Quý IV/2020, hoàn thành cắt giảm, đơn giản hóa danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành

12171

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020.

Theo đó, sửa cụm từ “Quý II năm 2019” tại Điểm a Khoản 3 Mục III thành cụm từ “Quý IV năm 2020”. Cụ thể, Quý IV năm 2020, hoàn thành cắt giảm, đơn giản hóa danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, gồm:

– Rà soát, cắt giảm tối đa danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan, nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về quản lý của cơ quan nhà nước và chống buôn lậu, gian lận thương mại; chỉ kiểm tra chuyên ngành trước thông quan đối với những hàng hóa có nguy cơ rủi ro cao gây mất an toàn, gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng con người, gây ô nhiễm môi trường, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, nguy hại cho kinh tế, cho an ninh quốc gia.

– Không quy định doanh nghiệp phải nộp bản đăng ký có xác nhận của cơ quan chuyên ngành để thông quan đối với hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành sau thông quan.

– Tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa kiểm tra sau thông quan, đảm bảo đơn giản về thủ tục, thuận lợi trong thực hiện.

Sửa cụm từ “Quý IV năm 2018” tại gạch đầu dòng thứ 4 Điểm c Khoản 3 Mục III thành “Quý IV năm 2020”. Theo đó,  Quý IV năm 2020, các bộ, ngành rà soát, ban hành đầy đủ Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành phải ban hành kèm theo mã số HS tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.

Sửa đổi, bổ sung gạch đầu dòng thứ 6 Điểm c Khoản 3 Mục III như sau:  Năm 2020 (quy định cũ là Quý IV năm 2019), các bộ, ngành phải hoàn thành việc rà soát, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hướng: Áp dụng đầy đủ nguyên tắc quản lý rủi ro trên cơ sở đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; thực hiện công nhận lẫn nhau; ưu tiên và tạo thuận lợi đối với các mặt hàng khuyến khích xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu phục vụ sản xuất mà trong nước chưa sản xuất được; giải quyết các nội dung quy định gây vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Về triển khai cơ chế bảo lãnh thông quan, năm 2020 (quy định cũ năm 2018 và năm 2019), Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội phê duyệt Đề án thí điểm thực hiện cơ chế bảo lãnh thông quan và triển khai thực hiện Đề án.

Chí Kiên

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn