Trong bối cảnh “bình thường mới”, các lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu, y tế, giáo dục, công nghệ, năng lượng… trở thành ưu tiên trong chiến lược M&A của các nhà đầu tư.
Tiêu dùng, bán lẻ, công nghệ… sẽ dẫn dắt thị trường
Không chỉ nêu rõ hàng loạt điểm tích cực thúc đẩy thị trường M&A sôi động hơn từ giữa năm 2021 nhờ việc sửa đổi một số luật liên quan đến hoạt động đầu tư và kinh doanh, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) còn nhấn mạnh một số mảng sáng đang nổi lên, thu hút ánh nhìn của nhà đầu tư.
Ông Hiếu phân tích, Covid-19 bùng phát tạo nên xu hướng mới cho thị trường M&A. Một số ngành hàng trở thành tâm điểm trong chiến lược M&A của các nhà đầu tư, nổi bật là bán lẻ khi nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu luôn được đặt lên hàng đầu trong bối cảnh dịch bệnh; sau đó là y tế, giáo dục, công nghệ…
“Đại dịch đã thay đổi ‘khẩu vị’ đầu tư, hướng vào tiêu dùng, y tế, giáo dục cùng các ngành hàng áp dụng phương pháp tiếp cận khách hàng mới như thương mại điện tử. Nói như vậy không có nghĩa là nhu cầu M&A trong các lĩnh vực mà xưa nay vốn được nhà đầu tư quan tâm như sản xuất, nông nghiệp… mất đi, mà ngành hàng cho M&A đang được mở rộng hơn”, ông Hiếu nhận định.
Dù trong hoàn cảnh nào, các nhà đầu tư khôn ngoan, nhiều kinh nghiệm thương trường đều có thể nhanh chóng thích nghi, tìm ra hướng đi và kênh đầu tư hiệu quả. Đây là đánh giá của ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Ông Hong Sun dự báo, sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống và bán lẻ với thị trường tiêu thụ lớn, tốc độ tăng trưởng cao sẽ là những lĩnh vực thu hút sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ xứ sở Kim Chi thông qua kênh M&A; tiếp theo là bất động sản, nông nghiệp, dược phẩm/chăm sóc sức khoẻ và viễn thông/công nghệ.
Đặc biệt, ông Hong Sun nhấn mạnh, sức hút từ tỷ suất lợi nhuận lớn sẽ khiến hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản trở nên sôi động hơn trong thời gian tới. Ngoài ra, lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ mang đến nguồn cung cho thị trường M&A tại Việt Nam, vì đã có làn sóng đầu tư vào lĩnh vực này trước khi phân hóa rõ rệt về quy mô như hiện nay.
“Các doanh nghiệp lớn trong ngành nông nghiệp có xu hướng phát triển chuỗi giá trị, không chỉ đầu tư vào trồng trọt hay chăn nuôi, mà còn tham gia chế biến, phân phối, bán lẻ. Điều này tất yếu phát sinh nhu cầu phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác và chuyển nhượng vốn giữa các nhà đầu tư”, ông Hong Sun phân tích. Chuyên gia này nhấn mạnh, bất chấp tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do Covid-19, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có xu hướng thực hiện các giao dịch góp vốn, mua cổ phần.
Sôi động M&A lĩnh vực năng lượng tái tạo
Những năm gần đây, Việt Nam luôn duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định. Sự phát triển kinh tế – xã hội kéo theo nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao. Theo đó, nhiều chính sách ưu đãi đã được ban hành để thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. Đặc biệt, Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã mở ra hướng đi mới cho các nhà đầu tư tham gia lĩnh vực năng lượng sạch.
Ông Phạm Duy Khương, Giám đốc điều hành Công ty Luật ASL Law nhận định, những cơ chế, chính sách nói trên đã tạo động lực cho hàng loạt thương vụ M&A diễn ra trong lĩnh vực năng lượng với dòng vốn lớn.
“Dường như không có bất kỳ rào cản nào đối với nhà đầu tư nước ngoài khi tiếp cận thị trường năng lượng tại Việt Nam và điều này đã góp phần thúc đẩy các thương vụ M&A phát triển”, ông Khương chia sẻ.
Cũng theo ông Khương, lĩnh vực năng lượng đang được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, đặc biệt là nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc)…
Cơ quan Năng lượng quốc tế tính toán, chi phí sản xuất điện mặt trời trung bình 3,9 UScents/kWh đối với những dự án được vận hành từ năm 2021, giảm 42% so với năm 2019. Đây cũng là thành tố góp phần mang đến mức lợi nhuận mong muốn cho các nhà đầu tư có “khẩu vị” an toàn, bền vững.
Còn theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, mặc dù Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư và xây lắp các dự án năng lượng tái tạo, song thị trường M&A trong lĩnh vực này vẫn sôi động với hơn 10 thương vụ thu xếp vốn, mua lại, sáp nhập trong 3 quý vừa qua.
Có thể thấy, hoạt động M&A trong lĩnh vực năng lượng tái tạo sôi động trong khoảng 2 năm gần đây phần lớn nhờ đòn bẩy từ các chính sách ưu đãi cùng hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có quy định doanh nghiệp nước ngoài có thể sở hữu 100% dự án năng lượng tái tạo.
Chuyên gia của Công ty Rồng Việt nhấn mạnh, các chính sách ưu đãi đầu tư, nhu cầu sử dụng điện tăng cao và tỷ suất sinh lời ổn định là những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của lĩnh vực năng lượng tái tạo trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Điều này sẽ thúc đẩy hoạt động M&A trong mảng năng lượng tái tạo cả về số lượng và quy mô trong thời gian tới.
Ý KIẾN – NHẬN ĐỊNH
EVFTA sẽ thúc đẩy đầu tư từ châu Âu sang Việt Nam.
. |
Ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã có hiệu lực sẽ gián tiếp tạo lực đẩy để các giao dịch M&A và những dự án đầu tư từ châu Âu sang Việt Nam bùng nổ.
Tại Việt Nam, một số lĩnh vực còn nhiều tiềm năng cũng được kỳ vọng sẽ tạo nên sự đột phá, như lĩnh vực hạ tầng, khi EVFTA sẽ bảo hộ cho các nhà đầu tư giữa các bên, giúp các doanh nghiệp có sự gắn kết đầu tư qua lại. Chúng tôi kỳ vọng, sẽ có sự tiến triển mạnh từ những giao dịch M&A trong lĩnh vực này.
Môi trường đầu tư bình đẳng, cởi mở sẽ thúc đẩy M&A hiệu quả.
. |
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Ngoài các lĩnh vực có thể thu hút hoạt động M&A như tiêu dùng, bán lẻ, y tế…, chúng ta sẽ dần nhận ra xu hướng doanh nghiệp Việt từng bước làm chủ cuộc chơi này. Trước đây, một số quan điểm cho rằng, trong cuộc chơi M&A, doanh nghiệp nội thường ở phía “bán mình” và nhiều người còn lo lắng, thậm chí đề xuất nên cấm M&A.
Từ năm nay, có một xu hướng rất mới là các doanh nghiệp nội tham gia rất nhiều vào hoạt động M&A cả ở trong nước lẫn nước ngoài. Rõ ràng, điều này vượt qua những lo lắng, trái ngược với những luận điểm quan ngại trước đây.
Việc doanh nghiệp Việt thực hiện các hoạt động M&A ở nước ngoài sẽ tạo kênh xâm nhập thị trường, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như EVFTA.
M&A sẽ không còn là cuộc chơi chỉ do doanh nghiệp ngoại thực hiện, mà là kênh để mọi doanh nghiệp chủ động cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kết quả thực tế trong 2 – 3 năm qua đã chứng minh một sự thật rằng, môi trường đầu tư bình đẳng, cởi mở, chứ không phải cấm đoán, sẽ thúc đẩy M&A hiệu quả.
Cán cân giá trị giao dịch M&A bất động sản công nghiệp nghiêng về nhà đầu tư nội.
. |
Ông Vũ Minh Tiến, Thành viên HĐQT, phụ trách kiểm soát chiến lược đầu tư và M&A, Tập đoàn An Thịnh
Từ việc thị trường bất động sản “đóng băng” do đại dịch Covid-19, hoạt động M&A có xu hướng gia tăng.
Tập đoàn An Thịnh đang tập trung vào 2 phân khúc là bất động sản ven đô và bất động sản công nghiệp. Do hành vi tiêu dùng và xu hướng thị trường thay đổi, nên bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng không còn hấp dẫn nhà đầu tư; và với tâm lý của người dân, thay vì đối mặt với hiểm họa nhiễm Covid-19 khi di chuyển bằng máy bay, tàu hỏa, họ có thể di chuyển bằng phương tiện cá nhân, nên chúng tôi tập trung vào bất động sản ven đô.
Cũng do dịch bệnh, dòng vốn ngoại tạm chững lại trong ngắn hạn và đây chính là cơ hội cho nhà đầu tư nội trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Có thể, cán cân giá trị giao dịch M&A năm 2020 sẽ nghiêng về nhà đầu tư nộị.
HỒNG PHÚC