Tình hình và quy định xuất khẩu thuỷ sản chế biến sang thị trường Canada

22081

Thực tiễn theo dõi số liệu xuất nhập khẩu Việt Nam qua các năm cho thấy, thuỷ sản chế biến xứng đáng có một vị trí riêng để theo dõi (tương tự như vậy với các sản phẩm nông nghiệp chế biến khác của Việt Nam).  Canada nhập khẩu trung bình khoảng trên 1.6 tỷ USD/năm với các sản phẩm chế biến thuộc mã HS 16 và có nhu cầu đang tăng dần qua các năm do đời sống công nghiệp và do nhu cầu thưởng thức thực phẩm chế biến toàn cầu tại nhà. Việt Nam hiện là nước đứng thứ 3 trong top 10 nước xuất khẩu thực phẩm/thuỷ sản chế biến lớn nhất vào Canada (sau Hoa Kỳ và Thái Lan). Mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đối với mã HS 16 của Việt Nam vào thị trường Canada kể từ sau CPTPP (giai đoạn 2018-2022) đạt 22%, cao gần gấp đôi mức trung bình của các nước. Mặc dù vậy, thị phần của Việt Nam vẫn không đáng kể, mới chỉ chiếm khoảng 5% nhu cầu thuỷ sản chế biến của thị trường Canada. Hoa Kỳ vẫn chiếm trên 60% thị phần và Thái Lan trên 10% thị phần.

 

Nhu cầu thị trường Canada với các sản phẩm thuỷ sản chế biến
  2017 2018 2019 2020 2021 %
Việt Nam 60,384 69,301 72,846 90,967 84,676 22
Các nước 1,356,261 1,377,484 1,398,405 1,344,735 1,554,905 12
Tổng nhu cầu nhập khẩu 1,416,645 1,446,785 1,471,250 1,435,702 1,639,581 13

 

Trong 9 tháng đầu năm 2022, thuỷ sản chế biến của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng khá tốt (43.6% so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn nhiều mức tăng trung bình 13% của thị trường Canada với nhóm mặt hàng này). Nhờ vậy, dự kiến năm 2022, Việt Nam sẽ xuất khẩu được trên 110 triệu USD giá trị thuỷ sản chế biến vào thị trường. Nói cách khác, giá trị xuất khẩu thuỷ sản chế biến còn lớn hơn giá trị xuất khẩu cá file đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu vào Canada.

Trong nhóm thuỷ sản chế biến, Việt Nam là nước mạnh nhất về các sản phẩm tôm tẩm bột, tôm viên, chả giò hải sản, tôm hấp đông lạnh (mã HS 1605). Việt Nam chiếm 25% thị phần tại Canada đối với nhóm sản phẩm mã HS 1605, vượt xa Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan. Trong bối cảnh Canada giảm nhập khẩu từ Nga và Trung Quốc (là 2 nước có thị phần lớn với mã HS 1605), Việt Nam có nhiều cơ hội để xuất khẩu thêm vào thị trường. Dự kiến năm 2022, Việt Nam sẽ  xuất khẩu được 105 triệu USD. Mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu từ sau CPTPP đạt 54%, và trong 9 tháng đầu năm 2022 đã tăng 63.1% so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù vậy, trong nhóm mặt hàng này, Việt Nam gặp nhiều cạnh tranh từ Indonesia, Ấn Độ. Đây là hai nước có thị phần và mức tăng trưởng rất mạnh trong những năm qua.

Đối với nhóm thuỷ sản chế biến mã HS 1604 (cá đóng hộp), mặc dù xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường đã tăng 445% so với trước 2018 (từ 2.6 triệu năm 2018 lên 14.4 triệu năm 2021), tuy nhiên, mức tăng này là không đáng kể so với nhu cầu của thị trường. Hiện nay, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 5 các mặt hàng cá đóng hộp vào Canada nhưng thị phần của chúng ta chỉ khoảng 3.5%. Hàng năm, Canada có nhu cầu nhập khẩu khoảng 350-400 triệu USD và Canada đang nhập khẩu chủ yếu từ Hoa Kỳ, Thái Lan. Chỉ riêng hai nước này đã có thị phần khoảng 68%. Trong năm 2022, Việt Nam giảm mạnh xuất khẩu cá đóng hộp vào thị trường Canada (giảm 28.6% so với cùng kỳ 9 tháng năm 2021) trong khi các nước vẫn xuất mạnh vào Canada (trung bình 11.2%). Dự kiến năm 2022, Việt Nam chỉ xuất khẩu được khoảng trên 10 triệu USD tổng trị giá xuất khẩu mã HS 1604.

 

  1. Một số quy định cần nắm khi xuất khẩu thuỷ sản và Canada[1]:

 

Nhập khẩu thuỷ sản đều phải tuân theo quy trình nhập khẩu thực phẩm nói chung. Ngoài ra, còn có một số yêu cầu cụ thể đối với việc nhập khẩu cá gọi là Hệ thống tham chiếu nhập khẩu tự động (AIRS). Canada giao phó trách nhiệm lên các nhà nhập khẩu và buộc các nhà nhập khẩu chịu trách nhiệm đảm bảo rằng các sản phẩm thuỷ sản nhập về phải đáp ứng tất cả các yêu cầu hiện hành về an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng được nêu trong Quy định về Thực phẩm An toàn cho Người Canada (SFCR) cũng như mọi yêu cầu hiện hành của Quy định về Sức khỏe Động vật.

Cơ quan kiểm tra thực phẩm Canada (CFIA) sẽ xác minh việc tuân thủ các quy định của Canada và làm việc với các cơ quan có chức năng tương tự ở các đối tác thương mại lớn của Canada để cung cấp các quy định của Canada nhằm đảm bảo các sản phẩm nhập khẩu là an toàn. Các nhà nhập khẩu phải truy cập AIRS để hoàn tất các giấy phép nhập khẩu. Đây là dịch vụ trực tuyến của CFIA, cho phép nhà nhập khẩu theo dõi trạng thái đơn đăng ký của mình và thanh toán trực tuyến cho dịch vụ.

Canada ban hành Danh mục các loài động vật thủy sinh được phân loại là “dễ mắc” các bệnh đáng lo ngại. Để nhập khẩu các sản phẩm có tên trong danh mục này, nhà nhập khẩu phải có Giấy phép Nhập khẩu Thủy sản đặc biệt (kiểm dịch thú y) do CFIA cấp. Các nước xuất khẩu các sản phẩm này phải cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật sau khi đã có đàm phán công nhận với CFIA (CFIA công nhận kết quả xét nghiệm bệnh của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài). Đối với các loại thuỷ sản không nằm trong danh sách này, không cần có Giấy phép Nhập khẩu Thuỷ sản nhưng phải có đầy đủ các thông tin: tên và địa chỉ của nhà xuất khẩu; tên và địa chỉ của nhà nhập khẩu; tên phân loại của động vật thủy sinh, giai đoạn sống và số lượng được nhập khẩu, mục đích sử dụng cuối cùng… Ngoài ra, Canada còn có quy định dán nhãn với các mặt hàng thuỷ sản tương tự như quy định ghi nhãn thực phẩm và quảng cáo, đặc biệt các quy định về tiêu chuẩn dán nhãn organic.

Yêu cầu cụ thể đối với cá đông lạnh nhập khẩu: Cá đông lạnh nhập khẩu phải được vận chuyển theo quy trình chống bị mất nước và oxy hóa. Các nhà nhập khẩu chịu trách nhiệm đảm bảo cá nhập khẩu nằm trong fiới hạn dư lượng tối đa (MRL) đối với các hoá chất được nêu trong danh sách giám sát dư lượng hoá chất nuôi trồng thủy sản của CFIA. Yêu cầu cụ thể đối với động vật có vỏ: Các nhà nhập khẩu phải đảm bảo nhập khẩu từ quốc gia đã được phê duyệt để xuất khẩu sang Canada. Ngoài ra, Canada còn kiểm sát nguy cơ nhiễm Vibrio parahaemolyticus (Vp-là một loại vi khuẩn có thể gây bệnh đường tiêu hóa ở người) trên các động vật có vỏ.

Nhìn chung, quy trình kiểm soát nhập khẩu thuỷ sản của Canada là quy trình tiền kiểm. Khi hàng cập cảng Canada và được Cơ quan dịch vụ biên giới Canada (Hải quan) thông quan, hàng sẽ được phép phân phối ngay lập tức. Kiểm định của CFIA thường diễn ra đối với lần nhập khẩu đầu tiên và có kiểm tra xác suất trên cơ sở lấy mẫu ngẫu nhiên sau này. Thông thường, lấy mẫu với sản phẩm cá là rất hãn hữu trừ trường hợp có nghi ngờ. Tuy nhiên, nếu sản phẩm không được thông qua trong lần nhập khẩu đầu tiên, sẽ không được cho phép tái thẩm tra theo quy định của Luật an toàn thực phẩm Canada, vì vậy nhà nhập khẩu Canada rất ngại bị rút giấy phép nhập khẩu vì sẽ ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của mình.

TS. Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại

[1] https://inspection.canada.ca/food-safety-for-consumers/fact-sheets/specific-products-and-risks/fish-and-seafood/imported-fish-and-seafood/eng/1412026401692/1412026402692

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn