Tình hình xuất khẩu đồ gỗ nội thất của Việt Nam vào Canada từ sau CPTPP

20867

Kể từ sau CPTPP, xuất khẩu nhóm hàng đồ gỗ, nội thất và thủ công mỹ nghệ của Việt Nam vào thị trường Canada liên tục tăng. Theo số liệu địa bàn[1], tổng giá trị xuất khẩu năm 2021 của nhóm hàng mã HS 94 đã lên đến 593 triệu, tăng 83.6% so với năm 2018. Xuất khẩu mặt hàng gỗ mã HS 44 tăng lên 31.6 triệu USD, tăng 185% so với năm 2018. Mặt hàng thủ công mỹ nghệ, mã HS 46 năm 2021 đạt 12.4 triệu, tăng 76% so với năm 2018.

Đối với mặt hàng nội thất, Việt Nam hiện chiếm 6% thị phần nhập khẩu của Canada (tăng từ 4% năm 2018). Điều đáng chú ý là kể từ sau khi CPTPP có hiệu lực, với 83.7%, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nội thất của Việt Nam sang địa bàn là cao nhất trong nhóm (tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường giai đoạn 2018-2021 là 6.1%). Malaysia cũng là nước có tốc độ tăng trưởng kim ngạch cao, đạt 35.3%. Hiện nay, Malaysia mới có 1.2% thị phần, tuy nhiên với việc Malaysia vừa phê chuẩn gia nhập CPTPP, các doanh nghiệp nhập khẩu Canada đã thể hiện sự quan tâm rõ rệt đối với các mặt hàng nội thất văn phòng và ghế sofa, ghế bọc đệm của thị trường Malaysia. Ngược lại, sau CPTPP, hiệu ứng tăng xuất khẩu không diễn ra với Mexico, năm 2018, Mexico có thị phần 11.4% nhưng do sụt giảm xuất khẩu tới -30.1%, hiện Mexico chỉ còn chiếm 7.9% thị phần. Tình hình cũng diễn ra tương tự với Hoa Kỳ, năm 2018, Hoa Kỳ chiếm 31.1% thị phần nhưng đến năm 2021, chỉ còn chiếm 24.9% thị phần do kim ngạch vào thị trường Canada giảm tới -19.2%.

 

 

Xuất khẩu đồ gỗ và nội thất của Việt Nam vào Canada kể từ sau CPTPP (triệu USD)

2018 2019 2020 2021 %
Xuất khẩu mã HS 94 của Việt Nam 322 368 432 593 83.6
Xuất khẩu mã HS 44 của Việt Nam 11 15 20 32 185
Xuất khẩu mã HS 46 của Việt Nam 7 8 8 12 76

 

 

Bất chấp quan hệ căng thẳng với Canada cũng như xu hướng “thoát Trung” của các doanh nghiệp Canada, trong lĩnh vực nội thất, Canada vẫn tiếp tục nhập khẩu mạnh từ Trung Quốc. Trong giai đoạn 2018-2021, Canada đã tăng nhập khẩu gần 1 tỷ USD, từ 3.4 tỷ năm 2018 lên 4.3 tỷ năm 2021 (tăng khoảng 26.8%), vì vậy, hiện nay, Trung Quốc chiếm tới 44.1% thị phần nhập khẩu của Canada (từ 37.6% năm 2018).

Mặc dù CPTPP đã mang lại những hiệu ứng tích cực thấy rõ với xuất khẩu mã HS 94 của Việt Nam vào thị trường, tuy nhiên, theo số liệu ghi nhận từ đầu năm đến nay, đã có những dấu hiệu cho thấy xu hướng nhập khẩu nội thất từ Việt Nam bị đảo chiều. Cùng kỳ 9 tháng năm 2021, Việt Nam đã xuất được 493 triệu USD, tuy nhiên đến nay mới xuất được 485 triệu USD, giảm 1.6%. Trong top 10 nhà xuất khẩu lớn nhất vào Canada, duy nhất Việt Nam ghi nhận giảm tăng trưởng xuất khẩu; trong khi nhu cầu của thị trường Canada năm 2022 tăng trung bình 11% so với năm 2021. Các nước ghi nhận tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh trong 9 tháng đầu năm 2022 là: Hoa Kỳ (22.1%), Mexico (24.1%), Italy (24.4%), Ấn Độ (22.3%), các nước khác như Ba Lan, Malaysia, Đài Loan, Ấn Độ đều ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu quanh 10%. Diễn biến đảo chiều như vậy đối với xuất khẩu mã HS 94 của Việt Nam có thể do các nguyên nhân: thời gian và chi phí vận chuyển từ Việt Nam qua Canada quá cao; Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với Malaysia và Ấn Độ đối với các sản phẩm sofa, ghế bọc đệm do bị áp thuế chống phá giá; Canada giảm nhập khẩu nội thất văn phòng và ngoài trời sau giai đoạn giãn cách…

Liên quan đến mặt hàng gỗ mã HS 44, CPTPP cũng có hiệu ứng tích cực rõ rệt, minh chứng bởi tốc độ tăng trưởng kim ngạch (185%) so với năm 2018 và bởi sự thăng hạng của Việt Nam vào nhóm 10 nước xuất  khẩu nhiều nhất vào Canada. Mặc dù thị phần không đáng kể, nhưng Việt Nam đã vượt Italia để có tên trong nhóm các nước xuất khẩu nhiều nhất vào Canada kể từ 2021. Thị phần chủ yếu đối với mặt hàng này vẫn là Hoa Kỳ, với 60%, Trung Quốc với 20%. Các nước xuất khẩu chính khác là: Đức, Braxin, Thổ Nhĩ Kỳ, Chile, Áo, Nga. Xuất khẩu mã HS của Việt Nam sang địa bàn chủ yếu là gỗ ván, panel lát sàn và than củi. Đây là những mặt hàng còn nhiều dư địa thị trường vì nhu cầu nội địa của Canada tăng đều đặn (tăng 25% giai đoạn 2018-2021). Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2022, số liệu địa bàn cho thấy xu hướng giảm nhập khẩu từ Việt Nam (-0.4%): tính đến nay mới đạt 25.4 triệu trong khi cùng kỳ năm 2021 đạt 25.5 triệu.

Liên quan đến mặt hàng thủ công mỹ nghệ mã HS 46, đây cũng là lĩnh vực mặt hàng CPTPP có tác động tích cực. Giá trị xuất khẩu năm 2018 mới đạt 7.1 triệu USD nhưng năm 2021 đã đạt 12.4 triệu USD, tăng 76%. Việt Nam (23%) là nước có thị phần lớn thứ hai sau Trung Quốc (47%). Trong khi đó thị phần năm 2018 của Trung Quốc là 59% và của Việt Nam là 20%. Canada có nhu cầu tăng ổn định với mặt hàng thủ công mỹ nghệ, trung bình 20%/năm do nhu cầu trang trí tăng cao và do Canada là đất nước đa sắc tộc. 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao 21.9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 12 triệu USD. Việt Nam có thế mạnh đặc biệt về các mặt hàng mây tre đan và sơn mài, gỗ mỹ nghệ, khác biệt với các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Indonesia, Philippines, vì vậy, có thể dự báo, tiềm năng thị trường đối với nhóm HS 46 sẽ tiếp tục tăng ổn định trong thời gian tới.

TS. Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại

[1] Số liệu địa bàn có sự khác biệt với thống kê của Việt Nam do Canada tính cả hàng nhập khẩu có xuất xứ Việt Nam trung chuyển qua Hoa Kỳ.

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn