Hiểu về ngành dệt may của Canada

7606

Dệt sợi là ngành công nghiệp có quy mô không đáng kể ở Canada, sử dụng 17.600 lao động. Ở Canada có 984 cơ sở sản xuất và kinh doanh liên quan đến dệt. Tuy nhiên, đây là một ngành công nghiệp có xu hướng thoái trào, đặc biệt là các sản phẩm dệt gia dụng như ga gối, khăn tắm và mành rèm và quần áo may mặc. Đây là các lĩnh vực mặt hàng Canada dịch chuyển sản xuất sang các nước có nhân công rẻ. Tuy nhiên, Canada tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực mặt hàng có tính sáng tạo với chất lượng và giá trị cao như các sản phẩm thiết kế theo yêu cầu cá nhân, các sản phẩm sử dụng vật liệu mới (sợi nano, sợi carbon, sợi phủ phức hợp dùng cho các ứng dụng mới như áo chống đạn, đệm chống khuẩn, vật liệu dẫn điện…); các sản phẩm sợi ứng dụng trong xây dựng, nông nghiệp và công nghiệp ô tô (nhằm thay thế các vật liệu truyền thống như sắt, nhựa) … Ngành dệt sợi của Canada đang hướng tới từ bỏ các lĩnh vực sản xuất sợi và nhuộm từ vật liệu tự nhiên mà chuyển sang các loại sợi nhân tạo giá trị cao. Quy mô thị trường sợi của Canada khoảng 6.5 tỷ USD, tuy nhiên, năng lực sản xuất nội địa chỉ cung ứng được khoảng 1.1 tỷ USD, còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu.

Trong khi đó, ngành công nghiệp may mặc dù có quy mô nhỏ (hiện chỉ còn sử dụng khoảng 16.200 lao động với khoảng 1.400 doanh nghiệp; trong khi đã từng lên đến khoảng 200.000 lao động trong những năm 70-80s[1])  nhưng vẫn có mức tăng trưởng ổn định. Ước tính giá trị của thị trường may mặc Canada lên đến khoảng 10-11 tỷ USD/năm. Canada chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa khoảng 1.5 tỷ USD và xuất khẩu khoảng 1.5 tỷ USD/năm.

Hiện nay, ngành công nghiệp may mặc của Canada đang hướng đến xuất khẩu nhiều hơn và hội nhập nhiều hơn vào chuỗi cung ứng thế giới, thể hiện qua xu hướng tăng trưởng của cả xuất khẩu và nhập khẩu giai đọạn 2018-2021. Xuất khẩu các sản phẩm may mặc của Canada đối với các nhóm mặt hàng thuộc mã HS 61, 62 tăng lần lượt là 4% và 9%, thể hiện cầu của thế giới đối với sản phẩm may mặc của Canada đang tăng lên. Dù sản xuất trong nước hay ở nước ngoài, Canada đều đang định hướng cho các doanh nghiệp tập trung vào các mắt xích cao trong chuỗi sản xuất toàn cầu như: vật liệu, dịch vụ sản xuất, thiết kế, thương hiệu… Để thực hiện chiến lược này, Canada không theo đuổi sản xuất thời trang tiêu dùng ngắn hạn (fast fashion).

Nhiều nhãn hàng thời trang của Canada rất có tiếng trên thế giới, nhất là các sản phẩm thể thao chuyên nghiệp (trượt tuyết, leo núi, vận động ngoài trời…) và các sản phẩm thời trang nam cao cấp. Bên cạnh đó, Canada cũng quan tâm đột phá các thị trường ngách như đồng phục, đồ bảo hộ và phụ kiện may mặc. Thủ phủ dệt may của Canada đóng chủ yếu ở 3 thành phố Toronto, Montreal và Vancouver. Canada có định hướng quảng bá văn hoá thời trang mang dấu ấn riêng và đầu tư vào các giải pháp số trong phân phối và lưu kho để nâng cao tính cạnh tranh. Dịch Covid cũng thúc đẩy các doanh nghiệp dệt may đầu tư mạnh vào thương mại điện tử và các giao diện bán hàng trực tiếp, ứng dụng các công nghệ thực tế ảo và điện tử hoá các công đoạn thiết kế, tiếp thị. Các doanh nghiệp cũng quan tâm nhiều hơn đến việc đa dạng hoá nguồn cung, tìm cơ hội xuất khẩu và kết nối sản xuất, kết nối thương hiệu ở nước ngoài.

Xuất nhập khẩu dệt may của Canada kể từ sau CPTPP (triệu USD)
2018 2019 2020 2021 %
Nhập khẩu mã HS 61 của Canada 5079 5327 4340 5650 11%
Xuất khẩu mã HS 61 của Canada 493 504 367 697 4%
Nhập khẩu mã HS 62 của Canada 4595 4778 4293 4030 -12%
Xuất khẩu mã HS 62 của Canada 847 952 668 923 9%

 

Ngành công nghiệp may mặc và dệt sợi của Canada được hỗ trợ tích cực bởi môi trường nghiên cứu, ứng dụng (Viện khoa học dệt, Trung tâm kỹ thuật dệt Quebec, Trung tâm nghiên cứu và đổi mới may mặc Quebec, Trung tâm đổi mới may mặc Alberta…). Bên cạnh đó, ở nhiều tỉnh bang Canada có các Vườn ươm năng lực thiết kế và thời trang (Toronto, Montreal…)  để nâng cao năng lực sáng tạo. Các hiệp hội như Hiệp hội may mặc Canada, Hiệp hội công nghệ dệt Canada, Hiệp hội chất lượng lông vũ Canada… đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy năng lực và tính cạnh tranh của nền công nghiệp may mặc và dệt sợi Canada. Nhà nước và các hiệp hội rất quan tâm nâng cao chất lượng lao động và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, sức khoẻ lao động nhằm giúp lực lượng lao động dệt may của Canada giữ vững vị thế tiên tiến trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Xuất khẩu dệt may của Canada ra thế giới tuy không đáng kể (chỉ khoảng 1.7 tỷ USD/năm) nhưng có xu hướng tăng đều đặn qua các năm. Liên đoàn dệt may Canada và Bộ Thương mại quốc tế Canada khá quan tâm đến việc quảng bá và mở rộng các thương hiệu dệt may cao cấp của Canada ra quốc tế, thúc đẩy kết nối sản xuất và cung ứng. Hiện nay, đã có nhiều thương hiệu thời trang trung và cao cấp của Canada lựa chọn mô thức thiết kế trong nước và sản xuất tại nước ngoài như: Lululemon, Club Monaco, Aritzia, Roots, Mackage, Soia&Kyo… Tuy nhiên, cũng nhiều hãng kiên định với chiến lược “Made in Canada” và dùng chiến lược này để đi ra thế giới như một thương hiệu, một sự khác biệt, từ Canada Goose, Quartz Co, Kanuk cho đến những thương hiệu mới như Encircled, Smash&Tess, Ecologyst…

Để linh hoạt bảo hộ thương hiệu của Canada và nâng quy mô cho các doanh nghiệp, không chỉ Chính phủ mà cả lãnh đạo các hiệp hội liên quan của Canada trong trao đổi với Thương vụ đều quan tâm khả năng kết nối chuỗi sản xuất, chấp nhận gia công cho các thương hiệu Canada tại các nước mà Canada đã có Hiệp định thương mại tự do, trong đó có Mexico, Việt Nam, Malaysia. Thậm chí, một số doanh nghiệp Canada đã đón đầu Canada-ASEAN, quan tâm đầu tư vào Indonesia, nơi có nguồn nguyên liệu phong phú, nhân công rẻ và luật lệ môi trường ít hà khắc.

Ngoài ra, thị trường dệt may Canada và Hoa Kỳ có tính liên thông cao nhờ sự gần gũi về vị trí địa lý, khí hậu, thói quen tiêu dùng, thẩm mỹ thời trang và tầm vóc người tiêu dùng. Bên cạnh đó, hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ cũng là yếu tố thúc đẩy sự gắn kết thị trường sản xuất và tiêu thụ giữa Hoa Kỳ và Canada. Hiện nay, chỉ riêng 2 nhãn hàng lớn của Hoa Kỳ là Old Navy và Gap đã chiếm đến 15% tổng giá trị nhập khẩu may mặc vào Canada. Old Navy và Gap hiện chủ yếu gia công ở Trung Quốc, Campuchia. Ở chiều ngược lại, Hoa Kỳ cũng là thị trường nhập khẩu hàng may mặc chủ yếu của Canada (90%). Vì vậy, đạt được các đơn hàng cho các nhãn hàng lớn của Hoa Kỳ hoặc Canada sẽ tự động mở ra thị trường của nước còn lại.

TS. Quỳnh Trần, Tham tán Thương mại

[1] Cho đến những năm 90s, 70% nhu cầu may mặc của Canada vẫn là do thị trường nội địa cung cấp. Ngành dệt may của Canada đã lụi tàn nhanh chóng trong 3 thập kỷ (từ 1990s đến nay). Đây là lựa chọn chiến lược của Canada (mở cửa thị trường cho tự do nhập khẩu và cạnh tranh) để thu hút nhân công dệt may sang các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn