Kế hoạch ngân sách Canada 2023 và những định hướng cải cách kinh tế

22289

Ngày 22/6/2023, Kế hoạch ngân sách năm 2023 đã nhận được Chuẩn thuận hoàng gia để triển khai thực hiện. Các định hướng ngân sách đề ra trong Kế hoạch này sẽ được triển khai thực hiện trong năm tài chính tính từ 1/4/2023 đến 31/3/2024. Ngân sách 2023 được xây dựng và ban hành trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang nỗ lực xây dựng nền kinh tế xanh và các đồng minh của Canada đang có xu hướng cố kết lại với nhau về nhiều mặt, trong đó có kết nối chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực chủ yếu. Ở trong nước, mặc dù nền kinh tế vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất khối G7 trong 2022, việc làm tạo ra nhiều hơn, lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt, tuy nhiên, tại thời điểm công bố Báo cáo ngân sách 2023, Bộ tài chính Canada đã phải giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Canada năm 2023 xuống 0.3% và 1.5% năm 2024 (trong khi dự báo của cơ quan này hồi tháng 11/2022 trong Báo cáo kinh tế Quý 3 vẫn còn dự báo đạt tăng trưởng 0.7% năm 2023 và 1.5% năm 2024). Tình trạng lạm phát trong lĩnh vực đời sống vẫn giữ ở mức rất cao khiến người dân phải cắt giảm chi tiêu, gây tâm lý hoang mang cho cả người dân và doanh nghiệp. Mức lãi suất cho vay cao cùng với bất ổn trong hệ thống ngân hàng thế giới và thị trường tài chính toàn cầu cũng là những gánh nặng đe doạ các triển vọng đầu tư và tăng trưởng dài hạn của Canada.

Báo cáo Ngân sách 2023 vì vậy tập trung chủ yếu tập trung vào các ưu tiên ngắn hạn như: 1. Giúp giảm gánh nặng lạm phát cho người dân; 2. Cải thiện hệ thống y tế công; 3. Thực hiện chính sách tài khoá có trách nhiệm nhằm giảm mức thâm hụt ngân sách[1]; 4. và Đầu tư để xây dựng nền kinh tế xanh, sạch,vững chắc và phồn vinh.

Mặc dù Ngân sách 2023 chú trọng nhiều hơn đến các ưu tiên an sinh xã hội, một khoản ngân sách đáng kể vẫn sẽ tiếp tục được dành để phối hợp cùng các doanh nghiệp nhằm phát triển nền kinh tế xanh và các ngành công nghiệp của tương lai, trong đó tập trung vào các ưu tiên: điện khí hoá, năng lượng sạch, sản xuất sạch, giảm phát thải, chế biến khoảng sản thiết yếu, xe điện và pin xe điện, các dự án hạ tầng lớn.

Trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, Canada dự kiến sẽ đầu tư từ 60 đến 140 tỷ CAD/năm, chủ yếu từ khu vực tư nhân và chính phủ Canada đang triển khai nhiều cơ chế chính sách và ưu đãi để huy động nguồn vốn này (đầu tư hạ tầng, đầu tư R&D, hỗ trợ đổi mới sáng tạo…) và đầu tư dưới dạng tín dụng thuế[2] vào những lĩnh vực như công nghệ hydrogen, điện sạch, lưu giữ và sử dụng carbon, áp dụng công nghệ sạch, sản xuất xanh và công nghệ sạch… Canada cũng đầu tư những khoản ngân sách lớn để đổi mới và nâng cao năng lực thực thi của các cơ quan có vai trò quan trọng trong chuyển đổi năng lượng: Cơ quan điều tiết nâng lượng Canada, Uỷ ban an toàn hạt nhân Canada, Cơ quan tài nguyên Canada, Cơ quan đánh giá tác động Canada… với giá trị lên đến gần 1.5 tỷ CAD.

Dự kiến Canada sẽ tiêu dùng lượng điện gấp hai lần hiện nay vào năm 2050, vì vậy, năng lực sản xuất phải tăng từ 2.2 đến 3.4 lần so với hiện tại. Canada sẽ phải đầu tư lớn vào lĩnh vực truyền tải và phát điện. Chính phủ Canada đã công bố sẽ xây dựng đường dây truyền tải điện quốc gia nối kế bờ Đồng với bờ Tây để đảm bảo cung ứng điện sạch và có mức giá tốt hơn cho ngươi dân và doanh nghiệp. Ngân sách 2023 đã công bố sẽ áp dụng mức tín dụng thuế 15% cho các dự án đầu tư điện sạch (gió, mặt trời, hydro, và cả năng lượng nguyên tử); các dự án lưu trữ điện sạch không sử dụng năng lượng không tái tạo, các dự án đầu tư xây dựng đường truyền tải liên tỉnh bang và các dự án đào tạo lao động trong lĩnh vực năng lượng sạch. Tổng trị giá tín dụng thuế giai đoạn 2023-2025 là 6.4 tỷ CAD và có thể thêm tới gần 20 tỷ USD cho đến 2035. Ngoài ra, Ngân hàng hạ tầng Canada sẽ tiếp tục đầu tư ít nhất 10 tỷ CAD vào các lĩnh vực năng lượng sạch ưu tiên và khoảng 10 tỷ CAD nữa vào các lĩnh vực hạ tầng xanh ưu tiên[3]. Canada cũng công bộ sẽ dành 3 tỷ CAD trong 13 năm kể từ 2023 cho Cơ quan tài nguyên Canada để đầu tư vào các dự án điện tái tạo và Chương trình truyền tải thông minh ở các khu vực địa lý ưu tiên.

Đặc biệt, đối với năng lượng hydrogen sạch, Canada công bố tiếp tục đầu tư lớn với mức tín dụng thuế dao động từ 15-40%. Đối với thiết bị để chuyển đổi hydrogen và vận tải hydrogen, mức tín dụng thuế là 15%. Khoản tín dụng thuế này lên đến 5.6 tỷ CAD trong 5 năm và sẽ bổ sung thêm 12.1 tỷ CAD đến 2035.

Để hỗ trợ các ngành công nghệ và sản xuất sạch, Ngân sách 2023 cũng công bố sẽ tiếp tục chương trình tín dụng lên đến 30% giá trị đầ tư vào các dự án nghiên cứu, triển khai công nghệ để khai thác, chế biến, xử lý, tái tạo các khoáng sản thiết yếu (lithium, cobalt, nickel, đồng, đất hiếm…); các dự án sản xuất và thiết bị năng lượng hạt nhân hoặc tái tạo; các máy móc thiết bị trong sản xuất xanh; các dự án xử lý và tái chế năng lượng hạt nhân và nước nặng; các dự án sản xuất ô tô điện, và các dự án sản xuất các thiết bị lưu trữ điện năng lớn. Khoản tín dụng này lên tới 4.5 tỷ CAD trong giai đoạn 2023/2024 và sẽ bổ sung 6.6 tỷ CAD trong cho đến 2035. Ngoài ra, Canada định hướng trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất xe điện toàn cầu nên sẽ dành những ưu đãi lớn đối với các dự án đầu tư nước ngoài vào sản xuất pin xe điện và các thiết bị giá trị cao của xe điện tại Canada.

Canada dành 15 tỷ CAD vào Quỹ tăng trưởng Canada để khuyến khích các dự án đầu tư tư nhân vào lĩnh vực công nghệ, cung ứng ít phát thải và sản xuất xanh. Ngân sách 2023 cũng công bố đầu tư thêm 500 triệu CAD trong 10 năm vào Quỹ đổi mới chiến lược nhằm hỗ trợ các dự án phát triển và ứng dụng công nghệ sạch[4]. Ngân sách cũng công bố mức tín dụng thuế 30% cho các doanh nghiệp Canada đầu tư máy móc nhằm sản xuất sạch. Dự kiến tổng giá trị của tín dụng thuế giai đoạn 5 năm tới là 6.9 tỷ CAD. Ngoài ra, Canada tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (từ 4.5-7.5%) để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất ứng dụng công nghệ không phát thải vào quy trình sản xuất. Dự kiến, việc giảm thuế này có giá trị khoảng 100 triệu CAD/năm cho đến 2035. Để tăng cường nguồn vốn cho các doanh nghiệp thực thi nghiên cứu, đổi mới, Canada sẽ lập một doanh nghiệp Nhà nước (Crown cooperation) có vai trò hỗ trợ đổi mới. Hội đồng nghiên cứu quốc gia cũng được trao thêm thẩm quyền nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Canada tiếp cận nhanh chóng cơ sở hạ tầng nghiên cứu và kết quả nghiên cứu của cơ quan này.

Là một nước có nền kinh tế mở, Canada tiếp tục coi trọng thương mại và đầu tư vào lĩnh vực thương mại. Canada công bố các khoản ngân sách nhằm giảm các rào cản thương mại (các dự án nghiên cứu để tìm ra các giải pháp thuận lợi hoá thương mại; lập trung tâm thông tin và dữ liệu thương mại; lập cơ sở dữ liệu vận tải để kế hoạch hoá tốt hơn chuỗi cung ứng; lập Văn phòng vận tải và hạ tầng chuỗi cung ứng; xây dựng và khai thác các cơ chế công nhận tiêu chuẩn với các đối tác thương mại quốc tế…). Canada cũng tiếp tục đầu tư lớn vào hạ tầng thương mại để tạo điều kiện cho chu chuyển thương mại thuận lợi (cảng, sân bay, đường sắt, đường cao tốc) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp giảm chi phí vận tải và logistics góp phần cạnh tranh tốt hơn khi xuất khẩu[5]. Ngân sách 2023 sẽ đầu tư thêm 210 triệu CAD vào các dự án đường sắt, chủ yếu trên hành lang Quebec-Windsor và hàng trăm triệu CAD cho các dự án đường cao tốc. Ngoài ra, Ngân sách 2023 cũng công bố các khoảng đầu tư quan trọng vào các lĩnh vực: Rừng, Sữa, Nông nghiệp, Sản xuất phân bón, Đào tạo…

Để đảm bảo tính bền vững của chuỗi cung ứng sau những biến cố gần đây do đại dịch và xung đột địa chính trị, Canada có chủ trương rõ rệt về việc chuyển hướng làm ăn khỏi các “nền độc tài và hướng về các nền dân chủ có chung quan điểm”. Ngân sách Canada sẽ dành để bảo vệ các giá trị của Canada, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đồng thời, mở ra những cơ hội kinh tế-thương mại đi kèm cho doanh nghiệp. Ngoài các khoản ngân sách quốc phòng và cam kết quân sự quốc tế, ngoài ngân sách thực thi chiến lược Ấn Độ Dương Thái Bình Dương, Canada dự kiến sẽ gia hạn chương trình Ưu đãi phổ cập thuế quan và đưa ra Chương trình Ưu đãi Phổ cập thuế quan tăng cường. Chính sách này nhằm khuyến khích các nước tuân thủ các cam kết về nhân quyền, điều kiện lao động, bình đẳng giới và biến đổi khí hậu. Chương trình này dự kiến sẽ tốn kém khoảng 130 triệu CAD cho ngân sách liên bang.

Canada quyết định rút quy chế tối huệ quốc của Nga và Belarus (mức thuế sẽ là 35% với mọi sản phẩm từ các nước này; đồng thời dự kiến sửa Luật thuế hải quan, theo đó gia hạn danh sách các nước hưởng ưu đãi thuế quan thuộc nhóm kém phát triển (LDCs) được hưởng Ưu đãi phổ cập thuế quan[1] và đưa ra Chương trình Ưu đãi Phổ cập thuế quan tăng cường đến năm 2034[2], đồng thời đơn giản hoá các thủ tục hành chính cho các nhà nhập khẩu Canada. Chương trình Ưu đãi Phổ cập thuế quan tăng cường là một chương trình ưu đãi thuế mới được Canada lập ra trong kế hoạch Ngân sách năm nay nhằm đưa ra những ưu đãi cho các nước mà theo Canada đạt được các tiêu chuẩn về nhân quyền, bình đẳng giới, điều kiện lao động và biến đổi khí hậu (hiện chưa rõ các điều kiện của Canada có tương tự như của EU hay không[3]). Trong khi Chương trình ưu đãi phổ cập thuế quan thông thường sẽ không áp đặt thêm các tiêu chí về xã hội và môi trường.

Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, Canada dự kiến sẽ ban hành cơ chế chính sách, đi vào thực thi từ năm 2024, theo đó buộc các doanh nghiệp phải đảm bảo các phụ tùng thay thế và dịch vụ sửa chữa để giảm chi phí sửa chữa hàng điện tử gia dụng và giúp bảo vệ môi trường. Trong lĩnh vực điện tử, Canada cũng công bố sẽ tiến đến áp dụng cổng sạc đồng nhất cho các sản phẩ điện thoại, máy tính, máy ảnh, maý tính bảng… Đây sẽ là bước tiến giống như của châu Âu nhằm giảm chi phí cho người tiêu dùng Canada và giảm lượng rác thải điện tử.

Trong báo cáo Ngân sách 2023, Chính phủ Canada cũng đề xuất sửa đổi Luật Thực phẩm và Thuốc nhằm bảo vệ sức khoẻ người dân Canada bằng việc trao quyền cho các nhà thực thi thẩm quyền lớn hơn khi nẩy sinh vấn đề về an toàn và sức khoẻ liên quan đến sản phẩm thuốc tự nhiên (thực phẩm chức năng) trên thị trường.

Theo báo cáo Ngân sách, Canada sẽ sớm công bố Chiến lược chuỗi cung ứng quốc gia và đề xuất sửa đổi Luật giao thông Canada, theo đó sẽ trao cho Bộ giao thông thẩm quyền buộc các doanh nghiệp vận tải phải chia sẻ thoong tin để cải thiện tính hiệu quả của hạ tầng giao thông; Luật cũng được sửa đổi nhằm cho phép các doanh nghiệp đường sắt được tiếp cận các tuyến đường sắt thuộc sở hữu của doanh nghiệp khác với mức phí do Bộ giao thông ấn định.

Canada sẽ sửa luật cho phép Hội đồng đầu tư lĩnh vực công tham gia vào quản lý vốn đầu tư nhằm thúc đẩy nền kinh tế xanh Canada. Ngoài ra, để triển khai chuyển đổi năng lượng, Canada dự kiến sửa Luật bảo vệ môi trường Canada và trao quyền cho Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu thẩm quyền lập quỹ và sử dụng quỹ này để thực thi các Chính sách về năng lượng sạch.

Canada dự kiến sẽ sửa đổi Luật cạnh tranh để bảo vệ người tiêu dùng chống lại các thủ đoạn ẩn giá của doanh nghiệp. Cùng với việc sửa Luật cạnh tranh, Canada sẽ sửa Luật Ngân hàng và Luật về cơ quan bảo vệ người tiêu dùng tài chính Canada nhằm giúp người tiêu dùng bảo vệ lợi ích khi giao dịch với ngân hàng. Các thủ đoạn ẩn giá khá phổ biến ở Canada, từ trong lĩnh vực phí thẻ và giao dịch ngân hàng, viễn thông, đến chi phí giao hàng, phí hành lý hàng không…

Canada công bố sẽ thúc đẩy ký kết và thực thi cơ chế áp thuế dịch vụ điện tử lên các doanh nghiệp đa quốc gia đối với các khoản thu nhập mà người sử dụng dịch vụ Canada phải trả. Ngoài ra, Canada có kế hoạch thực thi chế độ thuế tối thiểu toàn cầu, buộc các doanh nghiệp đa quốc gia phải chi trả mức thuế tối thiểu 15% trên lợi nhuận dù họ kinh doanh ở đâu.

[1] Thâm hụt ngân sách hiện nay là 43 tỷ CAD (p.20)

[2] Nghĩa là doanh nghiệp ược giữ lại tiền thuế phải nộp để đầu tư trở lại phát triển sản xuất kinh doanh; Nhà nước cho DN vay vốn một cách trực tiếp, không cần tài sản thế chấp, không phải trả lãi vay, tạo điều kiện thuận lợi về vốn, giúp DN đầu tư phát triển, phục hồi tăng trưởng nền kinh tế.

[3] Tính đến 23/3/2023, Ngân hàng này đã đầu tư 8.6 tỷ CAD vào 37 dự án.

[4] Nguồn lực của Quỹ hiện nay đã là 1.5 tỷ CAD.

[5] Hiện nay, Chính phủ liên bang đã đầu tư hơn 33 tỷ CAD vào hạ tầng công.

[1] Bangladesh dự kiến được Canada cho gia hạn hưởng ưu đãi thuế quan đến năm 2029.

[2] Các chương trình này sẽ hết hạn ngày 31/12/2024 . Việt Nam hiện nay vẫn đang được hưởng cả ưu đãi thuế quan theo GPT, MFN và CPTPP. Đối với dệt may chẳng hạn, GPT chỉ áp dụng nguyên tắc xuất xứ cắt và may cho sản phẩm nhập khẩu vào Canada.

[3] https://trade.ec.europa.eu/access-to-markets/en/content/generalised-scheme-preferences-plus-gsp

TS. Quỳnh Trần, Tham tán thương mại

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn