Ra mắt “Gian hàng Việt trực tuyến”- nơi hội tụ các thương hiệu Việt uy tín

20439

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, mặc dù dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp trên thế giới nhưng cùng với việc Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh và quyết tâm của Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng đầu năm 2020 đạt 4.123 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước; Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 229,27 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 59,9%). Tính chung 10 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu kỷ lục 18,72 tỷ USD.

Để đạt được những kết quả nêu trên, Đảng, Chính phủ đã có rất nhiều chính sách, chỉ đạo hết sức hiệu quả, kịp thời, cụ thể như: Kết luận số 77-KL/TW ngày 5 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước, cụ thể: ngày 03 tháng 6 năm 2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1457/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới phòng, chống dịch Covid-19; phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa năm 2020 từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 đến ngày 31 tháng 12 năm 2020, thông qua tổ chức các hoạt động trọng tâm, trọng điểm như: Tổ chức “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2020 – Vietnam Grand Sale 2020” trên phạm vi toàn quốc; Tổ chức các hoạt động kết nối trực tiếp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, kích cầu tiêu dùng giữa đơn vị sản xuất với nhà phân phối và người tiêu dùng…Các hoạt động nêu trên đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia của các địa phương, doanh nghiệp đặc biệt là sự tham gia tích cực của Thành phố Hà Nội.

Sự kiện ngày hôm nay cùng với Chương trình tháng khuyến mại tập trung Thành phố Hà Nội hiện đang được tổ chức một lần nữa thể hiện sự tích cực, đồng hành của Thành phố Hà Nội cùng với Bộ Công Thương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên.

Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu giữa Thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2020 là một hoạt động thường niên được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức trong 5 năm trở lại đây. Đây là hoạt động thường niên hết sức có ý nghĩa trong việc chủ động tạo nguồn hàng ổn định, đảm bảo cung – cầu của thị trường Hà Nội, góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa, bình ổn thị trường, đặc biệt trong các tháng cuối năm và phục vụ Tết Nguyên Đán; tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, phân phối của Hà Nội và các tỉnh, thành phố gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường. Đặc biệt trong năm 2020, Hội nghị là hoạt động hết sức thiết thực để thực hiện nhiệm vụ kích cầu tiêu dùng nội địa và nằm trong Chương trình phối hợp giữa Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương với Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội.

Hơn 400 doanh nghiệp sản xuất của gần 60 tỉnh, thành phố trong cả nước, hơn 100 đơn vị phân phối, siêu thị, chuỗi cửa hàng và lãnh đạo sở, ban, ngành có liên quan của gần 40 địa phương đã tham dự “Hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố” và chuỗi sự kiện “Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam” năm 2020.

Thông qua Hội nghị này, Bộ Công Thương kỳ vọng Thành phố Hà Nội tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong những năm qua về công tác kết nối cung- cầu và bình ổn thị trường, mặt khác thông qua Hội nghị, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội trong việc kết nối sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm Việt Nam có chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng hướng tới tiêu dùng xanh vào các hệ thống bán lẻ. Các nhà quản lý, lãnh đạo các cấp, ngành và địa phương có cơ hội lắng nghe, trao đổi, thảo luận, truyền đạt kinh nghiệm và có những đề xuất, giải pháp hữu ích, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định, Bộ luôn ủng hộ và sẵn sàng đồng hành cùng các địa phương trong công tác kết nối cung cầu, nhằm hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp, của các hợp tác xã, hộ nông dân thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước, qua đó cùng các địa phương đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước, cũng như thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ.

Diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị, “Gian hàng Việt trực tuyến” được tổ chức nhằm triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020. Chương trình do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với một số sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam triển khai xây dựng đã chính thức được vận hành. “Gian hàng Việt trực tuyến” trên Sàn thương mại điện tử là nơi tập hợp các hàng hoá chất lượng của Việt Nam, các thương hiệu Việt Nam uy tín hoặc những sản phẩm của các doanh nghiệp địa phương, được thiết kế chia theo các lĩnh vực như nông nghiệp, vật tư nông nghiệp, công nghiệp, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, thủ công mỹ nghệ, hàng OCOOP, thực phẩm, đồ gia dụng, mỹ phẩm, đặc sản địa phương… để thực hiện phân phối trên các Sàn thương mại điện tử uy tín tại Việt Nam. Chương trình được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương chủ trì tổ chức với sự hỗ trợ trực tiếp của các Sàn thương mại điện tử, Đơn vị chuyển phát, Đơn vị thanh toán… với vai trò là đối tác hợp tác chiến lược.

“Gian hàng Việt trực tuyến” trước mắt sẽ triển khai trên 3 sàn thương mại điện tử lớn là Sendo, Voso (Viettel Post) và Tiki với mục tiêu tạo một sân chơi mới cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam phát triển hệ thống phân phối bằng các giải pháp chuyển đổi số, liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng hình thức thương mại điện tử và công nghệ số, kết nối thị trường trong nước, hướng tới sự phát triển bền vững, từ đó phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người tiêu dùng trong nước cũng như thúc đẩy tiêu dùng nội địa, hưởng ứng mạnh mẽ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tại hội thảo bên lề của Hội nghị với chủ đề “Thương mại đa kênh – Liên kết theo chuỗi giá trị, hướng tới phát triển bền vững”, các giải pháp “Kết nối không khoảng cách” có thể khẳng định cùng với kênh phân phối truyền thống đang phát huy rất tốt vai trò to lớn dẫn dắt thị trường nội địa hiện nay, “Gian hàng Việt trực tuyến” được cho là một điểm sáng mới, là kênh phân phối có hiệu quả tại thị trường nội địa giúp người tiêu dùng Việt Nam mua được hàng hóa với chất lượng đảm bảo, chi phí hợp lý, giải quyết triệt để câu chuyện “hàng giả, hàng nhái” trong giao dịch thương mại điện tử. 

“Gian hàng Việt trực tuyến” bắt đầu từng bước xây dựng, được kỳ vọng sẽ là một điểm đáng tin cậy mới cho người tiêu dùng trong cả nước trải nghiệm mua sắm hàng hóa Việt, sản phẩm các vùng miền địa phương trên các sàn thương mại điện tử, từng bước mở rộng thị phần của sản phẩm Việt Nam tới mọi miền đất nước thông qua phương thức phân phối hiện đại. 

Trong bối cảnh mới sau dịch Covid-19 vừa qua, xu hướng tiêu dùng trực tuyến đang ngày càng phổ biến và là xu hướng tất yếu của cuộc cách mạng 4.0, Chương trình này hy vọng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi và có cơ hội tiếp cận trở lại thị trường. Đặc biệt, các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như CPTTP, EVFTA, RCEP sẽ là động lực mới của nền kinh tế Việt Nam giai đoạn tới, mang đến nhiều cơ hội cùng với thách thức mới cho doanh nghiệp sản xuất Việt Nam, đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất Việt Nam phải cùng nhau đồng hành tạo nên một cộng đồng hàng Việt từ hệ thống các siêu thị lớn, siêu thị quy mô vừa và nhỏ, hệ thống chợ truyền thống, các hệ thống buôn và bán lẻ cho tới kênh phân phối hiện đại trên thương mại điện tử, cùng bắt tay nhau nỗ lực củng cố vị thế của mình và phát triển bền vững hơn nữa ở thị trường trong nước.

Các doanh nghiệp đăng ký tham gia phân phối hàng hoá trên “Gian hàng Việt” do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, các Sở, ban ngành Trung ương và địa phương, các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp Việt Nam… tổ chức sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ từ Bộ Công Thương, các Sàn thương mại điện tử cũng như các đối tác hợp tác của Chương trình. Các doanh nghiệp đăng ký tham gia phân phối sẽ trực tiếp được hỗ trợ, tư vấn từ đơn vị triển khai và Sàn thương mại điện tử.

Nguồn: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số
Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn