Tình hình xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Canada từ sau CPTPP đến nay

7445

Kể từ sau CPTPP, xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào thị trường Canada liên tục tăng. Tổng giá trị xuất khẩu năm 2021 của nhóm hàng mã HS 61 và 62 đã lên đến 1.2 tỷ USD và dự kiến, năm 2022 có thể lên đến gần 1.5 tỷ USD.

 

Xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Canada kể từ sau CPTPP (triệu USD)

2018 2019 2020 2021 %
Xuất khẩu mã HS 61 của Việt Nam 443 534 501 665 50%
Xuất khẩu mã HS 62 của Việt Nam 430 528 456 535 25%
Xuất khẩu mã HS 63 của Việt Nam 26 27 80 65 149%

 

Tốc độ tăng trưởng của nhóm hàng mã HS 63 trong kỳ là cao nhất, lên đến 149% nhưng giá trị kim ngạch không đáng kể. Hai nhóm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn là mã HS 61 và 62. Mặc dù có lợi thế CPTPP, trong số top 10 nhà xuất khẩu dệt may vào Canada, tốc độ tăng trưởng kim ngạch của Việt Nam vẫn chỉ thuộc nhóm trung bình.

Tính đến hết tháng 9/2022, kim ngạch xuất khẩu của nhóm mã HS 61 của Việt Nam sang địa bàn đạt 696 triệu USD, tăng 39.8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng quy mô thị trường Canada đối với nhóm hàng này khoảng từ 5 đến 6 tỷ USD/năm. Sau đại dịch, với việc mở cửa hoàn toàn lại đời sống xã hội và các hoạt động văn hoá giải trí, du lịch, nhu cầu nhập khẩu của Canada đối với nhóm mặt hàng này tăng mạnh so với 2021, đạt 31%. Việt Nam là nước đứng thứ ba về xuất khẩu mã HS 61 vào Canada, tuy nhiên, Trung Quốc với thị phần gần 30% vẫn đang bỏ xa chúng ta với kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 1.3 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2021. Hiện nay, đứng sau Trung Quốc, Campuchia, Việt Nam là nước đứng thứ ba về giá trị xuất khẩu vào địa bàn; đây cũng là vị trí Việt Nam mới giành được từ 2 năm nay sau CPTPP khỏi tay Bangladesh. Tuy nhiên, với nhu cầu đa dạng hoá nguồn cung của Canada, các thị trường Ấn Độ, Indonesia và Sri Lanka đang nổi lên như là các đối thủ cạnh tranh rất mạnh nhờ năng lực hoàn thiện các mặt hàng có độ khó cao.

Kim ngạch xuất khẩu của nhóm mã HS 62 của Việt Nam sang địa bàn đã đạt 583 triệu USD, tăng 48.7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng quy mô thị trường Canada đối với nhóm hàng này khoảng từ 4 đến 5 tỷ USD/năm. Cũng giống mã HS 61, thị trường Canada có nhu cầu tăng mạnh đối với sản phẩm thuộc mã HS 62 kể từ khi Chính phủ Canada dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp giãn cách. Nếu nhu cầu của thị trường tiếp tục duy trì như hiện nay (tăng 32% nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2021), dự kiến năm nay, nhu cầu của thị trường Canada không những phục hồi so với trước đại dịch, mà còn vượt quá cả mức nhập khẩu cao nhất lịch sử nhập khẩu Canada đạt được năm 2019 là 4.7 tỷ USD. Việt Nam từ nhiều năm nay đứng vững vị trí thứ ba sau Trung Quốc và Bangladesh, tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng kim ngạch cao, Ấn Độ và Indonesia đang là những đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam.

Trong lĩnh vực may mặc, các đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam tại địa bàn lần lượt là Trung Quốc, Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Italia, Hoa Kỳ, Srilanka, Honduras và Mexico. Trừ Hoa Kỳ và Italia là không cùng phân khúc, các nước khác đều là đối tác gia công hoặc nhà xuất khẩu quần áo thời trang giá rẻ vào Canada. Trong phân khúc gia công, cạnh tranh chủ yếu với Việt Nam hiện nay là Bangladesh, Campuchia, Srilanka và Indonesia. Trong số các nước này, chỉ có Indonesia không được hưởng GSP nhưng lại đang chuẩn bị ký FTA song phương với Canada.

Chịu tác động tiêu cực của dịch Covid (đóng cửa biên giới đối với người nước ngoài và phong toả cảng Thượng Hải cũng như nhiều trung tâm dệt may như Hồ Bắc, Vũ Hán); cũng như của tình trạng căng thẳng quan hệ giữa Canada và Trung Quốc, xuất khẩu dệt may hai năm 2020 và 2021 có sụt giảm so với giai đoạn 2017-2019, tuy nhiên, Trung Quốc vẫn giữ vững vị trí là nhà xuất khẩu dệt may lớn nhất vào Canada. Dự báo với tốc độ tăng trưởng kim ngạch hiện nay (31.9%), giá trị xuất khẩu của Trung Quốc vào Canada năm 2022 dễ dàng vượt đỉnh năm 2018 và đạt khoảng 1.9 tỷ USD đối với mã HS 61 và 1.6 tỷ USD đối với mã HS 62. Tính chung, hiện nay, Trung Quốc chiếm khoảng 30% thị phần tại Canada.

Từ sự so sánh tốc độ tăng trưởng kim ngạch, có thể thấy, CPTPP chưa mang lại được sức cạnh tranh cho dệt may Việt Nam như kỳ vọng. Chúng ta chưa thể lấn sân thị phần của Trung Quốc và thậm chí còn khá khó khăn để cạnh tranh các đơn hàng mới với Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh, Campuchia. Ở chiều các doanh nghiệp Việt Nam, có thể thấy chúng ta chưa chủ động để tham gia các hoạt động hội chợ triển lãm để tìm kiếm các đơn hàng ở nước ngoài. Lời giải cho bài toán duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dệt may phụ thuộc rất nhiều vào sự chủ động của các doanh nghiệp trong nước bắt kịp cùng xu thế, tiếng nói, mối quan tâm của ngành công nghiệp dệt may toàn cầu. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Canada dù bắt đầu quan tâm đến việc chuyển dịch chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc nhưng lại vẫn rất băn khoăn về năng lực đảm bảo các đơn hàng lớn và tuân thủ bảo mật, chất lượng của các nhà sản xuất khác. Bộ Kinh tế Ontario cũng đánh giá mức độ hiểu biết và sử dụng của các doanh nghiệp Canada đối với CPTPP thấp hơn nhiều so với các hiệp định thương mại tự do khác.

TS. Quỳnh Trần, Tham tán Thương mại

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn