Thị trường trái cây và rau củ Canada: quy định và cách tiếp cận

28727

Nhìn chung, thị trường trái cây và rau củ Canada là tương đối dễ thâm nhập. Canada không yêu cầu đàm phán mở cửa thị trường với từng sản phẩm, không cần có Nghị định thư/cấp phép để được xuất khẩu chính ngạch, cũng không cần mã số vùng trồng… Canada không đánh thuế lên hầu hết các sản phẩm rau củ quả, trừ một số sản phẩm Canada cần bảo hộ sản xuất nội địa theo mùa vụ mà Việt Nam không có thế mạnh. Nói cách khác, kể cả không có Hiệp định CPTPP, các sản phẩm rau củ quả tươi sống của Việt Nam cơ bản đều được áp thuế bằng 0 dù sử dụng form ưu đãi CPTPP, MFN hay GPT[1]. Đối với ngành rau củ quả, CPTPP chỉ có tác dụng đòn bẩy, giúp các doanh nghiệp hai nước quan tâm hơn đến cơ cấu các sản phẩm/thị trường của nhau, từ đó, gián tiếp thúc đẩy xuất khẩu. Bên cạnh đó, CPTPP có thể có tác động tích cực đến xuất khẩu rau củ quả nhờ hiệu ứng lan toả (spillover effects) nhờ sự phát triển hơn của chuỗi cung ứng, vận tải và logistics giữa hai nước. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chế biến của Canada, lựa chọn nhà cung cấp các sản phẩm đầu vào từ các nước cùng có Hiệp định thương mại tự do là xu hướng ngày càng mạnh, nhằm tận dụng nguyên tắc xuất xứ cộng gộp (cumulative origin) để sản xuất và xuất khẩu sang các thị trường mà hai nước cùng có Hiệp định thương mại tự do.

Đối với sản phẩm rau củ quả nói chung[2], Canada hoàn toàn tuân thủ theo các quy định chung của thế giới về vấn đề tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch động thực vật của WTO. Nói như thế không có nghĩa Canada là một thị trường dễ tính; để vào được thị trường, vấn đề tiêu chuẩn[3] luôn được đặt hàng đầu, bao gồm đa dạng các góc độ: tiêu chuẩn đối với chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn kích cỡ/trọng lượng/độ chín, tiêu chuẩn đóng gói và ghi nhãn, tiêu chuẩn vệ sinh (khử khuẩn trong thu hoạch, chế biến đóng gói, lưu kho, vận chuyển…).

Các tiêu chuẩn liên quan đến dư lượng thuốc trừ sâu/phụ gia, chất bảo quản, dư lượng hoá chất được cho phép trên rau củ… thuộc thẩm quyền của Cơ quan y tế Canada (Health Canada). Các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cũng được quy định tại Luật về Thực phẩm và thuốc (FDR) và Luật về an toàn thực phẩm (SFR). Riêng sản phẩm organic phải được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn organic của Canada do 1 cơ quan chứng nhận được Cơ quan kiểm soát thực phẩm Canada (CFIA) cấp phép. Ngoài ra, để bảo vệ môi trường, các sản phẩm nhập khẩu còn phải có một số chứng nhận theo Quy định của Luật bảo vệ cây trồng (chứng nhận kiểm dịch thực vật) và có thể bị điểu chỉnh bởi một số luật khác như Luật Bảo vệ mội trường Canada, Luật về thuốc trừ sâu.. Nếu sản phẩm trung chuyển qua Hoa Kỳ rồi mới vào Canada còn phải chịu thêm các quy định của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Một số sản phẩm kiểm soát nhập khẩu để bảo vệ  nông nghiệp Canada còn cần có chứng nhận từ các cơ quan được Canada công nhận (táo, hành, khoai tây…)[4].

Canada không cho xử lý rau củ bằng sulphites, trừ nho. Đối với các loại rau củ đi đường biển, Canada chấp nhận bảo quản bằng sáp ong/dầu khoáng, petrolatum, dầu thực vật. Đối với các rau quả tươi, Canada phê duyệt sử dụng các công nghệ pasteurization hoặc chiếu xạ (phải có logo Radura). Canada cấm nhập và yêu cầu tiêu huỷ mọi hàng hoá nhập khẩu mang vi khuẩn colìorm. Ecoli, salmonella, acillus cereus, S. clostridia and fecal streptococci, chứa nấm mốc hoặc men. Các sản phẩm vi phạm sẽ bị thu hồi để huỷ[5] và các nhà nhập khẩu sẽ bị phạt tiền và bị kiểm tra kỹ hơn cho những giao dịch sau này[6].

Về quy định ghi nhãn, các sản phẩm nhập khẩu phải tuân thủ Hướng dẫn ghi nhãn và quảng cáo sản phẩm thực phẩm của Cơ quan kiểm soát thực phẩm Canada, theo các tiêu chuẩn quy định tại Luật tiêu chuẩn an toàn thực phẩm dành cho người Canada (SFCR). trong đó phải ghi đầy đủ các thông tin: tên sản phẩm, khối lượng, thành phần, hạng/loại sản phẩm nhà/nướcsản xuất, nhà nhập khẩu, số lô, số code PLU bằng hai thứ tiếng. Canada đang tiến đến yêu cầu ghi mã GTINS (Mã số thương mại toàn cầu)/ mã PLU. Các sản phẩm nhập khẩu phải có chứng nhận xuất xứ để khai báo hải quan. Rau củ quả tươi được miễn yêu cầu ghi nhãn có thông tin hàm lượng dinh dưỡng nhưng đây là yêu cầu bắt buộc với các sản phẩm đông lạnh, sấy khô hoặc đóng lon (nhất là các thông tin về hàm lượng đường, muối, chất béo…). Đối với các sản phẩm nhập khẩu đặc sản từ các nước, Canada khuyến khích bổ sung các thông tin về cách chế biến, công thức nấu… Canada công nhận và khuyến khích các doanh nghiệp có chứng nhận Global GAP, GMP, HACCP[7]

Giá nhập khẩu một số sản phẩm rau củ quả vào Canada 2022[8]
 Tên  Lượng nhập khẩu theo kg Giá nhập khẩu theo CAD/kg Mức tăng so với 2021 theo %
Trái bơ 98,496,600

 

3.56 24
Ổi/xoài       76,138,316

 

2.48 12.6
Bưởi 31,607,898

 

1.63 10.2
Chanh        110,079,537

 

1.8 11.7
Dứa   128,856,066

 

1.11 7.9
Bí/bầu/su su         53,061,245

 

1.48 19.5
Khoai lang 81,949,627 0.96 0.4
Hành 236,358,540

 

1.36 43.6

 

Ngoài ra, người tiêu dùng Canada cũng rất quan tâm đến cách thức đóng gói và bảo quản (hút chân không, bao bì có khả năng tái chế[9]). Đối với từng loại trái cây nhà nhập khẩu sẽ yêu cầu quy cách khác nhau. Thường là: i. Quả bơ: đóng thùng carton chứa 1 khay 14-20 quả, nặng 6kg hoặc chứa 2 khay 28-40 quả nặng 12kg; ii. Quả ổi: đóng thùng 2kg; iii. Quả xoài: đóng thùng carton từ 9-12 quả, nặng 4.5kg; iv. Quả dưa lưới: đóng thùng 13.5kg; v. Quả dứa: đóng thùng 10-20kg…

Đối với sản phẩm rau củ quả chế biến nói riêng, người tiêu dùng Canada quan tâm nhiều đến các chứng chỉ xác nhận quy trình sản xuất xanh, bền vững, và công bằng (bình đẳng giới) của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần minh bạch về việc ứng dụng và tuân thủ CSR (Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là thị trường mà thương mại điện tử và các hình thức marketing số có thể đóng vai trò quan trọng nhằm tiếp cận thị trường ít tốn kém. Vì vậy, để dễ dàng tiếp cận thị trường Canada, các doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng website và hoàn thiện các chứng chỉ sản xuất, chất lượng, đăng tải công khai cùng hình ảnh nhà xưởng/kho bãi, đội ngũ lao động và sản phẩm.

Do thị trường Canada tương đối nhỏ nên các nhà nhập khẩu Canada thường yêu cầu hợp đồng độc quyền nhập khẩu đối với các mặt hàng mà họ đồng ý nhập khẩu. Theo truyền thống, tỷ suất lợi nhuận của nhà bán buôn là khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi các nhà bán lẻ thường hoạt động với tỷ suất lợi nhuận gộp là 40%. Tỷ suất lợi nhuận của nhà nhập khẩu nói chung là 10%. Trong trường hợp có khối lượng nhập khẩu lớn, thường nhà nhập khẩu sẽ yêu cầu thêm khoản hoa hồng, có thể nằm trong khoảng từ 12,5% đến 18,5% giá bán. Nhà xuất khẩu cũng có thể được yêu cầu giảm giá do chất lượng sản phẩm kém, hư hỏng trước hoặc trong khi vận chuyển hoặc giao hàng trễ. Nhà xuất khẩu cũng có thể đưa ra các điều khoản đặc biệt cho phép nhà xuất khẩu chuyển chi phí lưu kho hoặc hàng tồn kho sang cho nhà bán lẻ. Đơn đặt hàng khối lượng lớn thường đi kèm với các điều khoản này.

Rau củ quả là một ngành có lợi nhuận thấp với nhiều doanh nghiệp tham gia cạnh tranh ở Canada. Các nhà nhập khẩu thường đặt tại Toronto, Montreal và Vancouver, nơi nhận các lô hàng nhập khẩu sau đó được phân phối đến các thành phố trên toàn quốc. Thông thường, các siêu thị, cửa hàng đặc sản và cửa hàng tạp hóa độc lập tìm nguồn trái cây và rau quả của họ thông qua các nhà nhập khẩu và nhà bán buôn. Tuy nhiên, cạnh tranh ngày càng gay gắt đã khiến các nhà bán lẻ vừa và lớn bỏ qua các nhà bán buôn và thương lượng trực tiếp với bên xuất khẩu để cắt giảm chi phí thu mua. Các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể tìm kiếm thông tin về các nhà nhập khẩu qua các kênh: Database các nhà nhập khẩu Canada[10]; Niên giám của Hiệp hội phân phối rau củ Canada[11], đăng ký làm thành viên của Cơ quan hỗ trợ thương mại Canada[12] để được hỗ trợ kết nối hoặc thông qua dịch vụ của các bên môi giới[13]. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể cân nhắc tham gia các hội chợ lớn tại Canada trong lĩnh vực ngành hàng rau củ quả như: SIAL 2024[14], CPMA 2024[15], Hội chợ nhà hàng Canada[16], Hội chợ bán buôn thực phẩm đặc sản bờ Tây[17], Hội chợ đổi mới sáng tạo trong ngành bán buôn[18], Hội chợ thực phẩm dinh dưỡng CHFA[19]

TS. Quỳnh Trần, Tham tán thương mại

[1] Các doanh nghiệp có thể dễ dàng tra cứu mức thuế theo mô tả sản phẩm hoặc mã HS để xuất khẩu vào Canada tại đường link: https://www.tariffinder.ca/en/getStarted

[2]  https://inspection.canada.ca/importing-food-plants-or-animals/food-imports/food-specific-requirements/fresh-fruit-or-vegetables/eng/1541613882667/1541613882890

[3] Xem thêm bài Quy định nhập khẩu nông sản thực phẩm vào Canada: https://vntradetoca.org/quy-dinh-nhap-khau-thuc-pham-va-nong-san-vao-canada/

[4] Ngoài ra, Cơ quan dịch vụ biên giới Canada (Hải quan) cũng có một số quy định nhập khẩu: https://www.cbsa-asfc.gc.ca/import/menu-eng.html

[5] Nếu hơn 5% lô hàng bị hỏng thì toàn bộ sẽ bị huỷ.

[6] Thường CFIA chỉ kiểm tra ngẫu nhiên về thời gian/lô hàng.

[7] Tra cứu hệ thống quy chiếu nhập khẩu tự động của Canada để biết thêm quy định/hướng dẫn với từng sản phẩm theo mã HS: https://inspection.canada.ca/airs

[8] https://www150.statcan.gc.ca/n1/pub/71-607-x/2021004/imp-eng.htm

[9] Xem thêm bài Các quy định mới của Canada về bao bì nhựa: https://vntradetoca.org/cac-quy-dinh-moi-cua-canada-ve-bao-bi-bang-nhua/

[10] https://ised-isde.canada.ca/site/canadian-importers-database/en

[11] https://cpma.ca/membership/produce-member-directory

[12] https://tfocanada.ca/log-in-register/

[13] https://www.canadianfruit.com; http://www.naproduce.com

[14] https://vntradetoca.org/trien-lam-thuc-pham-lon-nhat-bac-my-sial-canada-2024/

[15] https://vntradetoca.org/hoi-cho-phan-phoi-hoa-qua-va-rau-cua-canada-2023-cpma-va-xuat-khau-rau-qua-cua-viet-nam-sang-dia-ban/

[16] https://www.rcshow.com

[17] https://gsfshow.com

[18] https://groceryinnovations.com

[19] https://chfa.ca/en/Events/chfa-now

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn