Hội chợ phân phối hoa quả và rau của Canada 2023 (CPMA) và xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang địa bàn

66377

CPMA Toronto 2023 diễn ra từ ngày 25-27 tháng 4 năm 2023 tại Toronto, Canada, đánh dấu 98 năm ngày ra đời của Hiệp hội các nhà phân phối hoa quả và rau của Canada. CPMA là sự kiện thường niên của hiệp hội có thành viên chiếm 90% thị phần rau quả tươi tại Canada. Tại sự kiện này, hầu hết đại diện các cường quốc xuất khẩu rau quả vào Canada và các nhà nhập khẩu rau củ quả lớn của Canada đều có mặt. Chủ đề của hội nghị thường niên năm nay là vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong ngành rau quả và vai trò của đổi mới sáng tạo trong sự phát triển bền vững. Hội chợ CPMA năm 2023 đã thu hút được sự tham gia của 270 doanh nghiệp với hơn 600 gian hàng, trong đó có khoảng hơn 100 doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài các gian hàng trưng bày rau quả, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo quản, bao bì và các công nghệ-dịch vụ liên quan cũng có sự hiện diện quan trọng tại hội chợ. Không có gian hàng/sản phẩm nào của Việt Nam tại hội chợ năm nay, trừ sản phẩm túi nhựa tự huỷ do một doanh nghiệp Canada đang đầu tư tại Việt Nam mang đến trưng bày. Tại Thương vụ đã có gặp gỡ với một số doanh nghiệp Canada chuyên nhập rau củ và trái cây từ Việt Nam, trong đó có: Fresh Direct Produce, Sweet Seasons, Thomas Fresh, Sun Rich Fooods, … Công ty Fresh Direct Produce đã đề nghị Thương vụ hỗ trợ kết nối ngay với các nhà xuất khẩu đủ năng lực để đưa vải, nhãn và sầu riêng vào thị trường Canada kịp trong mùa vụ 2023.

Trong lĩnh vực rau quả tươi, các sản phẩm của Việt Nam vào thị trường Canada chủ yếu là: dừa tươi, thanh long, rau gia vị và một số sản phẩm hạt. Số liệu xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn ghi nhận sự tăng trưởng trong lĩnh vực rau củ chế biến, tuy nhiên, đối với rau quả tươi, đã có dấu hiệu về sự sụt giảm xuất khẩu sang địa bàn.

Giá trị xuất khẩu rau quả tươi và chế biến của Việt Nam 2018-2022 vào Canada
Triệu USD 2018 2019 2020 2021 2022
Rau củ (HS 07) 3.6 3.2 4.2 4.9 4.8
Rau củ chế biến (HS 20) 24 27 30 37 50
Trái cây và hạt (HS 08) 116 96 91 107 105

 

Sự sụt giảm này có nhiều nguyên nhân, trong đó, trước tiên phải kể đến các yếu tố cơ cấu của sở tại. Hiện nay, năng lực vận tải và logistics nội địa và thiếu hụt lao động ở Canada đã khiến giá xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh so với các nước láng giềng Nam Mỹ. Mặt khác, việc Canada duy trì chính sách tỷ giá thấp để thúc đẩy xuất khẩu của mình cũng là bất lợi cho hàng xuất khẩu của Việt Nam vì giá của Việt Nam sẽ trở nên đắt hơn năm 2022 nếu tính bằng đồng nội tệ . Bên cạnh đó, việc nhiều nước Nam Mỹ bắt đầu đầu tư mạnh vào việc phát triển các cây ăn quả nhiệt đới tương tự của Việt Nam: mít, xoài, vải, chôm chôm, na, thanh long, măng cụt và thúc đẩy xuất khẩu vào Canada trong những tháng gần đây đã làm các sản phẩm cùng loại của Việt Nam khó cạnh tranh. Việc Canada có thêm nhiều FTAs song phương và đẩy mạnh chính sách hướng về khối kinh tế Nam Mỹ và các nền kinh tế đồng minh, định hướng ưu tiên thương mại với các nền dân chủ, đẩy mạnh thương mại ít phát thải và giảm dấu chân carbon tiêu dùng đang là những xu hướng tác động lâu dài đến việc duy trì xuất khẩu bền vững các mặt hàng tươi sống của Việt Nam sang địa bàn nói chung và rau quả tươi nói riêng.

Trong chuyến làm việc tại Toronto, Thương vụ đã có buổi làm việc với doanh nghiệp nhập khẩu rau củ quả của kiều bào (Canada Herb) ở thành phố Etobicoke. Canada herb là doanh nghiệp kiều bào chuyên nhập khẩu rau củ quả nhiệt đới vào thị trường Canada có lịch sử kinh doanh lâu năm một số mặt hàng từ Việt Nam như: rau húng, ngò gai, rau cần, dọc mùng và các trái cây như quả roi, sapo, mãng cầu, xoài tượng, thanh long… Chủ doanh nghiệp là người rất tâm huyết với ngành nông nghiệp Việt Nam và nhiều năm muốn hỗ trợ đưa một số giống cây trồng/hạt giống quý về Việt Nam (chanh leo vàng, thanh long vàng…). Tại buổi làm việc, Thương vụ đã trân trọng trao tặng Canada Herb Kỷ niệm chương của Thương vụ, ghi nhận những đóng góp của doanh nghiệp đối với việc hỗ trợ các sản phẩm của Việt Nam thâm nhập địa bàn.

Chủ doanh nghiệp Canada Herb đã chia sẻ, hiện nay, Canada herb vẫn kiên trì nhập khẩu trái cây từ Việt Nam để cân đối khối lượng với rau gia vị, nhưng thực tế, doanh nghiệp hầu như không có lãi. Brasil đang cạnh tranh lớn với Việt Nam về trái thanh long, mãng cầu và chanh leo. Colombia, Mexico bắt đầu trồng sầu riêng, vải, và chôm chôm. Các sản phẩm trái cây nhiệt đới từ Nam Mỹ có chất lượng và giá tốt hơn hẳn sản phẩm cùng loại của Việt Nam. Điểm yếu của Việt Nam khi tham gia xuất khẩu là ở chỗ nguồn cung không ổn định, giá không ổn định, chi phí vận chuyển cao. Bên cạnh đó, ông cũng phân tích, hàng Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh lớn của các thương nhân Trung Quốc, hiện nay đang là những nhà phân phối khống chế nhiều chuỗi siêu thị và chỉ ưu tiên nhập hàng từ Trung Quốc. Ngoài ra, ông cũng nhận định, Việt Nam còn chưa bảo tồn và phát triển được các giống/chủng loại trái cây truyền thống (mít tố nữ) và các loại trái cây giống mới được thị trường ưa chuộng. Ông cho rằng, một điểm yếu nữa là mạng lưới người thu mua/thương lái của Việt Nam còn chưa phát triển đúng tầm; trong khi người nông dân vẫn chạy theo lợi nhuận chưa quan tâm đến vấn đề tiêu chuẩn. Mặc dù vậy, Canada herb vẫn mong muốn nhập khẩu trái cây từ Việt Nam và đề nghị Thương vụ kết nối với các nhà xuất khẩu uy tín để thử nghiệm nhập khẩu vải thiều và nhãn lồng vào thị trường trong mùa vụ này.
Trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Canada sẽ tiếp tục các hoạt động hỗ trợ xuất khẩu rau quả tươi của Việt Nam sang địa bàn, đặc biệt là các trái cây mùa vụ; đồng thời tiếp tục công tác nghiên cứu thị trường, xu hướng nhập khẩu, làm việc với các nhà nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn. Tại Hội chợ CPMA, Thương vụ đã làm việc với Cơ quan hỗ trợ thương mại TFO Canada về việc hỗ trợ Việt Nam có gian hàng tại CPMA 2024. Năm nay TFO đã tài trợ 2 gian hàng tại Hội chợ để dành trưng bày sản phẩm của 10 doanh nghiệp Peru.


TS. Quỳnh Trần, Thương vụ Việt Nam tại Canada

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn