Chuyển đổi số: Phải là chuyện ‘sống còn’

16069

Trong thời gian tới sẽ có rất nhiều mô hình doanh nghiệp số có thể “đánh bay” doanh nghiệp truyền thống khỏi thị trường, do vậy chuyển đổi số đối với doanh nghiệp phải là chuyện “sống còn” chứ không phải là “cơn sốt”.

Lợi ích to lớn từ chuyển đổi số

Hiện nay, chuyển đổi số đang trở thành xu hướng phát triển toàn cầu. Tại Việt Nam, khái niệm “chuyển đổi số” thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.

Những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp đó là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa năng suất làm việc của nhân viên… những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.

Chuyển đổi số phải là chuyện “sống còn”

Trong đó khởi nghiệp sáng tạo (startup) trong bối cảnh chuyển đổi số được kỳ vọng sẽ tạo sự tăng trưởng kinh tế, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao và đa dạng của xã hội, đồng thời tạo ra nhiều việc làm cho cộng đồng. Mặc dù vậy, cơ hội luôn đi kèm thách thức, hơn nữa đại dịch Covid-19 đang được xem như “bẫy kinh tế” không chỉ với startup mà còn với các doanh nghiệp lớn. 

Trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn), ông Giang Thiên Phú – Giám đốc điều hành Công ty Gadget Việt Nam cho biết, nếu doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số vì coi nó là “cơn sốt” thì đích thị doanh nghiệp đã “sa bẫy”. Chuyển đổi số phải đến từ chính nhu cầu của doanh nghiệp cần cạnh tranh và cần tồn tại trong thời đại số.

“Như chúng ta đã biết gần đây rất nhiều mô hình doanh nghiệp truyền thống “lao đao” vì bị cạnh tranh bởi doanh nghiệp số, ví dụ các doanh nghiệp vận tải kêu cứu vì mất khách cho Uber/Grab, hay các doanh nghiệp khách sạn và nghỉ dưỡng bị cạnh tranh gay gắt từ mô hình Airbnb.

Trong thời gian tới sẽ có rất nhiều mô hình doanh nghiệp số có thể “đánh bay” doanh nghiệp truyền thống khỏi thị trường, do vậy chuyển đổi số đối với doanh nghiệp phải là chuyện “sống còn” chứ không phải là cơn sốt”, ông Phú nêu quan điểm.

Còn theo TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh – thông tin: Kinh tế nền tảng số là xu thế và đòi hỏi tất yếu của kinh tế thị trường, nếu không tham gia vào quá trình này, doanh nghiệp sẽ đứng ngoài cuộc. Thống kê cho thấy, đối với những doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, năng suất hiệu quả tăng khoảng 30%. Rất nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau đều cần trở thành doanh nghiệp số. Tuy nhiên, chuyển đổi số là quá trình không đơn giản, tỷ lệ doanh nghiệp chuyển đổi số thành công chiếm khoảng 50%.

“Muốn chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp hãy nghĩ lớn, nhưng phải làm từ những việc nhỏ, sáng tạo, có tính lan tỏa. Đồng thời, gắn với chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp và phát huy vai trò của người đứng đầu” – TS. Võ Trí Thành đưa ra lời khuyên.

Lê Thanh Tùng

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn