Đánh giá thị trường Canada và xu hướng tiêu dùng may mặc thời gian tới

23999

Hiện nay, dân số Canada xấp xỉ 40 triệu người. Dự kiến mỗi năm Canada sẽ mở rộng cho nhập cư từ 4-500.000 người cho đến khi đạt quy mô dân số là 100 triệu người vào năm 2100. Với mức tiêu dùng hiện nay, ước tính chi tiêu trung bình cho dệt may của mỗi hộ gia đình Canada lên đến khoảng 1200 USD/năm. Nói các khác, thị trường tiêu thụ dệt may Canada sẽ có giá trị trung bình ổn định khoảng 10-11 tỷ USD/năm và sẽ tăng thêm trong các năm tiếp theo do tăng quy mô dân số.

Tuy nhiên, cần lưu ý là dịch Covid 19 đã tác động đến xu hướng tiêu dùng dệt may Canada. Giá trị nhập khẩu mã HS 61 đã giảm khoảng 1 tỷ USD và mã HS 62 giảm khoảng 500 triệu USD so với giai đoạn trước dịch. Ngoài các yếu tố về đứt gẫy nguồn cung, giá vận chuyển cao, bối cảnh giãn cách xã hội đã làm giảm nhu cầu đối với sản phẩm may mặc. Các sản phẩm thời trang, quần áo cao cấp xa xỉ và quần áo mặc ngoài mùa đông có sự sụt giảm tiêu thụ đột biến. Ngược lại, xu hướng lựa chọn làm việc tại nhà kéo dài sau dịch đến nay đã làm tăng nhu cầu quần áo mặc nhà và quần áo thể thao[1]. Trong năm 2022, nhu cầu nhập khẩu đối với các sản phẩm dệt may có xu hướng tăng trở lại, tuy nhiên, về lâu dài, tiêu dùng thời trang “ăn liền”, giá rẻ sẽ sụt giảm, do ý thức xã hội và môi trường của người dân Canada ngày càng cao. Theo điều tra Môi trường và hộ gia đình 2019 và điều tra Rác thải công nghiệp 2018 của Cơ quan thống kê Canada, mỗi năm, quần áo cũ đóng góp tới gần 60.000 tấn rác và là nguồn rác thải nhựa lớn thứ ba của Canada, sau bao bì và xe ô tô cũ. Quần áo cũ thải loại đóng góp khoảng 7% vào tổng lượng rác thải nhựa của Canada. Trong nỗ lực giảm rác thải nhựa và phát thải CO2, Canada đang hướng đến phát triển ngành thời trang và dệt may tuần hoàn và vận động tiêu dùng dệt may bền vững.

Nghiên cứu mới đây của tổ chức Fashion Takes Action Canada (2021) cho thấy, Canada có đủ năng lực và nguồn đầu vào để phát triển nền công nghiệp dệt may tái tạo. Trong thời gian tới, Canada sẽ xây dựng các cơ chế để giảm rác thải dệt may, trong đó có việc yêu cầu các thành phố phải thực hiện thống kê bắt buộc rác thải dệt may và thực hiện phân loại rác thải dệt may. Bên cạnh đó, các cửa hàng (nhãn hàng) có trách nhiệm xây dựng các chương trình thu đổi quần áo cũ tại cừa hàng như là một phần của chương trình EPR (Chương trình trách nhiệm người sản xuất mở rộng). Luật ghi nhãn dệt may cũng sẽ được sửa đổi nhằm khuyến khích hàm lượng sợi tái chế thay vì ghi “chỉ có vật liệu mới” và có cơ chế khuyến khích thuế đối với các sản phẩm dùng sợi tái chế. Trao đổi của Liên đoàn dệt may Canada với Thương vụ cũng cho thấy định hướng của Canada trong việc yêu cầu thống kê số liệu nhập khẩu quần áo và dệt may theo thành phần sợi.

Ngoài ra, sau đại dịch, theo điều tra tiến hành cuối 2020 của Hiệp hội Sản xuất và xuất khẩu Canada, 56% người được hỏi cho biết sẽ mua các sản phẩm nội địa thường xuyên hơn. May mặc là lĩnh vực mà người dân Canada chưa có nhiều sự lựa chọn nội địa. Theo ước tính, kể cả khi người dân Canada chỉ ưu tiên lựa chọn sản phẩm may tại Canada, năng lực cung cấp nội địa chỉ có thể đảm bảo được tối đa 20% vì thị trường lao động của Canada ngày một già hoá, trong khi giá nhân công ngày càng cao[2]. Nói cách khác, trong kịch bản thấp nhất, tổng giá trị thị trường may mặc nội địa Canada sụt giảm còn 8 tỷ USD/năm, các doanh nghiệp may mặc nội địa cũng chỉ cung cấp được tối đa 1.6 tỷ còn lại phải nhập khẩu hoặc gia công ở nước ngoài. Trong kịch bản cao nhất, tổng giá trị thị trường nội địa Canada tăng lên đến 11 tỷ USD/năm[3], dư địa thị trường nhập khẩu của Canada sẽ mở rộng thêm khoảng 1.5-2 tỷ USD cho hàng may mặc thương hiệu nước ngoài hoặc hàng Canada gia công ở nước ngoài.

Ngoài chú trọng đến yếu tố môi trường trong tiêu thụ dệt may, cả Chính phủ và người dân Canada đều có ý thức cao về việc tham gia thương mại lành mạnh, thương mại công bằng, nghĩa là khi tiêu thụ hàng hoá, còn quan tâm cả đến điều kiện sản xuất, an toàn lao động và sử dụng lao động tuân thủ các quy định của ILO. Để tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may sang địa bàn bền vững, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần có chiến lược giảm phát thải carbon và sản xuất tuần hoàn, sử dụng nguyên liệu dệt may tái chế và sử dụng năng lượng tiết kiệm, năng lượng sạch. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần cập nhật về các hệ chứng chỉ mới trong ngành dệt may và tuân thủ chế độ báo cáo theo quy định của khách hàng.

TS. Quỳnh Trần, Tham tán Thương mại

[1] Các sản phẩm dệt may tiêu thụ tốt trong giai đoạn Covid và trong thời gian tới tiếp tục là các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, sợi co dãn (sợi modal) và sợi thấm hút, khử mùi, khử khuẩn, chống nhăn.

[2] Lương tối thiểu hiện là 15 CAD/giờ, sẽ tăng lên 15.5/giờ vào tháng 10/2022 và dự kiến tăng lên 16.5 Cad/giờ vào năm 2023. Không những thế, nhân lực dệt may của Canada đặc biệt thiếu do từ lâu Canada không đầu tư vào đào tạo nhân lực dệt may, cả thiết kế lẫn sản xuất; không có mấy trường có khoá đào tạo dệt may.

[3]Nghiên cứu thị trường dệt may Canada của Statista công bố tháng 3/2022 (P. Smith) ước tính giá trị thị trường nội địa của Canada vào năm 2024 lên đến 28.5 tỷ CAD, tức khoảng 22 tỷ USD. Tuy nhiên, theo dõi số liệu nhập khẩu và sản xuất 10 năm gần đây của Canada, Thương vụ cho rằng số ước tính này là quá lạc quan, kể cả tính đến yếu tố tăng cầu do tăng dân số.

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn