Thị trường rau quả tươi và chế biến Canada – đặc điểm và quy mô

11080

Canada có khí hậu khắc nghiệt với mùa đông kéo dài và lạnh giá nên phụ thuộc khá nhiều vào việc nhập khẩu rau quả từ thế giới[1] (Canada chỉ tự túc được khoảng 35% nhu cầu nội địa). Năm 2022, Canada nhập khẩu 9.3 tỷ USD các sản phẩm rau quả tươi (mã HS 07 và 08) và 2.7 tỷ USD các sản phẩm rau quả chế biến (mã HS 20).

Nhập khẩu rau củ quả tươi và rau củ quả chế biến của Canada có xu hướng tăng nhẹ qua các năm; cụ thể trong kỳ nghiên cứu 2018-2022, mức tăng lần lượt là: 18% (rau củ); 17% (trái cây và hạt) và 17% (rau củ chế biến). Xu hướng nhập khẩu gia tăng này một phần là do sự gia tăng nhu cầu tự nhiên từ cơ cấu dân số (dân số Canada năm 2023 đạt 39.5 triệu và với chính sách nhập cư hiện nay, dự kiến sẽ đạt 100 triệu vào năm 2050); một phần là do sự nhận thức về vai trò của rau củ quả trong chế độ ăn uống và chăm sóc sức khoẻ. Tuy nhiên, mức tăng này có xu hướng chậm lại rõ rệt trong năm 2022; giá trị nhập khẩu tăng năm 2022 chủ yếu do yếu tố giá chứ không do yếu tố lượng nhập khẩu. Do tác động của lạm phát và tăng chi phí vận chuyển (rau củ tăng 13.7%, trái cây tăng 10.9%, rau đóng hộp tăng 13.8% so với năm 2021[2]), cũng làm giảm về lượng tiêu dùng đối với các mặt hàng rau củ quả. Giữa các tỉnh bang cũng có sự khác biệt về xu hướng tiêu dùng: người dân Quebec, Sakaschewan và Bristish Colombia tiêu thụ nhiều rau trái trung bình hơn người dân ở các tỉnh bang Newfoundland, New Brunswich, Prince Edward…

Đối với trái cây, Báo cáo của Cơ quan hỗ trợ thương mại Canada TFO[3] cho thấy, về tổng lượng tiêu thụ theo giá trị tuyệt đối, năm 2021, trung bình mỗi người Canada chỉ tiêu thụ 89.95kg, ít hơn 1.61% so với năm 2017. Tuy nhiên, người Canada có mức  tăng tiêu thụ (kg/trên đầu người) trong giai đoạn 2017-2021 đối với một số loại trái cây mà Việt Nam có thế mạnh như: ổi và xoài (19.8%); đu đủ (20%); các loại dưa (12%); trái cây nhiệt đới khác (21.7%), chanh/bưởi (11%). Ngoài ra, nhập khẩu trái bơ tươi của Canada còn tăng mạnh với tốc độ lên đến 134% giai đoạn 2012-2022… Đây là những trái cây Việt Nam vẫn còn có thế mạnh tương đối so với các nước Nam Mỹ về giá. Đặc biệt, Việt Nam vẫn có danh tiếng ở địa bàn về sản phẩm thanh long, bưởi, và gần đây là sầu riêng, nhãn, khế, chanh leo vàng/đỏ. Một số sản phẩm Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với các nước sở tại có thể kể đến: vải, chôm chôm, măng cụt, na, mãng cầu xiêm, chuối, mít.

Về rau tươi, xu hướng tiêu thụ của Canada tăng trở lại sau Covid (10.8% năm 2022 so với 2021). Tuy nhiên, các sản phẩm mà Canada tăng nhập đều là những sản phẩm Việt Nam không có thế mạnh hoặc không trồng được: rau xà lách, măng tây, cà chua, súp lơ, cải bruxelles, ớt chuông, khoai tây, cà rốt, rau có lá họ cải, nấm, đậu… Nhìn chung, tăng trưởng kim ngạch sản phẩm mã HS 07 của Việt Nam sang Canada trong những năm tới chủ yếu sẽ ở nhóm rau đông lạnh, rau nấm khô và các loại rau củ có thể đi đường biển. Các loại rau gia vị, hành tỏi và khoai sắn sẽ dần bị mất thị trường do có các đối thủ cạnh tranh Nam Mỹ có khả năng cung cấp thay thế với giá rẻ hơn.

Canada chủ yếu nhập khẩu rau củ từ Hoa Kỳ và Mexico, với thị phần chiếm đến 85% năm 2022 (năm 2018, thị phần của hai nước này là 86%). 8/10 nước xuất khẩu nhiều rau củ vào Canada lần lượt là: Trung Quốc, Guatemala, Ấn Độ, Tây Ba Nha, Peru, Honduras, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ[4]. Quy mô thị trường rau củ của Canada năm 2022 là 3.7 tỷ USD và có xu hướng tăng đều qua các năm.

Đối với sản phẩm trái cây, Hoa Kỳ và Mexico cũng là hai nước nắm vị trí thống lĩnh tại Canada với thị phần lên đến 57% trong năm 2022. Ngoài lợi thế có Hiệp định thương mại tự do với Canada và có khoảng cách địa lý gần giúp tăng đáng kể sức cạnh tranh so với các quốc gia khác, Hoa Kỳ và Mexico có đặc điểm khí hậu khác biệt với thời vụ thu hoạch của Canada. Hai nước này nhờ quan hệ thương mại lâu đời với Canada, nên đã hình thành được mạng lưới bạn hàng, mạng lưới cung ứng và phân phối tối ưu. Bên cạnh đó, nhờ hiểu thị trường, Hoa Kỳ và Mexico còn đáp ứng tốt các quy định về bao bì, đóng góí, với công nghệ marketing phù hợp. Đặc biệt với khí hậu nhiệt đới, Mexico có nhiều loại trái cây đa dạng, có khả năng cung cấp ổn định quanh năm. Quy mô thị trường trái cây và hạt của Canada năm 2022 là 5.6 tỷ USD.

Đối với sản phẩm rau củ quả chế biến, Hoa Kỳ cũng là nước có vị trí thống lĩnh với thị phần lên đến trên 55%. Đứng sau Hoa Kỳ là Trung Quốc với thị phần 6%. 8/10 nước xuất khẩu chủ yếu mã HS 20 vào địa bàn trong năm 2022 là: Brazil, Thái Lan, Mexico, Ý, Tây Ba Nha, Hy Lạp, Việt Nam và Ấn Độ.

Canada hiện có 38.83 triệu dân trong đó khoảng 10 triệu người tiêu dùng Canada là ở độ tuổi 17-37 – độ tuổi tiêu dùng nhiều nhất. Canada có lượng nhập cư dự đoán ổn định ở mức 400.000 người năm để đạt quy mô dân số 100 triệu người vào năm 2100. Thống kê của Canada cũng cho thấy khoảng 48% số người nhập cư mới có nguồn gốc từ châu Á. Theo số liệu điều tra mới đây, 20.2% dân số Canada tức khoảng 8 triệu người đến từ châu Á (2021); trong đó số lượng người có nguồn gốc từ Đông Á và Đông Nam Á ước tính khoảng 57%. Lượng dân nhập cư cao hàng năm là nguồn khách hàng tiêu thụ tiềm năng ổn định và có thể dự báo. Kiều bào gốc Việt ước tính lên đến 300.000 và ngày càng tăng qua các năm do lượng sinh viên và nhập cư mới. Cùng với người tiêu dùng từ Đông Á và Đông Nam Á, kiều bào là đối tượng khách hàng đảm bảo cho nhu cầu rau củ quả đặc sản từ Việt Nam có khả năng tăng trưởng ổn định.

Các đối tượng tiêu dùng rau củ quả đặc sản châu Á sống tập trung ở các tỉnh bang Ontario, Bristish Colombia và Quebec. Đây cũng là nơi có mạng lưới các chuỗi siêu thị châu Á và của người Việt phát triển, giúp việc vận chuyển, phân phối các sản phẩm rau củ quả Việt Nam tương đối thuận lợi.

Canada là nước có tiêu chuẩn cao và việc đảm bảo các quy định tiêu chuẩn là điều kiện tất yếu để thâm nhập thị trường. Ngoài yếu tố an toàn, chất lượng, người dân Canada khá để ý đến vấn đề giá; cũng theo nghiên cứu trên, có tới 39.5% người dân Canada không mua rau và trái cây tươi do giá quá cao. Mặc dù vậy, đây vẫn là thị trường có tốc độ tăng trưởng nhập khẩu các mặt hàng rau củ quả cao và ổn định. Với trình độ dân trí cao, người dân Canada ngày càng quan tâm đến lượng tiêu thụ rau củ quả trong chế độ dinh dưỡng và cũng quan tâm đến đa dạng hoá các loại rau củ quả trong bữa ăn, đặc biệt, các loại rau trái đặc sản từ châu Á và các loại rau củ quả có lượng calo cao và chứa nhiều vitamin hữu ích.

Theo nghiên cứu mới đây của Đại học Daihousie[5], Canada, quyết định tiêu dùng rau củ quả của người Canada dựa vào các yếu tố: cảm giác hấp dẫn, tính bổ dưỡng cho sức khoẻ, tính thuận lợi chế biến và giá cả. Cũng theo nghiên cứu này, người tiêu dùng Canada ưa chuộng rau quả nội địa hơn vì tin rằng có chất lượng và độ tươi ngon hơn; rau quả tươi vẫn được ưa chuộng hơn rau quả chế biến (đông lạnh hoặc đóng hộp). Theo nghiên cứu này, sự lựa chọn của người tiêu dùng Canada đối với sản phẩm rau củ quả bị ảnh hưởng khá nhiều bởi các trang dậy nấu ăn chứ không phải các khuyến nghị của cơ quan y tế và thực phẩm. Người nổi tiếng (celbrities/KOLs) cũng có ảnh hưởng khá lớn đến sự lựa chọn tiêu dùng của người dân. Do lạm phát cao, đặc biệt lạm phát trong lĩnh vực thực phẩm đứng ở mức cao trong suốt năm 2022-2023, yếu tố giá cũng là một trong những tiêu chí lựa chọn của người tiêu dùng Canada.

Theo Báo cáo đã dẫn của TFO, một số xu hướng sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ và nhập khẩu rau củ quả ở Canada bao gồm: 1. Nỗ lực đạt phát thải carbon bằng không vào năm 2050 buộc các doanh nghiệp nhập khẩu và bán lẻ phải tuân thủ các quy định về giảm dấu chân carbon, quay về với các thị trường gần; 2. Xu hướng đóng sẵn rau và trái cây đã làm sạch/bổ sẵn/chia bữa để thuận tiện ăn/chế biến; 3. Xu hướng tiêu thụ các rau củ quả trồng trọt theo phương thức truyền thống, organic…; 4. Xu hướng mua các sản phẩm có nguồn gốc thương mại công bằng; Xu hướng ưu tiên mua sản phẩm sản xuất tại Canada (bản thân chính phủ Canada cũng khuyến khích ưu tiên tiêu dùng nội địa để đảm bảo an ninh lương thực). 5. Cấu trúc dân số già hoá và tốc độ tăng dân nhập cư của Canada khiến lượng tiêu thị rau củ quả sẽ tăng thêm; 6. Vai trò của các Hiệp định thương mại tự do giúp định hướng các nhà nhập khẩu tìm nguồn cung.

TS. Quỳnh Trần, Tham tán Thương mại 

[1] Tuy nhiên, Canada đồng thời cũng là nước xuất khẩu rau củ quả quan trọng, với tổng kim ngạch xuất khẩu bnăm 2022 lần lượt là: 0.9 tỷ trái cây; 6.2 tỷ rau củ và 2.8 tỷ USD rau củ quả chế biến.

[2] https://www150.statcan.gc.ca/t1/tbl1/en/tv.action?pid=1810000403&pickMembers%5B0%5D=1.26&cubeTimeFrame.startMonth=09&cubeTimeFrame.startYear=2022&referencePeriods=20220901,20220901

[3] Cơ quan hỗ trợ thúc đẩy thương mại Canada: Fresh fruit and vegetables 2023, https://tfocanada.ca/wp-content/uploads/2023/03/E2C-March-2023-A-4.pdf

[4] Các số liệu trong bài do tác giả tổng hợp từ: https://www.ic.gc.ca/app/scr/tdst/tdo/crtr.html?reportType=TI&grouped=GROUPED&searchType=All&timePeriod=2%7cYear+To+Date&currency=US&areaCodes=525%7c548%7c556%7c549%7c545%7c567%7c524%7c583%7c586%7c528&naArea=9999&countryList=specific&productType=HS6&toFromCountry=CDN&changeCriteria=true

[5] Đại học Daihousie: Taking stock of fruit and vegetable consumption in Canada, trends and challenges: https://www.mdpi.com/2674-0311/2/1/2

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn