Xu hướng và thị hiếu ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm và đồ uống Canada

8286

Ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống Canada là ngành công nghiệp lớn thứ hai ở Canada với giá trị lên đến khoảng 120 tỷ CAD. Ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống của Canada đảm bảo cung cấp khoảng 70% cho nhu cầu nội địa. Đây cũng là ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất tại Canada với 290.000 lao động, đóng góp 2% vào GDP và 17% giá trị của lĩnh vực công nghiệp[1]. Hơn nữa, ngành còn có một vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế của Canada với giá trị xuất khẩu lên tới 40 tỷ CAD/năm và giúp tiêu thụ tới 40% sản lượng nông nghiệp của Canada[2]. Ngành công nghiệp thực phẩm đồ uống của Canada có khoảng 7000 doanh nghiệp, trong đó 95% là các doanh nghiệp nhỏ với chưa đến 100 lao động. Chỉ có 0.5% tổng số doanh nghiệp có số lượng lao động nhiều hơn 500 nhưng chiếm tới gần 50% giá trị xuất khẩu thực phẩm và đồ uống của Canada.

Ngoài việc đảm bảo nhu cầu nội địa, ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm được định hướng là một trong những lĩnh vực quan trọng đóng góp vào tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế. Canada đặt mục tiêu sẽ nâng giá trị sản xuất nội địa lên 140 tỷ vào năm 2025 (15% từ mức hiện nay), trong đó giá trị khẩu dự kiến tăng gần gấp đôi. Thực phẩm và đồ uống xuất khẩu của Canada có thế mạnh về tiêu chuẩn cao và được đầu tư mạnh vào nghiên cứu, đổi mới, đặc biệt là trong các lĩnh vực mặt hàng có giá trị cao như thực phẩm chức năng, thực phẩm cao đạm. Canada cũng có lợi thế so sánh rõ rệt trong nhiều lĩnh vực mặt hàng như: sản phẩm thịt chế biến, dầu ăn, bánh kẹo… Các hiệp hội sản xuất thực phẩm và đồ uống của Canada có xu hướng phản đối các nhượng bộ về mở cửa thị trường trong các hiệp định thương mại tự do. Vì vậy, Canada có xu hướng bảo hộ khá mạnh nền công nghiệp sản xuất thực phẩm và đồ uống thông qua các cơ chế trợ cấp và các hàng rào bảo hộ phi thương mại. Chính phủ Canada cũng nỗ lực đầu tư vào hạ tầng sản xuất thực phẩm của Canada thông qua các biện pháp giảm thuế, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng tự động hoá và công nghệ mới hoặc tài trợ các giải pháp nghiên cứu và hỗ trợ thương mại hoá các nghiên cứu nhằm nâng cao giá trị gia tăng và giá trị chế biến của các sản phẩm nông nghiệp của Canada. Hạ tầng giao thông cũng được chú trọng cải thiện nhằm kết nối nhanh từ nông trại đến nhà máy.

Canada hiện có 38.83 triệu dân trong đó khoảng 10 triệu người tiêu dùng Canada là ở độ tuổi 17-37 – độ tuổi tiêu dùng nhiều nhất. Canada có lượng nhập cư dự đoán ổn định ở mức 400.000 người năm để đạt quy mô dân số 100 triệu người vào năm 2100. Thống kê của Canada cũng cho thấy khoảng 48% số người nhập cư mới có nguồn gốc từ châu Á. Theo số liệu điều tra mới đây, 20.2% dân số Canada tức khoảng 8 triệu người đến từ châu Á (2021); trong đó số lượng người có nguồn gốc từ Đông Á và Đông Nam Á ước tính khoảng 57%. Lượng dân nhập cư cao hàng năm là nguồn khách hàng tiêu thụ tiềm năng ổn định và có thể dự báo. Ước tính hiện nay, 6% giá trị thị trường thực phẩm đồ uống Canada là trong lĩnh vực các mặt hàng “đặc sản ngoại nhập”. Để phục vụ đối tượng dân cư này, Canada có nhiều chuỗi siêu thị nhỏ mang tính sắc tộc.

Canada là một quốc gia G7 với tốc độ tăng trưởng trung bình 1.6% trong gia đoạn 2012-2022, cao thứ nhì trong khối và là một trong những nước có thu nhập trung bình cao nhất thế giới. Thị trường tiêu dùng của Canada có mức độ tăng trưởng nhanh để đáp ứng nhu cầu của người dân. Do cấu trúc dân cư đa dạng, Canada vừa là nước xuất khẩu lớn về nông sản, thực phẩm chế biến, vừa là nước nhập khẩu lớn trên thế giới, đứng thứ 6 sau EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Theo số liệu của Liên hiệp quốc về tình trạng lãng phí thực phẩm, hàng năm Canada lãng phí trên 50 triệu tấn, với gía trị lên đến 20 tỷ CAD. Mỗi hộ dân Canada lãng phí 79kg thực phẩm mỗi năm, cao hơn 20kg so với Hoa Kỳ; thậm chí theo số liệu năm 2022 của chính Uỷ ban quốc gia về giảm rác thải, lãng phí thực phẩm ở nước này còn lên đến 140kg. Các con số này cho thấy xu hướng tiêu dùng lớn của thị trường Canada.

Thị trường Canada là thị trường có thu nhập cao và có tiêu chuẩn cao. Tuy nhiên, người tiêu dùng Canada khá là quan tâm đến giá cả. Các hệ thống phân phối vì vậy rất quan tâm đến việc chạy các nhãn hàng riêng và ép các nhà cung cấp, nhà sản xuất liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá. Quyết định mua sắm của người Canada chủ yếu dựa vào 3 yếu tố: giá sản phẩm (quan trọng nhất), tính tiện lợi của cửa hàng (chỗ đậu đỗ) và giá trị dinh dưỡng/chất lượng của sản phẩm.

Ngoài ra, do cuộc sống bận rộn, mùa đông kéo dài, người Canada cũng quan tâm đến các sản phẩm ăn nhanh, đóng gói sẵn, cân bằng dinh dưỡng để sử dụng, kể cả các sản phẩm “exotic”. Nhìn chung, người Canada có gu ăn uống khá mở và sẵn sàng thử các mùi vị của các nền ẩm thực khác nhau. Nhiều chuỗi siêu thị như Walmart và Loblaws đã phát triển các khu bán hàng theo địa lý ẩm thực (Italia, latin, châu Á, Trung Quốc, ASEAN…) Ẩm thực Việt Nam ở Canada được đánh giá cao vì tính cân bằng dinh dưỡng, vừa dễ ăn, vừa tốt cho sức khoẻ[3]. Trong những năm gần đây, các sản phẩm thực phẩm chế biến của Việt Nam đã có nhiều cải tiến, vừa đa dạng về mẫu mã, vừa phong phú về cách chế biến và đặc biệt, đã rất chú trọng đến chất lượng, hình thức bao bì, hướng dẫn sử dụng. Thị trường Canada vì vậy khá ưa chuộng các sản phẩm thực phẩm chế biến có nguồn gốc từ Việt Nam.

Người tiêu dùng Canada quan tâm đến các sản phẩm sạch, bổ dưỡng tuy nhiên, các sản phẩm hữu cơ có mức giá cao vẫn không quá được ưa chuộng tại thị trường nên khó đưa được vào các chuỗi phân phối lớn mà chỉ được tiêu thụ trong các cửa hàng bán lẻ chuyên biệt. Tuy nhiên, xu hướng giảm ăn các sản phẩm từ đạm động vật và chuyển sang đạm thực vật ngày càng rõ ràng do mối quan tâm sức khoẻ và môi trường của người tiêu dùng ngày càng cao.

Người Canada cũng quan tâm đến sức khoẻ nên chất lượng sản phẩm (hàm lượng dinh dương, các chất sử dụng) được chú ý cao độ, nhất là các chất hoá học không cần thiết. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng phát triển doanh nghiệp Canada[4], khoảng 50% số người được hỏi quan tâm đến lợi ích sức khoẻ khi tiêu dùng và khoảng 1/3 sẵn sàng trả giá cao hơn để mua các sản phẩm cao cấp. Nghiên cứu cũng cho thấy người Canada quan tâm đến chất lượng nguyên liệu, ưa chuộng các sản phẩm có thành phần tự nhiên, có ghi nhãn sạch hoặc hữu cơ, sản xuất bền vững, thân thiện môi trường, thương mại công bằng… Về bao bì, người tiêu dùng Canada có xu hướng ưu tiến nhãng sản phẩm có bao bì có khả năng tái sử dụng, có khả năng tái chế, có khả năng tự huỷ sinh học, tiết kiệm năng lượng, nhẹ… Gần đây, xu hướng thực dưỡng (healthy eating) cũng rất phát triển, mở cửa cho các sản phẩm có nguồn gốc từ đạm thực vật. Đây cũng là triển vọng tốt cho ngành thực phẩm chay vốn khá phát triển ở Việt Nam.

Đối với ngành thực phẩm đồ uống, quy định về dư lượng hoá chất và tiêu chuẩn của Canada được đánh giá là khắc nghiệt bậc nhất thế giới, tạo thành những rào cản ky thuật đáng kể cho các sản phẩm nhập khẩu. Để thoả mãn chất lượng của thị trường, giá sản xuất buộc phải nâng lên sẽ làm mất đi tính cạnh tranh của các sản phẩm đến từ các thị trường địa lý xa xôi như Việt Nam. Trong những năm gần đây, phong trào “Buy local” để giảm carbon footprint trong tiêu dùng được ủng hộ mạnh ở Canada. Theo nghiên cứu của BDC đã dân, khoảng 50% người tiêu dùng quan tâm tìm mua sản phẩm “sản xuất taị Canada” và muốn tìm mua sản phẩm của Canada. Các nhà bán lẻ cũng ủng hộ phong trào “Buy local” và ưu tiên các sản phẩm có hành trình ngắn nhất từ nơi sản xuất lên kệ hàng. Phong trào được khuyến khích mạnh cũng là một hình thức gia tăng bảo hộ và bất lợi cho các hàng hoá nhập khẩu từ các nước xa xôi.

Sau dịch Covid, xu thế mua hàng thực phẩm và đồ uống qua mạng ngày càng gia tăng. Các chuỗi bán lẻ ngày càng cạnh tranh với các chiến lược giao hàng miễn phí hoặc khuyến mãi tặng quà cho các đơn đặt hàng qua mạng và nhận tại cửa hàng. Xu hướng marketing số (qua Internet, mạng xã hội) cũng ngày càng phát triển giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận khách hàng và quảng bá sản phẩm với chi phí thấp.

Hiệp định CPTPP đã mở ra cho các nhà xuất khẩu Việt Nam những cơ hội tiếp cận thị trường thuận lợi hơn các đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc hay ASEAN nhờ việc miễn thuế cho hầu hết các sản phẩm. Hiện nay, các sản phẩm nguồn gốc châu Á vào Canada chủ yếu là bánh kẹo, thực phẩm chế biến, nước uống không cồn và sốt chấm các loại. Đây cũng là những sản phẩm được đánh giá là có mức độ tăng trưởng cao trong giai đoạn 2018-2023. 10 sản phẩm nông sản thực phẩm chế biến Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất vào địa bàn là: thuỷ sản, thực phẩm chế biến, rau quả, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, bánh kẹo, mì phở bún, rau quả đóng hộp, nước sốt nước chấm.

Tuy nhiên, do khoảng cách địa lý giữa hai bờ Thái Bình Dương, trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm của Việt Nam vẫn rất kém cạnh tranh so với các nước lân cận như Hoa Kỳ, Mexico. Ngoài lợi thế về giá vận chuyển, giữa Canada và các nước này đã có Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (CUSMA) nên các doanh nghiệp sản xuất của Hoa Kỳ và Mexico cũng có lợi thế về thuế quan. Tỷ lệ dân nhập cư châu Á ở Hoa Kỳ lớn nên nhiều doanh nghiệp tại Hoa Kỳ đã đi vào sản xuất các sản phẩm châu Á truyền thống để bán tại thị trường và xuất khẩu ở châu Mỹ trong đó có Canada. Hiện nay, ước tính 60% tổng số đầu mặt hàng nhập khẩu tại Canada có nguồn gốc từ Hoa Kỳ (tức trên 15.000 đầu sản phẩm).

Canada là nước có nền kinh tế mở với nhiều Hiệp định thương mại tự do Nhiều nước Nam Mỹ cũng đã có Hiệp định thương mại tự do song phương hoặc đa phương với Canada (Chile, Peru, Panama, Colombia, Costa Roce, Honduras, và sắp tới là Ecuador). Với thổ nhưỡng, khí hậu tương tự Việt Nam, năng lực cung cấp ổn định và lợi thế về giá nhân công, nhiều sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới đã được trồng tại Nam Mỹ để xuất khẩu sang Canada. Ở ASEAN, ngoài Việt Nam, Malaysia, Singapore đều là thành viên của CPTPP; Indonesia sẽ ký Hiệp định thương mại tự do song phương với Canada năm 2023 và Canada đang tiến đến ký kết Hiệp định thương mại tự do với toàn khối ASEAN. Nói cách khác, trong lĩnh vực nông sản và thực phẩm chế biến, Việt Nam khá bất lợi vì có nhiều đối thủ cạnh tranh trong cùng phân khúc mặt hàng và đều có lợi thế về ưu đãi thuế quan.

Thông thường, các siêu thị, cửa hàng đặc sản và cửa hàng tạp hóa độc lập tìm nguồn cung thực phẩm chế biến thông qua các nhà nhập khẩu, nhà bán buôn, đại lý môi giới. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ cũng có tìm kiếm các mặt hàng mới tại các hội chợ, triển lãm để tìm kiếm các mặt hàng mới và tiết kiệm chi phí[1]. Các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể tìm kiếm thông tin về các nhà nhập khẩu của Canada qua các kênh: Database các nhà nhập khẩu Canada[2]; đăng ký làm thành viên của Cơ quan hỗ trợ thương mại Canada[3] để được hỗ trợ kết nối hoặc thông qua dịch vụ của các bên môi giới[4]. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể cân nhắc tham gia các hội chợ lớn tại Canada trong lĩnh vực thực phẩm chế biến như: SIAL 2024[5], Hội chợ nhà hàng Canada[6], Hội chợ bán buôn thực phẩm đặc sản bờ Tây[7], Hội chợ đổi mới sáng tạo trong ngành bán buôn[8], Hội chợ thực phẩm dinh dưỡng CHFA[9]… và truy cập thường xuyên trang thông tin của Thương vụ để nắm được các cơ hội kết nối, các thông tin mới  và các hoạt động hỗ trợ đặc thù của Thương vụ.

[1] Xem thêm bài Hệ thống phân phối bán lẻ tại thị trường Canada: https://vntradetoca.org/he-thong-phan-phoi-ban-le-tai-thi-truong-canada/

[2] https://ised-isde.canada.ca/site/canadian-importers-database/en

[3] https://tfocanada.ca/log-in-register/

[4] https://www.canadianfruit.com; http://www.naproduce.com

[5] https://vntradetoca.org/trien-lam-thuc-pham-lon-nhat-bac-my-sial-canada-2024/

[6] https://www.rcshow.com

[7] https://gsfshow.com

[8] https://groceryinnovations.com

[9] https://chfa.ca/en/Events/chfa-now

TS. Quỳnh Trần, Tham tán Thương mại

 

[1] Nếu tính chung cả nông nghiệp, ngành nông nghiệp và thực phẩm đóng góp xấp xỉ 7% vào GDP

[2] Canada là nước xuất khẩu lớn thứ 11 thế giới về thực phẩm chế biến và đồ uống; nếu tính chung cả nông nghiệp, Canada là nước xuất khẩu lớn thứ năm trên thế giới.

[3] Ở Canada có nhiều quán ăn Việt, các hoạt động du lịch, truyền thông và sinh viên quốc tế cũng giúp nền ẩm thực Việt Nam được nhận diện khá rõ nét ở địa bàn.

[4] https://www.bdc.ca/globalassets/digizuite/10335-consumer_trends_report_en.pdf

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn