng người Việt ở Canada, gắn với các chuỗi siêu thị của người Việt tại Canada.

Tham gia thương mại điện tử là xu thế không thể đảo ngược, vì vậy các doanh nghiệp tự tin với chất lượng sản phẩm (bao bì, nhãn mác, chứng chỉ), có năng lực cạnh tranh (giá cả, tính ưu việt của sản phẩm), có sản lượng sản xuất đủ lớn để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng,… cần nhanh chóng nắm bắt xu thế để tiếp cận các nhà nhập khẩu toàn cầu. Thị trường Canada rất thích hợp để các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ có thể thử nghiệm tham gia thương mại xuyên biên giới và test thị hiếu khách hàng vì vào được thị trường Canada, các sản phẩm của Việt Nam không chỉ có thể tiếp cận được cộng đồng người Hoa, người Ấn, người theo đạo Hồi mà còn là chứng chỉ để mở cánh cửa các thị trường khó tính có tiêu chuẩn cao khác trên thế giới.

TS. Quỳnh Trần, Tham tán thương mại

[1] Ước tính mỗi người dân tiêu dùng khoảng 10-12% thu nhập trung bình cho chi phí thực phẩm, tức khoảng 6-8000CAD/năm/đầu người.

[2] https://www.statista.com/topics/7056/online-grocery-market-in-canada/

[3] Xem thêm bài: https://vntradetoca.org/thuan-loi-kho-khan-tham-gia-vao-he-thong-phan-phoi-tai-thi-truong-canada/

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn