Tiếp cận hệ thống phân phối tại thị trường Canada

5236

Canada là một quốc gia G7 có tốc độ tăng trưởng trung bình 1.6% trong gia đoạn 2012-2022, cao thứ nhì trong khối và là một trong những nước có thu nhập trung bình cao nhất thế giới. Thị trường tiêu dùng của Canada có mức độ tăng trưởng nhanh để đáp ứng nhu cầu của người dân. Do cấu trúc dân cư đa dạng, Canada vừa là nước xuất khẩu lớn về nông sản, thực phẩm chế biến, vừa là nước nhập khẩu lớn trên thế giới, đứng thứ 6 sau EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Theo số liệu của Liên hiệp quốc về tình trạng lãng phí thực phẩm, hàng năm Canada lãng phí trên 50 triệu tấn, với gía trị lên đến 20 tỷ CAD. Mỗi hộ dân Canada lãng phí 79kg thực phẩm mỗi năm, cao hơn 20kg so với Hoa Kỳ; thậm chí theo số liệu năm 2022 của chính Uỷ ban quốc gia về giảm rác thải, lãng phí thực phẩm ở nước này còn lên đến 140kg. Các con số này cho thấy xu hướng tiêu dùng lớn của thị trường Canada.

Hiệp định CPTPP cũng mở ra cho các nhà xuất khẩu Việt Nam những cơ hội tiếp cận thị trường thuận lợi hơn các đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc hay ASEAN nhờ việc miễn thuế cho hầu hết các sản phẩm. Hiện nay, các sản phẩm nguồn gốc châu Á vào Canada chủ yếu là bánh kẹo, thực phẩm chế biến, nước uống không cồn và sốt chấm các loại. Đây cũng là những sản phẩm được đánh giá là có mức độ tăng trưởng cao trong giai đoạn 2018-2023. 10 sản phẩm nông sản thực phẩm chế biến Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất vào địa bàn là: thuỷ sản, thực phẩm chế biến, rau quả, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, bánh kẹo, mì phở bún, rau quả đóng hộp, nước sốt nước chấm.

Hiện nay, Canada đang đầu tư công rất lớn để cải thiện hạ tầng giao thông nội địa, trong đó có mục tiêu giảm bớt chi phí logistics cho ngành bán lẻ. Trong giai đoạn 2017-2027, Canada đã dành ngân sách đầu tư 125 tỷ CAD để nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông xuyên Canada. Đặc biệt, với việc phê chuẩn chiến lược Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương, Canada sẽ đầu tư thêm đáng kể để cải thiện hạ tầng cảng biển, cảng hàng không và các cụm cảng đa phương tiện, sẽ giúp giảm giá thành vận chuyển hàng giữa hai bờ Thái Bình Dương và giữa hai bờ Đông-Tây[1] (ước tính khoảng 30 tỷ CA/năm trong 5 năm tới).

Hiện nay hàng tiêu dùng từ Việt Nam xuất sang Canada chủ yếu từ cảng Cát Lái trung chuyển qua Singapore hoặc Hongkong đi Vancouver (bờ Tây Canada). Hàng hoá từ Việt Nam đi bờ Đông Canada hiện chủ yếu trung chuyển qua Singapore đi New York rồi lên Montreal hoặc Hamburg/Rotterdam vào Halifax, St John mất trung bình 27-30 ngày. Từ năm 2019, bắt đầu có tàu container tải trọng lớn (9-12.000 TEU) chạy thẳng từ Hải Phòng đi Vancouver, giúp giảm thời gian vận chuyển từ 5-7 ngày, chỉ còn 17 ngày và còn có thể giảm xuống 14 ngày giúp giảm đáng kể chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Hạ tầng kho lạnh của Canada rất phát triển và có giá cả tương đối hợp lý, cũng là những yếu tố thuận lợi cho hàng hoá Việt Nam tiếp cận thị trường.

Do có địa lý rộng lớn, quy mô dân số nhỏ và dân cư sống phân tán, chi phí cho hàng nhập khẩu lên kệ ở Canada đắt hơn tất cả các nước có thu nhập cao khác do tốn kém chi phí marketing và vận chuyển. Kể cả đã vào Canada, nhưng do quy mô địa lý, chi phí vận tải từ Đông sang Tây[2] cũng là một rào cản đáng kể cho hàng nhập khẩu. Là nước có độ mở nền kinh tế cao, Canada luôn theo đuổi chính sách tỷ giá thấp so với đồng đô la Mỹ để khuyến khích xuất khẩu. Hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu báo giá bằng đồng đô la Mỹ nên khá bất lợi và dễ bị thay thế. Ngoài ra, mức độ phân quyền cao giữa chính quyền liên bang và tỉnh bang cũng là một thách thức không nhỏ để thâm nhập thị trường vì còn tồn tại những rào cản liên tỉnh bang về mặt quy định tiêu chuẩn hoặc nhãn mác.

Do khoảng cách địa lý giữa hai bờ Thái Bình Dương, trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm của Việt Nam vẫn rất kém cạnh tranh so với các nước lân cận như Hoa Kỳ, Mexico. Ngoài lợi thế về giá vận chuyển, giữa Canada và các nước này đã có Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (CUSMA) nên các doanh nghiệp sản xuất của Hoa Kỳ và Mexico cũng có lợi thế về thuế quan. Tỷ lệ dân nhập cư châu Á ở Hoa Kỳ lớn nên nhiều doanh nghiệp tại Hoa Kỳ đã đi vào sản xuất các sản phẩm châu Á truyền thống để bán tại thị trường và xuất khẩu ở châu Mỹ trong đó có Canada. Hiện nay, ước tính 60% tổng số đầu mặt hàng nhập khẩu tại Canada có nguồn gốc từ Hoa Kỳ (tức trên 15.000 đầu sản phẩm).

Canada là nước có nền kinh tế mở với nhiều Hiệp định thương mại tự do Nhiều nước Nam Mỹ cũng đã có Hiệp định thương mại tự do song phương hoặc đa phương với Canada (Chile, Peru, Panama, Colombia, Costa Roce, Honduras, và sắp tới là Ecuador). Với thổ nhưỡng, khí hậu tương tự Việt Nam, năng lực cung cấp ổn định và lợi thế về giá nhân công, nhiều sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới đã được trồng tại Nam Mỹ để xuất khẩu sang Canada. Ở ASEAN, ngoài Việt Nam, Malaysia, Singapore đều là thành viên của CPTPP; Indonesia sẽ ký Hiệp định thương mại tự do song phương với Canada năm 2023 và Canada đang tiến đến ký kết Hiệp định thương mại tự do với toàn khối ASEAN. Nói cách khác, trong lĩnh vực nông sản và thực phẩm chế biến, Việt Nam khá bất lợi vì có nhiều đối thủ cạnh tranh trong cùng phân khúc mặt hàng và đều có lợi thế về ưu đãi thuế quan.

Để vào được các chuỗi phân phối, bản thân các doanh nghiệp sản xuất Canada cũng gặp nhiều khó khăn do các hành vi thương mại không lành mạnh của các doanh nghiệp phân phối. Ở Canada, ngoài các chi phí phổ biến để đưa hàng vào hệ thống siêu thị như listing fees/slotting fees, shelf space cost, supplier code opening cost, handling fees…, các nhà sản xuất còn phải mất một loại phí được gọi chung là arbitrary transaction cost. Ngoài ra, các nhà sản xuất và trung gian nhập khẩu còn chịu sức ép về thời gian giao hàng, khối lượng giao hàng, các khoản phạt và các chi phí hành chính khác. Để bán hàng vào các siêu thị Canada sẽ mất nhiều chi phí hơn ở các nước khác, ước tính khoảng 28% so với ở Hoa Kỳ chỉ là 18%. Thời gian chậm trả mà các chuỗi bán lẻ Canada áp dụng cho nhà sản xuất và phân phối  cũng khá khắc nghiệt từ 90 ngày cho đến 6 tháng. Chịu sức ép cạnh tranh và phục vụ thị hiếu/yêu cầu của người tiêu dùng, “vòng đời” sản phẩm ở chuỗi bán lẻ ngày càng ngắn. Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm Việt Nam, kể cả những sản phẩm của thương hiệu lớn… sau một thời gian lên kệ, đều bị thải loại khỏi thị trường. Các nhà xuất khẩu cũng chịu áp lực lớn về yêu cầu giảm giá, nâng cao chất lượng, tách nhỏ các đơn giao hàng. Tuy nhiên, do quy mô nhỏ, các chuỗi bán lẻ thường chỉ nhập khối lượng thấp và để cạnh tranh với các chuỗi lớn, các chuỗi nhỏ thường xuyên thay thế sản phẩm để chạy các chương trình khuyến mãi. Vì vậy, nhiều sản phẩm chỉ lên kệ được 1 lần. Do dân cư không tập trung và khoảng cách giữa hai bờ Đông-Tây là rất lớn (gần 5000km với 5 giờ bay), kể cả có đại lý nhận phân phối ở bờ Tây thì khả năng vận chuyển xuyên Đông-Tây để giao cho các chuỗi bán lẻ bờ Động nhằm nâng biên lợi nhuận cũng kém khả thi do chi phí lớn. Nếu chấp nhận vào thị trường Canada theo hướng khu vực tỉnh bang thay vì toàn bộ liên bang (để giảm chi phí thâm nhập thị trường và dễ quản lý), các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với thực tế là quy mô thị trường rất bé và không tập trung (không bằng cả Singapore hay Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh). Đây là những rào cản đáng kể cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam xuất khẩu sang địa bàn khiến cho các doanh nghiệp ngần ngại và lùi bước sau khi được Thương vụ giới thiệu (thực tiễn diễn ra với các đơn hàng cá, giấy vệ sinh gần đây).

Theo đánh giá của Thương vụ, bờ Tây (British Colombia và Alberta) là khu vực thị trường hứa hẹn nhất với các doanh nghiệp Việt Nam vì khoảng cách địa lý gần nhất, dẫn đến chi phí thấp. Hơn nữa, cấu trúc dân cư ở đây có tỷ trọng người châu Á cao cho phép các sản phẩm của Việt Nam dễ tiếp cận thị trường hơn. Vào được thị trường bờ Tây, các doanh nghiệp mới dễ có bàn đạp để vươn sang bờ Đông Canada. Tuy nhiên, có một khó khăn không nhỏ là trụ sở Thương vụ đóng ở bờ Đông, nơi mà hệ thống bán lẻ vẫn thiên về các sản phẩm truyền thống, phổ dụng với người phương Tây vì có tỷ lệ dân cư da trắng cao; trong khi bờ Tây (British Colombia và Alberta) mới tập trung nhiều dân cư gốc Á, có thu nhập cao, quan tâm đến các sản phẩm hữu cơ, tự nhiên, sản phẩm sạch, sẵn sàng thử nghiệm sản phẩm mới. Hệ thống bán lẻ ở bờ Tây cũng có nhiều chuỗi nhỏ do người châu Á và người Việt hoặc người Việt gốc Hoa làm chủ nên khá gắn bó với quê hương và thường yêu cầu mức chiết khấu thấp hơn so với các chuỗi siêu thị lớn ở bờ Đông

TS. Quỳnh Trần, Tham tán thương mại

[1] Thời gian vận chuyển nội địa bằng xe tải dự kiến sẽ giảm từ 8 xuống 5 ngày, giúp tăng lưu lượng vận chuyển đường bộ hàng năm trung bình khoảng 10%.

[2] Do mùa đông kéo dài và khắc nghiệt, vận tải đường bộ Đông Tây khá hạn chế.

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn