“Nửa mừng nửa lo” khi thương mại điện tử phát triển đột phá

27295

Dưới tác động của dịch Covid-19, quá trình chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đã có  những bước đột phát trong 5 tháng qua. Dự kiến, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam sẽ đạt 13 tỷ USD trong năm nay và đạt 33 tỷ USD năm 2025.

Đột phá trong chuyển đổi số

Tại Hội thảo “Phát triển TMĐT: Tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam” do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng nay 2/6, TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, TMĐT giúp doanh nghiệp nâng cao được sức cạnh tranh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc tiết kiệm chi phí trong thuê mặt bằng, nhân công, quảng cáo cũng như dịch vụ bán hàng.

“Doanh nghiệp tăng được việc tiếp cận đầu vào và đầu ra, mở rộng khả năng quảng bá, tiếp thị khách hàng mà không cần tăng chi phí tương ứng. Đặc biệt, thời gian dành cho thực hiện giao dịch TMĐT không giới hạn đối với khách hàng toàn cầu với tốc độ giao dịch nhanh nhất, hiệu quả nhất, tận dụng được mọi nguồn lực”, TS. Lê Xuân Sang nhấn mạnh.

Dẫn báo cáo gần đây của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), lãnh đạo Viện Kinh tế Việt Nam nêu rõ, dịch Covid-19 đã giúp doanh số bán hàng của doanh nghiệp cho khách hàng cá nhân tăng lên đỉnh điểm, đặc biệt làm tăng doanh số bán hàng giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát của Tạp chí Nikkei (Nhật Bản) mới đây với 4.273 doanh nghiệp, khách hàng trong thời gian từ 19/3 đến 19/4/2020 đối với vùng châu Á – Thái Bình Dương cho thấy, có đến 52% ý kiến được hỏi sẽ tăng mua hàng online; 32% ý kiến khẳng định là không thay đổi phương pháp mua sắm và chỉ có khoảng 10 % ý kiến không tin tưởng vào TMĐT.

Nhìn nhận ở câu chuyện cụ thể của Việt Nam từ đầu năm đến nay, đặc biệt đặt trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh khẳng định, nổi lên trong hoạt động TMĐT và kinh tế số của Việt Nam là “gam màu hồng”, len lỏi đến khắp các lĩnh vực kinh tế. Quá trình chuyển đổi số trong thời gian dịch Covid-19 ở Việt Nam đã có những bước đột phá trong 5 tháng qua.

Kinh tế số là “bản sao” của thế giới thực

Vì sao những tháng đầu năm nay, TMĐT của Việt Nam lại có sự phát triển nhanh chóng? Trả lời cho câu hỏi này, chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng, nguyên nhân đầu tiên là nhờ chính sách “cực chẳng đã” khi Việt Nam phải thực hiện chủ trương giãn cách xã hội trong nội tại quốc gia và cách ly biên giới giữa các quốc gia.

“Thành công của TMĐT trong chống dịch Covid-19 là nhờ một chính sách không hề ai muốn có, đó là giãn cách xã hội. Chuyển đổi số nhờ có dịch bệnh nên đã được đẩy mạnh. Lý do nghe rất hay nhưng sâu xa lại rất buồn”, vị chuyên gia này bày tỏ quan điểm.

nua mung nua lo khi thuong mai dien tu phat trien dot pha
Dự báo quy mô thị trường TMĐT Việt Nam sẽ đạt 33 tỷ USD năm 2025. Nguồn: Internet

Về nguyên nhân thứ hai giúp đẩy mạnh phát triển TMĐT, kinh tế số ở Việt Nam trong 5 tháng qua, theo chuyên gia Võ Trí Thành là nỗi sợ hãi. Sợ hãi dịch bệnh của xã hội khiến giao dịch online tăng lên. Tuy nhiên, vị này cũng ngay lập tức nhấn mạnh: “TMĐT tiến lên không thể nhờ vào sự sợ hãi mà phải phát triển bằng tình yêu, sự gắn bó đoàn kết và sự dịch chuyển xu hướng tiêu dùng”.

Ông Phan Thế Quyết, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho biết, với điểm xuất phát thấp khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015 nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong ba năm liên tiếp cao nên quy mô thị trường TMĐT Việt Nam năm 2018 lên tới khoảng 8 tỷ USD và dự kiến đạt 13 tỷ USD năm 2020, đạt 33 tỷ USD năm 2025.

Thị trường này bao gồm bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, giải trí trực tuyến và mua bán các dịch vụ và sản phẩm số hoá khác.

“Quy mô thị trường 13 tỷ USD năm 2020 là cao hơn mục tiêu nêu trong Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 – 2020. Theo mục tiêu này thì quy mô TMĐT bán lẻ (B2C) đạt 10 tỷ USD vào năm 2020”, ông Phan Thế Quyết nói.

Nhận định, dù ảo đến đâu thì cuối cùng bản chất của kinh tế số vẫn là bản sao của thế giới thực. Nếu thế giới thực không vận hành thì mảng kĩ thuật số cũng không thể tồn tại và phát triển, chuyên gia Võ Trí Thành đưa ra dẫn chứng: “Uber vừa rồi phải cắt giảm 600 – 700 nhân công ở Ấn Độ vì thua lỗ nặng. Như vậy dù mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ nào cũng phải gắn với chiến lược thực của mỗi doanh nghiệp và doanh nghiệp đó phải biết chọn bản sao nào của thế giới thực để tham gia cuộc chơi”.

Thời gian qua đã có không ít nghiên cứu, báo cáo, đưa ra những kiến nghị để đưa Việt Nam bước lên “con tàu” cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, nhờ đó tạo ra được bứt phá tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Về cơ bản, những nội dung kiến nghị đưa ra đều khá tập trung, đó là cần phải tạo dựng khung khổ làm nền tảng cho hệ thống kinh tế mới về chất, coi đó là những ưu tiên chiến lược.

Cụ thể, về cải cách thể chế, cần thiết lập quy chế điều tiết kinh doanh trên nền tảng số; tạo không gian thể chế, có thể là thử nghiệm cho sáng tạo công nghệ, cách thức vận hành kinh doanh; nâng cao pháp luật và thi hành pháp luật về bảo vệ sở hữu trí tuệ; xây dựng Chính phủ điện tử/Chính phủ số…

Ngoài ra, cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua chính sách khuyến khích/thúc đẩy sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; tạo dựng Hệ thống sáng tạo quốc gia (NIS) lấy doanh nghiệp làm trung tâm; xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. Cùng với đó, phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện kết cấu hạ tầng… cũng là các yếu tố được không ít chuyên gia đề cập tới.

Thanh Nguyễn

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn