Đình công ở bờ Tây Canada và tác động đến xuất khẩu Việt Nam

16868

Từ ngày 1/7/2023, các cảng ở bờ biển phía tây của Canada, bao gồm cả cảng lớn nhất Vancouver, đã bị đóng cửa do tranh chấp lao động. Cuộc đình công đến nay đã kéo dài sang ngày thứ 10, làm gián đoạn vận tải hàng hóa toàn cầu. Sau nhiều tháng đàm phán không có kết quả với Hiệp hội người sử dụng lao động hàng hải Bristish Colombia (BCMEA), hơn 7.000 công nhân bốc xếp tại cảng và 49 chủ lao động ở 30 cảng đã đình công. Lương, điều kiện làm việc, các chế độ đãi ngộ, tự động hóa cảng là những nguyên nhân chính khiến Nghiệp đoàn Quốc tế của các công nhân bốc dỡ và kho bãi (ILWU) quyết định tổ chức đình công.

Các cảng ở phía Tây Canada đóng vai trò quan trọng trong thương mại hàng hoá của Canada, trong đó chỉ riêng Vancouver (cảng lớn nhất) và Prince Rupert (lớn thứ 3) đã chiếm tới 25% tổng lưu lượng vận tải hàng hoá của Canada (khoảng 235 tỷ USD/năm); khoảng 1/3 trung chuyển thương mại giữa Canada với bờ bên kia Thái Bình Dương được thực hiện qua các cảng phía Tây. Mỗi ngày, lưu lượng hàng hoá qua đây có giá trị lên tới 615 triệu đô la Mỹ, từ thực phẩm, ngũ cốc, khoáng sản thiết yếu cho đến vật liệu xây dựng, đồ gia dụng, điện tử (800 triệu CAD). Cuộc đình công ở bờ Tây Canada sẽ không chỉ tác động đến riêng Canada mà cả thị trường Bắc Mỹ và thế giới vì các cảng này kết nối Canada với 170 nền kinh tế trên thế giới. Ước tính, thiệt hại kinh tế tuần qua do đình công gây ra cho Canada đã lên đến gần 200 triệu đô la Mỹ.

Trao đổi với Thương vụ, ông Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu và nhập khẩu  Canada Warrington Ellacot cho biết, đình công không chỉ tác động đến giá tiêu dùng cuối cùng mà chắc chắn tác động tiêu cực đến các nhà xuất khẩu và nhập khẩu vì tiền bốc dỡ chậm và các khoản phạt, phụ phí cũng sẽ dội ngược lại. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì sự gia tăng chi phí này; các hợp đồng xuất khẩu cũng có thể bị mất vì hàng hoá không được giao đúng hạn.

Theo đại diện của CN – công ty đường sắt lớn nhất Canada, đình công ở bờ Tây sẽ làm tăng thêm chi phí vận tải, tiêu dùng và dẫn đến các thiệt hại kinh tế và hậu quả sẽ kéo dài nhiều tháng. Hiệp hội bán lẻ Canada (RCC) và các chuyên gia về chuỗi cung ứng đang tìm các giải pháp vận chuyển để giảm chi phí vì càng kéo dài, người tiêu dùng sẽ phải chịu thêm chi phí do hàng tồn đọng trên tàu và kho kéo dài. Hiệp hội các nhà bán lẻ độc lập cũng lo ngại vụ đình công sẽ không chỉ tăng chi phí cho các doanh nghiệp bán lẻ mà còn làm trầm trọng tình trạng lạm phát trong lĩnh vực thực phẩm vì nhiều sản phẩm chóng hỏng đã không thể đưa ra thị trường đúng hạn; làm hàng hoá khan hiếm và đẩy giá tiếp tục lên cao; và sẽ là vòng xoáy tăng giá từ thực phẩm, may mặc, đồ điện tử đến xe cơ giới. Đối với các nhà sản xuất Canada, nguy cơ phải đối mặt với khủng hoảng kho bãi, cũng như khả năng đóng cửa tạm thời là hiện hữu. chủ tịch Hiệp hội Quản lý Vận tải Canada đánh giá rằng đối với những ngành sản xuất có quy trình liên tục, chẳng hạn như hóa chất, thì việc tạm dừng hoạt động là một vấn đề lớn và tốn kém.

Cả hai bên ILWU và BCMEA đều đã tìm kiếm sự hỗ trợ hoà giải của Chính phủ liên bang, tuy nhiên, Chính phủ liên bang đến nay vẫn chưa có động thái nào rõ rệt (do Nghị viện đang trong kỳ nghỉ và cần được triệu tập lại). Bộ trưởng lao động liên bang chỉ lặp lại quan điểm các bên cần ngồi vào bàn đàm phán và tìm ra giải pháp. Hầu hết các Hiệp hội ngành hàng đều đã có ý kiến lên Chính phủ liên bang đề nghị cùng tìm giải pháp để giúp thúc đẩy đàm phán giữa người lao động và chủ sử dụng lao động. Ngày 5/7/2023, khoảng 130 Hiệp hội lớn đã cùng ký tên gửi Thủ tướng Trudeau đề nghị triệu tập Nghị viện để đưa ra giải pháp lập pháp buộc chấm dứt đình công. Tuy nhiên, chính quyền của ông Trudeau khá cứng rắn đối với việc giải quyết tranh chấp lao động vì cho rằng việc này cần xử lý ở bàn đàm phán chứ không phải ở Nghị viện và chỉ cử trung gian đàm phán chứ không có ý định triệu tập Nghị viện.

Dự báo, cuộc đình công còn có thể kéo dài vì quan điểm của ILWU cũng rất kiên định Phía những người biểu tình cho rằng BCMEA đang cố gắng sử dụng áp lực từ các Hiệp hội và trầm trọng hoá tác động của đình công nhằm gây ảnh hưởng đến dư luận. Cuộc đình công này sẽ càng làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn/chậm trễ ở các cảng biển phía Tây của Canada vốn đã kéo dài từ sau Covid. Hiệp hội vận tải đường sắt Canada đánh giá rằng cứ mỗi ngày đình công sẽ cần 5 ngày sau đó để khôi phục lại chuỗi cung ứng để vận hành bình thường. Cuộc đình công đến nay đã bước sang ngày thứ 10 và chưa có dấu hiệu chấm dứt. Vụ đình công ở các cảng phía Tây càng làm những nỗ lực giải quyết vấn đề tắc nghẽn ở bờ Tây thêm khó khăn. Hiện theo thông tin của Hiệp hội các nhà xuất khẩu và nhập khẩu  Canada, chỉ riêng linh kiện, điều khiển liên quan đến hàng điện tử, xe cơ giới, máy móc gia dụng đã có tới 46 containers của Việt Nam bị tác động bởi đình công. Tình trạng chậm giao hàng liên quan đến chuỗi cung ứng từ Việt Nam đã bắt đầu gây chậm/ngừng sản xuất ở một số doanh nghiệp, trong đó có Whirlpool. Các hiệp hội của Hoa Kỳ cũng bắt đầu lên tiếng quan ngại về việc đình công ở cảng Canada gây đứt gẫy sản xuất và cung ứng ở Hoa Kỳ.

Các công ty vận tải biển và đại lý vận tải bắt đầu phải điều hướng tàu rời khỏi bờ Tây, trong đó có các container hàng từ Việt Nam; tình hình dự báo sẽ có ngày càng nhiều lệnh điều hướng trong tuần này. Tuy nhiên, đã có thông tin từ phía ILWU Hoa Kỳ về việc không bốc dỡ hàng cho các tàu điều hướng để thể hiện tình đoàn kết với ILWU Canada. Nhưng kể cả điều hướng tàu sang bờ Đông hoặc xuống phía bờ Tây nước Mỹ là giải pháp đắt đỏ cho chi phí xuất khẩu của Việt Nam vì ngoài chi phí điều hướng (chi phí có thể thêm 50-60%), khi bốc dỡ ở cảng khác, nhiều tàu sẽ phải chấp nhận chạy container trống về. Từ năm 2020, ước tính 1/3 xuất khẩu của Việt Nam đã phải trung chuyển qua Hoa Kỳ để vào Canada do tình trạng tắc nghẽn cảng biển kéo dài ở phía Tây, đội thêm chi phí không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Con số này có xu hướng ngày càng tăng theo thời gian (xem bảng dưới).

2017 2018 2019 2020 2021 2022
Xuất khẩu sang Canada (số liệu Việt Nam) 2,717 3,014                           3,889  4,361                                        5,269                          6,315
Nhập khẩu từ Việt Nam (số liệu Canada) 3915 4159 5267 6089 7843 9,880
Ước tính trung chuyển qua Hoa Kỳ 1,198 1,145 1,378 1,728 2,574 3,565

 

Thương vụ Việt Nam tại Canada cảnh báo để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm các giải pháp/ lộ trình xuất khẩu/trung chuyển khác sang Canada nhằm giảm bớt thời gian và chi phí vận chuyển cả trong ngắn hạn và dài hạn.

 

TS. Quỳnh Trần, Tham tán thương mại

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn