Quy định nhập khẩu thực phẩm và nông sản vào Canada

6730

 Thực phẩm và nông sản nhập khẩu vào Canada chịu sự điều chỉnh của Luật Thực phẩm và Dược phẩm (FDA); Quy định về Thực phẩm và Dược phẩm (FDR); Luật về thực phẩm an toàn cho người Canada (SFCA), Quy định về thực phẩm an toàn cho người Canada (SFCR). Cả Bộ y tế Canada và Cơ quan kiểm tra thực phẩm Canada (CFIA) đều có trách nhiệm kiểm soát các vấn đề liên quan đến ghi nhãn thực phẩm. Bộ y tế Canada ban hành các quy định và tiêu chuẩn liên quan đến sức khoẻ, an toàn và chất lượng dinh dưỡng thực phẩm. Cơ quan kiểm tra thực phẩm Canada ban hành quy định liên quan đến ghi nhãn, quảng cáo, tiêu chuẩn nhận dạng sản phẩm và thực thi các quy định về ghi nhãn; cơ quan này cũng ban hành hướng dẫn về quy trình nhập khẩu thực phẩm vì mục đích thương mại và thực thi các hiệp định quốc tế liên quan đến sản phẩm F&B.

Một số nội dung quan trọng liên quan đến ghi nhãn sản phẩm đóng gói là: 1. Nhãn ghi song ngữ Anh-Pháp; 2. Tên sản phẩm; 3. Khối lượng sản phẩm; 4. Tên nhà sản xuất/nhập khẩu và địa chỉ; 5. Danh mục nguyên liệu, bao gồm cả thông tin về phẩm màu, các chất gây dị ứng hoặc chứa gluten; 6. Bảng dinh dưỡng (% theo ngày và cả các thông tin về hàm lượng muối, đường và chất béo bão hoà); 7. Ngày hết hạn và hướng dẫn bảo quản[1]. Các quy định về việc ghi nhãn được ban hành từ 12/2016 và chính thức có đầy đủ hiệu lực bắt buộc từ 12/2022/ Việc không tuân thủ ghi nhãn sẽ chịu phạt theo quy định tại Hình phạt tiền hành chính với sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm. Ngoài ra, Canada không cho sử dụng một số phụ gia thực phẩm công bố rõ trong Luật FDA. FDA cũng quy định quy trình sản xuất, đóng gói, bảo quản và kiểm định các sản phẩm F&B và các quy định đăng ký đối với nhà nhập khẩu vào Canada[2]. Quy trình thẩm định và lấy mẫu sản phẩm được quy định trong Luật thành lập Cơ quan kiểm tra thực phẩm Canada. Bộ các vấn đề toàn cầu và Cơ quan dịch vụ biên giới Canada cùng thực thi Luật cấp phép xuất nhập khẩu (EIPA), áp dụng thuế hạn ngạch và kiểm soát nhập khẩu một số sản phẩm nông nghiệp[3]. Bộ môi trường Canada kiểm soát xuất nhập khẩu và trung chuyển các cây trồng thú vật nêu trong công ước CITES. Cơ quan đo lường Canada xây dựng tiêu chuẩn cho các sản phẩm theo Luật Đo lường Canada.

Ở cấp độ tỉnh bang, mỗi tỉnh bang có thể có thêm quy định bổ sung đối với thực phẩm, chủ yếu liên quan đến vệ sinh dịch tễ, bao bì và ngôn ngữ, phân phối và bán lẻ[4]. Gần đây, các tỉnh bang cũng có thêm quy định về yêu cầu tái chế. Nhằm loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa vào năm 2030 và tiến tới nền kinh tế tuần hoàn trong công nghiệp nhựa, trong năm 2023, Chính phủ Canada sẽ xây dựng các quy chuẩn ghi nhãn mới liên quan đến dấu hiệu “có thể tái chế” trên sản phẩm và các quy định về ghi nhãn đối với sản phẩm nhựa có thể tự huỷ. Sau khi có quy chuẩn này, Canada chắc chắn sẽ đưa ra các hướng dẫn cụ thể về việc cấm nhập khẩu các sản phẩm có bao bì bằng nhựa không mang biểu tượng tái chế. Mặc dù chưa có quy định bắt buộc về việc ghi nhãn bao bì nhựa mang biểu tượng tái chế, hiện nay, các doanh nghiệp thực phẩm chế biến Canada đã bắt đầu ráo riết thiết kế và tìm nhà cung cấp các loại bao bì thực phẩm bằng nhựa có khả năng tái chế. Dự kiến, các yêu cầu mới đối với bao bì sản phẩm nhựa sẽ tập trung vào hàm lượng tái chế (ví dụ nhựa resin), phương pháp tái chế xây dựng theo khuyến nghị của các cơ sở tái chế ở Canada. Canada sẽ hạn chế các sản phẩm sử dụng bao bì nhiều lớp (multipackaging) nếu không cần thiết. Các doanh nghiệp bán lẻ khi nhập hàng vào Canada chắc chắn sẽ đặt ra các yêu cầu này với các nhà sản xuất. Nhìn chung, từng sản phẩm sẽ có thêm quy định riêng về SPS và thủ tục nhập khẩu; các nhà xuất khẩu vì vậy phải làm việc kỹ với các đối tác môi giới và nhập khẩu trước khi xuất hàng.

TS. Quỳnh Trần, Tham tán thương mại

[1] Ngoài ra, do thị hiếu tiêu dùng, các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý (GI) cũng dễ được khách hàng tin cậy và ưa chuộng.

[2] Giấy phép nhập khẩu có giá trị 2 năm và là yêu cầu bắt buộc để nhập khẩu/

[3] Danh mục kiểm soát nhập khẩu: https://laws-lois.justice.gc.ca/eng/regulations/C.R.C.,_c._604/page-1.html#h-558579

[4] Quy định của Alberta: https://www.alberta.ca/food-safety.aspx; British Colombia: https://www2.gov.bc.ca/gov/content/health/keeping-bc-healthy-safe/food-safety/food-safety-legislation; Manitoba: https://www.gov.mb.ca/health/publichealth/environmentalhealth/protection/food.html; Quebec: https://www.mapaq.gouv.qc.ca/fr/md/Lois/Pages/loisetreglements.aspx; Saskatchewan: https://www.saskatchewan.ca/residents/environment-public-health-and-safety/food-safety

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn