M&A có giúp doanh nghiệp logistics vượt qua đại dịch?

10107
Trước áp lực cạnh tranh gay gắt, cùng sự tác động tiêu cực từ đại dịch, không ít doanh nghiệp logistics tại Việt Nam đã thực hiện mua bán, sáp nhập (M&A) để tối ưu hóa chi phí, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Logistics đang chịu tác động lớn từ đại dịch

Thống kê từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực logistics. Tuy nhiên hầu hết trong số này là DN vừa và nhỏ, chủ yếu cung cấp các dịch vụ 1PL và 2PL, năng lực cung cấp các dịch vụ “logistics trọn gói” vẫn còn hạn chế nên khó cạnh tranh với các DN nước ngoài. Chưa kể gần đây khi đại dịch xảy ra đã gây gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến nhiều DN logistics nhỏ đã khó nay càng khó khăn hơn.

Trong một khảo sát của VLA cũng chỉ ra rằng, các DN logistics Việt đang bị giảm 10 – 30% doanh thu so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí có DN giảm tới 50% doanh thu bởi tác động tiêu cực từ đại dịch.

Theo ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch của VLA, dưới tác động của đại dịch nhiều nhà máy phải tạm ngưng hoạt động nên lượng hàng hóa cần lưu chuyển ít đi dẫn đến việc vận chuyển và giao nhận hàng hóa trong chuỗi cung ứng cũng giảm, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các DN kinh doanh dịch vụ logistics Việt.

Ông Russell Reed – Giám đốc điều hành UPS Việt Nam & Thái Lan – cũng thừa nhận rằng, thách thức lớn nhất hiện nay từ góc độ logistics chính là chuỗi cung ứng hiện đang gặp gián đoạn. Hàng hóa lưu kho bị chậm trễ và thiếu hụt cũng như việc cắt giảm lượt vận chuyển khiến các DN phải cấp tốc tìm nguồn cung ứng thay thế và những giải pháp khác để vận chuyển hàng hóa.

Có đến 83% số công ty trong chuỗi giá trị vật chất tại Việt Nam đã gặp phải vấn đề về nguồn cung do tác động của đại dịch. Điều này không nằm ngoài dự đoán vì cả ba đối tác kinh doanh lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều đã chịu ảnh hưởng của đại dịch ở các mức độ khác nhau”, ông Russell Reed nhận xét.

M&A để gia tăng sức mạnh

Trước những áp lực này, DN logistics đã đi đến phương án M&A để tăng năng lực cạnh tranh. Cụ thể gần đây, tại đại hội cổ đông của mình, Công ty CP Transimex (TMS) đã tiết lộ kế hoạch M&A rằng đơn vị này đang sở hữu hơn 50% vốn tại Công ty Vinatrans Đà Nẵng. Theo TMS, Công ty Vinatrans Đà Nẵng là đơn vị khai thác hiệu quả, có quỹ đất, có kho trong cùng Khu công nghiệp Hoà Cầm mà Transimex Đà Nẵng đang khai thác. Kế hoạch của TMS là cải tạo kho này thành kho lạnh. Ngoài ra, TMS đã tăng sở hữu tại Công ty CP Dịch vụ vận tải và thương mại (TJC) lên 41%.

M&A có giúp doanh nghiệp logistics vượt qua đại dịch?
ITL Corp hiện đang sở hữu 97% vốn tại Công ty CP Kho vận miền Nam (Sotrans Group)

Mới đây nhất, vào ngày 18/8, Công ty CP Giao Nhận và vận chuyển In Do Trần (ITL Corp) đã tuyên bố chính thức hoàn tất giao dịch mua lại Công ty CP Kho vận miền Nam (Sotrans Group). Sau giao dịch này, tỷ lệ sở hữu của ITL Corp tại Sotrans Group được nâng lên mức gần 97%.

Sotrans Group được thành lập từ những năm 1975 và được biết đến là một trong những công ty hàng đầu trong ngành giao nhận vận tải quốc tế, giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu. Đơn vị này còn sở hữu hệ thống cảng bao gồm cảng cạn Sotrans ICD, cảng Sowatco Long Bình và Depot Sotrans Mỹ Phước. Trong khi đó, ITL Corp là đại diện hàng không, tổng đại lý khai thác hàng hóa cho hơn 22 hãng hàng không hàng đầu thế giới và khai thác hơn 300 chuyến bay mỗi tuần.

Với sự kết hợp này, ông Đặng Doãn Kiên – Phó Chủ tịch phụ trách Khối Đầu tư của ITL Corp – cho biết: Việc tập đoàn này mua sáp nhập Sotrans Group sẽ hoàn thiện mảnh ghép trong việc tận dụng năng lực của một DN đứng đầu về thị trường hàng không với một DN dẫn đầu về cảng, logistics cảng và ICD, mang lại cho các khách hàng các dịch vụ logistics tích hợp, đa dạng.

Còn theo ông Đặng Vũ Thành – Tổng giám đốc, thành viên HĐQT của Sotrans Group, thương vụ M&A này sẽ góp phần cung cấp các sản phẩm logistics tốt hơn, trọn gói hơn và tối ưu về mặt chi phí cho các khách hàng.

Trước đó, vào năm ngoái đã có không ít thương vụ triệu đô trong lĩnh vực logistics. Có thể kể đến như việc Tập đoàn Sumitomo cùng với công ty hậu cần Suzuyo và một quỹ công tư Nhật Bản đã chi khoảng 4 tỷ Yên (37 triệu USD) để mua 10% vốn Công ty CP Gemadept; Công ty Symphony International Holdings đầu tư 42,6 triệu USD mua cổ phần của Công ty CP Giao nhận và vận chuyển Indo Trần…

Theo đánh giá của các chuyên gia, sau những đợt M&A này sẽ là đòn bẩy để các DN tái cấu trúc lại mạnh hơn, tăng sức cạnh tranh, vững vàng nội lực để vượt qua đại dịch; đồng thời tận dụng các FTA thế hệ mới, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) vừa có hiệu lực.

Mai Ca

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn