Xu hướng và thị hiếu thị trường nội thất Canada

34040

Người Canada có xu hướng đổi mới thiết bị nội thất liên tục, nhất là giới trẻ (khoảng 1000 USD/người/năm). Do giới trẻ Canada không ở chung cùng bố mẹ nên ở Canada còn đang phát triển phân khúc nội thất cho thuê. Do nhập cư tăng cao và do Canada thúc đẩy tăng chi tiêu công và đầu tư nên thị trường nhà ở Canada phát triển khá mạnh với mô hình nhà phố (townhouse) và chung cư thương mại chất lượng cao (condo). Các dự án phát triển hạ tầng nhà ở của Canada liên tục tăng, ở nhiều phân khúc khác nhau, kéo theo cầu về nội thất tăng ổn định. Ngoài ra, Canada mới phát triển hình thức đô thị thông minh và các dự án đô thị kết hợp khu công nghệ cao ở các khu đô thị lớn như Toronto, Montreal, kéo theo nhu cầu nội thất nhà ở kết hợp nội thất văn phòng và nội thất cao cấp. Nhiều dự án khách sạn và khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí kéo theo nhu cầu thiết kế riêng.

Chi tiêu hộ gia đình cho nội thất được dự báo sẽ tiếp tục tăng trung bình 7-9%/năm. Dân cư có mức sống cao, dành chi tiêu nhiều vào tiêu dùng, trong đó chi tiêu nhiều nhất là cho phòng ngủ, phòng khách, phòng ăn. Chi tiêu riêng cho nội thất gia đình của Canada dự báo đạt 12 tỷ USD vào 2025 và giá trị nhập khẩu nội thất dự kiến chiếm khoảng 50-70%, tương đương 8 tỷ USD.

Trong quyết định chi tiêu cho nội thất, ở Canada, giá cả vẫn là tiêu chí chủ yếu, sau đó mới là các yếu tố chất lượng, công năng, kiểu dáng, tính cá nhân (độc đáo, đẳng cấp). Người Canada vẫn có xu hướng thay thế nội thất thường xuyên nhưng dần quan tâm hơn đến các tiêu chí môi trường và chú trọng các kiểu dáng có tính bền vững, dễ lắp đặt, dễ vận chuyển. 30% đồ gỗ gia dụng ở Canada vẫn là gỗ cứng nhưng đều được niêm yết rõ nguồn gốc gỗ và tính thay thế (Người gốc Âu vẫn thích gỗ tự nhiên, kiểu dáng truyền thống đơn giản). Thị trường có thị hiếu Âu hóa nên các sản phẩm thiết kế dành để xuất khẩu sẽ dễ tiếp cận (dân cư đa sắc tộc). Nhóm dân cư thu nhập cao vẫn ưa chuộng các thiết kế châu Âu có thương hiệu, chủ yếu nhập từ Đức, Ý. Nhóm dân nhập cư có thu nhập trung bình thường ưa chuộng sản phẩm nhập khẩu, sản phẩm gỗ công nghiệp đóng đại trà và nhóm DIY của IKEA. Khi tiêu thụ sản phẩm đồ gỗ nội thất, người tiêu dùng Canada đã chú ý đến các tiêu chí liên quan đến sản xuất xanh/sản xuất công bằng/sản xuất tuần hoàn (khả năng truy xuất nguồn gốc vật liệu, xử lý chất thải…).

 

Do chi phí nhân công cao và thiếu lao động, ngành công nghiệp đồ gỗ và nội thất nội địa của Canada chủ yếu hướng tới nhóm sản phẩm thiết kế cá nhân hoá, thiết kế riêng và nhóm đặt hàng theo hợp đồng (khách sạn, văn phòng, nhà hàng…), tủ bếp. Nhập khẩu chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng: phòng ngủ, phòng khách, bàn ghế ăn, nội thất ngoài trời. Sau Covid, nhu cầu mua hàng qua mạng ngày càng nhiều: 11% (2019) – 20% (2021), ảnh hưởng đến phương thức tổ chức kinh doanh và chiến lược bán hàng của các doanh nghiệp. Một mặt, các doanh nghiệp quan tâm phát triển thương mại điện tử và phát triển các công cụ hỗ trợ bán hàng trực tiếp, tương tác và tư vấn qua mạng: công nghệ 3D và thực tế ảo. Mặt khác, các doanh nghiệp bắt đầu quan tâm mở rộng hoạt động ở nước ngoài, quan tâm hợp tác để nâng quy mô, quan tâm đến đầu tư vào công nghệ mới, thiết kế và nhãn hiệu, trong đó bắt đầu quan tâm đến mở rộng OEM tại thị trường Việt Nam. Với CPTPP, hai nước càng có nhiều cơ hội hợp tác vì Canada có nguồn nguyên liệu dồi dào và nhiều thương hiệu nội thất hạng sang.

Chính phủ Canada dành nhiều biện pháp ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nội thất để bảo vệ công nghiệp nội thất trong nước; tự đảm bảo được các nhu cầu nội thất mới của xã hội hiện đại và tiến tới nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa các doanh nghiệp Canada vượt ra khỏi biên giới. Ngoài việc giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, sản xuất, tài chính và vận hành logistics, các cơ quan, tổ chức nghề nghiệp của Canada luôn triển khai các hoạt động để chuẩn bị cho các doanh nghiệp: tính sáng tạo, tính năng động cao và năng lực thích nghi, giúp Canada đứng ở vị trí cao trong chuỗi giá trị: thiết kế-sáng tạo-công nghệ. Ở Canada, Cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất có vai trò định hướng chính sách và chiến lược ngành công nghiệp nội thất là Bộ đổi mới, khoa học và phát triển kinh tế Canada (trước đây gọi là Bộ Công nghiệp). Bên cạnh đó, còn có Liên minh đồ gỗ gia dụng Canada và hệ thống các hiệp hội sản xuất nội thất lớn ở từng tỉnh bang: Quebec, Ontario… Ngoài ra, ở Canada còn có nhiều hiệp hội liên quan theo lĩnh vực mặt hàng như: Hiệp hội gỗ cứng, gỗ veneer và gỗ dán Canada, Hiệp hội sản xuất gỗ kiến trúc, Hiệp hội sản xuất tủ bếp Canada… Ở Canada có nhiều tờ báo chuyên về công nghiệp gỗ nội thất như: Tạp chí công nghệ gỗ, Tạp chí Người làm gỗ, Tạp chí gỗ nội thất… Các cơ quan này tổ chức thường xuyên các buổi giới thiệu về thị trường các nước, chia sẻ kinh nghiệm mở cửa thị trường quốc tế của các doanh nghiệp thành công; các cuộc thi sáng tạo ngành và các đoàn tìm hiểu thị trường để gặp gỡ đối tác và người tiêu dùng các nước nhằm nắm được xu hướng, nhu cầu, gu tiêu dùng…

TS. Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại

Hiện nay, đồ gỗ nội thất là sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có kim ngạch lớn thứ ba vào Canada sau điện tử điện máy và dệt may.  Năm 2021, theo số liệu sở tại, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 593 triệu USD vào thị trường Canada, tăng 84% trong giai đoạn 2018-2021. Luân phiên hàng năm, tại Canada có nhiều hội chợ liên quan trong lĩnh vực như:

  • Hội chợ xây dựng quốc tế tổ chức tại Vancouver tháng 2 hàng năm
  • Triển lãm quà tặng và nhà ở tổ chức tại Alberta tháng 2 hàng năm (thủ công mĩ nghệ, đồ trang trí)
  • Triển lãm quốc tế nhà ở tổ chức tại Toronto tháng 3 hàng năm
  • Triển lãm thiết ké kiến trúc tổ chức tại Toronto tháng 4 hàng năm
  • Triển lãm ngành gỗ bờ Đông tổ chức tại Quebec tháng 4 hàng năm
  • Triển lãm thiết kế nội thất quốc tế tổ chức tại Montreal tháng 5 hàng năm
  • Triển lãm nội thất Canada tổ chức tại Quebec tháng 5 hàng năm
  • Hội chợ quốc tế nội thất cận đại tổ chức tại Toronto tháng 8 hàng năm
  • Triển lãm thiết kế nội thất Vancouver tổ chức tại Vancouver tháng 10 hàng năm
  • Triển lãm công nghệ và thiết bị cửa tổ chức tại Toronto tháng 11 hàng năm

Các doanh nghiệp quan tâm, mời truy cập Trang thông tin của Thương vụ tại vntradetoca.org và liên hệ với Thương vụ qua email: ca@moit.gov.vn; vntradetoca@gmail.com.

 

 

 

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn