Tình hình xuất khẩu các mặt hàng chủ đạo sang Canada 6 tháng đầu năm 2023

22862

Theo số liệu sở tại công bố ngày 23/6/2023, chỉ tính đến hết tháng 4/2023[1], Việt Nam đã xuất khẩu 2.9 tỷ USD vào Canada, tăng nhẹ 4.3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong các nước ASEAN, Việt Nam tiếp tục là đối tác nhập khẩu quan trọng nhất của Canada, chiếm 42% tổng kim ngạch Canada nhập khẩu từ khu vực.

Tính từ đầu năm đến nay, top 4 nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada vẫn giữ được mức tăng trưởng kim ngạch hai chữ số: điện tử, điện thoại di động tăng 34.7%; da giày tăng 57.3%;  quần áo dệt kim tăng 14.3%; lò phản ứng nồi hơi tăng 17.5%). Tuy nhiên, nhiều mặt hàng  xuất khẩu quan trọng khác của Việt Nam đã bắt đầu ghi nhận mức suy giảm như: quần áo không dệt kim giảm 2.4%, đồ gỗ nội thất giảm 12.9%, đồ chơi giảm 5.5%; sản phẩm nhựa giảm 20%; cao su và các sản phẩm từ cao su giảm 3.1%; các sản phẩm từ sắt thép  giảm 6.8%; các sản phẩm từ nhôm giảm 33%; các sản phẩm thuỷ sản chế biến giảm 7.2%; các sản phẩm gốm sứ giảm 18.1% so với cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm có mức sụt giảm rất mạnh so với năm 2022, như: thuỷ sản giảm 45.3%, các loại hạt và quả hạch giảm 33.4%; sắt thép giảm 83.9%.

  • Hàng điện tử (chương 85): Các sản phẩm điện, điện tử xuất khẩu đến nay đạt 1,1 tỷ USD, tăng 26.3% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng nhập khẩu cùng kỳ của Canada đối với nhóm mặt hàng này là 16.3 tỷ USD; hầu như không tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2022, tổng gía trị xuất khẩu mã HS 85 của Việt Nam sang địa bàn là 3.1 tỷ USD; tức là riêng Việt Nam chiếm khoảng 6% thị phần, đứng vị trí thứ 4 sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Mexico.
  • Da giày và các sản phẩm bằng da (chương 64 và 42): Các sản phẩm da giày xuất khẩu đến hết tháng 4/2023 đạt 243 triệu USD. Tổng nhập khẩu cùng kỳ của Canada đối với nhóm mặt hàng này là 889 triệu USD; tức là riêng Việt Nam chiếm khoảng trên 27% thị phần.  Hiện nay, Việt Nam là nước xuất khẩu quan trọng thứ 2 vào Canada đối với mã HS 64, sau Trung Quốc nhưng là nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất (47.4%); trong khi Canada giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, với triển vọng Indonesia sắp ký FTA song phương với Canada, nhiều doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu của Canada bắt đầu chuyển hướng quan tâm sang thị trường Indonesia, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của nước này so với cùng kỳ 2022 là 27.1% và đứng thứ tư về thị phần sau Trung Quốc, Việt Nam, Ý. Mã HS 42 cũng là một lĩnh vực mặt hàng xuất khẩu quan trọng vào Canada do Canada có nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng đối với nhóm mặt hàng này. Quy mô thị trường Canada đối với mã HS 42 năm 2022 là 2.3 tỷ USD. Trong năm 2022, Việt Nam đứng vị trí thứ 3 với 240 triệu USD, sau Trung Quốc và Ý. Tuy nhiên, nhờ tốc độ tăng trưởng lên đến 50.4%, hiện nay, Việt Nam đã vượt Ý với kim ngạch các tháng đầu năm đạt 85 triệu USD. Dự kiến, năm 2023, Việt Nam có thể xuất khẩu ít nhất 300 triệu USD mã HS 42, đưa các sản phẩm da trở thành sản phẩm xuất khẩu quan trọng thứ 8 của Việt Nam sang thị trường.
  • Dệt may: Tổng giá trị xuất khẩu mã HS 61 vào thị trường Canada đạt 228 triệu đô la USD, mã HS 62 đạt 232 triệu USD, mã HS 63 đạt 20 triệu USD. Tổng nhu cầu thị trường với mã HS 61 là khoảng 7 tỷ USD, với mã HS 62 là trên 5 tỷ USD (riêng mặt hàng này có xu hướng tăng trưởng nhập khẩu ngày càng lớn qua các năm). Trong những tháng đầu năm 2023, hầu hết các đối tác đều ghi nhận xuất khẩu mã HS 61 vào Canada giảm, trừ Honduras. Đối với mã HS 62, tổng nhu cầu thị trường trong kỳ đạt 1.7 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Bangladesh, Campuchia, Ý, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico là những nước có tốc độ tăng trưởng kim ngạch cao hơn Việt Nam. Riêng xuất khẩu của Indonesia tăng đột biến tới 27.9% so với năm ngoái; thể hiện sự chuyển hướng quan tâm đón đầu FTA song phương.
  • Thủy sản: Thủy sản tươi/đông lạnh (03) ghi nhận sự sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 34 triệu USD; trong khi năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được gần 235 triệu USD. Hàng năm, Canada có nhu cầu nhập khẩu khoảng trên 2.8 tỷ USD từ các nước, năm 2022, Việt Nam đứng vị trí thứ 3, với thị phần khoảng 7%, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tuy nhiên, với tốc độ sụt giảm mạnh (48.8%), Việt Nam hiện tụt xuống thứ 6 về thị phần. Đối với thủy sản chế biến (16), Việt Nam cũng ghi nhận sự sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 26 triệu USD. Quy mô thị trường thuỷ sản chế biến của Canada tăng nhanh qua các năm, dù có dấu hiệu chững lại trong năm 2023, nhưng dự kiến vẫn đạt khoảng 1.3 tỷ USD. Các nước ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu mã HS 16 đột biến vào thị trường trong năm 2023 là Brazil (91.7%), Ba Lan (132.8%).
  • Đồ gỗ nội thất: Xuất khẩu nội thất (94) đạt 148 triệu USD, giảm 18.4% so với cùng kỳ năm ngoái; riêng các sản phẩm gỗ có mã HS 44 đạt 11.6 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu nhập khẩu của thị trường Canada đối với sản phẩm nội thất khá ổn định ở mức khoảng 10 tỷ/năm. Việt Nam hiện là nhà xuất khẩu lớn thứ tư vào Canada sau Trung Quốc, Mỹ, Mexico, với thị phần đạt gần 6%, với giá trị kim ngạch năm 2022 là 604 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nội thất của Mexico trong kỳ nghiên cứu tiếp tục giữ mức cao (15.9%), riêng Trung Quốc có sự sụt giảm tới 26%. Mặt hàng gỗ và than từ gỗ (HS 44) là mặt hàng có nhiều triển vọng tăng trưởng nhanh vào địa bàn. Hàng năm, Canada có nhu cầu nhập khẩu khoảng 4 tỷ USD đối với nhóm mặt hàng này. Hiện nay, Canada đang giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc, Việt Nam có nhiều cơ hội để nâng kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm này (năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu 37 triệu USD).
  • Đồ chơi và dụng cụ thể thao (chương 095): Xuất khẩu của Việt Nam đạt đến nay đạt gần 62 triệu USD, giảm 11.5% so với cùng kỳ 2022. Thị trường đồ chơi và dụng cụ thể thao của Canada có quy mô khá lớn, khoảng 5.8 tỷ trong năm 2022. Là nước xuất khẩu lớn thứ 4 vào Canada (sau Trung Quốc, Mỹ, Mexico), tuy nhiên, thị phần của Việt Nam không đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh.
  • Nông sản:

+ Xuất khẩu rau củ (07) có xu hướng tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn đạt gần 4.8 triệu USD. Trong những tháng đầu năm 2023, các mặt hàng này ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ 9.9% so với cùng kỳ 2022, đạt 1.5 triệu USD. Thị trường Canada rau củ Canada có nhu cầu nhập khẩu ổn định hàng năm khoảng 3.7 tỷ USD. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu một số loại rau gia vị, ớt… và có thị phần không đáng kể, không nằm trong số 10 nước xuất khẩu rau củ quan trọng vào Canada. Xuất khẩu rau củ chế biến (mã HS 20) của Việt Nam trong năm 2022 khá tốt, đạt gần 50 triệu USD, đưa Việt Nam vào vị trí thứ 9 các đối tác quan trọng của Canada. Nhiều mặt hàng rau đông lạnh của Việt Nam đã đưa được vào thị trường như ngô, aloe vera, khoai môn, sả riềng, nấm rơm và một số sản phẩm rau đóng hộp . Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu mặt hàng này có sự sụt giảm (5.8%). Hàng năm thị trường Canada có nhu cầu tiêu thụ lên tới 2.7 tỷ USD với nhóm HS 20 và ngày càng tăng qua các năm. Lĩnh vực rau củ chế biến vẫn còn bỏ ngỏ nhiều tiềm năng trong bối cảnh lĩnh vực rau củ tươi chịu sự cạnh tranh trực tiếp ngày càng lớn của các đối tác có lợi thế địa lý từ khu vực Nam Mỹ nay bắt đầu chuyển sang canh tác nhiều loại rau đặc sản của Việt Nam như ngò gai, húng quế, dọc mùng…

+ Các sản phẩm hạt và trái cây (08): Trong kỳ báo cáo, Việt Nam xuất khẩu được 29 triệu USD trong đó hạt điều tiếp tục là mặt hàng chủ đạo (20.7 triệu). Xuất khẩu hạt điều sang địa bàn giảm 49% so với cùng kỳ năm 2022. Hàng năm, Canada nhập khẩu khoảng gần 100 triệu USD hạt điều từ thế giới, trong đó Việt Nam chiếm 86% thị phần. Nếu tính chung cùng các loại trái cây khác, tổng giá trị xuất khẩu mã HS của Việt Nam sang Canada năm 2022 là 105 triệu USD, đứng vị trí thứ 9 trong các đối tác quan trọng của Canada.

+ Hạt tiêu (0904): ghi nhận sự sụt giảm nhẹ so với cùng kỳ 2022, đạt khoảng 9.3 triệu USD, (giảm 0.8%); năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu gần 32 triệu USD vào thị trường; và có thị phần hạt tiêu lớn nhất với 57%.  Hàng năm thị trường Canada có nhu cầu nhập khẩu khoảng 102 triệu USD đối với mặt hàng này; các đối thủ cạnh tranh quan trọng của Việt Nam là: Ấn Độ, Trung Quốc.

+ Gạo (1006): Việt Nam là một trong 10 nước xuất khẩu gạo quan trọng vào Canada, sau Hoa Kỳ, Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan. Nhu cầu của thị trường Canada đối với mặt hàng gạo tăng ổn định qua các năm, giữ ở mức khoảng 500 triệu USD. Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng sản phẩm gạo lên tới 28.1% vào thị trường, trong khi cùng phân khúc gạo trắng, cả Hoa Kỳ và Thái Lan đều ghi nhận sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022; do giá gạo của Việt Nam khá cạnh tranh. Mặt hàng gạo của Việt Nam có nhiều cơ hội tăng nhanh xuất khẩu vào thị trường vì đến nay, thị phần của Việt Nam còn rất nhỏ, trong khi các đối tác nhập khẩu Canada bắt đầu nhận thấy chất lượng gạo Việt Nam không thua kém gạo Thái Lan (năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 9.4 triệu USD vào Canada, chiếm 1.8% thị phần).

+ Chè cà phê (09): Canada chủ yếu nhập khẩu cà phê từ các nước láng giềng châu Mỹ và chè chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn là một trong 10 nước xuất khẩu quan trọng vào Canada, với giá trị gần 22.2 triệu USD, tăng 17.8% so với cùng kỳ năm 2022. Nhu cầu của của thị trường Canada đối với mã HS 09 ổn định khoảng 2.3 tỷ USD/năm, Việt Nam đứng vị trí thứ 8 với kim ngạch 76 triệu USD năm 2022. Đây là nhóm ngành hàng Việt Nam có nhiều dư địa để tăng kim ngạch vào địa bàn vì các thương hiệu cà phê Canada bắt đầu quan tâm nhập cà phê thô của Việt Nam để rang xay do giá cả cạnh tranh hơn các sản phẩm cùng loại của Colobia, Braxin, Guatemala…

[1] Các số liệu trong báo cáo được tính đến hết tháng 4/2023, theo nguồn của Cơ quan thống kê Canada: https://www.ic.gc.ca/app/scr/tdst/tdo/crtr.html?reportType=TI&grouped=GROUPED&searchType=KS_CS&timePeriod=2%7cYear+To+Date&currency=US&naArea=9999&countryList=TOP&productType=HS6&toFromCountry=CDN&hSelectedCodes=%7c63&changeCriteria=true

 

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn