Tình hình và triển vọng xuất khẩu rau quả tươi và chế biến của Việt Nam sang Canada sau CPTPP

20782

Thị trường nhập khẩu rau củ tươi của Canada có quy mô trung bình 3.7 tỷ USD và tăng đều qua các năm[1]. Các nước xuất khẩu chủ yếu vào Canada ngoài Hoa Kỳ và Mexico là: Trung Quốc, Guatemala, Ấn Độ, Tây Ba Nha, Peru, Honduras, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 4,8 triệu USD giá trị rau củ sang Canada, và có thị phần không đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh nói trên. Các sản phẩm rau củ xuất khẩu chủ yếu là các loại rau gia vị, ớt chili padi và một số rau đặc sản theo mùa (rau ngót, rau đắng, bông điên điển,…) để cung cấp vào các nhà hàng Việt Nam và các chuỗi siêu thị châu Á. Trong phân khúc các mặt hàng này, Việt Nam chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh, mặc dù gần đây, nhiều chuỗi siêu thị châu Á bắt đầu thuê trang trại tại Mexico trồng đại trà rau húng quế và rau húng bạc hà.

 

Nhập khẩu rau củ (HS 07) từ Việt Nam giai đoạn 2018-2022
 Nghìn USD 2018 2019 2020 2021 2022 %
Việt Nam 3,569 3,269 4,227 4,950 4,786 34
Các nước khác 3,130,788 3,376,137 3,362,675 3,501,576 3,698,487 18
Tổng nhập khẩu 3,134,356 3,379,406 3,366,903 3,506,526 3,703,273 18

 

Trong 10 năm qua (2013-2022), giá trị xuất khẩu rau củ của Việt Nam sang địa bàn đã tăng gần gấp 3 lần (từ 1,7 triệu năm 2013 lên 4,8 triệu USD hiện nay). Nếu tính từ sau CPTPP (2018), mức tăng là 34%, cao hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của Canada từ các nước khác. Tuy nhiên, xét giá trị tuyệt đối, mức tăng này là không đáng kể và điều quan trọng là khó có khả năng tăng mạnh hơn nữa trong tương lai. Bảng dưới cho thấy hai sản phẩm chủ lực của Việt Nam sang địa bàn là mã 709 (rau đặc sản và rau gia vị) và 710 (riềng sả, nghệ, lá chanh..) đều có mức tăng không đáng kể và không ổn định (xu hướng giảm trong năm 2022 với mã 709). Ngoại trừ rau nấm khô (712), các sản phẩm rau củ khác của Việt Nam sang địa bàn cũng có mức tăng không ổn định sau CPTPP và giảm mạnh trong năm 2022. Trước CPTPP (giai đoạn 2013-2016), hành hẹ và các sản phẩm từ hành của Việt Nam từng có kim ngạch lên đến trên 250.000 USD; tuy nhiên, đến nay, chúng ta gần như mất hẳn thị trường do giá cả không cạnh tranh và nguồn cung không ổn định.

 

Nhu cầu thị trường Canada với rau củ Việt Nam
 Nghìn USD 2018 2019 2020 2021 2022 %
Nấm và rau (709) 1,678 2,109 2,254 2,985 2,770 65
Rau đông lạnh (710) 1,180 563 1,086 1,120 1,277 8
Rau nấm khô (712) 125 141 143 214 312 150
Rau khô (713) 46 44 60 79 31 -32
Khoai sắn (714) 364 226 549 409 283 -22
Các mã HS 07 khác 176 186 135 143 113 -35

Đối thủ chủ yếu của Việt Nam với cùng phân khúc mặt hàng 709 là Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc đứng thứ 8 xuất khẩu vào Canada với kim ngạch tăng đều qua các năm và đạt 7.6 triệu USD; trong khi Việt Nam xuất khẩu được 2.7 triệu USD và có xu hướng giảm. Đối với mã HS 710, Trung Quốc có thế mạnh tuyệt đối so với các đối thủ cạnh tranh từ châu Á khác, với thị phần 14% và kim ngạch 29 triệu USD (Hoa Kỳ có thị phần 36%). Mặc dù kim ngạch của Việt Nam có tăng qua các năm, nhưng mức tăng hầu như không đáng kể. Trung Quốc là nước xuất khẩu nhiều nhất vào Canada với mặt hàng rau nấm khô (713), với thị phần lên tới 43% và giá trị kim ngạch đạt 57 triệu USD trong năm 2022. Xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục tăng nhanh qua các năm cùng với nhu cầu tăng của thị trường Canada; trong khi, mức tăng trưởng của Việt Nam rất cao (150%) so với trước CPTPP, nhưng giá trị kim ngạch vẫn không đáng kể. Đối với mặt hàng khoai sắn, hàng năm Canada có nhu cầu nhập khẩu lên đến 115 triệu USD, tuy nhiên, các đối tác chủ yếu là các nước láng giềng. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang địa bàn giảm liên tục trong hai năm qua, sau khi đạt đỉnh là 0.55 triệu USD vào năm 2020.

Nhìn chung, triển vọng tăng trưởng xuất khẩu mã HS 07 sang địa bàn trong thời gian tới sẽ rất khó khăn vì đã mất đi tác động đòn bẩy của CPTPP. Bên cạnh đó, có nhiều lý do không hỗ trợ cho xuất khẩu rau củ của Việt Nam. Thứ nhất, do khí hậu tương đối đồng nhất với Việt Nam, Mexico và Hoa Kỳ đang cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam về các loại rau nhiệt đới/rau mùa vụ, khoai sắn vì có lợi thế về vận chuyển và sự liên thông thương mại Bắc Mỹ. Thứ hai, do khẩu vị và tập quán ăn uống, các loại rau củ mà Canada có nhu cầu nhập nhiều của thế giới (xà lách endive, xà lách rocket, tỏi tây, cần tây, diếp xoăn, đậu dẹt Hà Lan…), Việt Nam không có khả năng cung cấp. Thứ ba, kể từ sau Covid 19, một số nước Nam Mỹ (Peru, Honduras, Guatemala) được Chính phủ Canada hỗ trợ mạnh về xúc tiến thương mại vào Canada nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Thứ 4, những sản phẩm Việt Nam có thể cung cấp (hành tây, ớt chuông, dưa chuột, rau có lá…), Trung Quốc và Ấn Độ có lợi thế rõ rệt về giá.

Về sản phẩm trái cây, năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu được xấp xỉ 105 triệu USD sản phẩm trái cây và hạt sang Canada (mã 08); trong đó riêng hạt điều chiếm đến 80% (84 triệu USD). Nếu tính cả hạt điều, xuất khẩu mã HS 08 sang địa bàn từ sau CTPPP có xu hướng giảm (đặc biệt trong giai đoạn Covid). (Thương vụ đã có bài nghiên cứu riêng về thị trường hạt điều và đánh giá cơ hội của Việt Nam[2]). Từ sau CPTPP, nếu xét riêng trái cây (bỏ hạt điều), Việt Nam đã xuất khẩu sang Canada tăng 41.6%, với kim ngạch năm 2022 đạt 21.2 triệu USD.

Quy mô của thị trường nhập khẩu trái cây Canada khá lớn, năm 2022 đạt xấp xỉ 5.6 tỷ USD. Trong giai đoạn từ 2018-2022, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 9 trong top 10 nhà xuất khẩu mã HS 08 nhiều nhất vào Canada. Các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam ngoài Hoa Kỳ và Mexico là: Peru, Guatemala, Chile, Nam Phi, Costa Rica, Maroc và Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Nhập khẩu trái cây (HS 08) từ Việt Nam giai đoạn 2018-2022
 Nghìn USD 2018 2019 2020 2021 2022 %
Việt Nam (bao gồm hạt điều) 116,057 96,739 91,283 107,014 104,926 -9.5
Việt Nam (không bao gồm hạt điều) 15,001 15,982 17,113 20,383 21,246 41.6
Các nước khác 4,670,530 4,703,879 4,870,997 5,369,618 5,492,634 17
Tổng nhập khẩu 4,786,588 4,800,619 4,962,280 5,476,633 5,597,560 16

 

Nhìn vào cơ cấu cạnh tranh có thể thấy, đối với các sản phẩm trái cây đặc sản châu Á, Việt Nam hiện nay chưa có đối thủ mạnh. Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu nhiều nhất các mặt hàng như thanh long, chanh/bưởi, dừa tươi, và gần đây là ổi, xoài, nhãn, sầu riêng và vải tươi. Bảng dưới cho thấy tình hình cụ thể đối với từng mặt hàng sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Nhìn chung, các mặt hàng ổi xoài, dừa có sự gia tăng nhẹ (tăng mạnh nhất là chanh/bưởi với tốc độ 483%). Số liệu cũng cho thấy xu hướng cạnh tranh ngày càng lớn đối với các mặt hàng trái cây tươi mà Việt Nam có thế mạnh như thanh long, sầu riêng, nhãn, vải, măng cụt từ các nước Nam Mỹ. Sau CPTPP, xuất khẩu các mặt hàng này sang địa bàn không những không tăng mà còn suy giảm đều qua các năm.

Nhu cầu thị trường Canada với trái cây Việt Nam
 Nghìn USD 2018 2019 2020 2021 2022 %
Chuối  (803) 39 62 28 34 25 -36
Ổi, xoài (804) 315 502 585 604 398 26
Dừa (80119) 474 675 728 622 913 93
Chanh  (805) 386 609 1,594 1,932 2,252 483
Thanh long, sầu riêng và quả khác (810) 7,522 8,137 7,904 7,705 4,982 -34
Trái cây khô (813) 411 1,412 1,520 2,810 1,745 325
Trái cây đông lạnh (811) 1,156 2,322 3,144 4,520 7,575 553
Các mã HS 08 khác (trừ điều) 4,698 2,263 1,610 2,156 3,356 -29

 

Cùng chung nhận định với Thương vụ về triển vọng xuất khẩu các mặt hàng rau củ quả tươi sang địa bàn, chủ doanh nghiệp nhập khẩu rau củ quả của kiều bào ở thành phố Etobicoke chuyên nhập khẩu rau củ quả Việt Nam vào thị trường Canada với các mặt hàng như: rau húng, ngò gai, rau cần, dọc mùng, hoa chuối và các trái cây như quả roi, sapo, mãng cầu, xoài tượng, thanh long… Canada Herb cho biết: hiện nay, ông vẫn kiên trì nhập khẩu trái cây từ Việt Nam để cân đối khối lượng với rau gia vị, nhưng thực tế, doanh nghiệp hầu như không có lãi. Brasil đang cạnh tranh lớn với Việt Nam về trái thanh long, mãng cầu và chanh leo. Colombia, Mexico bắt đầu trồng sầu riêng, vải, và chôm chôm. Các sản phẩm trái cây nhiệt đới từ Nam Mỹ có chất lượng và giá tốt hơn hẳn sản phẩm cùng loại của Việt Nam. Điểm yếu của Việt Nam khi tham gia xuất khẩu là ở chỗ nguồn cung không ổn định, giá không ổn định, chi phí vận chuyển cao. Bên cạnh đó, ông cũng phân tích, hàng Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh lớn của các thương nhân Trung Quốc, hiện nay đang là những nhà phân phối khống chế nhiều chuỗi siêu thị và chỉ ưu tiên nhập hàng từ Trung Quốc. Ngoài ra, ông cũng nhận định, Việt Nam còn chưa bảo tồn và phát triển được các giống/chủng loại trái cây truyền thống (mít tố nữ) và các loại trái cây giống mới được thị trường ưa chuộng. Ông cho rằng, một điểm yếu nữa là mạng lưới người thu mua/thương lái của Việt Nam còn chưa phát triển đúng tầm; trong khi người nông dân vẫn chạy theo lợi nhuận chưa quan tâm đến vấn đề tiêu chuẩn.

Ngược với triển vọng tương đối ảm đạm của các mặt hàng rau củ quả tươi,  tốc độ tăng trưởng của nhóm trái cây khô và trái cây đông lạnh sau CPTPP có sự tăng trưởng đột biến với mức tăng lần lượt là 325 và 553 %. Hiện nay, quy mô thị trường trái cây đông lạnh của Canada vào khoảng 390 triệu USD, nước châu Á duy nhất lọt vào top 10 xuất khẩu sản phẩm HS 0811 vào thị trường Canada là Trung Quốc, với giá trị xuất khẩu năm 2022 đạt 8.5 triệu USD. Thị trường trái cây khô của Canada có quy mô khoảng 98 triệu USD vào năm 2022. Việt Nam là nước đứng thứ 8 về thị phần trái cây khô ở Canada. Trong các nước châu Á đối thủ cạnh tranh có mặt Trung Quốc và Thái Lan.

Việc Việt Nam gia tăng xuất khẩu trái cây khô và đông lạnh sang địa bàn cũng phù hợp với nhu cầu ngày một gia tăng của Canada đối với các sản phẩm này. Trong kỳ nghiên cứu (2018-2022), mức tăng trưởng của thị trường Canada với 2 sản phẩm này lần lượt là 44% và 60%. Tuy nhiên, đối với sản phẩm mã HS 0813, xuất khẩu của chúng ta sang địa bàn không ổn định. Đã có những năm Việt Nam vượt Thái Lan về giá trị kim ngạch sang địa bàn (2019, 2021); trước năm 2022, Việt Nam luôn có thị phần lớn hơn Ai Cập và Afghanistan. Tuy nhiên, trong khi cả top 10 đối thủ cạnh tranh đều tăng kim ngạch vào thị trường trong năm 2022, riêng Việt Nam lại ghi nhận tốc độ sụt giảm. Vì vậy, Việt Nam đã tụt hạng từ vị trí thứ 5 xuống vị trí thứ 8 hiện nay.

 

Nhu cầu thị trường Canada với sản phẩm rau củ quả chế biến (mã HS 20)
  2018 2019 2020 2021 2022 %
Việt Nam 24,131 27,216 29,539 36,676 49,862 106.6
Các nước 2,325,592 2,337,132 2,305,734 2,442,878 2,707,341 16.4
Tổng nhu cầu nhập khẩu 2,349,723 2,364,348 2,335,273 2,479,554 2,757,203 17.3

 

Canada có quy mô thị trường rau củ quả chế biến (mã HS 20) vào khoảng 2.7 tỷ/năm và có xu hướng tiếp tục gia tăng. Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao trong giai đoạn 2018-2022 (đặc biệt tăng đột biến trong năm 2022), Việt Nam lần đầu tiên lọt vào top 10 nước xuất khẩu nhiều nhất vào Canada, sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Brazil, Thái Lan, Mexico, Ý, Tây Ba Nha và Hy Lạp. Trong các đối thủ cạnh tranh, đáng lưu ý là Thái Lan và Trung Quốc có cơ cấu mặt hàng khá tương đồng với Việt Nam, kể cả trong lĩnh vực đóng hộp/đông lạnh hay sấy khô. Thái Lan cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam các mặt hàng trái cây bảo quản bằng đường như: mít, xoài, sầu riêng, chanh leo, thanh long, … và các mặt hàng rau bảo quản bằng giấm như cà pháo, bồn bồn, ngó sen đóng hộp… Trung Quốc có thế mạnh trong các lĩnh vực mặt hàng đóng hộp và đông lạnh, với đa dạng các loại trái cây và rau.

Tỷ lệ hàng xuất khẩu Việt Nam vào Canada tận dụng ưu đãi năm 2022 theo mặt hàng (CAD) và theo form ưu đãi
HS Mặt hàng MFN GSP CPTPP MFN GSP CPTPP
08 Trái cây 0-12.5% 0-8% 0%                109,016,008            4,572,558                     22,965,968
07 Rau củ 0-12.5% 0-10% 0%                      4,745,437                    29,578                        1,423,102
20 Rau củ chế biến 0-17% N/A 0%                      7,022,866            7,327,908                     50,532,004
Tổng số(CAD)                120,784,311         11,930,044                     74,921,074

Đáng chú ý là tỷ lệ các doanh nghiệp sử dụng ưu đãi CPTPP để xuất khẩu sang địa bàn vẫn còn thấp; chỉ có nhóm mã HS 20 là sử dụng nhiều nhất với khoảng 78% kim ngạch xuất khẩu, khoảng 11% vẫn sử dụng ưu đãi MFN (lớn hơn 0%); và con số tương đương vẫn sử dụng ưu đãi GSP. Tỷ lệ sử dụng ưu đãi CPTPP đối với nhóm HS 08 mới đạt 21%, đa số xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn vẫn sử dụng form ưu đãi MFN (76%). Tình hình tương tự với mặt hàng rau củ, khoảng 23% sử dụng CPTPP, còn 76% vẫn sử dụng ưu đãi MFN. Mặc dù đối với hầu hết các sản phẩm mã HS 07, 08 từ Việt Nam, dù sử dụng form ưu đãi nào, mức thuế quan có thể vẫn bằng 0%, trừ các loại thế mùa vụ có thể đánh vào một số sản phẩm như khoai, nấm, hành để bảo vệ sản xuất nội địa (cần lưu ý GPT dành cho Việt Nam sẽ hết hạn ngày 31/12/2024). Tuy nhiên, với nhóm rau củ chế biến, nhiều sản phẩm của chúng ta vẫn còn phải chịu thuế khi khai báo theo MFN. Điều này cho thấy các doanh nghiệp của chúng ta vẫn chưa quan tâm nhiều đến việc sử dụng form ưu đãi CPTPP. Các doanh nghiệp sở tại khi cần sử dụng các sản phẩm đầu vào từ mã 07. 08. 20 trong quá trình sản xuất sẽ ưa thích hơn các sản phẩm sử dụng form ưu đãi CPTPP vì thuận tiện trong khai báo xuất xứ cộng gộp sau này để xuất khẩu sang các thị trường CPTPP khác.

TS. Quỳnh Trần, Tham tán thương mại

[1] Các số liệu trong bài do tác giả tổng hợp từ: https://www.ic.gc.ca/app/scr/tdst/tdo/crtr.html?reportType=TI&grouped=GROUPED&searchType=All&timePeriod=2%7cYear+To+Date&currency=US&areaCodes=525%7c548%7c556%7c549%7c545%7c567%7c524%7c583%7c586%7c528&naArea=9999&countryList=specific&productType=HS6&toFromCountry=CDN&changeCriteria=true

[2] https://vntradetoca.org/1-thi-truong-hat-dieu-cua-canada-dac-diem-va-quy-mo/

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn