Chỉ dẫn địa lý sản phẩm: Tài sản quý cần bảo vệ trong EVFTA

13012
Các thương hiệu cần được bảo vệ một cách chặt chẽ hơn để đấu tranh với những hàng hóa mượn thương hiệu để bán tới tay khách hàng.

Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8 tới đây kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác chiến lược để đẩy mạnh quan hệ thương mại, công nghiệp, kết nối đầu tư đi vào chiều sâu thiết thực và hiệu quả. Tham gia EVFTA, hàng hóa của Việt Nam cũng có cơ hội tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đặc biệt là các chỉ dẫn địa lý.

Trong Hiệp định EVFTA, cả Việt Nam và EU đều đưa ra những chỉ dẫn địa lý như một tài sản quý giá cần được bảo vệ, bởi đây chính là các thương hiệu có danh tiếng của mỗi bên đã được thế giới biết đến. Chính vì sự nổi tiếng này, các thương hiệu cần được bảo vệ một cách chặt chẽ hơn để đấu tranh với những hàng hóa mượn thương hiệu để bán tới tay khách hàng.

Ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Công ty CP Tư vấn phát triển và Thương mại Phúc Lâm (nhà phân phối nước mắm Phú Quốc) cho biết, đang có tình trạng một số doanh nghiệp lạm dụng từ “Phú Quốc” để gắn lên chai nước mắm. Điều này không chỉ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà còn gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, cũng như ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Theo ông Thành, tác động rõ rệt nhất, ảnh hưởng trực tiếp tới nước mắm Phú Quốc đã được bảo hộ đó là người tiêu dùng chưa nhận diện được đâu là sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đâu là nước mắm Phú Quốc khác. Chưa kể, nhiều sản phẩm chưa được cấp chỉ dẫn địa lý có chất lượng không tốt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), khi đàm phán thỏa thuận Hiệp định EVFTA, trong danh sách Việt Nam đề xuất có 41 chỉ dẫn địa lý, thế nhưng EU chỉ đồng ý bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý. Sản phẩm được bảo hộ chủ yếu là hàng rau quả, thủy sản và chế biến từ thủy sản chiếm 13%. Trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, cũng như đòi hỏi yêu cầu khắt khe về mặt chất lượng của người tiêu dùng EU, việc được công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý đang là cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam xuất khẩu.

Việc thực thi các Hiệp định thương mại đa phương và song phương mà Việt Nam tham gia, ký kết bao gồm các nội dung về sở hữu trí tuệ nói chung và chỉ dẫn địa lý nói riêng, đòi hỏi có sự sửa đổi về pháp luật sở hữu trí tuệ, đặt việc bảo hộ các dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý trước những cơ hội và thách thức không nhỏ.

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), trên thực tế, những chỉ dẫn địa lý của EU trong Hiệp định EVFTA như Rượu vang Bordeaux (Pháp), Pho mát Mozzarella (Italy) cùng nhiều chỉ dẫn khác đều là những thương hiệu đã nổi tiếng lâu đời. Trong khi đó, những chỉ dẫn địa lý của Việt Nam điển hình như Gạo Hải Hậu hay Trà Tân Cương thực tế chỉ có “tiếng” ở trong nước.

Ở các quốc gia thuộc khối EU, nhiều chỉ dẫn địa lý của Việt Nam vẫn còn mờ nhạt trong khái niệm của người tiêu dùng. Bằng cách tận dụng quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là các trào lưu mạng xã hội, các chỉ dẫn địa lý này có thể tới được với người tiêu dùng EU nhanh chóng và hiệu quả hơn.

“Vẫn là phương thức truyền thông cũ là hình thức truyền miệng, nhưng hình thức “truyền miệng trực tuyến” thông qua các khả năng lan truyền thông tin lại có hiệu quả vô cùng lớn trong thời đại số. Cách thức mới này không chỉ giúp tạo ra ấn tượng về sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam với người tiêu dùng EU mà còn tạo ra lớp bảo vệ trong chính nhận thức của người tiêu dùng EU cho các thương hiệu, các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam”, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết.

Cục Sở hữu trí tuệ cũng khẳng định, việc sử dụng hiệu quả các công cụ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm mang dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý sẽ giúp bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống, tăng cường khả năng cạnh tranh, giúp thúc đẩy tiềm năng của các nguồn lực địa phương. Ngược lại, nếu việc bảo hộ không hiệu quả có thể trở thành rào cản cho sự phát triển.

Trong bối cảnh đó, cần có các chính sách cụ thể hỗ trợ các địa phương lựa chọn hình thức bảo hộ dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý phù hợp và hiệu quả hơn để phát huy tiềm năng và giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, đặc sản vùng miền.

Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, để các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý của Việt Nam có thể vượt qua các rào cản kỹ thuật để vào thị trường EU, Việt Nam cần xác lập một hệ thống kiểm định chất lượng quốc gia khi xem xét và công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Đặc biệt, trước một thị trường khó tính như EU, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm từ các nước châu Âu trong việc xây dựng hệ thống kiểm soát chỉ dẫn địa lý, qua đó có điều kiện nâng cao hơn nữa giá trị xuất khẩu vào thị trường rộng lớn này./.

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn