Phát triển thương mại điện tử và kinh tế số: Cửa thoát hiểm cho doanh nghiệp hậu Covid-19

42955

Thương mại điện tử (TMĐT) và kinh tế số (KTS) phát triển đang giúp DN mở rộng khả năng quảng bá, tiếp thị khách hàng mà không cần tăng chi phí tương ứng… Song các chuyên gia cũng thẳng thắn chỉ rõ, hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên kênh bán hàng trực tuyến, sàn TMĐT đã làm mất uy tín DN, khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào sản phẩm… Do đó, cần có chế tài mạnh để thị trường TMĐT phát triển lành mạnh.

Tạo lợi thế cạnh tranh
Tại hội thảo “Phát triển thương mại điện tử: Tạo lợi thế cạnh tranh cho DN Việt Nam” do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 2/6, đại diện Công ty CP Khóa Việt – Tiệp chia sẻ, khi internet trở nên thông dụng hơn, DN đã có những bước thay đổi không ngừng. Ngoài kênh truyền thống, người tiêu dùng có thể mua sản phẩm khóa Việt – Tiệp trực tuyến, qua mạng xã hội, các sàn TMĐT như Tiki, Shopee…
Đánh giá về vai trò của phát triển TMĐT, TS Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, TMĐT giúp DN nâng cao được sức cạnh tranh, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa thông qua việc tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, nhân công, quảng cáo cũng như dịch vụ bán hàng.
“DN tăng được việc tiếp cận đầu vào và đầu ra, mở rộng khả năng quảng bá, tiếp thị khách hàng mà không cần tăng chi phí tương ứng. Đặc biệt, thời gian dành cho thực hiện giao dịch TMĐT không giới hạn toàn cầu với tốc độ giao dịch nhanh nhất, hiệu quả nhất, tận dụng được mọi nguồn lực” – TS Lê Xuân Sang nhận định.

 

Dẫn báo cáo gần đây của WTO, TS Lê Xuân Sang cho biết, dịch Covid-19 đã giúp doanh số bán hàng của DN cho khách hàng cá nhân tăng lên đỉnh điểm, đặc biệt làm tăng doanh số bán hàng giữa các DN. Kết quả khảo sát của tạp chí Nikkei mới đây với 4.273 DN, khách hàng trong thời gian từ 19/3 – 19/4/2020 đối với vùng châu Á – Thái Bình Dương cho thấy, có đến 52% ý kiến được hỏi sẽ tăng mua hàng online; 32% ý kiến khẳng định là không thay đổi phương pháp mua sắm và chỉ có khoảng 10% ý kiến không tin tưởng vào TMĐT.
Để thị trường phát triển lành mạnh
Đánh giá quá trình chuyển đổi số có những bước đột phá trong thời gian dịch Covid-19, TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh khẳng định, TMĐT và KTS trong 5 tháng qua tại Việt Nam đã phát triển với gam màu hồng là chủ đạo len lỏi đến khắp các lĩnh vực kinh tế của Việt Nam.
Không phủ nhận vai trò của TMĐT song các chuyên gia, nhà quản lý, DN cũng thẳng thắn chỉ rõ, những mặt trái đang ảnh hưởng không nhỏ tới DN. Đơn cử hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên kênh bán hàng trực tuyến, sàn TMĐT đã tạo ra cuộc cạnh tranh không lành mạnh, làm mất uy tín DN, người tiêu dùng mất niềm tin vào sản phẩm…
Nhiều DN lợi dụng chính sự tiện lợi của giao dịch trực tuyến – người mua không trực tiếp nhìn thấy sản phẩm – đã thực hiện những hành vi gian dối, lừa người tiêu dùng như giao hàng sai, không đúng với sản phẩm người mua đặt hàng, chế độ chăm sóc khách hàng cũng thiếu chuyên nghiệp, người mua nhận được hàng kém chất lượng, khi khiếu nại cũng không nhận được thái độ chia sẻ, cầu thị của người bán…
Do đó, để thị trường TMĐT phát triển lành mạnh, cần có các quy định, điều kiện tham gia vào hệ thống bán hàng trực tuyến chặt chẽ hơn, các chế tài xử phạt thật nặng đối với các vi phạm, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng…

Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020, quy mô thị trường TMĐT sẽ lên tới 13 tỷ USD. Quy mô này sẽ cao hơn mục tiêu nêu trong Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 – 2020, TMĐT bán lẻ (B2C) đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.

KHẮC KIÊN

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn