Thông tin về thuế quan và quy định liên quan đến ngành hàng dệt may

12504

Dệt may sản xuất tại Việt Nam sẽ được hưởng miễn thuế khi vào Canada nếu thoả mãn các điều kiện quy định trong hiệp định CPTPP. Nếu không thoả mãn quy định của CPTPP, các sản phẩm sẽ chịu mức thuế MFN. Để được hưởng ưu đãi thuế quan CPTPP, doanh nghiệp xuất khẩu cần chuẩn bị giấy chứng nhận xuất xứ và các hoá đơn, chứng từ khác để chứng minh nguồn gốc, cấu phần sản phẩm. Cơ quan dịch vụ biên giới Canada là đơn vị chịu trách nhiệm giám sát quy trình nhập khẩu và các biện pháp thuế quan.

Về quy định,  sản phẩm dệt may chịu sự điều chỉnh của Luật an toàn sản phẩm tiêu dùng Canada (CCPSA), Luật về các sản phẩm nguy hiểm (HPA) và các quy định liên quan đến khả năng cháy của sản phẩm dệt may (Hướng dẫn về tính dễ cháy của sản phẩm dệt may). Các quy định này chủ yếu liên quan đến tiêu chuẩn liên quan đến các mặt hàng ga gối, thảm, đệm… Ngoài ra, vấn đề tính dễ cháy của sản phẩm dệt may cũng có những quy định cụ thể và chặt liên quan đến thiết kế các sản phẩm đồ ngủ trẻ em (Hướng dẫn tính dễ cháy của sản phẩm đồ ngủ). Ngoài ra, liên quan đến đồ dệt may trẻ em (dưới 14 tuổi), Canada cũng buộc sản phẩm nhập khẩu phải tuân thủ các quy định liên quan đến sản phẩm tiêu dùng có chứa chì, chất phthalates và có hướng dẫn cụ thể về các sản phẩm chứa sợi/dây trang trí và các vật trang trí nhỏ khác trong quần áo trẻ em (độ dài sợi dây, vị trí sợi dây…). Đối với các sản phẩm nhồi/trần bông như gối, túi ngủ, quần áo trần bông, Canada cũng có Luật điều chỉnh các sản phẩm nhồi/trần bông, theo đó, cấm nhập các vật liệu nhồi cũ và không sạch. Thành phần nhồi phải được ghi rõ theo Luật ghi nhãn của liên bang đối với các sản phẩm dệt may.

Ở Canada, các cơ quan có trách nhiệm giám sát thực thi các văn bản liên quan này là Bộ Y tế Canada và Văn phòng an toàn sản phẩm tiêu dùng.  Cơ quan tiêu chuẩn Canada (SCC và CGSB) chịu trách nhiệm các chứng nhận và thẩm định chất lượng, tiêu chuẩn của các sản phẩm nhập khẩu. Ngoài ra, chịu trách nhiệm thực thi và giám sát việc ghi nhãn dệt may là Cơ quan cạnh tranh Canada. Sản phẩm dệt may phải ghi rõ tên doanh nghiệp nhập khẩu, địa chỉ nhà phân phối tại Canada (thường dưới dạng số CA gồm 5 chữ số). Ngoài ra, còn bắt buộc phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ (nơi sản xuất nếu ngoài Canada) và thành phần vải bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Tất cả các thành phần sợi có lượng chiếm 5% trong sản phẩm phải được nêu rõ tên và thành phần, theo thứ tự loại sợi chiếm nhiều nhất từ cao xuống thấp. Hướng dẫn sử dụng, kích cỡ không phải là những thông tin bắt buộc theo quy chuẩn ghi nhãn của Canada. Tuy nhiên, Canada có những quy định riêng liên quan đến ghi nhãn sản phẩm lông vũ. Bao bì của sản phẩm dệt may cũng phải tuân thủ hướng dẫn về bao bì tiêu dùng. Ngoài ra, các sản phẩm dệt may dán nhãn “Thân thiện môi trường” (Ecolabels) phải đảm bảo tính chính xác theo quy định ghi nhãn môi trường do Văn phòng bảo vệ người tiêu dùng và cơ quan cạnh tranh Canada giám sát.

TS. Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại
Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn