Đầu tư của Canada vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương

7640

Đầu tư của Canada vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong 20 năm qua chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 8% trong cơ cấu tổng đầu tư ra nước ngoài của nước này. Hơn 60% đầu tư ra nước ngoài của Canada giai đoạn 2003-2022 tập trung ở Hoa Kỳ, 25% vào châu Âu, 4% vào Nam Mỹ và chưa đến 1% vao châu Phi. Các nhà đầu tư Canada gần đây giảm mạnh sự quan tâm đến thị trường châu Âu, tăng cường đầu tư vào Hoa Kỳ. Thị trường Nam Mỹ cũng dần mất đi sức hút. Tuy nhiên, châu Á-Thái Bình Dương chưa thực sự nổi lên như triển vọng đáng có từ sự hấp dẫn của các hiệp định thương mại tự do và sự chuyển hướng chiến lược địa chính trị của các nước lớn. Về giá trị, trong gần 20 năm qua, Canada mới đầu tư vào châu Á-Thái Bình Dương 266 tỷ CAD, với gần 2500 dự án, chỉ xấp xỉ lượng đầu tư của Canada vào riêng Hoa Kỳ giai đoạn 5 năm 2018-2022.

Thêm vào đó, luồng đầu tư từ Canada vào châu Á-Thái Bình Dương trồi sụt khá thất thường. Riêng năm 2021, Canada đã đầu tư 25.5 tỷ CAD vào 12 nước châu Á-Thái Bình Dương, đây là số vốn đầu tư lớn nhất từng ghi nhận trong 20 năm qua, (tăng hơn 70% so với năm 2020 – 15.1 tỷ CAD). Số lượng dự án FDI tăng từ 88 lên 105; quy mô trung bình của mỗi dự án lên đến 240 triệu CAD, cũng tăng hơn năm 2021 (171 triệu). Thế nhưng 6 tháng đầu năm 2022, luồng đầu tư của Canada vào châu Á-Thái Bình Dương lại sụt giảm đáng kể; đến nay, mới ghi nhận 27 dự án đầu tư với tổng trị giá 2.81 tỷ. Dự báo cả năm 2022, khó có thể có các cam kết mới để đạt mức ghi nhận năm 2020 – năm chịu tác động mạnh nhất của dịch Covid.

Kể từ sau chiến tranh thương mại Mỹ Trung, căng thẳng ngoại giao Canada-Trung Quốc và nhất là sau các đứt gẫy do Covid, Canada có sự thay đổi về địa bàn đầu tư, với xu hướng giảm dần và thoái lui khỏi Trung Quốc và Hongkong. Đáng lưu ý là trong Quý 2/2022, xu hướng thoái lui đầu tư ở cả 2 chiều được ghi nhận đối với cả đầu tư của Canada vào Trung Quốc và của Trung Quốc vào Canada. Trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Hongkong cũng ghi nhận xu hướng giảm đầu tư vào Canada và ngược lại. Trung Quốc tụt xuống vị trí thứ 8 trong số các nước châu Á-Thái Bình Dương nhận nhiều đầu tư nhất (Trung Quốc liên tục giữ vị trí số 1 giai đoạn 2005-2009 và top 5 giai đoạn 2009-2019). Trong năm 2021, FDI của Canada tập trung chủ yếu vào 4 nước (gần 85%): Úc nhận 15.3 tỷ, Ấn Độ 3.4 tỷ và Đài Loan 2.8 tỷ. Các nước nhận nhiều đầu tư khác lần lượt là: Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc, New Zealand, Trung Quốc, Hongkong và Singapore. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Ấn Độ vươn lên là nước tiếp nhận nhiều FDI nhất từ Canada, tương đương khoảng 55% với 10 dự án; Úc 40% với 27 dự án.

Đầu tư của Canada vào châu Á-Thái Bình Dương chủ yếu vào các lĩnh vực: bất động sản, dịch vụ công ích, tài chính, điện, công nghệ, vận tải công nghiệp. Các doanh nghiệp nhà nước của Canada, các Quỹ đầu tư của Canada cũng đầu tư mạnh vào các dự án hạ tầng ở châu Á. Nghiên cứu trong giai đoạn 2002-2022 cho thấy các doanh nghiệp Canada ưa chuộng hình thức đầu tư mới (greenfield) hơn là thông qua các hoạt động M&A. Đầu tư của Canada vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng FDI vào châu Á-Thái Bình Dương, với tổng giá trị khoảng 2.7 tỷ CAD, tương đương 1% nhưng có xu hướng tăng nhẹ trong những năm gần đây (đạt 139 triệu CAD trong năm 2021, cao nhất kể từ 2009). Đầu tư R&D của Canada chủ yếu vào lĩnh vực ô tô, y sinh, dược, điện tử viễn thông và môi trường. Các nước thu hút được nhiều đầu tư R&D ở châu Á-Thái Bình Dương của Canada, ngoại trừ Trung Quốc, chủ yếu vẫn là những nước có năng lực bảo hộ sở hữu trí tuệ cao.

TS. Quỳnh Trần, Tham tán thương mại

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn