Hội chợ tìm nguồn cung hàng dệt may Toronto là hội chợ lớn nhất khu vực Bắc Mỹ và được tổ chức luân phiên hàng năm tại Toronto và Miami. Hội chợ diễn ra tại Trung tâm hội nghị Toronto từ ngày 7-9 tháng 11 năm 2022 và là hội chợ dệt may đầu tiên được tổ chức lại tại Canada kể từ năm 2019 sau Covid.
Thương vụ Việt Nam tại Canada đã chuyển thông tin về Hội chợ này từ đầu tháng 6/2022 để vận động các doanh nghiệp Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, đến cuối tháng 9/2022, Việt Nam vẫn không có gian hàng nào tham gia. Sau quá trình làm việc và vận động với Ban Tổ chức, Thương vụ cam kết sẽ tham gia giới thiệu các cơ hội CPTPP mang lại cho ngành dệt may và cách thức khai thác FTAs để tối ưu hoá chiến lược mua hàng, cung ứng nguyên liệu đầu vào và lựa chọn địa bàn đầu tư để đổi lấy chi phí gian hàng ưu đãi cho Việt Nam. Tại thời điểm diễn ra Hội chợ, Việt Nam có 02 gian hàng của Công ty Việt Vương và Thương vụ; ngoài ra có 01 gian hàng của doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tại Việt Nam.
Hội chợ năm nay có sự tham gia của hơn 150 gian hàng từ 14 cường quốc dệt may trên thế giới như: Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Hàn Quốc, Canada, Hoa Kỳ, Srilanka, Thuỵ Sĩ, Ghana, Đài Loan, Mông Cổ. Đã có trên 5000 công ty mua hàng đăng ký tham quan Hội chợ để tìm kiếm nguồn cung mới, trong đó có những nhà mua lớn như Walmart, Tesco, Rudsak, Moose Knookle, Levi’s, American Eagle…
Mặc dù quy mô và số lượng gian hàng của Việt Nam là nhỏ nhất so với các nước khác (Trung Quốc có hơn 50 gian hàng, Ấn Độ có hơn 20 gian hàng), mục tiêu của Việt Nam tham gia là để giới thiệu nền dệt may Việt Nam hướng đến công nghệ, đổi mới và các dự án thân thiện môi trường. Sự có mặt của gian hàng Thương vụ Việt Nam tại Canada và các cán bộ Thương vụ trong suốt thời gian triển lãm đã giúp đảm bảo sự hiện diện của Việt Nam trên bản đồ dệt may thế giới và hỗ trợ kết nối đơn hàng cho các doanh nghiệp Việt Nam không có điều kiện tham gia Hội chợ[1]. Bên cạnh đó, sự tham gia của Thương vụ Việt Nam tại Canada vào các hoạt động hội thảo, đối thoại trực tiếp tại Hội chợ (do Liên đoàn dệt may Canada và Tổ chức chứng nhận sản xuất trách nhiệm toàn cầu phối hợp tổ chức) là nỗ lực để khuyến khích các nhãn hàng dệt may lớn của thị trường Bắc Mỹ quan tâm đến các cơ hội kết nối sản xuất và chuỗi cung ứng dệt may với thị trường Việt Nam mà CPTPP mang lại. Tại Hội chợ, Thương vụ Việt Nam đã có seminar hướng dẫn các doanh nghiệp dệt may cách thức tính toán hàm lượng giá trị khu vực để thoả mãn các điều kiện về quy tắc xuất xứ cộng gộp, từ đó có sự tối ưu hoá về nhập khẩu nguyên liệu, lựa chọn nguồn cung và hoạch định chiến lược đầu tư. Thương vụ cũng có buổi làm việc với Chủ tịch Liên đoàn dệt may Canada để trao đổi các hướng hợp tác giữa Canada với Việt Nam trong lĩnh vực dệt may tái chế, đào tạo chuyển đổi sản xuất tuần hoàn cho các doanh nghiệp Việt Nam và tổ chức các đoàn mua hàng vào Việt Nam.
Lần đầu tiên tham gia triển lãm tại Canada, Việt Vương hướng tới tìm kiếm các nhãn hàng cao cấp và cân đối chiến lược sản xuất. Việt Vương đã sớm triển khai từ 2019 quy trình sản xuất xanh để giảm ô nhiễm và là một trong những doanh nghiệp dệt may Việt Nam đầu tiên nhận được chứng chỉ LEED (Leadership in Energy and Environnmental Design). Hiện nay, 55% sản xuất của Việt Vương đang phục vụ thị trường Hoa Kỳ. Tham gia Hội chợ tại Toronto lần này, Việt Vương có tham vọng mở rộng mạng lưới đối tác nhập khẩu và sản xuất OEM cho thị trường Canada, nhằm vào những thương hiệu dệt may nổi tiếng toàn cầu của Canada, đặc biệt là những thương hiệu áo khoác chịu lạnh chất lượng cao của Canada. Tại Hội chợ, Việt Vương đã mang đến trưng bày nhiều sản phẩm và thiết kế mới sử dụng các vật liệu sáng tạo và không ô nhiễm môi trường. Để tạo hình ảnh ghi dấu ấn của công nghiệp may mặc Việt Nam tại triển lãm, clip trình chiếu của Việt Vương đã lựa chọn giới thiệu chiến lược phát triển xanh của công ty với hình ảnh nhà máy nằm giữa khu sinh thái rừng dừa tự nhiên của Việt Nam. Thông điệp của Việt Vương nói riêng và dệt may Việt Nam nói chung tại hội chợ là “Tiên phong nắm bắt được nhu cầu giảm dấu ấn carbon trong tiêu dùng dệt may để đạt mục tiêu giảm phát thải của thế giới và dẫn đầu xu hướng sản xuất tuần hoàn và sinh thái trong công nghiệp dệt may”. Đến thăm gian hàng của Việt Vương, các khách hàng rất hào hứng thưởng thức sản phẩm kẹo dừa và nước dừa Việt Nam. Nhờ phối hợp giữa quảng bá văn hoá, ẩm thực với truyền tải thông điệp môi trường và phát triển bền vững, gian hàng của Việt Vương là một trong những gian hàng thu hút được nhiều khách thăm quan và trao đổi kết nối.
TS. Quỳnh Trần, Tham tán Thương mại