Dịch cúm n Corona và tác động đến các nền kinh tế phụ thuộc Trung Quốc

64853

Dịch cúm tại Trung Quốc hiện nay là lời nhắc nhở về sự cần thiết đa dạng hóa nguồn thu nhập và nguồn cung để đối phó với những bất ổn kinh tế không lường trước được. Trong khi việc tính toán tổng thiệt hại về kinh tế do dịch cúm nCorona còn phụ thuộc vào khả năng dịch bệnh kéo dài trong bao lâu, thì có một điều đã rõ ràng: các nền kinh tế phụ thuộc vào Trung Quốc đều bị tổn thương.

      Tầng lớp trung lưu của Trung Quốc hiện là nguồn tăng trưởng chính của nền kinh tế Trung Quốc, thay thế cho các yếu tố truyền thống của tăng trưởng như đầu tư, xuất khẩu và sản xuất. Nghiên cứu của Công ty tư vấn đầu tư McKinsey chỉ ra rằng tiêu dùng nội địa đóng góp tới hơn 60% cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Điều này tạo ra nghịch lý là các doanh nghiệp nước ngoài vẫn bắt buộc phải duy trì sự hiện diện lớn tại thị trường Trung Quốc dù sự phụ thuộc vào Trung Quốc đã bị đặt dấu hỏi.

      Theo báo cáo của Maybank, Trung Quốc nhập khẩu 14% từ khu vực ASEAN trong năm 2018, tăng nhiều so với mức 6.5% của năm 2003 khi dịch SARS bùng phát. Xuất khẩu của Singapore sang Trung Quốc cũng tăng nhanh. Trung Quốc đã thay thế Mỹ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Singapore. Không chỉ thương mại; vai trò gia tăng của người tiêu dùng Trung Quốc đã khiến nhiều công ty Singapore đầu tư mạnh vào Trung Quốc, Trung Quốc đang trở thành nguồn thu nhập quan trọng của Singapore. Tập đoàn CapitalLand của Singapore là một ví dụ khi khoảng 40% doanh thu của tập đoàn hàng năm là từ Trung Quốc. Sự phụ thuộc này đã khiến Tập đoàn phải trả giá đắt khi bị buộc phải đóng cửa 6 siêu thị: 4 ở Vũ Hán, nơi đang là tâm điểm bùng phát dịch virus Corona và 2 ở Tây An.

      Các quốc gia phụ thuộc nhiều vào sức mua của Trung Quốc sẽ bị rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương khi Trung Quốc yêu cầu ngừng các tour du lịch cho đến khi kiểm soát được virus. Mắt xích đầu tiên trong chuỗi bị ảnh hưởng là ngành Hàng không, hiện đang chứng kiến giá trị cổ phiếu sụt giảm. Hầu hết các hãng hang không đã phải cắt giảm đường bay đến thị trường du lịch lớn nhất thế giới này. Khu vực ASEAN đón khoảng 27 triệu khách du lịch Trung Quốc trong năm 2018 so với chỉ khoảng 2.9 triệu năm 2003. Hầu hết các nền kinh tế ASEAN đều chịu tác động đầu tiên trước cú sốc sụt giảm nguồn thu du lịch từ Trung Quốc.

      Tác động của dịch bệnh cũng sẽ ảnh hưởng đến một số ngành khác. Vũ Hán là trung tâm vận chuyển và sản xuất của miền trung Trung Quốc. Tờ Bloomberg xếp Vũ Hán ở vị trí thứ 13 trong số 2000 thành phố của Trung Quốc về vai trò của nó trong chuỗi cung ứng. Tờ Forbes xếp thành phố này trong Top 10 thành phố sáng tạo nhất của Trung Quốc. Một số tên tuổi lớn có sự hiện diện quan trọng tại Vũ Hán như Nippon Steel của Nhật Bản, LG Electronic của Hàn Quốc. Các hàng sản xuất ô tô lớn như Nissan, Honda và GM cũng có nhà máy tại đây. Kể cả trong trường hợp chính quyền Trung Quốc khống chế được dịch bệnh trong tỉnh Hồ Bắc, sự gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục diễn ra trên toàn cầu. Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 của các nền kinh tế phụ thuộc Trung Quốc sẽ giảm từ 0.5%-1% nếu đại dịch kéo dài từ 3 đến 6 tháng.

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn