Tình hình kinh tế Canada và thương mại hai nước Quý 1/2023

74671

Ngày 28 tháng 3 năm 2023, Bộ Tài chính Canada đã đưa ra Kế hoạch ngân sách 2023, trong đó đánh giá nền kinh tế Canada đã khôi phục khá tốt sau đại dịch với quy mô hiện nay là 103% so với năm 2019 và là nước có tốc độ phục hồi nhanh thứ hai trong khối G7. Riêng năm 2022, Canada là nước có tốc độ phát triển kinh tế mạnh nhất G7, đạt 3.4%. Trước đó, ngày 8 tháng 12 năm 2022, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF đã đưa ra Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế Canada năm 2022, theo đó, ca ngợi Canada đã vượt qua đại dịch tương đối tốt và, với tư cách là một nước xuất khẩu hàng hóa, đã bị ảnh hưởng ít nặng nề hơn so với nhiều quốc gia khác do cuộc chiến của Nga với Ukraine. Báo cáo cũng cho rằng khả năng phục hồi của nền kinh tế Canada tương đối khả quan trong bối cảnh lạm phát toàn cầu cao, lãi suất cao và tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Canada dự kiến sẽ có mức thâm hụt ngân sách nhỏ nhất trong năm nay tính theo tỷ lệ GDP trong số các nước G7 và cho đến nay là quốc gia có nợ ròng chung của chính phủ thấp nhất tính theo tỷ lệ GDP trong G7. Tỷ lệ nợ liên bang trên GDP dự kiến sẽ giảm mạnh hơn so với dự kiến trong Ngân sách 2022 (thực tế là 3.6 vs. 4.6 dự báo). Về việc làm, đã có thêm 830.000 người Canada được tuyển dụng, nhiều hơn trước đại dịch .
Các chỉ số trong Quý 1/2023 cũng cho thấy triển vọng kinh tế của Canada không quá u ám như các quốc gia G7. Cơ quan thống kê Canada vừa công bố chính thức tỷ lệ tăng trưởng tháng 1 của Canada là 0.5%, cao hơn mức đã dự báo 0.3% trước đó, trong đó lĩnh vực dịch vụ đóng góp 0.6% và khu vực sản xuất 0.5% (17/20 lĩnh vực công nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng ngược với tình trạng của tháng 12); trong khi nông nghiệp giảm -1-1%. Cũng theo cơ quan này, tăng trưởng tháng 2/2023 được dự báo sẽ đạt 0.3%, trong đó, ngành khai khoáng, dầu khí, tài chính bảo hiểm sẽ bù đắp sự sụt giảm của lĩnh vực bán lẻ, xây dựng. Trong các tháng tiếp theo, ngành xây dựng, giao thông, thương mại bán buôn, ăn uống du lịch cũng được dự báo sẽ có sự phục hồi. Chỉ số PMI của Canada đã tăng liên tục từ tháng 12 đến nay, và đạt mức 52.4 điểm; đây cũng là mức cao nhất tính từ tháng 7/2022, cho thấy sự phục hồi các đơn hàng. Chỉ số lòng tin của các doanh nghiệp nhỏ CFIB đã cao lên mức 55.3 điểm trong tháng 3/2023 từ mức 51.5 hồi tháng 2 (đây là mức cao nhất trong 9 tháng qua). Từ các dấu hiệu này, các chuyên gia ngân hàng đã nhận định tăng trưởng kinh tế Quý 1/2023 của Canada có thể đạt 2.5 đến 3% (cao hơn dự báo trước đó của Ngân hàng trung ương Canada là 0.5%).
Tỷ lệ thất nghiệp tháng 2/2023 chỉ là 5%, là mức thấp kỷ lục tính từ 1976. Nền kinh tế Canada đã tạo ra 21,8 nghìn việc làm vào tháng 2 năm 2023, nhiều hơn kỳ vọng của thị trường. Việc làm tăng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và trợ giúp xã hội (+15.000; +0,6%), hành chính công (+10.000; +0,9%) và tiện ích (+7.500; +5,0%). Mặc dù vậy, lĩnh vực kinh doanh, xây dựng và các dịch vụ hỗ trợ khác vẫn chứng kiến sự sụt giảm (-11.000; -1,5%). Lương tối thiểu sẽ dự kiến tăng từ 15.55 CAD/giờ lên 16.65 CAD/giờ kể từ tháng 4/2023.
Lạm phát ghi nhận cuối tháng 2.2023 là 5.2% và đã giảm đáng kể so với mức cao điểm ghi nhận tháng 6/2022 là 8.1%. Mặc dù mức lạm phát này thấp hơn nhiều nước G7 nhưng giữ ở mức khá cao, nhất là trong các lĩnh vực thực phẩm, nhà ở và năng lượng. Theo số liệu mới nhất, lạm phát trong lĩnh vực thực phẩm đã kéo được xuống dưới mức 2 chữ số (hiện là 9.7%). Tuy nhiên, một số sản phẩm vẫn giữ mức tăng cao, ví dụ: ngũ cốc (+14,8%), đường và bánh kẹo (+6,0%) và cá, hải sản và các sản phẩm biển khác (+7,4%), nước ép trái cây tăng 15,7% … Nguyên nhân tiếp tục gây áp lực tăng giá hàng tạp hóa là do nguồn cung hạn chế trong bối cảnh thời tiết không thuận lợi ở các khu vực đang phát triển, cũng như chi phí đầu vào cao hơn như thức ăn chăn nuôi, năng lượng và vật liệu đóng gói .
Mặc dù Ngân hàng trung ương Canada không điều chỉnh lãi suất tăng trong kỳ xem xét chính sách tài khoá gần đây nhưng nếu lãi suất toàn cầu vẫn giữ ở mức cao, Canada khó có khả năng hạ lãi suất. Việc neo lại suất ở mức cao 4.5% hiện nay sẽ tiếp tục làm suy yếu các hoạt động đầu tư kinh doanh của nước này. (Hiện nay, dự báo của Bloomberg là Canada có thể còn tăng mức lãi suất lến đến 4.75% nếu Hoa Kỳ giữ mức 5% và sẽ giảm dần trong các Quý tiếp theo của năm 2023 và xuống 3% vào 12/2024) . Ngoài ra, dù Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland tuyên bố hệ thống ngân hàng của Canada ổn định và linh hoạt, tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng ít nhất vụ sụp đổ này sẽ làm các ngân hàng Canada thận trọng hơn trong việc cho vay, gây ra thắt chặt số tiêu chuẩn cho vay ngân hàng khiến nền kinh tế có thể chậm lại, tốc độ tài trợ và đầu tư vào các công ty khởi nghiệp sẽ chậm lại đáng kể.
Đến ngày 28/3/2023, Canada mới vừa công bố báo cáo tình trạng doanh nghiệp tháng 12/2022. Theo báo cáo mới nhất này, kể từ tháng 6/2022, số doanh nghiệp còn hoạt động của Canada giảm nhẹ 0.3% với khoảng trên 2000 doanh nghiệp đóng cửa. Tỷ lệ thành lập doanh nghiệp thành lập mới hoặc hoạt động trở lại (4.5%) thấp hơn tỷ lệ doanh nghiệp đóng cửa (4.6%). Các doanh nghiệp đóng cửa chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, dịch vụ nghề nghiệp và dịch vụ lưu trú. Các doanh nghiệp tiếp tục đánh giá: đứt gẫy chuỗi cung ứng, lạm phát, chi phí vận tải, đầu vào và lao động cao là những thách thức lớn của các doanh nghiệp. Kết quả thăm dò lòng tin doanh nghiệp do Ngân hàng trung ương Canada thực hiện cho thấy chỉ số Quý 4/2022 là thấp nhất tính trung bình trong 10 năm gần đây. Chỉ số lòng tin doanh nghiệp do Ivey thực hiện cũng cho thấy mức giảm mạnh trong tháng 2 so với tháng 1; từ 60.1 xuống 51.6. Chỉ số tạo việc làm mới trong tháng 2 cũng giảm so với tháng 1 (59.4 vs. 60.5) trong khi chỉ số hàng tồn kho lại tăng (53.7 vs. 52.7). Chỉ số lòng tin kinh doanh của Ivey dự báo sẽ còn tụt xuống mức 49 điểm trong tháng 3/2023.
Lòng tin tiêu dùng của Canada cũng tiếp tục suy giảm, số liệu ghi nhận của Liên đoàn doanh nghiệp độc lập Canada trong tháng 2/2023 là 52 điểm, thấp gần như những mốc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á 2009 hay đại dịch Covid 2020. Theo mô hình đánh giá của Viện Kinh tế thương mại toàn cầu sẽ còn tụt xuống 45 điểm vào cuối Quý 1/2023. Chỉ số bán lẻ của Canada đã tụt xuống -2.8%, là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2022, nhất là trong các lĩnh vực thực phẩm, đồ uống. Tương tự như vậy, chỉ số bán buôn cũng giảm -1.6%, ngoài thực phẩm đồ uống, còn trong cả các lĩnh vực mặt hàng như vật liệu xây dựng, đồ gia dụng.

2. Tình hình thương mại Canada và quan hệ kinh tế – thương mại Việt Nam-Canada:

Đến nay, Canada mới công bố số liệu thương mại tháng 1/2023, theo đó Canada tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu khá cao so với cùng kỳ năm 2022, đạt 10.4%, với tổng kim ngạch 47.9 tỷ USD; trong khi vẫn duy trì mức tăng trưởng nhập khẩu ổn định là 12.5%, với tổng kim ngạch 43.3 tỷ USD. Canada vẫn ghi nhận mức thặng dư là 4.6 tỷ USD. Nếu so với tháng liền kề trước đó, mức tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt là 4.2% và 3.1%.
Xuất khẩu của Canada tăng trong hầu hết các lĩnh vực ngành hàng từ nông nghiệp, thuỷ sản, thực phẩm chế biến, cho đến ô tô và phụ tùng, sắt thép, trừ cá sản phẩm năng lượng. Đặc biệt xuất khẩu nông sản và thuỷ sản của Canada có mức tăng tới 11.9% so với tháng liền kề trước đó. Nếu so với cùng kỳ năm trước, một số sản phẩm của Canada có mức tăng đột biến như: ngũ cốc (113%); các loại hạt lấy dầu (39.9%); dầu ăn (67.9%). Xuất khẩu ô tô và phụ tùng của Canada cũng đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2019. Xuất khẩu máy móc, phụ kiện hàng không và các kim loại quý của Canada cũng tăng đột biến. Mặc dù vậy, xuất khẩu năng lượng của Canada trong tháng 1/2023 lại có xu hướng giảm so với các tháng liền kề trước đó.
Về nhập khẩu, hầu hết các lĩnh vực ngành hàng của Canada vẫn giữ tốc độ tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022, trừ các mặt hàng: nhựa, kim loại quý, dược phẩm, đồ chơi, sắt thép và hoá chất. So với cùng kỳ năm 2022, các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như quần áo, điện tử, điện máy, sắt thép thành phẩm vẫn giữ mức tăng trưởng nhập khẩu cao. Canada đặc biệt nhập khẩu mạnh động cơ xe và các phụ kiện xe hơi, xe tải. Sản phẩm quang học như thiết bị nghe nhìn, máy ảnh cũng có mức tăng trưởng cao. Đáng lưu ý là nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng bắt đầu có sự phục hồi trong tháng 1, sau 3 tháng sụt giảm liên tục.
Các đối tác nhập khẩu chủ yếu của Canada không có sự thay đổi. Việt Nam vẫn đứng ở vị trí thứ 7 trong các đối tác lớn của Canada; tuy nhiên, Ý đã vượt Hàn Quốc vươn lên vị trí thứ 6. Trong nhóm các đối tác chủ yếu của Canada, Việt Nam giữ tốc độ tăng trưởng trung bình cao cùng với Nhật Bản, Mexico (20.1% so với cùng kỳ 2022); riêng Ý, Đức, Anh ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc vào Canada (từ 25% trở lên).
Đối tác xuất khẩu chính của Canada vẫn là Hoa Kỳ, chiếm 76% xuất khẩu của Canada. Các đối tác xuất khẩu khác của Canada như Trung Quốc, Anh, Nhật Bản chiếm giá trị không đáng kể (dưới 9% tổng xuất khẩu của Canada). Trung Quốc nhập khẩu trở lại nhiều sản phẩm của Canada: hạt có dầu, than sản phẩm năng lượng; Anh nhập khẩu vàng và Đức nhập khẩu máy bay, dầu thô nên đẩy tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào các địa bàn này lên cao. Canada ghi nhận thặng dư chủ yếu với Hoa Kỳ, lên đến 7 tỷ USD.
Trước tình hình kinh tế Canada có những diễn biến bất định như vậy, kim ngạch 2 chiều giữa Việt Nam và Canada cũng có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại so với năm 2022. Mặc dù vậy, theo số liệu theo dõi tại địa bàn từ nguồn của Cơ quan thống kê Canada (hết tháng 1/2023), kim ngạch 2 chiều giữa 2 nước vẫn tăng trưởng 20.1 so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt gần 760 triệu CAD; so với cùng kỳ năm trước chỉ là 632 triệu. Trong khi xuất khẩu sang địa bàn tăng mạnh, nhập khẩu từ Canada có dấu hiệu suy giảm rõ rệt. Tính đến nay, tổng giá trị nhập khẩu từ Canada chỉ đạt 29 triệu CAD, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái đạt 62 triệu CAD (tức là giảm khoảng 52.7%). Tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào Canada trong tháng 1/2023 cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu của Canada từ các nước trên thế giới (12.5%) và cao hơn tất cả các quốc gia ASEAN khác như: Indonesia, Malaysia, Thái Lan… (Thái Lan ghi nhận giá trị xuất khẩu giảm). Việt Nam tiếp tục đứng thứ 7/10 đối tác thương mại hàng đầu của Canada. Xu hướng nhập khẩu của Canada cũng thể hiện rõ định hướng “friendshoring” trong chiến lược đối ngoại của Canada, theo đó, Canada tiếp tục ưu tiên nhập khẩu từ các đối tác đồng minh (với mức tăng trưởng đột biến từ Đức, Ý, Nhật, trung bình từ 25% trở lên) và giảm nhập khẩu từ Trung Quốc (mức tăng trưởng nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ bằng một nửa tốc độ tăng trưởng nhập khẩu bình quân của top 10 đối tác chủ yếu của Canada, tức 6.5%).

Các nhóm ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Canada:
Tính từ đầu năm đến nay, top 10 nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada vẫn giữ được mức tăng trưởng kim ngạch hai chữ số (trừ thuỷ sản giảm 26.3% và gỗ nội thất, lò phản ứng, nồi hơi chỉ tăng nhẹ lần lượt là 8.6% và 0.2%): điện tử, điện thoại di động tăng 40.8%; da giày tăng 122.5%; quần áo dệt kim tăng 10.4%; quần áo không dệt kim tăng 30%%; , các sản phẩm từ da tăng 110.8%; đồ chơi và đồ thể thao tăng 26.1%; ô tô và phụ tùng xe tăng 80.7%. Tuy nhiên, một số mặt hàng xuất khẩu bắtt đầu ghi nhận mức suy giảm như các loại hạt giảm 47.2%; sản phẩm nhựa giảm 15.7%; cao su và các sản phẩm từ cao su giảm 10.50%… thủy sản chế biến giảm 4.5% các sản phẩm từ sắt thép giảm 84%; các sản phẩm từ nhôm giảm 51.8%, so với cùng kỳ năm trước.

TS. Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn