Thị trường điện thoại di động Canada và xuất khẩu của Việt Nam

46902

Canada là một thị trường tiêu thụ điện thoại di động khá lớn. Hàng năm, Canada nhập khẩu trung bình từ 5.5-6.5 tỷ USD[1]; thị trường có nhu cầu nhập khẩu ổn định và có mức tăng trưởng doanh số mỗi năm khoảng 1.2%. Mặc dù vậy, tỷ lệ sở hữu điện thoại trên đầu người của Canada không quá cao: 0.3/người, có nghĩa là hiện nay, Canada mới có khoảng 12.6 triệu máy do cước phí điện thoại di động và dữ liệu di động ở Canada vào loại cao nhất thế giới – là rào cản tiêu dùng điện thoại di động ở đây. Hiện nay ở Canada có 86% hộ gia đình Canada sở hữu ít nhất 1 máy điện thoại di động. Điều tra cho thấy 70% chủ thuê bao di động Canada sử dụng dữ liệu di động thường xuyên và 42% sử dụng điện thoại để truy cập các mạng xã hội. 95% thanh niên thế hệ 2000s sở hữu điện thoại di động. Đây là cơ sở để ước tính nhu cầu sở hữu điện thoại di động sẽ tăng lên trong vòng 5 năm tới với mức tăng trưởng số lượng máy khoảng 5.1%/năm. Dự kiến, đến năm 2025 sẽ có 33 triệu người thuê bao di động và đến năm 2027, Canada sẽ có trên 14 triệu máy điện thoại di động

 

Hiện nay thị phần điện thoại di động lớn nhất thuộc về Apple với 58.5%. Sámung đứng thứ hai với 28.5%. Đứng thứ ba là Google với 3%; các thương hiệu khác như LG, Huawei, Motorola có thị phần không đáng kể, cộng gộp khoảng 5%. Thị phần của Apple không ngừng tăng lên qua các năm (năm 2020 mới có 53%) do thế hệ trẻ Canada ưa chuộng Apple hơn hẳn các thương hiệu khác (62% thanh niên thế hệ 2000s sở hữu Apple). Dự báo, hai thương hiệu này sẽ thống trị và lấn dần thị phần của các thương hiệu khác, đặc biệt là của Huawei.

 

Số liệu nhập khẩu điện thoại di động của Canada (mã HS 851712)
  2017 2018 2019 2020 2021 %
Việt Nam 446,076 482,842 544,372 457,295 542,803 12
Các nước 2,000,471 2,036,025 1,955,808 1,364,876 1,593,277 -21
Tổng nhu cầu nhập khẩu 2,446,547 2,518,866 2,500,180 1,822,171 2,136,080 -15

 

 

Thị trường nhập khẩu điện thoại di động của Canada khá tập trung, với 10 đối tác chính chiếm trên 99% thị phần. Mười đối tác xuất khẩu điện thoại di động nhiều nhất vào Canada năm 2021 lần lượt là: Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc,  Hoa Kỳ, Hongkong, Thái Lan, Tây Ba Nha, Đài Loan, Mexico, Anh. Năm 2018, Trung Quốc chiếm tới 81% thị phần điện thoại di động của Canada, trong khi đó Việt Nam đứng thứ ba chỉ chiếm 7%, sau Hàn Quốc (10%). Do Hàn Quốc đã chuyển dịch gần như toàn bộ chuỗi sản xuất Sámsung sang Việt Nam để tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ và mạng lưới các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam, vì vậy, đến 2021, thị phần của Việt Nam tại địa bàn đã tăng lên 17%, trong khi của Trung Quốc giảm xuống còn 79%, và của Hàn Quốc giảm xuống còn 2%. 7 nước khác xuất khẩu vào Canada không đáng kể.

Xét giá trị tuyệt đối, năm 2021, Trung Quốc là nước xuất khẩu nhiều nhất vào Canada, với gần 5 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ hai với 1.068 tỷ USD. Hiện nay, điện thoại di động là sản phẩm xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam vào Canada. Cần lưu ý là cách đây 10 năm, Việt Nam chưa từng xuất khẩu mặt hàng này vào Canada, đến năm 2014, giá trị xuất khẩu mới là 47 triệu USD và năm 2018 là 432 triệu đô. Tính trong giai đoạn 2018-2022, tốc độ tăng trưởng kim ngạch mặt hàng đạt 147%. Dự báo năm 2022, kim ngạch điện thoại di động sang địa bàn sẽ ở mức quanh 8%, ước tính cả năm kim ngạch xuất khẩu vào Canada sẽ đạt 1.15 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch và thị phần điện thoại di động của Việt Nam tại Canada cho thấy hiệu ứng tích cực của hiệp định CPTPP mang lại.

Về tiềm năng, thị trường điện thoại di động Canada là thị trường có nhu cầu tăng ổn định. Khi chi phí thuê bao và dữ liệu rẻ hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ điện thoại di động ở thị trường này chắc chắn sẽ còn tăng đột biến. Mặc dù người dân Canada ưa chuộng các sản phẩm của Apple hơn hẳn Samsung, có thể thị phần xuất khẩu của Việt Nam trong mảng di động tại địa bàn sẽ khó cạnh tranh thêm với Trung Quốc nhưng chắc chắn, kim ngạch xuất khẩu điện thoại di động của Việt Nam sang Canada sẽ vẫn giữ vững mốc trên 1 tỷ USD.

Điện thoại di động đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tại Canada, chiếm gần 14% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn (theo số liệu sở tại). Tuy nhiên, đây là mặt hàng gia công cho thương hiệu nước ngoài, phụ thuộc hoàn toàn vào chiến lược sản xuất và đầu tư của nhà đầu tư FDI. Nếu Việt Nam thu hút được Apple chuyển dịch một phần chuỗi sản xuất từ Trung Quốc, triển vọng gia tăng kim ngạch và thị phần của Việt Nam sẽ là chắc chắn. Ngược lại, nếu các lợi thế níu giữ đầu tư không còn, khiến các nhà đầu tư FDI chuyển dịch chuỗi sản xuất đi nơi khác, Việt Nam sẽ mất đi mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao. Vì vậy, chúng ta cần phải có chiến lược chuẩn bị để xây dựng hệ sinh thái sản xuất hỗ trợ cho lĩnh vực điện thoại di động, từ phần mềm trò chơi cho đến các phụ tùng, phụ kiện đi theo điện thoại. Nghiên cứu ở Canada cho thấy, giới trẻ sử dụng điện thoại di động Apple thường mua ít nhất 5-8 phụ kiện điện thoại kèm theo. Đây là thị trường mà các doanh nghiệp nội địa Việt Nam hoàn toàn có năng lực tham gia. Bên cạnh đó, Việt Nam cần cải thiện năng lực và chất lượng, kỷ luật lao động; nâng cao năng lực liên kết và tham gia chuỗi cung ứng FDI về mặt công nghệ và cung ứng linh kiện để đảm bảo giữ chân các nhà đầu tư, đồng thời hưởng lợi nhiều hơn trong giá trị xuất khẩu.

TS. Quỳnh Trần, Tham tán Thương mại 

[1] Số liệu tổng hợp và tính toán từ: https://ised-isde.canada.ca/site/trade-data-online/en.

 

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn