Quy định nhập khẩu các sản phẩm nội thất và gỗ vào Canada

26237

Nội thất nhập khẩu vào Canada chịu sự điều chỉnh của Luật An toàn Sản phẩm Tiêu dùng của Canada (CCPSA[1]) để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Ngoài ra, sản phẩm nội thất còn có thể chịu sự điều chỉnh của Luật bảo vệ môi trường Canada (CEPA), theo đó hạn chế một số hoá chất có nguy cơ gây hại môi trường (kim loại nặng, formaldehyde…) Nhập khẩu nội thất vào Canada thuộc phạm vi điều chỉnh của các cơ quan: Cơ quan dịch vụ biên giới Canada; Cơ quan thẩm tra an toàn thực phẩm Canada; Cơ quan bảo vệ đa dạng thực vật Canada, Cơ quan bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu Canada…

Các sản phẩm sử dụng gỗ, vỏ gỗ đã qua xử lý chế biến không cần chứng chỉ kiểm dịch; tuy nhiên nêú chưa qua xử lý Cơ quan thẩm tra an toàn thực phẩm Canada sẽ yêu cầu phải có kiểm dịch vệ sinh dịch tễ. Đối với các sản phẩm gỗ dày hơn 1.5 cm, Canada yêu cầu phải có giấy chứng nhận bảo vệ đa dạng thực vật. Đối với các sản phẩm gỗ hiếm mà CITES quy định còn cần cả giấy chứng nhận CITES. Gỗ sử dụng trong sản phẩm ít nhất 50% phải có nguồn gốc từ các khu rừng có chứng nhận quản lý rừng bền vững (PEFC International, bao gồm SFI, CSA; hoặc FSC International).

Đối với sản phẩm bọc đệm hoặc sử dụng vải/mút, Canada yêu cầu phải ghi rõ nguyên liệu sử dụng/thành phần của mọi loại sợi sử dụng trên mức 5% theo quy định của Luật ghi nhãn sản phẩm vải sợi (TLA); trừ sản phẩm bọc da thật (nhưng vẫn phải ghi rõ thành phần của các vật liệu vải khác sử dụng). Các sản phẩm này phải chịu thực nghiệm về mức độ bắt cháy từ thuốc lá. Các sản phẩm bọc đệm cũng phải chịu quy định về mức tồn dư hoá chất.

Đối với các sản phẩm có sử dụng kính, Canada quy định phải có thực nghiệm đánh giá tiêu chuẩn an toàn về mức độ chịu nhiệt và chịu lực.

Đối với sản phẩm dành cho trẻ em, Canada có quy định chi tiết về ngưỡng hoá chất và kim loại nặng (đặc biệt là chì, selen, thạch tín, antimoine, catmi, thuỷ ngân và phthalates/vinyl…), thử nghiệm vật lý trong phòng thí nghiệm, phương pháp lắp ráp, hướng dẫn sử dụng và ghi nhãn cảnh báo các nguy cơ tiềm ẩn…

Đối với các sản phẩm nội thất văn phòng, Luật về An toàn và sức khoẻ lao động Canada được áp dụng. Ngoài ra, tiêu chuẩn nội thất bền vững BIFMA cũng được khuyến nghị đối với nội thất văn phòng (là bắt buộc đối với mua sắm chính phủ theo Chính sách mua sắm xanh).

Các sản phẩm nhập khẩu vào Canada đều phải có hướng dẫn sử dụng ghi song ngữ, với đầy đủ thông tin hướng dẫn lắp đặt, sử dụng, danh mục cấu phần, thông số sản phẩm, thông tin tái chế cho từng loại vật liệu  và thông tin nhà sản xuất/nhập khẩu… Các thông tin này phải thuận tiện/dễ tìm đọc, ví dụ như gắn trực tiếp, treo trên sản phẩm hoặc dán vào sản phẩm…

Về bao bì của sản phẩm nội thất, ngoài các quy định về hàm lượng tái chế[2], vật liệu sử dụng làm bao bì phải được ghi rõ và thân thiện với môi trường. Canada còn quy định bao bì phải đảm bảo chống được các nguy cơ nhiễm khuẩn, dễ mở, dễ lưu trữ và không có rủi ro gây bị thương khi vận chuyển/mở.

Cơ quan bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu Canada còn quy định về việc kiểm soát tác động môi trường đối với việc sản xuất và chế biến nội thất, theo đó quy định tiêu chuẩn về việc phát thải các khí độc hại và lượng nước sử dụng/nước thải/rác thải trong sản xuất. Ngoài ra, Canada quan tâm đến các vấn đề về trách nhiệm xã hội, thương mại công bằng và bền vững. Các sản phẩm từ vật liệu tái chế, có khả năng tái chế, phân huỷ sinh học sẽ được ưu tiên mua. Các sản phẩm được khuyến khích có thiết kế có độ bền và khả năng nâng cấp/sử dụng lâu dài (thiết kế mô-đun) để đảm bảo giảm sử dụng tài nguyên/lãng phí (bảo hành ít nhất 10 năm với nội thất và 5 năm với bề mặt vải). Các sản phẩm nội thất được khuyến khích dễ lắp ráp, tháo dỡ bằng các công cụ tiêu chuẩn và không cần qua đào tạo. Canada ưu tiên nhập khẩu các sản phẩm nội thất có đầy đủ các chứng chỉ của ngành như ISO 14001, BIFMA, LEED, SCS, Greenguard, FSC, MAS…

Ở cấp độ tỉnh bang, mỗi tỉnh bang có thể có thêm quy định bổ sung đối với sản phẩm nội thất nhập khẩu và các nhà sản xuất/nhập khẩu buộc phải tuân thủ không những luật liên bang mà mọi quy định để bảo vệ an toàn cho người sử dụng ở cấp độ tỉnh bang.

Để được hưởng miễn thuế/giảm thuế, Cơ quan dịch vụ biên giới còn yêu cầu cấc giấy tờ xác nhận xuất xứ của hàng hoá/thành phần của hàng hoá. Để được hưởng ưu đãi thuế theo CPTPP, hàng hoá cần phải có chứng nhận xuất xứ theo form CPTPP, theo đó xác nhận mặt hàng đủ điều kiện được hưởng ưu đãi thuế. Viêc đảm bảo truy xuất nguồn gốc của các cấu phần sản phẩm cũng là điều kiện bắt buộc để hưởng ưu đãi thuế quan.

Việc đảm bảo quy định của sở tại thường buộc các nhà nhập khẩu phải làm việc với các nhà sản xuất ngay từ giai đoạn thiết kế để đánh giá mức độ an toàn, nhất là với các sản phẩm dành cho trẻ em. Các nhà nhập khẩu phải lưu giữ các báo cáo thử nghiệm, giấy chứng nhận hoặc các tài liệu khác liên quan đến sản phẩm theo yêu cầu của chính phủ và nộp cho cơ quan có thẩm quyền khi cần thiết. Các nhà nhập khẩu thường phải thực hiện kiểm định tại Canada ở những công ty kiểm định uy tín như CSA, UL hoặc Intertek trước khi nhập khẩu đại trà[3]. Các nhà nhập khẩu được yêu cầu phải lưu giữ các giấy tờ trong vòng 6 năm kể từ ngày nhập khẩu và có thể bị kiểm toán bất cứ lúc nào trong thời gian này. Do các nhà nhập khẩu sẽ chịu trách nhiệm cuối cùng về sự xác thực và đầy đủ của các thông tin và phải chịu các khoản thuế khi nhập khẩu vào Canada nên khi đã quyết định “làm ăn”, các nhà nhập khẩu Canada thường là bạn hàng “trung thành” với nhà sản xuất để đảm bảo sản phẩm nhập khẩu luôn ổn định về chất lượng.

TS. Quỳnh Trần, Tham tán thương mại

[1] http://laws-lois.justice.gc.ca/eng/acts/c-1.68/

[2] Xem thêm bài: https://vntradetoca.org/quy-dinh-ghi-nhan-va-ham-luong-tai-che-cua-san-pham-nhua-tai-canada-va-nhung-diem-can-luu-y/

[3] http://www.hc-sc.gc.ca/cps-spc/prod-test-essai/index-eng.php

 

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn