Kinh nghiệm thu hút FDI và đầu tư ra nước ngoài của Canada

5636

Nghiên cứu cho thấy, các nước nhận nhiều FDI của Canada nhất cũng là các nước đầu tư nhiều nhất vào Canada, trừ trường hợp của Ấn Độ . Trong những năm gần đây, FDI vào Canada từ châu Á-Thái Bình Dương đã tăng từ khoảng 5% lên đến trên 11% trong tổng cơ cấu luồng FDI quốc tế. Tổng giá trị FDI vào Canada giai đoạn 2003-2022 lên đến 225 tỷ CAD, với 1742 dự án. Các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu vào Canada là: Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hongkong và Hàn Quốc, tập trung vào 4 tỉnh bang: BC, Ontario, Quebec và Alberta. Năm 2020, châu Á-Thái Bình Dương đã đầu tư vào Canada 6.4 tỷ CAD và tăng lên 14.4 tỷ CAD trong năm 2021. Đầu tư của các nước từ châu Á-Thái Bình Dương chủ yếu vào các lĩnh vực khoáng sản, lâm nghiệp, công nghiệp giấy. Trong năm 2021, Úc vượt Nhật Bản, trở thành nhà đầu tư nước ngoài có vốn đăng ký mới lớn nhất vào Canada; tiếp sau là Indonesia và Trung Quốc.

Với việc mua lại dự án mỏ Brucejack ở tỉnh bang BC, Úc đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Canada trong năm 2021. Các nhà đầu tư Úc chủ yếu vào thị trường qua kênh mua lại (acquisition). Ngược lại, Úc cũng trở thành địa điểm đầu tư ưa thích nhất của các doanh nghiệp Canada trong năm 2021, cả về lượng vốn và số dự án, tăng 532% so với năm 2020 (2.4 tỷ). Úc giữ vững vị thế là điểm đến đầu tư ưa thích nhất của các doanh nghiệp Canada trong 20 năm qua với 91 tỷ CAD, chiếm hơn 34% tổng đầu tư của Canada vào khu vực. Canada cũng tiếp nhận 23 tỷ CAD vốn đầu tư từ Úc trong 20 năm qua. Bất chấp khoảng cách địa lý và độ chênh múi giờ, hợp tác đầu tư song phương Canada-Úc ngày càng sâu sắc và có xu hướng ngày càng tăng. Sự song hành giữa luồng đầu tư vào và ra giữa hai nước Canada và Úc là kết quả của mối liên hệ mật thiết giữa hai thành viên Khối thịnh vượng chung, cùng chia sẻ ngôn ngữ, văn hoá và các mối liên hệ dòng tộc. Sự tượng đồng về trình độ phát triển và cơ cấu kinh tế (nông nghiệp, năng lượng, khoáng sản, lâm thuỷ sản…) cũng có sự bổ trợ rõ rệt giữa hai nền kinh tế Canada-Úc. Nhờ sự song hành này mà tính kết nối của chuỗi cung ứng hai chiều Canada-Úc càng trở nên mật thiết, tạo nền tảng cho các dự án của các nhà đầu tư khác dễ dàng tham gia sau.

Nhật Bản-Canada cũng là một ví dụ về sự song hành giữa hai luồng đầu tư. Sau Covid, các nhà đầu tư Canada đã có làn sóng đầu tư tăng mạnh vào Nhật Bản. Chỉ trong hai năm 2020-2022, Nhật Bản đã thu hút hơn 3 tỷ CAD, tương đương 30% tổng giá trị đầu tư của Canada vào Nhật Bản trong 20 năm qua. Ngược lại, về tổng giá trị FDI vào Canada, Nhật Bản là nước đứng thứ hai trong số các nước châu Á-Thái Bình Dương, chỉ sau Trung Quốc. Cộng đồng người Nhật Bản ở Canada khá lớn và có tính kết nối chặt chẽ với quê hương. Nhật Bản rất quan tâm giới thiệu quảng bá văn hoá, ẩm thực và tham gia sâu vào các hoạt động nghiên cứu học thuật, R&D tại Canada. Số lượng các nghiên cứu về Nhật Bản ở Canada khá lớn và là lựa chọn đứng thứ hai ở Canada khi nghĩ về “châu Á” .

Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia là trường hợp các nước láng giềng của Việt Nam có sự hiện diện đầu tư khá quan trọng ở Canada trong những năm gần đây. Trong số các nước ASEAN, Indonesia là nước đầu tư nhiều nhất vào Canada (3.81 tỷ CAD) và tiếp nhận khoảng 4.4 tỷ CAD FDI từ Canada, tiếp theo sau là Malaysia, với giá trị đầu tư vào Canada lên đến 3.3 tỷ (và tiếp nhận 3.27 tỷ FDI từ Canada); cả Thái Lan và Singapore đều đầu tư trên 3 tỷ CAD vào Canada. Cùng với làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Indonesia vào Canada những năm gần đây, Indonessia đang ráo riết thúc đẩy ký kết Hiệp định hợp tác toàn diện Canada-Indonesia. Indonesia cũng rất tích cực hỗ trợ Canada trong quá trình đàm phán Canada-ASEAN FTAs. Tận dụng tốt năm Chủ tịch G20, Indonesia đã tổ chức được nhiều hoạt động quảng bá tại Canada thu hút các doanh nghiệp lớn của Canada tham gia và tài trợ nhiều đoàn doanh nghiệp của Canada vào Indonesia. Sự hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp Canada đối với Indonesia vì vậy khá cao và Indonesia đang được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất tại ASEAN trong mắt các doanh nghiệp lớn nhất của Canada . Đáng lưu ý là trong năm 2021, Indonesia đã vượt Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc và Hongkong, trở thành điểm đến đầu tư yêu thích thứ 5 của các nhà đầu tư lớn của Canada . Việc Indonesia trở thành top 5 điểm đến đầu tư trong năm 2021 đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ thu hút thêm sự quan tâm của các doanh nghiệp SMEs Canada.

Ở chiều ngược lại, trường hợp thoái lui vốn đầu tư hai chiều đang ghi nhận với cả Trung Quốc và Hongkong. Trong 20 năm qua, riêng Trung Quốc đã thu hút hơn 17% tổng FDI của Canada vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Kể từ sau chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, căng thẳng ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc (vụ việc bắt giữ liên quan đến công dân hai nước) và đặc biệt sau vụ việc cảng Thượng Hải phong toả càng thúc đẩy tiến trình rời Trung Quốc của các doanh nghiệp Canada. Mặc dù vẫn đứng thứ 8 trong danh sách, Trung Quốc thu hút chưa đến 220 triệu CAD trong năm 2021 (Hongkong 206 triệu CAD). Trong 6 tháng đầu năm 2022, luồng vốn vào Trung Quốc và Hongkong từ Canada còn ghi tăng âm; tương tự với luồng vốn từ Canada vào Trung Quốc. Quá trình thoái lui vốn hai chiều này được dự báo sẽ tiếp diễn và các nhà đầu tư Canada đang đẩy nhanh lộ trình “thoát Trung” và chuyển dịch đầu tư sang các nước khác. Trong xu hướng thoái lui này, Ấn Độ đang hưởng lợi nhiều nhất, nhờ năng lực ngôn ngữ và nhân lực. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2022, Ấn Độ đã thu hút được 1.54 tỷ CAD từ Canada.

TS. Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại
Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn