EVFTA: Định hướng sản xuất phù hợp với yêu cầu

15422
Không chỉ mở ra cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam tiến vào thị trường Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) còn được ví như “tem” kiểm định chất lượng để hàng Việt vươn ra toàn cầu. Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh – giảng viên cao cấp Học viện Tài chính – đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương – xung quanh vấn đề này.

Xin ông cho biết đánh giá về những thuận lợi và thách thức của Hiệp định EVFTA đối với DN, làng nghề Việt Nam?

EVFTA mang đến cơ hội rất lớn cho DN, làng nghề Việt Nam. Bởi thị trường EU nói riêng và các nước phát triển nói chung có thu nhập bình quân đầu người cao, hàng hóa tiêu dùng đa dạng. Đặc biệt, có trào lưu tiêu dùng sản xuất đơn chiếc, hàng hóa thủ công, “handmade”… Trong khi đó, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) và các sản phẩm làng nghề lại là thế mạnh của Việt Nam, Hơn nữa, khi hàng hóa đã được xuất khẩu (XK) vào EU sẽ mở ra cơ hội để tiếp cận thị trường các nước phát triển khác.

Tuy nhiên, khi EVFTA được thực thi, sẽ có những sản phẩm từ EU vào Việt Nam với một mức giá cả hợp lý, cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa Việt. Do đó, việc tiêu thụ hàng Việt ngay tại thị trường Việt cũng như XK sang phía đối tác sẽ đối diện với những khó khăn nhất định. Mặt khác, dù người tiêu dùng EU thích sản phẩm handmade, nhưng họ vẫn đòi hỏi phải có độ chính xác và đồng đều. Điều này, không dễ thực hiện, bởi quy mô sản xuất của làng nghề mang tính nhỏ lẻ, các sản phẩm làng nghề cũng không đồng loạt. Các DN làng nghề đôi khi không hợp tác mà tự cạnh tranh với nhau. Chưa kể, cách thức quản lý, công nghệ tại các DN làng nghề quá lạc hậu. Vì vậy, để cạnh tranh được không đơn giản. Thậm chí, nếu cứ giữ tình trạng như hiện nay, rất có thể các làng nghề sẽ bị phá sản hàng loạt.

dinh huong san xuat phu hop voi yeu cau
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh – giảng viên cao cấp Học viện Tài chính

Vậy làm thế nào để tận dụng cơ hội từ EVFTA, thưa ông?

Đầu tiên, cần nhấn mạnh vai trò của các tham tán thương mại, các đại sứ quán trong việc tìm hiểu thông tin thị trường EU, giúp DN, làng nghề có thể định hướng sản xuất phù hợp với yêu cầu.

Về phía cơ quan quản lý, cần có các quy hoạch làng nghề, và giải quyết tốt vấn đề về môi trường. Đây là công việc không dễ, nên rất cần bàn tay của nhà nước, nhằm tháo gỡ các nút thắt về vốn, đất đai, công nghệ giúp cho DN làng nghề phát triển.

Về phía DN, cần đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Trong đó, điều DN phải làm ngay đó là hình thành các liên kết ngang và dọc, liên kết các sản phẩm trong cùng một ngành nghề. Từ đó, cùng nhau chia sẻ thông tin, hợp tác kinh doanh, thực hiện các đơn hàng lớn một cách nhanh nhất, đồng thời đảm bảo độ đồng đều về chất lượng.

Nhiều ý kiến cho rằng, các làng nghề hiện nay vẫn thiếu sự chủ động. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Hiện tại, tính chủ động của các làng nghề rất thấp. Sản phẩm không có thương hiệu, không có thiết kế mẫu mã riêng. Hàng TCMN của Việt Nam mẫu mã chưa phong phú, chưa quan tâm đến nghiên cứu thị trường và sáng tạo mẫu mã phù hợp, mà chủ yếu dựa vào mẫu mã của người mua, hoặc mẫu mã truyền thống có sẵn.

Đã đến lúc DN phải vươn lên, trở thành những chủ thể đủ mạnh để tham gia vào thiết kế, tạo ra các sản phẩm hàng hóa riêng và có thể dẫn dắt được thị trường. DN cần nghiên cứu những giá trị nghệ thuật và đặc tính văn hóa của các nước EU để lồng ghép vào sản phẩm, chứ không thể áp đặt những giá trị văn hóa của mình trên sản phẩm bán tại EU.

Xin cảm ơn ông!

Để thâm nhập vào thị trường EU, sản phẩm TCMN của Việt Nam cần tinh xảo và có mẫu mã độc đáo hơn, có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng.

Nguyễn Hạnh

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn