Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Canada và vị trí của Việt Nam

7796

Ngày 27/11/2022, Canada vừa chính thức công bố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPS) của mình. Canada đã trì hoãn bản Chiến lược này trong hai năm, sau khi Hoa Kỳ, EU và lần lượt nhiều nước đã công bố. Trước đó, vào cuối tháng 10, Chính phủ tỉnh bang Quebec cũng đã đưa ra Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của mình, với tên gọi “Con đường đến tăng trưởng – những tham vọng mới cho Quebec” (là tỉnh bang duy nhất đến nay có Chiến lược riêng).

Nguyên lý trung tâm của Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Canada là hành động vì lợi ích quốc gia của Canada, để bảo vệ các giá trị của Canada nhằm định vị Canada là một đối tác đáng tin cậy của khu vực, hiện tại và trong tương lai. Để thực thi IPS, Canada đã công bố khoản ngân sách gần 2 tỷ USD trong 5 năm tới (2.3 tỷ CAD). IPS gồm 5 mục tiêu trụ cột: 1. Thúc đẩy hoà bình, nâng cao khả năng chống chịu và an ninh; 2. Mở rộng thương mại, đầu tư và phục hồi chuỗi cung ứng; 3. Đầu tư vào con người và kết nối con người; 4. Xây dựng tương lai xanh và bền vững; 5. Tham gia và là đối tác tích cực tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Như vậy, IPS là chiến lược toàn diện, bao hàm toàn bộ các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, an ninh quốc phòng, phát triển bền vững, kết nối con người, biến đổi khí hậu…, tuy nhiên, có thể nói, động cơ chính của Canada trong việc công bố Chiến lược IPS là để tìm kiếm các cơ hội kinh tế mới tại khu vực quan trọng này –được coi là nơi giúp xác lập tương lai phồn vinh và là động lực tăng trưởng của Canada.

Chiến lược IPS được công bố trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp Canada ngày càng gây áp lực lên chính quyền vì sợ chậm chân và mất vai trò ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các doanh nghiệp của Canada hiện quá tập trung ở Hoa Kỳ và kém hiện diện ở các thị trường châu Á-Thái Bình Dương. Trong bối cảnh Hoa Kỳ tăng sản xuất đá phiến giảm nhu cầu nhập khẩu năng lượng từ Canada, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng (Buy American), các doanh nghiệp Hoa Kỳ có xu hướng chuyển sản xuất về gần (reshoring), cả Chính phủ và doanh nghiệp Canada đều nhận thức được tính cấp bách của việc giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ. Bản thân Canada có nhiều vấn đề kinh tế nội tại (dân số già hoá, năng suất thấp, tỷ lệ tăng trưởng thấp, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu thô và xuất khẩu năng lượng), gần đây lại chịu tác động tiêu cực thêm của lạm phát, Canada cần tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới. Căng thẳng ngoại giao Canada-Trung Quốc, dịch Covid và các biến động địa chính trị khác càng thúc giục Canada phải sớm “minh bạch hoá” lập trường để các doanh nghiệp Canada yên tâm chuyển hướng chiến lược đầu tư kinh doanh, đa dạng hoá đối tác để giảm rủi ro.

Mặc dù, ngân sách công bố cho trụ cột Thương mại, đầu tư và phục hồi chuỗi cung ứng không cao, chỉ chưa đến 200 triệu USD (244.6 triệu CAD), nhưng với Canada, thương mại đầu tư không đơn thuần là vấn đề kinh tế mà là ưu tiên địa chính trị. Cũng như vậy, sự hiện diện của Canada ở khu vực trong các lĩnh vực an ninh, hàng hải, biến đổi khí hậu… chính là để phục vụ lợi ích và nhu cầu phát triển của Canada. IPS đã phản ánh các mối quan tâm của doanh nghiệp và ngược lại, chính các doanh nghiệp cũng có vai trò và trách nhiệm thực thi thành công IPS thông qua mạng lưới hoạt động của mình.

Trong IPS, Canada muốn khai thác lợi ích kinh tế nhiều nhất ở các lĩnh vực: Nông nghiệp, thực phẩm và nghề cá; Tài nguyên và khoáng sản thiết yếu, năng lượng; Dịch vụ tài chính, công nghiệp công nghệ cao; Hạ tầng xanh (năng lượng và giao thông). Về thứ tự quan tâm, Canada ưu tiên củng cố và hợp tác chiến lược toàn diện với các đồng minh cũ: Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc. Canada coi Ấn Độ là đối tác chiến lược và sẽ tiến đến ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện với nước này. ASEAN được Canada coi là trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, là trung tâm năng động nhất về phát triển kinh tế và mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN. Trung Quốc vẫn được thừa nhận là một nền kinh tế mang lại nhiều cơ hội cho các nhà xuất khẩu Canada nhưng Canada đã nêu rõ cần tiếp cận tỉnh táo và thực tế với Trung Quốc, vì vậy, Canada sẽ sửa luật đầu tư nhằm ngăn chặn các rủi ro an ninh đồng thời nỗ lực bảo vệ cơ hội tiếp cận thị trường Trung Quốc song song với thúc đẩy đa dạng hoá ra ngoài thị trường này.

 

Để triển khai trụ cột Thương mại, đầu tư và phục hồi chuỗi cung ứng, Canada đã cụ thể hoá bằng một số dự án với ngân sách chi tiết như sau:

  • Dành khoảng 20 triệu USD (24.1 triệu CAD) trong 5 năm để triển khai Cổng Thương mại Canada ở Đông Nam Á để mở rộng hoạt động kinh doanh và đầu tư của Canada cũng như các mạng lưới trong khu vực; Cổng sẽ tập trung vào các lĩnh vực và giải pháp mà sự đổi mới của Canada đáp ứng nhu cầu của khu vực và sẽ nâng cao vị thế của Canada với tư cách là đối tác thương mại và đầu tư, tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu Canada và thu hút đầu tư nước ngoài vào Canada;
  • Dành khoảng 36 triệu USD (45 triệu CAD) trong 5 năm để tổ chức các Đoàn doanh nghiệp đi khu vực để giới thiệu năng lực, tính cạnh tranh của các nhà xuất khẩu và sản xuất đổi mới nhằm mở ra các cơ hội thương mại và đầy tư cho các doanh nghiệp ở khu vực. Canada cũng hỗ trợ các phòng Thương mại Canada ở khu vực để nâng cao hiệu quả hoạt động và tổ chức thành công các Đoàn xúc tiến doanh nghiệp.
  • Dành khoảng 30 triệu USD (37.7 triệu CAD) trong 5 năm để tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư và xuất khẩu của Canada, thông qua chương trình CanExport nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hiệp hội và nhà sáng chế tìm kiếm các cơ hội đầu tư kih doanh ở khu vực. Canada sẽ điều chỉnh các tiêu chí và đa dạng hình thức hỗ trợ (dưới dạng tài trợ, dưới dạng huấn luyện chăm sóc…)
  • Dành khoảng 15 triệu USD (31.8 triệu CAD) trong 5 năm để vận hành Văn phòng khu vực về Nông nghiệp và Nông nghiệp thực phẩm nhằm giúp các nhà sản xuất nông nghiệp Canada mở rộng thị trường, xác lập vị trí là nhà xuất khẩu ưa thích tại thị trường Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây là văn phòng khu vực đầu tiên về nông nghiệp, sẽ giúp Canada tiếp cận, hợp tác trao đổi kinh nghiệm và làm sâu sắc thêm quan hệ với các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan điều tiết và các bên liên quan của các nước trong khu vực.
  • Dành khoảng 20 triệu USD (25 triệu CAD) trong 5 năm cho Chương trình hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến Thương mại và Lao động, theo đó, Canada sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho các nước trong khu vực để nâng cao năng lực thực thi các điều khoản lao động, điều kiện làm việc nhằm bảo vệ quyền của người lao động và sân chơi cạnh tranh công bằng hướng đến thương mại phát triển bao trùm.
  • Dành khoảng 10 triệu USD (13.5 triệu CAD) trong 5 năm để thiết lập các mối quan hệ về tài nguyên trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, khoa học kỹ thuật và đầu tư thương mại với các đối tác ưu tiên như Nhật Bản, Hàn Qốc, Ấn Độ, Indonesia, Singapore và Đài Loan. Khoản ngân sách này nhằm mở rộng năng lực tác động chính sách của Canada trong lĩnh vực thương mại các tài nguyên chiến lược và công nghệ sạch.
  • Dành khoảng 52 triệu USD (65.1 triệu CAD) trong 5 năm để mở rộng năng lực tham gia và thụ hưởng của Canada trong các dự án hợp tác quốc tế về Khoa học công nghệ và đổi mới. Canada sẽ tiếp tục tài trợ quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Canada với các nước trong khu vực trong các dự án R&D, đặc biệt các dự án nghiên cứu hướng đến thương mại và các sản phẩm/dịch vụ công nghệ cao mới. Canada hiện đã có quan hệ đối tác cùng sáng tạo với Hàn Quốc và Ấn Độ và sẽ tiếp tục với Nhật Bản, Singapore và Đài Loan.
  • Dành khoảng 1.7 triệu USD (2.2 triệu CAD) trong 5 năm cho Khung khổ tiêu chuẩn hoá Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây là khung khổ nhằm thúc đẩy quan hệ với các cơ quan Tiêu chuẩn và chứng nhận trong khu vực và nâng cao vai trò của Canada trong Tiểu ban tiêu chuẩn và tuân thủ APEC. Đây là nỗ lực nhằm giảm các rào cản thương mại và mở rộng thị trường thông qua việc đồng bộ hoá và công nhận chứng chỉ trong các lĩnh vực quan trọng.

Ngoài các dự án nêu trên, Canada còn đề ra những giải pháp cụ thể nhằm xây dựng nền tảng thương mại có luật lệ và có khả năng dự đoán, trong đó có kế hoạch sửa đổi luật đầu tư Canada và giám sát thực thi sở hữu trí tuệ để bảo vệ kết quả nghiên cứu của Canada và có kế hoạch làm việc với các đối tác để phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, thúc đẩy khả năng tương tác và thúc đẩy các quy định nhất quán ảnh hưởng đến Internet, nền kinh tế kỹ thuật số cũng như niềm tin và an ninh trong việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Trong chiến lược, Canada cũng nêu những cam kết nhằm đảm bảo khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, trong đó có việc tham gia tích cực vào Sáng kiến Phục hồi chuỗi cung ứng khu vực cùng với Úc-Ấn Độ-Nhật Bản và định vị Canada là đối tác cung ứng năng lượng tin cậy trong khu vực, bao gồm cả khoáng sản hiếm và hydrogen. Canada cũng nêu kế hoạch đầu tư vào hệ thống giao thông nội địa, nhất là vào cảng Vancouver và Prince Rupert (BC) thông qua Quỹ hành lang thương mại quốc gia để cải thiện sự kết nối chuỗi cung ứng giữa hai bờ Thái Bình Dương.

Trong các trụ cột khác về tương lai xanh và bền vững và trụ cột về mở rộng sự hiện diện (đối tác tích cực ở khu vực) cũng có những lợi ích kinh tế đáng lưu ý, chẳng hạn khoản ngân sách 600 triệu USD (750 triệu CAD) dành cho Cơ quan tín dụng phát triển Canada (FinDev) để mở rộng hoạt động ở khu vực trong lĩnh vực hạ tầng xanh. Đây là khoản tài chính bổ sung bên cạnh khoản cam kết 1 tỷ USD trước đây (1.26 tỷ CAD) trong chương trình biến đổi khí hậu nhằm hỗ trợ các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chuyển đổi năng lượng, phát triển hạ tầng bền vững. Canada cũng tuyên bố nhất trí củng cố và mở rộng CPTPP, cam kết tham gia và đóng góp vào Khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thể hiện sự quan tâm ký kết thêm hoặc nâng cấp các hiệp định thương mại tự do (ASEAN, Ấn Độ, Indonessia) và các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư thế hệ mới; tham gia Hiệp định đối tác số (Chile, Singapore, NZ).

Nhìn chung, việc công bố chiến lược IPS của Canada sẽ giúp các doanh nghiệp Canada yên tâm hơn nhờ cam kết chính trị-quân sự-ngoại giao rõ ràng của Canada với khu vực. Nhấn mạnh các cơ hội thương mại phải phù hợp với lợi ích quốc gia, Chính phủ đã gửi thông điệp đến các doanh nghiệp Canada về tính cấp thiết phải đa dạng hoá để đảm bảo an ninh nguồn cung. Các cơ chế khuyến khích của Nhà nước cũng những khoản ngân sách có lộ trình rõ ràng chắc chắn sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Canada mở rộng hoạt động, đi ra ngoài Bắc Mỹ.

Trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Canada, Việt Nam có một số lợi thế rõ ràng: Việt Nam đã là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Canada trong nhóm 40 quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Cả Việt Nam và Canada đều là thành viên của CPTPP. Trong ASEAN, Việt Nam và Philippines là hai nước duy nhất đã thiết lập cơ chế Uỷ ban hỗn hợp kinh tế để trao đổi định kỳ các vấn đề và triển vọng hợp tác kinh tế-thương mại. Cả Canada và Việt Nam đều xác định mình là quốc gia thương mại và đều coi trọng tự do hoá thương mại và mở cửa thị trường. Hai bên có sự thân tình và hiểu biết lẫn nhau qua quá trình hợp tác thúc đẩy CPTPP và Việt Nam có vai trò quan trọng trong tiến trình thúc đẩy ASEAN-Canada FTA và ASEAN-Canada Strategic Partnership. Việt Nam là thành viên của RCEP và Canada cũng đang quan tâm tham gia RCEP khi khối này mở lại cho các các thành viên mới gia nhập.

Việt Nam và Canada đều là những nước nông nghiệp lớn, đều là những quốc gia có trách nhiệm trong vai trò đảm bảo an ninh lương thực cho khu vực (lúa mì vs. gạo). Canada và Việt Nam đều “thực sự” là quốc gia Thái Bình Dương, đều quan tâm về biến đổi khí hậu (quản lý đại dương, chuyển đổi năng lượng, tài chính xanh, công nghệ sạch…). Với thị trường 100 triệu dân, với tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhóm và tỷ lệ lạm phát thấp, tỷ lệ giai cấp trung lưu tăng nhanh, Việt Nam có sự hấp dẫn không nhỏ với các doanh nghiệp Canada. Bên cạnh đó, gần 300 ngàn kiều bào và sinh viên Việt Nam đang sinh sống, học tập tại Canada cũng là những thế mạnh riêng có của Việt Nam so với các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khác.

Tuy nhiên, sự hiểu biết của các doanh nghiệp Canada về tập quán kinh doanh, về hệ thống pháp luật của Việt Nam còn thấp. Sự khác biệt về ngôn ngữ và việc Việt Nam chưa thu hút được các ngân hàng và quỹ đầu tư của Canada cũng là những bất lợi của Việt Nam so với một số đối tác khác. Mặc dù đã có những “công cụ sẵn có” nhờ CPTPP để thúc đẩy thương mại và đầu tư nhưng các doanh nghiệp hai bên vẫn chưa nắm bắt hết để sử dụng. Ở góc độ chính phủ liên bang, mối quan tâm đang nghiêng nhiều về Indonesia và Singapore, là những quốc gia có sự tương thích chiến lược với Canada trên nhiều bình diện. Việc đặt Văn phòng nông nghiệp, Văn phòng Cổng thương mại và Văn phòng Quỹ châu Á-Thái Bình Dương ở quốc gia ASEAN nào cũng sẽ mang lại hiệu ứng thương mại và đầu tư tích cực cho quốc gia đó. Ở cấp độ tỉnh bang, hiện nay British Colombia và Sakaschewan đã có văn phòng xúc tiến tại Việt Nam, dự kiến sắp tới Quebec cũng sẽ sớm mở văn phòng. Trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của mình, Quebec đã dành vị trí quan trọng cho Việt Nam, khẳng định Việt Nam là điểm giao cắt mới trong chuỗi giá trị toàn cầu và có tiềm năng dẫn đầu trong một số lĩnh vực mũi nhọn, bao gồm cả năng lượng tái tạo. Trong chiến lược này, vị trí và cơ hội của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào khả năng dẫn dắt ASEAN, khả năng vận dụng CPTPP và chứng tỏ được tính trách nhiệm và những tiềm năng riêng bổ trợ của mình trong quan hệ với Canada.

TS. Quỳnh Trần, Tham tán Thương mại 

 

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn