Thứ Tư, Tháng Một 22, 2025

Cổng thương mại và đầu tư vào Canada

(Trang tin của Thương vụ Việt Nam tại Canada)

Phát triển kinh tế số Việt Nam trong thời kỳ hậu COVID-19

17060

Trong những năm gần đây, Việt Nam không ngừng tìm kiếm động lực mới cho tăng trưởng. Trong đó, Việt Nam đã chủ động tiếp cận cơ hội từ kinh tế số (KTS) nói chung và thương mại điện tử nói riêng cho tăng trưởng kinh tế. Đại dịch COVID-19 càng khiến cho sự quan tâm của Chính phủ và doanh nghiệp đối với KTS mạnh mẽ hơn.

Ngày 25/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh tế số Việt Nam trong thời kì hậu COVID-19: Một số yêu cầu và lộ trình cải cách thể chế” trong khuôn khổ Chương trình Cải cách Kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tài trợ.

Hội thảo đã nhận định rằng, thế giới đang chứng kiến những chuyển biến nhanh như vũ bão của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 – xuất phát từ đột phá trên nhiều lĩnh vực, trong đó có làn sóng số hóa của lĩnh vực sản xuất. Nhận thức được tầm quan trọng đó, nhiều nước đã quan tâm và cụ thể hóa các ưu tiên phát triển KTS. Chẳng hạn, các lãnh đạo của G20 đã thông qua Tuyên bố Osaka vào tháng 6/2019 nhằm thúc đẩy sự phát triển của KTS. Ủy ban Kinh tế APEC đã thông qua báo cáo Chính sách kinh tế năm 2019, tập trung vào các nội dung cải cách cơ cấu nhằm phát triển KTS. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các nước càng đẩy nhanh tiếp cận và phát triển KTS, coi đây là một động lực quan trọng cho phục hồi kinh tế.

Với Việt Nam nói riêng, sự đứt gãy của không ít hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng truyền thống buộc các cơ quan, doanh nghiệp trong nước phải mạnh dạn hơn trong nghiên cứu, ứng dụng nền tảng số hóa trong các hoạt động quản lý, sản xuất – kinh doanh. Sự chuyển đổi số của nền kinh tế sẽ triệt để và có ý nghĩa nếu như chuyển đổi số của chính phủ và doanh nghiệp song hành với nhau. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế số phải đủ bao trùm đối với các địa bàn khó khăn và các nhóm yếu thế như phụ nữ, người dân ở khu vực miền núi.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam không ngừng tìm kiếm động lực mới cho tăng trưởng. Theo đó, Việt Nam đã chủ động tiếp cận cơ hội từ kỹ thuật số nói chung và thương mại điện tử nói riêng cho tăng trưởng kinh tế.

Dịch COVID-19 càng khiến cho sự quan tâm của Chính phủ và doanh nghiệp đối với kỹ thuật số mạnh mẽ hơn. “Sự chuyển đổi số của nền kinh tế sẽ triệt để và có ý nghĩa nếu như chuyển đổi số của chính phủ và doanh nghiệp song hành với nhau. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế số phải đủ bao trùm đối với các địa bàn khó khăn và các nhóm yếu thế như phụ nữ, người dân ở khu vực miền núi” – Viện trưởng Minh nhấn mạnh.

Ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, báo cáo “Phát triển kinh tế số Việt Nam trong thời kì hậu COVID-19: Một số yêu cầu và lộ trình cải cách thể chế” được thực hiện nhằm đánh giá những ưu tiên chính sách, triển khai thực thi và thực trạng phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Đồng thời, xác định những điều kiện và yêu cầu về cải cách thể chế nhằm phát triển bao trùm về kinh tế số và đề xuất lộ trình phát triển KTS ở Việt Nam…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng lắng nghe và phân tích, đánh giá cũng như thảo luận về chính sách và yêu cầu cải cách thể chế cho phát triển kinh tế số trong thời gian tới. Theo đó, khẳng định, Việt Nam đã thể hiện tinh thần cầu thị, ham học hỏi, nỗ lực tạo hành lang pháp lý thúc đẩy KTS phát triển. Quá trình hoạch định chính sách cũng như thực tiễn phát triển KTS của Việt Nam về cơ bản trong tư duy phát triển thể hiện sự nhất quán với kinh nghiệm quốc tế. Thứ nhất, hành lang chính sách phát triển KTS được xây dựng và hoàn thiện theo hướng mở, hỗ trợ doanh nghiệp. Thứ hai, Chính phủ nói riêng và khu vực kinh tế nhà nước nói chung đã giữ vai trò động lực quan trọng trong thúc đẩy phát triển KTS phát triển. Thứ ba, quyết tâm chuyển đổi số, cũng như tinh thần đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp được thể hiện khá rõ nét.

Cũng theo các đại biểu, hướng tới phát triển KTS trong thời gian tới, Việt Nam cần cân nhắc một số nhóm giải pháp gồm: bảo đảm môi trường an toàn, an ninh mạng song song với tạo thuận lợi cho KTS; hoàn thiện chính sách cạnh tranh đối với KTS; bổ sung, sửa đổi các quy định về thuế để điều chỉnh các hoạt động trên nền tảng số; tăng cường hiệu lực bảo hộ sở hữu trí tuệ, đặc biệt gắn với thực hiện các FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA); điều chỉnh các quy định liên quan đến thị trường lao động và an sinh xã hội trong bối cảnh số và phát triển hạ tầng số.

Ông Nguyễn Anh Dương trình bày Báo cáo tại Hội thảo (Ảnh: PV)

Đại biểu đến từ Viện chiến lược thông tin và truyền thông cho rằng, cần có những chính sách về dữ liệu mở, cho phép công chúng tiếp cận để khuyến khích phân tích, sáng tạo và phát triển các ứng dụng từ nguồn dữ liệu mở này. Thêm vào đó, công nghệ ứng dụng trong phát triển đô thị thông minh cần phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và có khả năng tương thích với các quốc gia khác để có thể chuyển tải dữ liệu giữa các nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập.

Trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số, rất nhiều các quan hệ lao động sẽ được định vị lại như quan hệ đối tác, quan hệ giữa chủ – người lao động. Đặc biệt, với sự tham gia của Việt Nam vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới hiện nay như CPTPP và EVFTA thì phải có sự thay đổi các quy định này để tạo điều kiện thuận lợi cho cả người sử dụng cũng như người lao động.

“Ngoài việc hưởng các chế độ thông thường, việc tham gia vào các thị trường lao động sẽ đảm bảo cho người lao động được nâng cao các kỹ năng công nghệ, góp phần vào thành công xây dựng nền kinh tế số ở Việt Nam” – ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp, CIEM cho biết./.

Hà Anh
Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn