Cập nhật tình hình thị trường Canada tháng 1

43427

Thống kê Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng mới nhất của Canada công bố ngày 17/1/2023 cho thấy tỷ lệ lạm phát của Canada vào tháng 12 giảm nhẹ xuống 6.3% từ mức 6,8% đã ghi nhận trong tháng 11 nhờ giá dầu giảm (mức đỉnh là 8.1% hồi tháng 6/2022). Dù giảm nhưng mức lạm phát hiện nay vẫn là mức cao nhất trong 40 năm qua kể từ năm 1982. Thứ tư vừa qua (ngày 25/1), Ngân hàng Trung ương Canada đã tiếp tục tăng lãi suất cơ bản lên mức 4.5%; đây là lần tăng liên tục thứ 8 của Canada (từ mức 0,25 % vào tháng 1/2022) đẩy lãi suất của Canada lên mức cao nhất trong vòng 14 năm qua. Việc tăng lãi suất đang làm tăng chi phí đi vay đối với người dân và doanh nghiệp Canada, làm giảm tiêu dùng của hộ gia đình (thị trường nhà ở, đồ nội thất và đồ gia dụng giảm mạnh nhất) đồng thời làm giảm đầu tư của doanh nghiệp. Lạm phát cả năm 2022 ghi nhận ở mức 6.8%, trong đó nội thất tăng 11.6%, đồ gia dụng tăng 9%, vận tải tăng 10.6%, thực phẩm tăng 9.8%, xe ô tô tăng 7.2% và nhà ở tăng 6.9% so với cùng kỳ 2021. Thực phẩm năm 2022 tăng cao nhất trong 41 năm qua, trong đó các sản phẩm tăng nhiều nhất là ngũ cốc (13.6%), bánh mỳ (11.5%), trái cây tươi (10.4%), thực phẩm chế biến (10.1%), sữa thịt (9.6%), sữa (8.6%).

Chỉ số PMI tháng 12 giảm nhẹ xuống 49.2 từ mức 49.6 điểm của tháng 11, thể hiện sự thiếu hụt các đơn hàng mới trong khi các doanh nghiệp tiếp tục phàn nàn về chi phí đầu vào tăng do lạm phát và do tỷ giá. Chỉ số lòng tin kinh doanh giảm đặc biệt mạnh, từ 51.4 điểm còn 33.4 điểm, đây là mức thấp nhất trong 25 năm qua, không tính thời điểm tháng 4/2020 khi cao điểm dịch Covid. Chỉ số lòng tin tiêu dùng giảm nhẹ so với tháng 11, từ 49.34 điểm xuống 48.81 điểm. Trong thăm dò mới đây thực hiện ngày 25/1/2023, gần ¼ người được hỏi (22%) trả lời rằng họ không còn tiền và không có khả năng duy trì các nhu cầu thiết yếu của gia đình, cao hơn 3% so với thời điểm thăm dò vào tháng 10 năm ngoái. Đáng lo ngại là con số này cao hơn rát nhiều ở các tỉnh bang đầu tầu kinh tế như Ontario và Quebec. 54% số người dân Canada trả lời gặp khó khăn để đối phó với tình trạng tăng giá và lạm phát (cao hơn 5% so với tháng 10). 52% trả lời lo lắng không có đủ tiền để nuôi sống gia đình; 56% trả lời không có đủ tiền để chi trả hoá đơn xăng dầu và số này đặc biệt cao hơn ở nhóm các gia đình có trẻ nhỏ và nhóm gia đình trẻ hoặc gia đình nữ đơn thân. Tỷ lệ người được hỏi lo lắng về việc Canada tăng lãi suất liên tục vẫn đứng ở mức cao (68%). 81% số người được hỏi trả lời quan ngại về tác động tiêu cực của lạm phát.

Ngày 29/11/2022, Canada đã công bố báo cáo tình hình kinh tế Quý 3/2022 của Canada (báo cáo kinh tế Quý 4 và cả năm 2022 dự kiến chỉ được công bố vào giữa tháng 2/2023). Theo báo cáo, trong Quý 3/2022, nền kinh tế Canada đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng 2.9%. Động lực tăng trưởng của Canada chủ yếu là do xuất khẩu, chi tiêu công, xây dựng nhà xưởng và tăng đầu tư vào hàng trữ kho. Trong khi đó, đầu tư vào bất động sản (-4.1%) và chi tiêu hộ gia đình (-0.3%) lại sụt giảm. Đây là các yếu tố khiến các nhà kinh tế nhận định Canada thực sự không lạc quan như các con số phản ánh. Vì vậy, sau khi điều chỉnh lãi suất, Thống đốc Ngân hàng Canada cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng, theo đó trong năm 2022 sẽ là 3.5% và sẽ sụt giảm xuống 1% trong năm 2023 (và sẽ tăng lên 2% vào năm 2024).

Các yếu tố lạm phát và triển vọng suy thoái kinh tế nói trên cũng như các quan ngại của người dân về tình hình kinh tế chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến quyết định chi tiêu cuả người Canada cho các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như nội thất, điện máy, dệt may, da giày, đồ chơi, dụng cụ thể thao… Mặc dù vậy, tính đến hết tháng 11/2022, Việt Nam đã xuất khẩu 9.24 tỷ USD hàng hoá vào Canada, tăng 29.8% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi đó, Canada đã xuất khẩu được 661 triệu USD vào Việt Nam. Với mức tăng trưởng xuất khẩu cao, hiện nay Việt Nam đã vượt Italia vươn lên trở thành đối tác nhập khẩu lớn thứ 7 của Canada. Đây là minh chứng cho thấy tác động tích cực của CPTPP đến xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2018, Việt Nam còn chưa lọt vào top 10 nhà nhập khẩu lớn nhất của Canada; đến năm 2019, lần đầu tiên lọt vào top 10 và dần dần qua 3 năm đã vươn lên vị trí hiện nay. Theo số liệu sở tại, Việt Nam ghi nhận mức thặng dư thương mại trên 8.5 tỷ USD với Canada; còn theo số liệu của Việt Nam (không ghi nhận giá trị hàng hoá của Việt Nam trung chuyển qua Hoa Kỳ vào Canada), Canada hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 10 của Việt Nam và là nước chúng ta có thặng dư lớn thứ 3 sau Hoa Kỳ và Hà Lan. Mười mặt hàng Việt Nam xuất khẩu lớn nhất vào Canada lần lượt là: dệt may, điện thoại, da giày, máy vi tính, máy thiết bị cơ khí, thuỷ sản, phương tiện vận tải, nội thất, túi xách-đồ du lịch và sắt thép. Trừ phương tiện vận tải ghi nhận mức giảm nhẹ (-5.4%), kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này đều tăng từ 20% trở lên trong 11 tháng đầu năm.

TS. Quỳnh Trần, Tham tán Thương mại 
Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn