Thị trường da giày của Canada – đặc điểm và quy mô

5163

Canada là một thị trường lớn cả về sản xuất và tiêu thụ da giày. Hàng năm, Canada nhập khẩu trung bình từ 2-2.5 tỷ USD[1]; thị trường tiêu dùng da giày của Canada có quy mô khoảng 6 tỷ USD và dự báo sẽ tăng lên đến 7-8 tỷ trong những năm tới. Trung bình một cặp vợ chồng Canada tiêu 624USD để mua sắm giày một năm (nữ 347 USD; nam 277 USD, giá trị tương đương cho trẻ nam/trẻ nữ); mỗi người Canada mua sắm trung bình 3.1 đôi/năm và hơn 50% số dân Canada mua mới hàng năm giày thể thao. Vì vậy, Canada là nước được xếp hạng top 5 thị trường tiêu dùng nhiều sản phẩm giày dép nhất thế giới và top 13 thế giới về quy mô thị trường.

Sản xuất trong nước chủ yếu là ở phân khúc giày cao cấp và giày thiết kế, hàng năm Canada xuất khẩu khoảng 200 triệu USD giá trị da giày ra thế giới (chủ yếu sang Hoa Kỳ). Công nghiệp da giày của Canada chủ yếu tập trung ở Toronto (Ontario) và Montreal (Quebec) với 59 cơ sở sản xuất và 1.400 lao động. Nhìn chung, công nghiệp da giày của Canada đang đi vào thoái trào, thu hẹp do giá nhân công cao, chi phí sản xuất cao và do cạnh tranh. Dự kiến Canada sẽ chỉ có thể tự cung cấp khoảng 10% cho nhu cầu nội địa, và phải nhập khẩu đến 90%.

Về nhu cầu thị trường, Canada tiêu dùng nhiều nhất là các loại giày dép có đế cao su, nhựa, da hoặc tổng hợp với phần trên làm bằng da (HS 640391) và các loại giày dép có đế cao su, nhựa và phần trên làm bằng vật liệu tổng hợp, hoặc vải dệt (HS 640419 và 640299) và giày thể thao (HS 640411). Hàng năm, Canada tiêu thụ khoảng 120-130 triệu đôi giày, trong đó cấu trúc vật liệu phân bổ như sau: 35% có nguồn gốc tổng hợp, 31% từ cao su, 2% từ các vật liệu chịu nước và 32% từ da.  Riêng giá trị bán lẻ giày dép mã HS 6403 đã chiếm gần một nửa quy mô thị trường bán lẻ giày dép của Canada. Ưu tiên mua sắm giày dép theo thứ tự yêu thích là giày bốt, sandal, giày thể thao, và dép. Giày bốt, sandal, giày cao gót và giày công sở nam chiếm 60% doanh thu; giày đặc chủng, giày bảo hộ và các giày dép lao động khác chiếm 25%; còn lại là giày thể thao, dép các loại.

Do điều kiện khí hậu, giày đông có nhu cầu khá cao ở Canada nhất là những loại giày ấm, chống thấm và chống trơn trượt. Đây là phân khúc thị trường chủ yếu vẫn do các thương hiệu Canada làm chủ, sản xuất tại Canada và hiện vẫn chiếm khoảng 28% doanh số thị trường giày dép Canada. Các thương hiệu chủ yếu của Canada là: Kamik, Pajar, Dayton, La Canadienne, Anfibio, Saute-mouton, Martino, Royer, Softmoc, Viberg, Matt and Nat…Về giày thường phục và thời trang, các thương hiệu phổ biến nhất ở Canada là: Birkenstocks, Native, Converse, People Footwear, Cougar và Steve Madden. Về giày thể thao, các thương hiệu phổ biến nhất lần lượt là: Nike, Adidas, Skechers, New Balance, Asics, Reebok, Puma[2].

Các cửa hàng bán buôn là những nhà nhập khẩu chủ yếu. Các cửa hàng bán buôn mua trực tiếp và bán lại cho hệ thống bán lẻ. Các mặt hàng qua kênh mua buôn này thường là giày thể thao và giày đi làm bình dân. Các cửa hàng bán buôn chiếm 32% doanh thu từ thị trường giày dép, trong khi đó các chuỗi bán lẻ chuyên giày dép lớn chiếm khoảng 40% (Aldo, Foot Locker, Skechers…). Các cửa hàng giày dép nội địa chiếm 28% doanh số. Kể từ sau Covid, người Canada bắt đầu mua sắm giày dép online nhiều hơn nhưng đa số người được hỏi vẫn lựa chọn mua giày tại cửa hàng.

Ở Canada, giày vừa là sự cần thiết, vừa là biểu tượng của phong cách (ca sĩ Celine Dion của Canada có trên 10.000 đôi giày); mặc dù vậy, giày được coi là hàng tiêu dùng thiết yếu chứ không phải hàng xa xỉ. Vì vậy, thị trường giày Canada sẽ hồi phục sau đại dịch và có triển vọng tăng trưởng tốt trong những năm tiếp theo. Giai đoạn 2022-2025, dự đoán mức tăng trưởng thị trường đạt trung bình 10%/năm, tương đương mức tăng trưởng giai đoạn 2005-2015. Đến năm 2030, nhu cầu nhập khẩu giày dép của Canada có thể lên đến 2.7 tỷ USD/năm (có thể sớm hơn nếu Canada chấm dứt chế độ làm việc tại nhà).

Quy mô thị trường da giày Canada (mã HS 64)
  2017 2018 2019 2020 2021 %
Việt Nam 446,076 482,842 544,372 457,295 542,803 12
Các nước 2,000,471 2,036,025 1,955,808 1,364,876 1,593,277 -21
Tổng nhu cầu nhập khẩu 2,446,547 2,518,866 2,500,180 1,822,171 2,136,080 -15

TS. Quỳnh Trần, Tham tán thương mại

[1] Số liệu tổng hợp và tính toán từ: https://ised-isde.canada.ca/site/trade-data-online/en.

[2] Do dịch bệnh và hơn 2 năm giãn cách, làm việc tại nhà, người Canada có nhiều thời gian và quan tâm hơn đến tập luyện thể thao. Vì vậy, năm 2020, Canada giảm mạnh nhu cầu nhập khẩu các loại giày đông, trong khi giày thể thao lại tăng cao.

 

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn