Đánh giá tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada

15669

Theo số liệu sở tại chỉ tính đến hết tháng 4/2023, Việt Nam đã xuất khẩu 2.9 tỷ USD vào Canada, tăng nhẹ 4.3% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu tính theo đồng nội tệ (CAD), giá trị xuất khẩu 4 tháng của Việt Nam sang địa bàn đạt 3.9 tỷ CAD, vẫn tăng 11.4% so với cùng kỳ năm trước. Sự khác biệt về tốc độ tăng trưởng ghi nhận theo 2 ngoại tệ cho thấy đồng đô la Canada có sự mất giá so với đồng đô la Mỹ; cũng như cho thấy nhu cầu của Canada đối với các mặt hàng từ Việt Nam vẫn tiếp tục tăng khá ổn định. Tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào Canada trong 4 tháng đầu năm 2023 tính bằng USD cao hơn so với tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu của Canada từ các nước trên thế giới (-0.2%) và cao hơn tất cả các quốc gia xuất khẩu chủ yếu trong ASEAN như: Indonesia, Malaysia, Thái Lan… (cả 3 nước này đều ghi nhận giá trị xuất khẩu giảm).

Nhìn chung xuất khẩu của Việt Nam theo số liệu sở tại, đến nay chưa bị ảnh hưởng và sẽ ít bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế sở tại. Các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam có giá trị kim ngạch cao vẫn tiếp tục đà tăng trưởng tốt, giúp đảm bảo tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn năm 2023 ít nhất vẫn đạt mức của năm 2022. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn đã chững lại và cơ bản đạt tới ngưỡng tối đa nhu cầu của thị trường Canada đối với các hàng hoá của Việt Nam. Các năm tới, xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó khăn để giữ tính cạnh tranh, giữ thị phần tại địa bàn nhằm đảm bảo giá trị kim ngạch sang địa bàn được ổn định.

Ngoài các yếu tố cản trở xuất khẩu lớn đối với Việt Nam như: Chi phí  logistics nội địa tại Canada cao khiến giá xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh so với các nước láng giềng Nam Mỹ; chính sách tỷ giá đồng CAD thấp; các tiêu chí xã hội và môi trường; tiêu chuẩn bao bì và hàm lượng nhựa tái chế…; xu hướng Canada đẩy mạnh chính sách hướng về khối kinh tế Nam Mỹ đang là xu hướng tác động rõ rệt đến xuất khẩu một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như: trái cây, thuỷ sản, dệt may. Trong 6 tháng đầu năm 2023, qua theo dõi số liệu sở tại, Canada đặc biệt đẩy mạnh nhập khẩu từ Ecuador, Argentina, Chile và Mexico. Ngoại trừ Argentina, cả Ecuador, Chile và Mexico đều có FTAs song phương với Canada. Ngoài ra, yếu tố giá xăng dầu vận tải cao, tình trạng chậm bốc dỡ hàng tại các cảng ở Canada do thiếu nhân công, đặc biệt là tình trạng đình công kéo dài ở cảng Vancouver từ tháng 6 đến nay cũng là những lý do khiến hàng Việt Nam có thể kém cạnh tranh hơn so với các nhà xuất khẩu Nam Mỹ.

Trong chính sách tiền tệ, Canada hiện đang cố gắng duy trì chính sách tỷ giá thấp so với đồng USD để thúc đẩy xuất khẩu. Có những thời điểm đồng CAD/USD đã lên đến 0.80 nhưng dự báo, Ngân hàng Canada sẽ duy trì quanh mức 0.76 từ nay đến cuối năm. Chính sách tỷ giá này đã làm hàng Việt Nam trở nên đắt đỏ tương đối ở địa bàn vì giá xuất khẩu là USD, tác động không nhỏ đến khả năng thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam vào địa bàn trong những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố tích cực giúp đẩy mạnh kim ngạch thương mại giữa hai nước: i. Trong các tháng đầu năm 2023, nhập khẩu của Canada càng thể hiện rõ hơn xu hướng thoái lui khỏi Trung Quốc và tăng cường nhập khẩu từ các nước đồng minh hoặc láng giềng. Nhập khẩu từ Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2023 đã giảm 13.7% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu mặt hàng thế mạnh của Việt Nam khá tương đồng với hàng hoá của Trung Quốc vào Canada, nhất là các mặt hàng đồ chơi, đồ nội thất, quần áo, gốm sứ, đồ gia dụng… Canada giảm nhập khẩu từ Trung Quốc chính là cơ hội của Việt Nam.  ii. Mặc dù có những yếu tố bất lợi cho tăng trưởng, tuy nhiên nền kinh tế Canada có những cơ sở ổn định như tăng trưởng việc làm, tỷ lệ tiết kiệm cao, tỷ lệ nhập cư cao và liên tục giúp cho Canada vẫn có thể đạt được những kỳ vọng về tỷ lệ tăng trưởng trong năm 2023, nhờ đó, đảm bảo mức tiêu thụ/tổng cầu của thị trường Canada sẽ không có sự sụt giảm như những địa bàn khác.

Mặc dù vậy, tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào Canada phụ thuộc nhiều vào khả năng đáp ứng của Việt Nam và mức độ cạnh tranh từ các nước láng giềng của Canada và các nước mà Canada có Hiệp định thương mại tự do. Triển vọng thương mại giữa Việt Nam và Canada vì vậy cũng sẽ có những diễn biến khó lường. Hiện nay, cơ cấu hàng xuất khẩu công nghiệp nội địa của Việt Nam sang Canada chủ yếu là nhóm ngành hàng dệt may, đồ chơi và đồ nội thất (40% giá trị kim ngạch), nhóm mặt hàng này dự báo khó có khả năng giữ mức tăng trưởng cao trong các tháng cuối năm 2023; trừ sản phẩm ô tô điện của Vinfast. Đối với nhóm mặt hàng điện thoại, linh kiện, máy móc thiết bị và sản phẩm điện tử (50% tổng kim ngạch) là nhóm ngành hàng chủ yếu do các doanh nghiệp FDI cung ứng, hiện nay thị trường Canada vẫn có nhu cầu cao đối với các mặt hàng này nhưng tiềm năng xuất khẩu phụ thuộc mạnh về nguồn cung đầu vào của các sản phẩm và linh kiện trung gian. Dự báo trong các tháng cuối năm 2023, nhóm mặt hàng vẫn có khả năng tăng trưởng xuất khẩu tốt vào thị trường là: da giày, sản phẩm từ da, sản phẩm mũ đội đầu, thực phẩm chế biến… Nhóm các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như cao su, sắt thép, chất dẻo nguyên liệu và hoá chất (5%)… có sự sụt giảm mạnh và tiềm năng tăng trưởng trở lại phụ thuộc vào tốc độ khôi phục các đơn hàng và tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Canada. Riêng nhóm thuỷ sản, rau củ quả (4%) là các lĩnh vực mặt hàng Việt Nam đang có nguy cơ bị mất thị trường và sẽ tiếp tục giảm mạnh trong những năm tới.

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn