Thị trường đồ gỗ nội thất của Canada – đặc điểm và quy mô

6174

Thị trường gỗ và nội thất Canada có quy mô khá lớn cả về năng lực sản xuất, năng lực xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng. Ước tính giá trị sản xuất nội địa của Canada giai đoạn 2015-2022 trung bình đạt trên 4 tỷ USD/tháng (trừ giai đoạn Covid tháng 4-6 năm 2020[1]). Từ cuối 2021 đến nay, sản xuất phục hồi trở lại, đạt trung bình 4.3 tỷ USD/tháng. Với năng lực sản xuất như vậy, những năm gần đây mỗi năm Canada xuất khẩu trung bình gần 20 tỷ USD sản phẩm thuộc nhóm mã HS 94 và 44. Đặc biệt năm 2021, Canada xuất khẩu tới 22.5 tỷ USD chỉ riêng sản phẩm thuộc nhóm mã HS 44, thể hiện nhu cầu của thế giới với mặt hàng gỗ nhẹ của Canada tăng cao do tác động của chiến tranh Nga-Ukraina. Với giá trị xuất khẩu trung bình 5-6 tỷ USD/năm, Canada hiện là nước xuất khẩu nội thất lớn thứ 8 trên thế giới đối với mặt hàng nội thất; và đứng thứ 2 thế giới với mặt hàng gỗ các loại (trung bình 15-18 tỷ USD/năm). Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Canada đối với mặt hàng nội thất và đồ gỗ là Hoa Kỳ. Hiện nay, 95% hàng hoá mã HS 94, tương tự, 87% xuất khẩu mã HS 44, là xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Cấu trúc giá trị nội thất xuất khẩu của Canada: 38% nội thất gia dụng (giường đệm); 41% đồ văn phòng và cơ quan, 18% tủ bếp, 3% rèm cuốn.

Là ngành công nghiệp quan trọng của Canada dù bắt đầu lâm vào tình trạng thoái trào, giảm quy mô do thiếu lao động và chi phí nhân công cao, hiện nay ở Canada vẫn có trên 7.000 nhà sản xuất nội thất, trong đó có 3439 doanh nghiệp hộ gia đình (quy mô từ 1-4 người, không thuê mướn lao động); 3858 doanh nghiệp có hợp đồng lao động. Các doanh nghiệp sản xuất nội thất của Canada hầu hết đều có quy mô nhỏ, 90% có quy mô dưới 100 lao động; chỉ 3.6% số doanh nghiệp có số lao động trên 200-500 người và chỉ 0.1% có số lao động trên 500 người. Ngành sản xuất nội thất Canada sử dụng khoảng 30.000 lao động. Ngành công nghiệp nội thất của Canada khá cạnh tranh, không có doanh nghiệp nào chiếm thị phần lớn hơn 5%. 7 doanh nghiệp sản xuất nội thất lớn nhất của Canada là: Dorel Industries, Palliser Furniture Upholstery, Sauder Woodworking, Global Furniture Group, Durham Furniture, Ikea Canada, Artage International&Bermex. Sản xuất nội thất tập trung ở Ontario (ghế sofa, ghế nệm và đồ văn phòng), tiếp sau là Quebec và BC (nội thất gỗ tự nhiên, nội thất phòng bếp, phòng ngủ).

Canada hiện có 38.83 triệu dân và có lượng nhập cư dự đoán ổn định ở mức 400.000 người năm để đạt quy mô dân số 100 triệu người vào năm 2100. Khoảng 10 triệu người tiêu dùng Canada ở độ tuổi 17-37 – là độ tuổi tiêu dùng nội thất nhiều nhất. Lượng dân nhập cư cao hàng năm cũng là nguồn khách hàng tiêu thụ tiềm năng ổn định và có thể dự báo.

Quy mô thị trường tiêu dùng nội thất của Canada vào loại khá lớn, đứng thứ 11 trên thế giới với giá trị tiêu thụ gần 20 tỷ USD/năm (2020 là năm thấp nhất cũng đạt 18 tỷ). Sản xuất nội địa phục vụ 50% nhu cầu nội địa, nhập khẩu chiếm gần 50% và dự báo có thể lên đến 70% trong những năm tới.  Canada có 4755 cửa hàng bán đồ nội thất, khoảng 1/3 tập trung ở bang Ontario; ccác tỉnh bang khác chủ yếu là Quebec, BC và Alberta. Nhu cầu tiêu thụ trung bình của một hộ dân khoảng 1150 USD/năm, trong đó tiêu thụ cao nhất là ở bang Ontario (số liệu điều tra 2019) .

 

Ngành bán lẻ nội thất sử dụng gần 40.000 lao động với 4700 doanh nghiệp. Ngành bán lẻ nội thất của Canada khá cạnh tranh, không có doanh nghiệp nào chiếm thị phần lớn hơn 5%. Các doanh nghiệp bán lẻ lớn nhất của Canada: IKEA Canada LP, Leon’s Furniture, The Brick, BMTC Group Inc, Hudson’s Bay, Costco, Walmart, Home Depot, Sears Canada Inc.

 

 

Nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ và nội thất của Canada kể từ sau CPTPP (triệu USD)

2018 2019 2020 2021 %
Mã HS 94 9,336,384 9,179,691 8,289,964 9,904,921 6%
Mã HS 44 3,083,262 2,933,194 2,764,148 3,852,777 25%
Mã HS 46 35,448 39,985 33,351 52,592 48%

 

Giai đoạn 2014-2021, Canada nhập khẩu trung bình khoảng 550 triệu USD/tháng; khoảng 9 tỷ USD/năm với hàng nội thất và khoảng 3 tỷ USD/năm với mặt hàng gỗ. Nhập khẩu đồ thủ công mỹ nghệ không đáng kể, dao động dưới 40 triệu USD/năm (cá biệt năm 2021 lên đến trên 52 triệu USD). Cao điểm nhập khẩu thường là các tháng cuối năm và thấp nhất vào các tháng 1-2-7. Năm 2021 Canada nhập khẩu tăng do gián đoạn sản xuất trong nước vì các quy định giãn cách. Đến nay Trung Quốc vẫn là nước xuất khẩu đồ nội thất nhiều nhất vào Canada, trung bình khoảng 3.5 tỷ USD/năm; Hoa Kỳ xếp thứ hai với giá trị khoảng 2.5 tỷ USD/năm. Mười nước xuất khẩu nội thất chủ yếu vào Canada lần lượt là: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Mexico, Việt Nam, Ý, Ba Lan, Malaysia, Ấn Độ, Đức và Đài Loan.

 

Cấu trúc thị phần của các đối thủ cạnh tranh chính mã HS 94
2018 2021 % tăng trưởng % thị phần
China 3,442,970 4,367,360 26.8 44.1
United States 3,052,843 2,466,396 -19.2 24.9
Mexico 1,118,222 781,873 -30.1 7.9
Vietnam 322,925 593,150 83.6 6.0
Italy (incl. Vatican City State) 243,813 288,343 18.3 2.9
Poland 138,444 142,059 2.6 1.4
Germany 124,913 116,746

 

35.3 1.2
Taiwan 110,687 107956 -6.5 1.2
Malaysia 86,976 117657 -1.5 1.1
India 74,764 108999 -2.5 1.1

 

 

Cấu trúc tiêu dùng nội địa của Canada như sau: 30% phòng khách, 21% phòng ngủ, 12% phòng bếp, 17% đèn, 11% ván sàn. Tổng giá trị thị trường bán lẻ nội thất của Canada trung bình khoảng 9.5 tỷ USD/năm (Giai đoạn 2012-2020), trong đó nội thất gia đình trung bình khoảng trên 7 tỷ USD/năm và nội thất văn phòng có giá trị khoảng gần 1.3 tỷ USD/năm. Thị trường đồ nội thất văn phòng đặc biệt khởi sắc trong đại dịch do nhu cầu làm việc tại nhà (1.6 tỷ trong 2020-2022).

TS. Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại

[1] Các số liệu trong bài là tính toán của tác giả dựa trên số liệu trích xuất từ trang thông tin của Cơ quan thống kê Canada: https://ised-isde.canada.ca/site/trade-data-online/en và báo cáo ngành gỗ của Statista.

 

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn