Chính sách kinh tế của Canada 2023 để khắc phục suy thoái và lạm phát

25119

Để đối phó với nguy cơ lạm phát và suy thoái, Chính phủ Canada đã có một số giải pháp kinh tế và động thái chính sách nhằm khắc phục những khó khăn nội tại của nền kinh tế Canada với những vấn đề riêng của mình (thiếu hụt lao động, năng lực vận tải và bốc dỡ thấp, hiệu suất lao động thấp); cũng như khắc phục những khó khăn mang tính bối cảnh chung của nền kinh tế quốc tế (lạm phát, đứt gẫy nguồn cung, giá năng lượng, cầu thị trường toàn cầu giảm, bóng ma suy thoái và bong bóng tài chính ngân hàng…). Bài viết dưới đây xin tổng hợp phân tích một số nội dung chính:

Chính sách tài khoá, tiền tệ để thúc đẩy xuất khẩu, giảm lạm phát:

Ngân hàng trung ương Canada duy trì chính sách tài khoá và tiền tệ thắt chặt theo đó duy trì lãi suất cao để giúp nền kinh tế Canada giảm tăng trưởng nóng, cung không đáp ứng đủ cầu (thiếu lao động và thiếu hàng hoá đẩy giá lên). Chính phủ Canada cho rằng tăng lãi suất sẽ làm giảm cầu (giảm tiêu dùng) và giảm vay tiêu dùng và đầu tư (vì chi phí vay đắt lên), từ đó sẽ giảm lạm phát. Việc Canada thực hiện cả chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt đã bắt đầu mang lại những hiệu ứng tích cực ban đầu: lạm phát bắt đầu giảm nhẹ, giá nhà đã hạ nhiệt khoảng 20% (dần trở về mức trước Covid và dự báo sẽ còn thấp hơn), lãi suất cao bắt đầu làm giảm cầu. Lương cơ bản của Canada cũng tăng đều đặn, giúp làm giảm áp lực của lạm phát làm chi phí sống tăng cao. Chính sách tài khoá thắt chặt, vì vậy, Canada đã giảm được tỷ lệ nợ liên bang và giảm thâm hụt ngân sách. Bên cạnh đó, Canada tiếp tục duy trì chính sách tỷ giá thấp so với đồng đô la Mỹ và các ngoại tệ chính khác để thúc đẩy xuất khẩu: đồng CAD dao động quang 0.72-0.73 so với USD trong khi giai đoạn này năm 2021 là 0.82-0.83; và 0.79-08.0 năm 2022. Chính sách tỷ giá thấp giúp Canada duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khá ổn định (vẫn tăng 6.7% so với cùng kỳ năm 2022). Tất nhiên, việc điều hành chính sách tỷ giá và tài chính tiền tệ như vậy diễn ra trong điều kiện khá đặc thù của Canada: thị trường lao động Canada hiện nay đang rất khan hiếm (tỷ lệ thất nghiệp Canada ở mức thấp kỷ lục); nhu cầu của thế giới đối với các hàng hoá xuất khẩu của Canada vẫn đứng ở mức cao cả về giá và về lượng; vì vậy, khó có kịch bản lãi suất cao dẫn đến suy thoái kinh tế ở Canada như ở các nước khác. Trong số các nước G7, Canada ít chịu tác động bởi việc sụt giảm tiêu dùng và nhu cầu sản xuất toàn cầu vì các hàng hoá xuất khẩu mà Canada có thế mạnh chủ yếu vẫn là nguyên vật liệu cơ bản. Là nước xuất khẩu năng lượng ròng, sản xuất của Canada không chịu áp lực lớn vì các yếu tố như thiếu hụt năng lượng, đứt gẫy nguồn cung, áp lực tăng giá…

Chính sách ngân sách, đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực nền tảng:

Canada thực hiện chính sách tài khoá chặt nhằm cắt giảm hơn nữa tỷ lệ nợ ròng chung của Chính phủ trên GDP và thâm hụt ngân sách. Mặc dù vậy Kế hoạch Ngân sách 2023 vẫn dành ra những khoản đầu tư đáng kể để xây dựng nền kinh tế xanh, sạch,vững chắc và phồn vinh[1]. Ưu tiên phân bổ ngân sách và đầu tư công nhằm vào các giải pháp chuyển đổi nền kinh tế xanh và trung hoà carbon; các giải pháp cải thiện năng suất của nền kinh tế và cải thiện năng lực vận tải và logistics nội địa và đặc biệt, khả năng xử lý vấn đề già hoá dân số và thiếu hụt lao động. Đặc biệt, để đảm bảo triển vọng tăng trưởng dài hạn và sức cạnh tranh của nền kinh tế, Chính phủ Canada tập trung đầu tư vào các lĩnh vực: điện khí hoá, năng lượng sạch, sản xuất sạch, giảm phát thải, chế biến khoảng sản thiết yếu, xe điện và pin xe điện, các dự án hạ tầng lớn và cùng với nó là các khoản đầu tư vào R&D và nguồn lực con người[2]. Chính phủ Canada cho rằng đây là những đòn bẩy của đầu tư công để tác động lên khu vực tư nhân, định hướng cho khu vực tư nhân tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và có năng lực cạnh tranh trong các lĩnh vực công nghệ sạch của tương lai. Chính sách ngân sách và đầu tư công của Canada dựa trên tiền đề là nợ công và thâm hụt ngân sách của Canada từ nhiều năm nay (2019 đến nay) luôn ở mức thấp nhất trong các nước G7. Canada cũng là nước đã đầu tư rất lớn cho chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế xanh và trung hoà carbon từ năm 2015. Nền tảng con người, hạ tầng kỹ thuật và tài nguyên thiên nhiên của Canada là những yếu tố riêng có, giúp Canada dễ dàng chuyển hướng chiến lược. Dưới đây là một số định hướng đầu tư công cụ thể:

  • Trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, Canada dự kiến sẽ đầu tư từ 60 đến 140 tỷ CAD/năm, chủ yếu từ khu vực tư nhân và chính phủ Canada đang triển khai nhiều cơ chế chính sách và ưu đãi để huy động nguồn vốn này (đầu tư hạ tầng, đầu tư R&D, hỗ trợ đổi mới sáng tạo…) và đầu tư dưới dạng tín dụng thuế[3] vào những lĩnh vực như công nghệ hydrogen, điện sạch, lưu giữ và sử dụng carbon, áp dụng công nghệ sạch, sản xuất xanh và công nghệ sạch… Canada cũng đầu tư những khoản ngân sách lớn để đổi mới và nâng cao năng lực thực thi của các cơ quan có vai trò quan trọng trong chuyển đổi năng lượng: Cơ quan điều tiết nâng lượng Canada, Uỷ ban an toàn hạt nhân Canada, Cơ quan tài nguyên Canada, Cơ quan đánh giá tác động Canada… với giá trị lên đến gần 1.5 tỷ CAD.
  • Đầu tư vào phát triển năng lực cung ứng điện và truyền tải điện: Dự kiến Canada sẽ tiêu dùng lượng điện gấp hai lần hiện nay vào năm 2050, vì vậy, năng lực sản xuất phải tăng từ 2.2 đến 3.4 lần so với hiện tại. Canada sẽ phải đầu tư lớn vào lĩnh vực truyền tải và phát điện. Chính phủ Canada đã công bố sẽ xây dựng đường dây truyền tải điện quốc gia nối kế bờ Đồng với bờ Tây để đảm bảo cung ứng điện sạch và có mức giá tốt hơn cho ngươi dân và doanh nghiệp. Ngân sách 2023 đã công bố sẽ áp dụng mức tín dụng thuế 15% cho các dự án đầu tư điện sạch (gió, mặt trời, hydro, và cả năng lượng nguyên tử); các dự án lưu trữ điện sạch không sử dụng năng lượng không tái tạo, các dự án đầu tư xây dựng đường truyền tải liên tỉnh bang và các dự án đào tạo lao động trong lĩnh vực năng lượng sạch. Tổng trị giá tín dụng thuế giai đoạn 2023-2025 là 6.4 tỷ CAD và có thể thêm tới gần 20 tỷ USD cho đến 2035. Ngoài ra, Ngân hàng hạ tầng Canada sẽ tiếp tục đầu tư ít nhất 10 tỷ CAD vào các lĩnh vực năng lượng sạch ưu tiên và khoảng 10 tỷ CAD nữa vào các lĩnh vực hạ tầng xanh ưu tiên[4]. Canada cũng công bộ sẽ dành 3 tỷ CAD trong 13 năm kể từ 2023 cho Cơ quan tài nguyên Canada để đầu tư vào các dự án điện tái tạo và Chương trình truyền tải thông minh ở các khu vực địa lý ưu tiên. Đặc biệt, đối với năng lượng hydrogen sạch, Canada công bố tiếp tục đầu tư lớn với mức tín dụng thuế dao động từ 15-40%. Đối với thiết bị để chuyển đổi hydrogen và vận tải hydrogen, mức tín dụng thuế là 15%. Khoản tín dụng thuế này lên đến 5.6 tỷ CAD trong 5 năm và sẽ bổ sung thêm 12.1 tỷ CAD đến 2035.
  • Để hỗ trợ các ngành công nghệ và sản xuất sạch, Ngân sách 2023 cũng công bố sẽ tiếp tục chương trình tín dụng lên đến 30% giá trị đầ tư vào các dự án nghiên cứu, triển khai công nghệ để khai thác, chế biến, xử lý, tái tạo các khoáng sản thiết yếu (lithium, cobalt, nickel, đồng, đất hiếm…); các dự án sản xuất và thiết bị năng lượng hạt nhân hoặc tái tạo; các máy móc thiết bị trong sản xuất xanh; các dự án xử lý và tái chế năng lượng hạt nhân và nước nặng; các dự án sản xuất ô tô điện, và các dự án sản xuất các thiết bị lưu trữ điện năng lớn. Khoản tín dụng này lên tới 4.5 tỷ CAD trong giai đoạn 2023/2024 và sẽ bổ sung 6.6 tỷ CAD trong cho đến 2035. Ngoài ra, Canada định hướng trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất xe điện toàn cầu nên sẽ dành những ưu đãi lớn đối với các dự án đầu tư nước ngoài vào sản xuất pin xe điện và các thiết bị giá trị cao của xe điện tại Canada.
  • Canada dành 15 tỷ CAD vào Quỹ tăng trưởng Canada để khuyến khích các dự án đầu tư tư nhân vào lĩnh vực công nghệ, cung ứng ít phát thải và sản xuất xanh. Ngân sách 2023 cũng công bố đầu tư thêm 500 triệu CAD trong 10 năm vào Quỹ đổi mới chiến lược nhằm hỗ trợ các dự án phát triển và ứng dụng công nghệ sạch[5]. Ngân sách cũng công bố mức tín dụng thuế 30% cho các doanh nghiệp Canada đầu tư máy móc nhằm sản xuất sạch. Dự kiến tổng giá trị của tín dụng thuế giai đoạn 5 năm tới là 6.9 tỷ CAD. Ngoài ra, Canada tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (từ 4.5-7.5%) để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất ứng dụng công nghệ không phát thải vào quy trình sản xuất. Dự kiến, việc giảm thuế này có giá trị khoảng 100 triệu CAD/năm cho đến 2035. Để tăng cường nguồn vốn cho các doanh nghiệp thực thi nghiên cứu, đổi mới, Canada sẽ lập một doanh nghiệp Nhà nước (Crown cooperation) có vai trò hỗ trợ đổi mới. Hội đồng nghiên cứu quốc gia cũng được trao thêm thẩm quyền nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Canada tiếp cận nhanh chóng cơ sở hạ tầng nghiên cứu và kết quả nghiên cứu của cơ quan này.
  • Là một nước có nền kinh tế mở, Canada tiếp tục coi trọng thương mại và đầu tư vào lĩnh vực thương mại. Canada ưu tiên các đối tác thương mại đồng minh nhằm đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào các đối tác “phi dân chủ”. Canada công bố các khoản ngân sách nhằm giảm các rào cản thương mại (các dự án nghiên cứu để tìm ra các giải pháp thuận lợi hoá thương mại; lập trung tâm thông tin và dữ liệu thương mại; lập cơ sở dữ liệu vận tải để kế hoạch hoá tốt hơn chuỗi cung ứng; lập Văn phòng vận tải và hạ tầng chuỗi cung ứng; xây dựng và khai thác các cơ chế công nhận tiêu chuẩn với các đối tác thương mại quốc tế…). Canada cũng tiếp tục đầu tư lớn vào hạ tầng thương mại để tạo điều kiện cho chu chuyển thương mại thuận lợi (cảng, sân bay, đường sắt, đường cao tốc) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp giảm chi phí vận tải và logistics góp phần cạnh tranh tốt hơn khi xuất khẩu[6]. Ngân sách 2023 sẽ đầu tư thêm 210 triệu CAD vào các dự án đường sắt, chủ yếu trên hành lang Quebec-Windsor và hàng trăm triệu CAD cho các dự án đường cao tốc. Ngoài ra, Ngân sách 2023 cũng công bố các khoảng đầu tư quan trọng vào các lĩnh vực: Rừng, Sữa, Nông nghiệp, Sản xuất phân bón, Đào tạo…

Chính sách thúc đẩy tiêu dùng:

Để thúc đẩy tiêu dùng, thông qua các giải pháp để kiềm chế lạm phát, Chính phủ Canada đã có nhiều biện pháp trợ giúp tài chính gián tiếp hoặc trực tiếp cho các hộ gia đình, đặc biệt cho những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất. Ngoài việc tiếp tục các chương trình hỗ trợ chi phí nuôi con, hỗ trợ thu nhập tối thiểu, an sinh cho người già, các chương trình hỗ trợ chi phí giáo dục mầm non, chi phí mua nhà ở, trong năm 2023, Canada còn tiếp tục đưa ra các chương trình hỗ trợ người lao động và hỗ trợ sinh viên nhằm củng cố và phát triển tầng lớp trung lưu của Canada; đồng thời hỗ trợ cho lực lượng lao động nữ.  Các biện pháp hỗ trợ năm 2023 hầu hết đều dưới dạng trực tiếp bằng tiền, lên tới 2.5 tỷ CAD dành cho 11 triệu gia đình Canada có thu nhập thấp và trung bình để giúp đối phó với lạm phát. Ngoài ra, các gia đình có trẻ nhỏ, trên 75 tuổi, hoặc có thu nhập thấp còn nhận được các khoản hỗ trợ bằng tiền khác để chi trả chi phí thuê nhà, khá chữa răng, chi trả giáo dục mầm non… Đối với sinh viên, Canada còn triển khai các khoản hỗ trợ tài chính lên tới 40% chi phí đào tạo và triển khai cho vay không lãi suất, dự kiến lên đến 813.6 triệu CAD trong năm 2023 -2024. Ngoài ra, để giúp thị trường xây dựng và nhà đất thoát khỏi tình trạng suy thoái, cũng như để người dân Canada có điều kiện sở hữu nhà trong điều kiện lãi suất và phí thế chấp tài sản cao, Chính phủ Canada cũng công bố các khoản tín dụng để mua ngôi nhà đầu tiên của mình, có thể lên đến 40,000 CAD mỗi người; đồng thời giảm trực tiếp các khoản phí liên quan đến việc mua nhà (trị giá 1,500 CAD) . Ngoài ra, Canada còn dành tổng cộng khoảng 6 tỷ CAD cho các Quỹ phát triển nhà ở, đặc biệt là các dự án nhà cho thuê, nhà giá rẻ, nhà cho người da đỏ bản địa và nhà ở dành cho phụ nữ.

Chính sách thương mại quốc tế:

Canada tiếp tục theo đuổi chính sách thương mại mở và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế nhằm thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu. Hiện nay, Canada đã có 15 Hiệp định thương mại tự do, bao trùm 51 nền kinh tế chủ yếu với khoảng 1.5 tỷ người tiêu dùng. Canada hiện là nước duy nhất trong G7 có quyền tiếp cận thị trường mở với tất cả các nền kinh tế G7 khác. Ngoài việc công bố Chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cuối năm 2022 nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ, đa dạng hoá đối tác và tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới. Canada tiếp tục các nỗ lực mở cửa thị trường và tự do hoá thương mại với các đối tác thương mại chủ yếu như: Đầu tháng 1/2023, trong chuyến thăm Mexico để tham dự Hội nghị thượng định lãnh đạo Bắc Mỹ, Thủ tướng Canada đã công bố Kế hoạch hành động mới cho quan hệ Canada-Mexico. Kế hoạch hành động gồm 9 trụ cột, trong đó trụ cột thương mại và đầu tư nhằm để đẩy mạnh hơn nữa tính kết nối giữa hai nền kinh tế và tính cạnh tranh của hai nền kinh tế nói riêng và của khu vực Bắc Mỹ nói chung. Hai lãnh đạo đã khẳng định tầm quan trọng của khuôn khổ thương mại và đầu tư minh bạch có khả năng đoán định và dựa vào luật pháp, với nền tảng là Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ CUSMA. Trong chuyến thăm chính thức tới Canada trong tháng 1/2023, hai nhà lãnh đạo Nhật và Canada đã khẳng định mối quan hệ chiến lược giữa hai nước và cam kết chung vì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, mở và bao trùm. Ngoài các mối quan tâm về an ninh, hai bên còn trao đổi về khả năng tăng cường hợp tác hơn nữa trong thương mại, đầu tư, đổi mới và kết nối chuỗi cung ứng để thúc đẩy tăng trưởng và tạo thêm việc làm. Hai bên cũng trao đổi về các lĩnh vực hợp tác mới như nông nghiệp thực phẩm, năng lượng, khoáng sản thiết yếu, pin xe điện và các công nghệ mới nổi. Đối với Hoa Kỳ, Canada đã có sự xích lại đáng kể sau nhượng bộ của hoa Kỳ trong các vấn đề liên quan đến Luật giảm lạm phát và Luật đầu tư hạ tầng và việc làm. Canada và Hoa Kỳ đã khẳng định làm sâu sắc hơn hội nhập kinh tế giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ sạch, phát triển nhân lực để nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế hai nước. Ngoài ra, hai nước còn lập Nhóm Công tác về chuyển đổi năng lượng[7] nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, nhất là trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, khoáng sản thiết yếu, đất hiếm, đường dây truyền tải, đường ống ga dầu và xe điện[8] nhằm đạt được mục tiêu phát thải về không. Hai nước đặc biệt nhấn mạnh vấn đề hợp tác để đảm bảo an ninh, ngoài năng lượng, quốc phòng, trong lĩnh vực bán dẫn, hai nước cũng cam kết phát triển và đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng bền vững. Canada cũng rất tích cực thúc đẩy Quan hệ đối tác châu Mỹ vì thịnh vượng kinh tế (APEF) và quan hệ song phương với các đối tác châu Mỹ, thể hiện qua các nỗ lực thúc đẩy đàm phán với Chile, Ecuador… Canada cũng có nhiều chuyến thăm, trao đổi điện đàm với các nhà đồng cấp ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm mở ra các cơ hội mới cho Canada về tăng trưởng, đầu tư, việc làm và xây dựng nền kinh tế bền vững, có khả năng chống chịu và phát triển bao trùm; đặc biệt để vận động các nước ủng hộ Canada sớm gia nhập IPEF, ủng hộ nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược Canada-ASEAN và ký kết Hiệp định thương mại tự do Canada-ASEAN. Ở khu vực này, Canada đang đẩy nhanh đàm phán FTAs với Indonesia, Ấn Độ và hiệp định thúc đẩy xúc tiến và bảo hộ đầu tư với Đài Loan.

[1]  Kế hoạch ngân sách 2023 tập trung chủ yếu tập trung vào 4 ưu tiên ngắn hạn như: 1. Giúp giảm gánh nặng lạm phát cho người dân; 2. Cải thiện hệ thống y tế công; 3. Thực hiện chính sách tài khoá có trách nhiệm nhằm giảm mức thâm hụt ngân sách[1]; 4. và Đầu tư để xây dựng nền kinh tế xanh, sạch,vững chắc và phồn vinh.

[2] Từ nay đến năm 2050, dự kiến mỗi năm, Canada sẽ đầu tư từ 60-140 tỷ CAD nhằm thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng.

[3] Nghĩa là doanh nghiệpược giữ lại tiền thuế phải nộp để đầu tư trở lại phát triển sản xuất kinh doanh; Nhà nước cho DN vay vốn một cách trực tiếp, không cần tài sản thế chấp, không phải trả lãi vay, tạo điều kiện thuận lợi về vốn, giúp DN đầu tư phát triển, phục hồi tăng trưởng nền kinh tế.

[4] Tính đến 23/3/2023, Ngân hàng này đã đầu tư 8.6 tỷ CAD vào 37 dự án.

[5] Nguồn lực của Quỹ hiện nay đã là 1.5 tỷ CAD.

[6] Hiện nay, Chính phủ liên bang đã đầu tư hơn 33 tỷ CAD vào hạ tầng công.

[7] Hai nước có kế hoạch phát triển cơ chế đo lường, giám sát, báo cáo và kiểm tra chu trình methane và phát hải CO2 trong toàn bộ chuỗi năng lượng không tái tạo toàn cầu.

[8] Riêng trong lĩnh vực xe điện, hai nước sẽ phối hợp để đồng bộ hoá tiêu chuẩn sạc và phát triển hành lang nhiên liệu tại biên giới để xây dựng mạng lưới các trạm sạc ở biên giới hai bên.

TS. Quỳnh Trần, Tham tán thương mại

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn