Nhiều dự án điện gió… chờ bán lại

19154

Mức giá 8,5 UScent/kWh cho dự án điện gió trên bờ và 9,8 UScent/kWh với dự án điện gió ngoài khơi đã tạo ra một cơn sốt chạy đua xí chỗ. Nhưng có hiện tượng nhiều nhà đầu tư xin được dự án, lại không tiến hành xây dựng và vận hành như cam kết, mà mang bán cho nhà đầu tư khác để kiếm lời.

Xin nhiều, làm chưa bao nhiêu

Chưa đầy 2 năm kể từ khi Quyết định 39/2018/QĐ-TTg được ban hành, điện gió cũng rơi vào cảnh đổ bộ đầu tư không khác những gì đã xảy ra với điện mặt trời trước đó.

Báo cáo của Bộ Công thương gửi Chính phủ hồi tháng 3/2020 cho hay, trong giai đoạn 2011 – 2018, chỉ có 3 dự án điện gió được xây dựng và đưa vào vận hành với tổng công suất lắp đặt là 152,3 MW.

Nhưng sau khi có Quyết định 39/2018/QĐ-TTg (ban hành tháng 9/2018), tính tới tháng 3/2020, đã có tổng cộng 78 dự án điện gió với tổng công suất 4.800 MW được đưa vào quy hoạch phát triển điện lực.

Trong số này có 11 dự án tổng công suất 377 MW đã phát điện và có 31 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với tổng công suất 1.662 MW, có thời gian vận hành dự kiến trong năm 2020-2021. Như vậy, vẫn còn khoảng ba chục dự án khác dù có trong quy hoạch nhưng rất mông lung các mốc thời gian thực tế.

Bộ Công thương trong 2 tháng qua cũng liên tục có 3 công văn đề nghị bổ sung 7.000 MW điện gió khác vào Quy hoạch và kéo dài thời gian áp dụng giá mua điện cố định (FIT) với loại hình này tới hết năm 2023, với lý do đây là nguồn bổ sung nhanh chóng cho thực tế nguồn điện đang không dư dả.

Thậm chí, con số này không dừng tại đó, khi Bộ Công thương cho hay, có tới 250 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 45.000 MW được địa phương đề nghị bổ sung quy hoạch phát triển điện lực.

Việc các địa phương đề nghị cấp tập bổ sung các dự án điện gió vào quy hoạch, hay chuyện Bộ Công thương cũng lặp lại đề nghị này dù với quy mô khiêm tốn hơn, không khỏi khiến người ta e ngại về một làn sóng tranh thủ hưởng lợi về giá điện như đã từng diễn ra với điện mặt trời 1 năm trước đó.

Tại tỉnh Quảng Trị có tới 49 dự án với tổng công suất là 2.546 MW muốn bổ sung vào quy hoạch. Tới lượt mình, Bộ Công thương đã chọn ra 14 dự án với tổng công suất 569,2 MW để đề xuất Chính phủ cho bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện. 

Đáng nói là, nhiều dự án ở Quảng Trị chưa có số liệu đo gió thực địa, mà chỉ có “nội suy cột đo gió lân cận” với ghi chú “số liệu gió khá”. Bởi vậy, câu chuyện xin được dự án rồi mang bán cho các nhà đầu tư khác, chủ yếu là các nhà đầu tư đến từ nước ngoài, thay vì đầu tư thật và vận hành lâu dài ở các dự án điện gió trong nước đã đi vào “vết xe đổ” của nhiều dự án điện mặt trời trước đây.

Một nhà tư vấn độc lập cho hay, năm ngoái, các dự án điện gió đã được bổ sung vào quy hoạch, có mặt bằng sạch và có PPA đòi mức giá bán là 190.000 USD cho 1 MW. Còn hiện nay, do thời gian còn lại để được hưởng giá cao không nhiều, nên mức rao bán đã hạ xuống còn khoảng 150.000 USD/MW.

Muốn kéo dài thời gian hưởng giá cao

Các nhà đầu tư điện gió gần đây đã nhắc tới thực tế Covid-19 làm gián đoạn nguồn cung hàng lẫn việc thi công để đề nghị gia hạn mức giá điện gió 8,35 – 9,8 UScent/kWh tới giữa năm hoặc hết năm 2022, thay vì trước ngày 1/11/2021 như quy định hiện hành.

Đề nghị này đặt trong bối cảnh các dự án điện mặt trời chuyển sang phương thức đấu thầu để tìm nhà phát triển dự án từ năm 2021, hay mức giá điện gió mua từ Lào về tối đa chưa đến 6,95 UScent/kWh được Thủ tướng Chính phủ đồng ý mới đây đã cho thấy những chênh lệch khi nhìn nhận đóng góp của các dự án năng lượng tái tạo.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương cho hay, chủ đầu tư cụm điện gió Monsoon tại Lào là Tập đoàn Impact Energy Asia Development đã cam kết với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về giá bán điện của dự án không cao hơn khung giá đối với loại hình nhà máy thủy điện do Thủ tướng Chính phủ quy định tại Văn bản 241/TTg-QHQT (ngày 23/2/2019) về nguyên tắc và giá điện nhập khẩu từ Lào về Việt Nam là 6,95 UScent/kWh.

Đáng chú ý, mức giá điện gió mua từ Lào tối đa là 6,95 UScent/kWh cũng được chính Bộ Công thương cho là “đã đảm bảo hiệu quả cũng như lợi ích giữa các bên”.

Như vậy, giá mua điện gió ở Việt Nam đang cao hơn khoảng 1,5 UScent/kWh và không phải xây dựng đường dây 500 kV dài đôi ba chục km để đấu nối điện về biên giới Việt Nam – Lào chắc chắn hiệu quả hơn hẳn.

Ở góc độ này sẽ giải thích cho việc một số nhà đầu tư chưa hề làm điện gió lẫn hoạt động trong ngành điện trước đó, nhưng cố gắng lao vào làm điện gió và khi có dự án “lọt vào” quy hoạch đã chốt lời sớm, thay vì triển khai đầu tư dự án và vận hành.

Thanh Hương

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn