Thông tin về dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu

21067

UBND tỉnh Bạc Liêu đã trao Quyết định chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu cho Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE Singapore). Đây là dự án trọng điểm của tỉnh Bạc Liêu, có vai trò tạo động lực để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm, đóng góp tiền thuế trong quá trình xây dựng và đi vào vận hành.

Theo kế hoạch, nhà đầu tư sẽ thành lập Công ty TNHH Năng lượng sạch Bạc Liêu theo quy định pháp luật để thực hiện dự án theo tiến độ cam kết, với mục tiêu là sản xuất điện từ khí LNG, bao gồm nhập khẩu, lưu trữ LNG và để cung cấp nhiên liệu cho Nhà máy điện LNG tại tỉnh Bạc Liêu.

Đây là dự án tích hợp tổng thể gồm nhà máy điện có tổng công suất thiết kế 3.200 MW, trên diện tích đất 40 ha tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình. Trạm tiếp nhận và lưu trữ nhiên liệu có diện tích nổi FSU, hoặc trạm lưu trữ và tái hóa khí nổi FSRU (khoảng 100 ha mặt biển) có công suất lưu trữ từ 150.000 đến 174.000 mét khối khí tự nhiên hóa lỏng LNG; Trạm tái hóa khí và 35 km đường ống dẫn khí áp suất cao.

Với tổng mức đầu tư (dự kiến) là 93.600 (chín mươi ba ngàn sáu trăm) tỷ đồng, tương đương khoảng 4 (bốn) tỷ USD. Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 15% và vốn vay chiếm tối đa 85%, dự án trở thành dự án đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài (FDI) lớn nhất vùng ĐBSCL từ trước tới nay.

Nhà đầu tư cùng các đối tác chiến lược cam kết và quyết tâm thực hiện dự án đúng theo Quy hoạch điện lực Quốc gia VII (điều chỉnh) mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung (ngày 19/12/2019), góp phần vào việc kịp thời bổ sung nguồn điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng đủ điện phục vụ cho tăng trưởng kinh tế – xã hội trong giai đoạn tới.

Theo đó, nhà đầu tư có 12 tháng kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đến cuối tháng 12/2020) để hoàn thành chuẩn bị đầu tư (giai đoạn phát triển dự án) và 36 tháng để triển khai xây lắp khu tiếp nhận, lưu trữ LNG; Trạm tái hóa khí, đường đưa khí vào bờ và vận hành tổ máy tua bin khí giai đoạn 1 (công suất 750 MW) vào cuối năm 2023; tiếp lục xây lắp và đưa vào vận hành các tổ máy còn lại của dự án để đạt đủ công suất 3.200 MW (trước tháng 12 năm 2027) theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) nói trên.

Nếu đạt được tiến độ này, “đây sẽ là dự án nhiệt điện đầu tiên tại Việt Nam rút ngắn hơn nửa thời gian thực hiện so với các dự án nhiệt điện trước đây, để trở thành hình mẫu đầu tư phát triển điện lực tại Việt Nam”.

Vì vậy, UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu nhà đầu tư cùng các đối tác phải nỗ lực hết mình để thực hiện tiến độ cam kết nêu trên. Mặt khác, tỉnh Bạc Liêu mong các bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ và các sở, ngành tỉnh Bạc Liêu sát cánh đồng hành cùng nhà đầu tư để không xảy ra chậm trễ trong các thủ tục hành chính liên quan đến thẩm quyền của phía Việt Nam, nhằm sớm phát huy hiệu quả của dự án mà chính quyền và nhân dân tỉnh Bạc Liêu đặt nhiều kỳ vọng, với sứ mệnh là dự án “trọng điểm, tạo bước đột phá để thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh trong giai đoạn tới”.

Nhằm khuyến khích nhà đầu tư thực hiện đầy đủ các cam kết, Quyết định chủ trương đầu tư của tỉnh cũng cho phép nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi đầu tư và hỗ trợ cao nhất áp dụng cho khu vực kinh tế khó khăn theo các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

Giá bán điện của dự án sẽ được xác định theo quy định pháp luật qua thương thảo Hợp đồng mua bán điện PPA với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tính toán sơ bộ trong nghiên cứu tiền khả thi khoảng 07 UScents/kWh (bảy cents đô la Mỹ/kWh) như cam kết ban đầu của nhà đầu tư, đòi hỏi cần có nỗ lực chung của cả nhà đầu tư cũng như của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (cơ quan thay mặt nhà nước mua điện của nhà máy) và Bộ Công Thương./.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn