Hệ thống phân phối bán lẻ tại thị trường Canada

12646

Thị trường bán lẻ của Canada bao gồm 24.000 cửa hàng bán lẻ và 63.000 cơ sở dịch vụ ăn uống, chiếm 6 % tổng việc làm của Canada. Thị trường bán lẻ Canada có cấu trúc khá tập trung với 5 chuỗi chính chiếm lĩnh trên 80% thị phần. Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và tạp hoá chủ yếu tập trung ở 3 tỉnh bang Ontario, Quebec và British Colombia (74%). Giá trị tiêu dùng của thị trường bán lẻ thực phẩm và đồ uống của Canada trước khủng hoảng lạm phát trung bình khoảng 100 tỷ CAD/năm[1], trong đó giá trị nhập khẩu khoảng 30 tỷ. Thị trường bán lẻ thực phẩm và đồ uống có tốc độ tăng trưởng ổn định khoảng 4%/năm.

  • Loblaws 29% với trên 1500 cửa hàng,
  • Sobeys 21% với trên 1500 cửa hàng,
  • Costco 11% với 100 cửa hàng,
  • Metro 10.8% với trên 950 cửa hàng, chủ yếu chỉ tập trung ở bang Quebec và Ontario,
  • Walmart 7.5% với trên 400 cửa hàng.

Các đại siêu thị và siêu thị đa ngành (không chỉ phân phối riêng thực phẩm và hàng tiện lợi) có xu hướng phát triển nhanh nhất trong hệ thống bán lẻ. Do tình trạng thống lĩnh của các chuỗi phân phối lớn, các cửa hàng tiện lợi,  và tạp hoá dần bị thu hẹp thị phần vì không thể cạnh tranh. Ngược lại, các siêu thị mang tính sắc tộc (siêu thị châu Á, siêu thị Hàn Quốc, siêu thị Việt Nam…) có xu hướng mở rộng và hiện có tốc độ tăng trưởng cao nhất ngành bán lẻ tại Canada với 10% trong khi tốc độ tăng trưởng trung bình toàn ngành chưa đến 5%. Các siêu thị chuyên thực phẩm tiêu dùng cũng tăng trưởng khá tốt nhờ đi theo hướng tập trung vào các sản phẩm chế biến, các sản phẩm đóng gói sẵn và các đặc sản.

Hàng hoá đưa vào hệ thống bán lẻ ở Canada thường dưới ba hình thức: hàng sản xuất theo đặt hàng của siêu thị (private label); chuỗi phân phối đặt mua trực tiếp (thường là của các công ty đa quốc gia sản xuất) và qua các nhà mua buôn/tổng đại lý nhập khẩu. Hiện nay trong hệ thống phân phối Canada, ước tính có khoảng 100.000 đầu sản phẩm, khoảng 75% có nguồn gốc từ Canada; 25.000 đầu sản phẩm là nhập từ thế giới. Hoa Kỳ thống trị hầu hết các lĩnh vực mặt hàng nhập khẩu tại thị trường Canada. Tuy nhiên, đáng chú ý, theo số liệu của Global Trade Atlas 2018, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan xuất khẩu khá nhiều sản phẩm thực phẩm chế biến, các loại bánh kẹo và sốt chấm. Hàn Quốc và Thái Lan còn có thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng đồ uống không cồn vào Canada.

Mô hình phân phối của Canada:

Trong mô hình này, nhà môi giới đóng vai trò trung gian tìm kiếm khách hàng, hỗ trợ tiếp xúc đàm phán, giới thiệu các tính năng sản phẩm và có thể giúp thiết lập mạng lưới phân phối. Nhà môi giới thường không đứng tên sản phẩm mà các nhà nhập khẩu mới đứng ra làm thủ tục nhập khẩu, nộp các chứng chỉ và thủ tục kiểm định. Hàng hoá được nhập khẩu sẽ đặt tại kho của nhà nhập khẩu hoặc chuyển về kho của nhà phân phối, từ đó sẽ bán cho các cấp phân phối khác nhau (chuỗi siêu thị lớn, cửa hàng tiện lợi hoặc tạp hoá). Các công ty đa quốc gia thường làm việc trực tiếp với các chuỗi siêu thị lớn và đưa hàng thẳng vào kho của các chuỗi siêu thị vì tự vận hành đại lý phân phối của mình.

Hệ thống bán lẻ thường có đội ngũ quản lý ngành hàng có trách nhiệm tìm kiếm để giới thiệu lên kệ các sản phẩm mới sau quy trình bình chọn nội bộ. Tuy nhiên thực tế, các quản lý ngành hàng đều phụ thuộc vào các nhà môi giới, bán buôn, đại lý tổng kho để có thông tin về các sản phẩm mới. Các chuỗi bán lẻ thường không tham gia vào các đoàn vào mua hàng, tìm kiếm nguồn cung và ít trực tiếp tham gia vào các hội chợ triển lãm thực phẩm và hàng tiêu dùng. Mỗi đại lý nhập khẩu chỉ quản lý từ 10-25 nhãn hãng tại một thời điểm và có vị trí đối thoại tốt hơn các nhà sản xuất trong quan hệ với chuỗi bán lẻ. Vì vậy, để đưa hàng vào thị trường, các nhà sản xuất nhất thiết phải qua môi giới[2] để tiếp cận các đại lý tổng kho/nhà nhập khẩu bán buôn.

Canada có chỉ số bất bình đẳng thu nhập tương đối thấp nhưng thực tế, đời sống ở Canada chênh lệch rất lớn, đặc biệt với những người mới nhập cư, người thổ dân bản địa, người đơn thân và gia đình trẻ. Sự chênh lệch mức sống thể hiện rõ trong cấu trúc thị trường bán lẻ, với sự phân cực rõ ràng giữa các siêu thị chuyên các mặt hàng giảm giá và các chuỗi chuyên đồ cao cấp và đồ nhập khẩu cao cấp. Sau Covid 19, kinh tế Canada chịu tác động tiêu cực của lạm phát và tăng lãi suất, buộc người dân chuyển hướng lựa chọn nhiều hơn các siêu thị giảm giá, siêu thị giá rẻ làm gia tăng số lượng các siêu thị giá rẻ có quy mô vừa và nhỏ[3]. Tiêu chí lựa chọn cửa hàng với các hộ gia đình theo nghiên cứu gần đây là: giá (57%), vị trí gần nhà (11%), thanh toán nhanh (8%), số lượng sản phẩm (7%), cách trưng bày (4%), còn lại là các yếu tố khác.

Sự chênh lệch thu nhập cũng rất lớn giữa các tỉnh bang khiến cho doanh thu bán lẻ cũng có sự khác biệt lớn. Doanh thu bán lẻ lớn nhất lần lượt là ở Ontario, Quebec, British Colombia, và Alberta. Doanh thu trung bình là ở các tỉnh Manitoba, Saskatcheưan, Nova Scotia và New Brunswich. Các tỉnh bang Newfoundland, Prince Edward, Yukon, Northwest và Nunavut có doanh thu không đáng kể.

TS. Quỳnh Trần, Tham tán thương mại

[1] Ước tính mỗi người dân tiêu dùng khoảng 10-12% thu nhập trung bình cho chi phí thực phẩm, tức khoảng 6-8000CAD/năm/đầu người.

[2] Phí môi giới có thể từ 3-10% doanh thu bán.

[3] Báo cáo Caddle về Siêu thị gía rẻ thực hiện 2021 cho thất 70% ngươì dân Canada có su hướng tìm kiếm các chương trình khuyến mãi và hạ giá. 87% người Canada thường xuyên đi mua sắm ở các siêu thị giá rẻ; 65% mua sắm hàng tuần. 44% chi tiêu một nửa ngân sách gia đình vào các cửa hàng giá rẻ.

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn