Khai thác CPTPP và thị trường Canada

9582

Kể từ khi Hiệp định CPTTP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đã tăng gần 60%, từ mức 3.8 tỷ USD năm 2018 lên trên 6 tỷ USD năm 2021. Theo số liệu sở tại, nếu tính cả lượng hàng Việt Nam vào Canada qua Hoa Kỳ, con số này còn lên đến hơn 7.8 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu lên đến 32% trong 6 tháng đầu năm 2022, dự kiến xuất khẩu của Việt Nam năm nay sang địa bàn sẽ vượt mốc 8 tỷ đô la Mỹ. Trong số các nước thành viên của CPTPP, Việt Nam là nước đã khai thác tốt nhất Hiệp định để vào thị trường Canada. Với lợi thế cạnh tranh do được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi (cắt giảm thuế quan đến 94%), các doanh nghiệp Canada ngày càng quan tâm và có sự nhận biết tốt hơn về sản phẩm và năng lực sản xuất của Việt Nam. Trong chiến lược mua hàng của các doanh nghiệp Canada, Việt Nam đang nổi lên mạnh mẽ nhờ yếu tố “ổn định, có thể dự báo và giá thành rẻ”. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng ngày càng biết tận dụng các FTAs để khai phá thị trường nước ngoài, thể hiện qua tỷ lệ doanh nghiệp hiểu về CPTPP và sử dụng form C/O mẫu CPTPP ngày càng tăng qua các năm.

Ngoài các mặt hàng chúng ta vốn có thế mạnh vào thị trường như dệt may, da giày, kể từ sau CPTPP, nhiều mặt hàng công nghiệp nội địa của Việt Nam như đồ gỗ nội thất, đèn chiếu sáng, đồ chơi, dụng cụ thể thao, sắt thép, các sản phẩm từ cao su, nhựa, nhôm, thuỷ tinh… đều có tốc độ tăng trưởng rất cao. Chúng tôi cũng nhận thấy, thị trường Canada còn có nhu cầu lớn với một số  lĩnh vực mặt hàng rất tiềm năng của Việt Nam như: dây cáp điện và các thiết bị điện nhỏ (đèn, ổ cắm, dây nối…); sản phẩm nhựa gia dụng, túi nhựa và đồ chơi; sản phẩm giấy và carton; trang sức; cửa nhôm nhựa và cửa sổ cuốn; dược mĩ phẩm hữu cơ và dầu thơm, thủ công mĩ nghệ, thuỷ tinh, gốm sứ gia dụng và vệ sinh…

Chịu tác động tiêu cực của dịch Covid 19, đứt gẫy nguồn cung và các vấn đề địa chính trị khác, dự báo kinh tế năm 2022 của Canada không được khả quan, tăng trưởng thấp, tỷ lệ lạm phát cao nhất trong gần 40 năm qua. Vì vậy, lòng tin kinh doanh, lòng tin tiêu dùng, lạc quan tài chính của cả người dân và doanh nghiệp đều thấp, đây là những yếu tố khiến cho tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của chúng ta sang địa bàn có thể chậm lại. Hơn nữa, cần lưu ý là tỷ lệ nhập khẩu của Canada vào Việt Nam không ngừng suy giảm trong 4 năm qua, khiến cho biên độ thặng dư thương mại của chúng ta với Canada ngày càng lớn. Đây là một yếu tố không hẳn thuận lợi cho triển vọng tăng cường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào Canada thời gian tới. Thị trường Canada là một thị trường tiêu chuẩn cao, có nhiều đối thủ cạnh tranh cùng quan tâm đến thị trường, không chỉ từ trong khối CPTPP mà phải kể đến các doanh nghiệp từ Nam Mỹ. Khoảng cách địa lý, tiêu chuẩn cao, chi phí quảng bá thâm nhập thị trường cao, giá vận chuyển cao… đều là những yếu tố khiến các doanh nghiệp của Việt Nam khó cạnh tranh thâm nhập thị trường. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ đặc biệt khó có khả năng tiếp cận vì không đủ năng lực đảm bảo cung hàng[1]. Thêm vào đó, mức độ nhận thức của người tiêu dùng Canada đối với chất lượng sản phẩm của Việt Nam vẫn còn thấp. Tính “ì” trong văn hoá kinh doanh của người Canada tương đối lớn đều là những rào cản ngăn hàng hoá Việt Nam thâm nhập thị trường.

Mặc dù vậy, có nhiều yếu tố khách quan có thể tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam. Thứ nhất, chính phủ và doanh nghiệp Canada nhận thức rõ yêu cầu đa dạng hoá nguồn cung trong bối cảnh chiến tranh Mỹ-Trung không hạ nhiệt và trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách zero Covid. Thứ hai, Canada định hình ngày càng rõ Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của mình, vì vậy càng ưu tiên phát triển quan hệ thương mại và đầu tư với châu Á, đặc biệt là Canada đang quan tâm thúc đẩy ký kết FTA Canada-ASEAN. Thứ ba, các hàng hoá mà chúng ta có thế mạnh đều là những hàng hoá mà thị trường Canada cần hoặc không có, nghĩa là 2 nền kinh tế chúng ta mang tính bổ sung, chứ không mang tính cạnh tranh. Để khai thác tốt hơn nữa CPTPP, cải thiện năng lực xuất khẩu vào thị trường Canada, các doanh nghiệp của chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến việc tìm hiểu thị trường, tìm hiểu thị hiếu và quy định của sở tại; chủ động nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn; sáng tạo mẫu mã và mở rộng quy mô sản xuất. Ngoài đảm bảo tính cạnh tranh về giá, chúng ta phải chú ý đến các quy tắc xuất xứ, các giá trị về môi trường và thương mại công bằng trong kinh doanh và đảm bảo nguồn cung ổn định.

Khai thác FTAs nói chung và CPTPP nói riêng không chỉ là khai thác các ưu đãi về thuế để nhằm thúc đẩy xuất khẩu ngắn hạn. Việt Nam và Canada có nhiều lợi thế bổ trợ để cùng khai thác. Các danh nghiệp cần nhằm vào những cơ hội lớn hơn như là sự kết nối sản xuất/đầu tư/công nghệ/thương hiệu giữa hai nước để tạo ra chuỗi giá trị cao hơn. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần quan tâm đến các cơ hội tham gia mua sắm chính phủ, đấu thầu chính phủ, hợp tác PPP ở nước ngoài mà CPTPP mang lại. Ngoài ra, cần tính đến việc tạo sự đồng vận giữa xuất khẩu hàng hoá và xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam (đây là mảng xuất khẩu chúng ta còn bỏ ngỏ chưa tận dụng được cơ hội: dịch vụ vận tải biển, dịch vụ vận tải hàng không, dịch vụ xây dựng, dịch vụ viễn thông và IT và dịch vụ nhượng quyền thương mại, dịch vụ lao động, dịch vụ du lịch…).

Là nước có mạng lưới các Hiệp định thương mại tự do rộng khắp, Canada quan tâm thúc đẩy các doanh nghiệp tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do(nguyên tắc Xuất xứ cộng gộp) để xuất khẩu và hợp tác sản xuất. Hai bên có nhiều tiềm năng để kết nối sản xuất, hợp tác gia công OEM cho các thương hiệu Canada, sử dụng nguyên liệu từ Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam cho Canada để xuất khẩu đi thị trường nước thứ ba (vào CPTPP và ASEAN (triển vọng Canada-ÁSEAN FTA).

Hợp tác trong lĩnh vực logistics, kho vận và điều hành container cũng là một lĩnh vực cần đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước. Hiện nay, tình trạng thiếu container đã đẩy mức giá vận chuyển lên cao ở cả Canada và Việt Nam, gây ảnh hưởng đến năng lực xuất khẩu của cả hai nước. Canada cũng quan tâm hợp tác với Việt Nam để nâng cao hiệu suất năng lực vận tải của hai nước, nhất là khả năng mở tuyến vận chuyển trực tiếp giữa hai bờ Thái Bình Dương. Nếu doanh nghiệp hai nước có thể tận dụng tốt quy tắc chuyển vận, hàng hoá của Canada vào ASEAN và ngược lại của Việt Nam vào Bắc Mỹ sẽ dễ cạnh tranh hơn nữa về giá.

Thị trường Bắc Mỹ có tính thông nhau; nếu vào được thị trường Canada, khả năng thâm nhập vào thị trường Mỹ  là rất dễ dàng. Canada có hệ thống đường sắt nội địa phát triển (CN) với lưu lượng trung chuyển lớn nhất châu Mỹ (250 tỷ CAD/năm), nối hai bờ Đông Tây cuả Canađa và giữa các cảng Vancouver, Prince Rupert ở bờ Tây với Halifax và Montreal ở bờ Đông. CN cũng có tuyến đường sắt kết nối vùng Ngũ Hồ với một số thành phố lớn của Hoa Kỳ như: Pitsburgh, Detroit, Chicago, Winconsin, Memphis… tới cảng New Orleans để kết nối với Nam Mỹ qua Vịnh Mexico. Tổng chiều dài tuyến đường sắt CN lên đến 20.000 dặm. CN có 31 khu kho phức hợp tại Canada và Hoa Kỳ với diện tích lên đến khoảng 1.2 triệu m2. Cùng với hệ thống hạ tầng này, giữa Canada-Mỹ-Mexico còn có hiệp định CUSMA với những mối liên kết bạn hàng mật thiết giữa các hệ thống siêu thị, nhà nhập khẩu, đại lý môi giới… tồn tại từ nhiều năm.

TS. Quỳnh Trần, Tham tán Thương mại

[1] Canada và Hoa Kỳ là hai thị trường có tính thông nhau với sự gắn kết liên quan đến 70% thương mại hàng hoá và dịch vụ.

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn