Tình hình xuất khẩu một số ngành hàng vào Canada 11 tháng 2022

45515

Thuỷ sản (HS 03): Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản địa bàn 11 tháng đầu năm đạt 229 triệu USD, tăng 56.4% so với cùng kỳ năm ngoái (146 triệu USD). Đáng lưu ý là xuất khẩu thuỷ sản chế biến (HS 16) của Việt Nam cũng tăng rất mạnh (60%), từ 73 triệu USD năm 2021 lên 117 triệu trong 11 tháng đầu 2021; cao gấp 5 lần tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của các nước vào Canada. Xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam tăng sang thị trường đạt được trong bối cảnh các sản phẩm thuỷ sản của Canada có mức giá rất cao do thiếu lao động đánh bắt, trong khi lo ngại do lạm phát, người dân Canada có xu hướng giảm tiêu dùng hoặc tiêu dùng các sản phẩm có mức giá phù hợp.

Chè, cà phê và gia vị (HS 09): Đây là nhóm sản phẩm có mức tăng đột biến so với năm 2021. Giá trị nhập khẩu 10 tháng đầu năm đã đạt 72 triệu USD (tăng 54.9% so với cùng kỳ 2021). Đóng góp chủ yếu vào mức tăng này là các sản phẩm cà phê 31 triệu, tăng 100%) và tiêu 30 triệu, tăng 28.6%, chiếm 30% thị phần). Hiện nay các sản phẩm chè, hồi, gừng và các gia vị khác, Việt Nam vẫn chưa xuất được nhiều vào thị trường Canada. Riêng mặt hàng quế, các siêu thị lớn của Canada (Costco,  Walmart) đã nhập khá nhiều quế có nguồn gốc từ Việt Nam (8.6 triệu USD), với mức tăng 43.3%, Việt Nam hoàn toàn có thể chiếm 50% thị phần tại Canada trong những năm tới.

Dệt may: Tính hết tháng 11/2022, kim ngạch xuất khẩu của nhóm mã HS 61 đã đạt 892 triệu USD, tăng 47.7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng quy mô thị trường Canada đối với nhóm hàng này khoảng từ 5 đến 6 tỷ USD/năm. Sau đại dịch, với việc mở cửa hoàn toàn lại đời sống xã hội và các hoạt động văn hoá giải trí, du lịch, nhu cầu nhập khẩu của Canada đối với nhóm mặt hàng này tăng mạnh so với 2021, đạt 30.1%. Việt Nam là nước đứng thứ ba về xuất khẩu mã HS 61 vào Canada, sau Trung Quốc, Campuchia; đây cũng là vị trí Việt Nam mới giành được từ 2 năm nay sau CPTPP khỏi tay Bangladesh. Tuy nhiên, với nhu cầu đa dạng hoá nguồn cung của Canada, các thị trường Ấn Độ, Indonesia và Sri Lanka đang nổi lên như là các đối thủ cạnh tranh rất mạnh nhờ năng lực hoàn thiện các mặt hàng có độ khó cao. Nhóm các sản phẩm may mặc không dệt kim: Tính hết tháng 11/2022, kim ngạch xuất khẩu của nhóm mã HS 62 đã đạt 745 triệu USD, tăng 52.5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng quy mô thị trường Canada đối với nhóm hàng này khoảng từ 4 đến 5 tỷ USD/năm. Cũng giống mã HS 61, thị trường Canada có nhu cầu tăng mạnh đối với sản phẩm thuộc mã HS 62 kể từ khi Chính phủ Canada dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp giãn cách. Nếu nhu cầu của thị trường tiếp tục duy trì như hiện nay (tăng 33% nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2021), dự kiến năm nay, nhu cầu của thị trường Canada không những phục hồi so với trước đại dịch, mà còn vượt quá cả mức nhập khẩu cao nhất lịch sử nhập khẩu Canada đạt được năm 2019 là 4.7 tỷ USD. Việt Nam từ nhiều năm nay đứng vững vị trí thứ ba sau Trung Quốc và Bangladesh.  Da giày: Tính hết tháng 11/2022, kim ngạch xuất khẩu của nhóm mã HS 64 đã đạt 762 triệu USD, tăng 49.3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng quy mô thị trường Canada đối với nhóm hàng này khoảng từ 2 đến 2.5 tỷ USD/năm. Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn thứ hai vào Canada sau Trung Quốc và hiện có thị phần khoảng trên 20% tại địa bàn. Cũng giống các mặt hàng tiêu dùng, thời trang khác, nhóm HS64 chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi tình trạng dịch Covid. Chắc chắn, năm 2022 không chỉ đánh dấu sự hồi phục của kim ngạch xuất khẩu da giày Việt Nam vào Canada mà còn đánh dấu những tác động tích cực rõ nét mà CPTPP mang lại kể từ sau 2018. Hiện nay, Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng nhất để thu hút các đơn hàng mới trong bối cảnh Canada muốn thoái lui khỏi thị trường Trung Quốc so với các đối thủ cạnh tranh khác là Ý và Campuchia.

Gỗ và nội thất (HS94): Tính hết tháng 11/2022, kim ngạch xuất khẩu của nhóm mã HS 94 đã đạt 571 triệu USD, tăng 1.6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng quy mô thị trường Canada đối với nhóm hàng này khoảng từ 9-10 tỷ USD/năm. Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn thứ tư vào Canada sau Trung Quốc, Mỹ, Mexico. Đây là mặt hàng có sự hồi phục khá mạnh về nhu cầu sau đại dịch, với quy mô thị trường dự kiến vượt quá 10 tỷ USD trong năm nay nhờ tốc độ tăng trưởng của thị trường trung bình 11 tháng đạt trên 9% (mặc dù có dấu hiệu giảm trong các tháng cuối năm).

 

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn