Đánh giá lạm phát và triển vọng tăng trưởng của Canada 2023

4894

Tình hình lạm phát của Canada: Lạm phát là vấn đề nóng của Canada. Mặc dù lạm phát ở Canada trong các tháng cuối năm 2022 có giảm nhẹ so với mốc ghi nhận cuối tháng 6/2022 (8.1%), lần lượt từ tháng 7-11 xuống 7.6%, 7.0%, 6.9% và 6.8% và dự báo có thể xuống 6.4% vào tháng 12. Tính trung bình cả năm, Canada vẫn ghi nhận mức lạm phát cao nhất kể từ gần 40 năm qua (1/1983). Mức lạm phát giảm nhẹ trong các tháng cuối năm chủ yếu là do giá nhiên liệu giảm; giá quần áo, giáo dục và giải trí cũng giảm nhẹ; nhưng giá lương thực, vận tải và thế chấp nhà ở tiếp tục tăng cao.

Chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá của Canada: Chính sách tiền tệ của Canada có mục tiêu tạo động lực cho tăng trưởng, ổn định giá, hỗ trợ việc làm và đời sống tài chính của người dân; vì vậy, xuyên suốt chính sách tiền tệ của Canada từ nhiều năm là chiến lược duy trì lạm phát thấp và ổn định, giúp người dân và doanh nghiệp tin tưởng vào giá trị đồng CAD. Từ trước khi khủng hoảng lạm phát toàn cầu diễn ra, Canada đã đưa ra Chiến lược 5 năm 2021-2026 để điều hành chính sách tiền tệ uyển chuyển với mục tiêu lạm phát dao động trong biên độ từ 1-3%. Vì vậy, để giảm lạm phát, từ đầu năm đến nay, Canada đã thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu trong vòng từ 6-8 Quý. Chính sách tiền tệ thắt chặt thể hiện ở việc Ngân hàng trung ương Canada đã tăng lãi suất liên tục 7 lần, từ mức 0.25% hồi tháng 1/2022 lên đến 4.25% vào tháng 12/2022. Canada là nước đẩy lãi suất lên nhanh và cao nhất trong các nền kinh tế G7. Theo Ngân hàng trung ương Canada, cần tăng lãi suất là do kinh tế Canada đang tăng trưởng quá nóng, cung không đáp ứng đủ cầu (thiếu lao động và thiếu hàng hoá đẩy giá lên); nếg tăng lãi suất sẽ làm giảm cầu (giảm tiêu dùng) và giảm vay tiêu dùng và đầu tư (vì chi phí vay đắt lên), từ đó sẽ giảm lạm phát.

Về chính sách tài khoá, sau 2 năm thực hiện chính sách tài khoá nới lỏng với nhiều chương trình trợ giúp tài chính liên bang để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng Covid, từ tháng 3/2022, Canada đã công bố mục tiêu chính của chính sách tài khoá là nhằm giảm tỷ lệ nợ trên GDP thông qua kiểm soát chặt chẽ và cắt giảm chi tiêu của Chính phủ. Canada có một số điều kiện thuận lợi về thu ngân sách năm 2022 nhờ giá dầu tăng và nền kinh tế tăng trưởng khá tốt trong Quý 2-3/2022 sau khi mở cửa trở lại hoàn toàn. Trong năm 2022, Canada ngừng hoàn toàn các chương trình trợ giúp Covid và chuyển sang các gói đầu tư nhằm nâng cao năng suất của nền kinh tế và khả năng đổi mới để tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế dài hạn và các việc làm chất lượng cao. Bên cạnh đó, ngân sách còn dành để thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng, hướng đến nền kinh tế không phát thải. Mặc dù kiểm soát chi tiêu Chính phủ, Canada vẫn dành ngân sách để hỗ trợ những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất do lạm phát nhưng sẽ là động lực sau này của nền kinh tế Canada: trẻ em, sinh viên, người mới nhập cư và các gia đình trẻ thu nhập thấp. Với cách tiếp cận cân bằng, thắt chặt tài khoá hợp lý, chi tiêu có trọng tâm, trọng điểm, chính sách tài khoá của Canada hướng đến việc kiểm soát lạm phát nhưng không bóp nghẹt các cơ hội tăng trưởng.

Triển vọng lạm phát và tăng trưởng: Với việc áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt hợp lý và chính sách tài khoá thận trọng, lạm phát của Canada đã có dấu hiệu giảm nhẹ dần. Canada dự kiến ​​sẽ có mức thâm hụt ngân sách nhỏ nhất trong năm nay tính theo tỷ lệ GDP trong số các nước G7 và cho đến nay là quốc gia có nợ ròng chung của chính phủ thấp nhất tính theo tỷ lệ GDP trong G7. Tỷ lệ nợ liên bang trên GDP dự kiến ​​sẽ giảm mạnh hơn so với dự kiến ​​trong Ngân sách 2022 (thực tế là 3.6 vs. 4.6 dự báo). Tăng trưởng dự kiến ​​sẽ chậm lại ở mức 3,3% cho cả năm 2022 và xuống 1,5% vào năm 2023. IMF cũng dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Canada sẽ tăng vừa phải, quay lại mức khoảng 6% trước đại dịch vào năm 2023; lạm phát sẽ giảm dần và có thể đạt mục tiêu 2% vào cuối năm 2024. Mặc dù, Quỹ tiến tệ quốc tế hồi tháng 10 đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế 2023 đối với các nền kinh tế chủ yếu, theo đó, mức tăng trưởng của Canada bị hạ xuống từ 3% xuống 1.5%, tuy nhiên, ở mức này, Canada vẫn phát triển tốt hơn khu vực đồng euro và Hoa Kỳ (ngang bằng so với Nhật Bản).

Mặc dù các đánh giá của IMF khá khả quan, nhưng nhiều nhà kinh tế nhận định Canada thực sự không lạc quan như các con số phản ánh. Động lực tăng trưởng của Canada chủ yếu là do xuất khẩu, chi tiêu công, xây dựng nhà xưởng và tăng đầu tư vào hàng trữ kho. Xuất khẩu tăng nhưng chủ yếu là do tăng xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản. Hàng trữ kho vẫn giữ ở mức cao kể từ Covid đến nay (46.8 tỷ CAD), chủ yếu là trong lĩnh vực sản xuất, bán buôn và bán lẻ. Trong khi đó, đầu tư vào bất động sản (-4.1%) và chi tiêu hộ gia đình (-0.3%) lại sụt giảm. Khu vực dịch vụ cũng ghi nhận mức sụt giảm tăng trưởng so với năm 2021.

6/8 nhà kinh tế của các ngân hàng hàng đầu của Canada đều thống nhất cho rằng, lạm phát sẽ tiếp tục dai dẳng ở mức cao và khó đạt được mục tiêu về 3% vào cuối 2023 và 2% vào cuối 2024 của Ngân hàng trung ương Canada. Bởi vì ngoài các yếu tố bên ngoài tác động đến lạm phát (chiến tranh Ukraine, đứt gẫy nguồn cung, giá nhiên liệu tăng và giá hàng hoá tăng); Canada có nhiều yếu tố nội tại dẫn đến lạm phát như: giá nhân công cao, dự báo lạm phát của người tiêu dùng và doanh nghiệp đứng ở mức cao và do tình trạng chi tiêu công không đến đúng đích (các khoản hỗ trợ chi cho những nhóm doanh nghiệp và hộ gia đình không đủ điều kiện). Các nhà kinh tế cũng cho rằng lãi suất đẩy cao có thể có hiệu ứng cắt giảm chi tiêu, giúp giảm cầu của nền kinh tế, nhưng về dài hạn, việc tăng lãi suất chỉ kéo theo giảm tăng trưởng và giảm việc làm; và có vẻ như Canada đã bắt đầu rơi vào vòng xoáy: tăng giá lao động để thu hút và giữ nhân công, tăng giá hàng hoá để chi trả nhân công cao và đầu vào cao, sản xuất nhiều hơn để xuất khẩu phục vụ cầu của thị trường thế giới. Việc duy trì lãi suất cao còn có nguy cơ đẩy Canada vào suy thoái, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc tế của Canada, chất lượng sống của người dân và làm gia tăng bất bình đẳng xã hội.

Nhiều dấu hiệu cho thấy giảm lạm phát nhanh bằng tăng lãi suất đang dẫn đến giảm việc làm và suy thoái. Chỉ số PMI giảm mạnh kể từ sau tháng 7 và đứng liên tục ở mức dưới 50 điểm cho đến nay; tương tự như vậy với diễn biến của chỉ số sản xuất công nghiệp. Lòng tin kinh doanh trong năm 2022 sụt giảm dần qua từng tháng và đứng ở mức thấp hơn nhiều so với năm 2021. Chỉ số lạc quan của doanh nghiệp nhỏ cũng giảm liên tục từ đầu năm và đứng ở mức thấp 50.9. Chỉ số lòng tin tiêu dùng sụt giảm xuống 46.62 điểm vào tháng 11/2022, là mức thấp nhất ghi nhận trong 25 năm qua (không kể thời điểm tháng 4/2020, khi Covid bùng nổ). Các chỉ số dự báo về lạc quan tài chính, khả năng mua xe, mua nhà, tiết kiệm, đầu tư đều sụt giảm so với năm 2021. Vì vậy, chỉ số bán lẻ của Canada hầu như không tăng trưởng, bất chấp giá bán lẻ tăng cao do sự sụt giảm của lượng mua những hàng hoá giá trị cao.

Mặc dù vậy, vẫn có một số yếu tố hỗ trợ cho khả năng hạ cánh mềm của Canada (giảm lạm phát, khôi phục tăng trưởng bền vững) do thị trường lao động Canada hiện nay đang rất khan hiếm (tỷ lệ thất nghiệp Canada ở mức thấp kỷ lục); nhu cầu của thế giới đối với các hàng hoá xuất khẩu của Canada vẫn đứng ở mức cao cả về giá và về lượng; vì vậy, khó có kịch bản lãi suất cao dẫn đến suy thoái kinh tế ở Canada như ở các nước khác. Trong số các nước G7, Canada ít chịu tác động bởi việc sụt giảm tiêu dùng và nhu cầu sản xuất toàn cầu vì các hàng hoá xuất khẩu mà Canada có thế mạnh chủ yếu vẫn là nguyên vật liệu cơ bản. Việc Canada thực hiện cả chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt đã bắt đầu mang lại những hiệu ứng tích cực ban đầu: lạm phát bắt đầu giảm nhẹ, giá nhà đã hạ nhiệt khoảng 20% (dần trở về mức trước Covid và dự báo sẽ còn thấp hơn), lãi suất cao bắt đầu làm giảm cầu. Lương cơ bản của Canada cũng tăng đều đặn, giúp làm giảm áp lực của lạm phát làm chi phí sống tăng cao. Chính sách tài khoá thắt chặt, vì vậy, Canada đã giảm được tỷ lệ nợ liên bang và giảm thâm hụt ngân sách.

Với chính sách tiền tệ uyển chuyển và chính sách tài khoá phù hợp, một số chuyên gia khác cho rằng nguy cơ suy thoái ít khả năng diễn ra ở Canada. Các yếu tố như thiếu hụt năng lượng, đứt gẫy nguồn cung, áp lực cạnh tranh cao do thiếu thị trường… không phải là vấn đề lớn của nền kinh tế Canada. Thực tế, triển vọng tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2023 và các năm tiếp theo phụ thuộc nhiều hơn vào các yếu tố nội tại, đặc biệt là các giải pháp chuyển đổi nền kinh tế xanh và trung hoà carbon; các giải pháp cải thiện năng suất của nền kinh tế và cải thiện năng lực sản xuất công nghiệp, vận tải và logistics nội địa và đặc biệt, khả năng xử lý vấn đề già hoá dân số và thiếu hụt lao động.

Nền kinh tế Canada được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng không đồng đều trong vài năm tới. Những lĩnh vực như năng lượng (bao gồm cả năng lượng sạch và dầu khí), khai khoáng, nông nghiệp, thông tin truyền thông, được cho sẽ tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng của Canada. Các ngành bán buôn-bán lẻ, vận chuyển hàng hải, y tế, giáo dục ít có cơ hội tăng trưởng đột biến trong những năm tới do bản thân các ngành này đã phát triển tới ngưỡng. Trong khi đó, nhiều ngành trước đây chiếm tỷ trọng lớn của nền kinh tế sẽ tiếp tục là gánh nặng của nước này: ngành vận tải hàng không, du lịch…. Ngành xây dựng cũng sẽ có những tín hiệu không mấy khả quan trong thời gian tới, do chịu tác động quá tiêu cực từ sự phụ thuộc lao động nước ngoài. Khu vực chế biến chế tạo cũng được dự báo sẽ gặp khó khăn trong năm 2023 do sự sụt giảm nhu cầu và giá đầu vào tăng cao.

Trong bối cảnh này, có thể dự kiến quan hệ hợp tác đầu tư công nghiệp và năng lượng giữa hai nước Việt Nam-Canada trong năm 2023 sẽ gặp khó khăn, do tâm lý ngần ngại trong các quyết định đầu tư kinh doanh, ký kết hợp đồng của doanh nghiệp; cũng như do chính bối cảnh tiêu dùng sụt giảm của Canada. Việc Canada gần đây công bố chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp Canada vươn sang khu vực liệu có là một cú hích tích cực đến luồng đầu tư cũng chưa hẳn rõ. Về thương mại, việc chưa có đường bay trực tiếp giữa hai nước, và tình trạng tắc nghẽn cảng biển và thiếu năng lực vận chuyển nội địa tiếp tục kéo dài ở Canada cũng đẩy giá vận chuyển và thời gian vận chuyển, làm hàng hóa Việt Nam giảm tính cạnh tranh rõ rệt so với một số nước. Đối với Việt Nam, đây mới là khó khăn chủ yếu chứ không phải do lạm phát vì tiêu dùng của Canada có chậm lại đối với các hàng hoá Việt Nam có thế mạnh nhưng không giảm mạnh. Vì vậy, dự báo xu hướng thị trường Canada đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong năm 2023 còn rất nhiều bất định.

TS. Quỳnh Trần, Tham tán Thương mại

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn