Chủ Nhật, Tháng Mười Hai 22, 2024

Cổng thương mại và đầu tư vào Canada

(Trang tin của Thương vụ Việt Nam tại Canada)

M&A sẽ bùng nổ sau đại dịch

16310

Để làn sóng vốn ngoại chảy mạnh vào Việt Nam qua M&A, các chuyên gia nước ngoài cho rằng môi trường đầu tư cần tiếp tục được cải thiện hơn nữa.

Phát biểu tại Diễn đàn mua bán, sáp nhập (M&A) Việt Nam 2020 do Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào chiều 24-11 ở TP HCM, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đánh giá nhiều cải cách trong thủ tục gia nhập thị trường sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đầu tư, kinh doanh, trong đó có hoạt động M&A.

Sòng phẳng với nhà đầu tư nước ngoài

Cụ thể, trong năm 2020, bộ đã chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP) với nhiều cải cách trong thủ tục gia nhập thị trường. “Lần đầu tiên, danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ được Chính phủ ban hành theo nguyên tắc chọn – bỏ. Đây là cải cách quan trọng, giúp nhà đầu tư nước ngoài được quyền tiếp cận thị trường tương tự DN trong nước đối với toàn bộ ngành nghề, lĩnh vực không có tên trong danh sách trên” – Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang khẩn trương hoàn thiện chiến lược thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời kỳ mới, với mục tiêu là ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại… Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài cũng đã được thành lập để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, DN lớn đến đầu tư.

Việc Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa được ký kết sẽ mở ra thị trường mới với gần 30% dân số thế giới và chiếm khoảng 29,1% GDP toàn cầu; cùng với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ tạo thêm động lực cho tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng những yếu tố trên đang mở ra cơ hội mới cho hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm 2021, đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 trên toàn cầu được kiểm soát tốt hơn.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cũng đánh giá 3 luật mới cùng có hiệu lực từ đầu năm 2021 sẽ tác động tích cực tới hoạt động M&A ở Việt Nam. Đặc biệt, Luật Chứng khoán có hiệu lực với những quy định về nâng mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông; mở rộng quyền của nhà đầu tư nước ngoài. Như trước đây, quy định yêu cầu cổ đông phải sở hữu liên tục 6 tháng cổ phần mới đủ tiêu chí tham gia tái cấu trúc công ty, nay đã được gỡ bỏ… “Dưới tác động của dịch Covid-19, khẩu vị của nhà đầu tư M&A đang có sự thay đổi khi một số lĩnh vực mới nổi lên trong thu hút vốn ngoại như bán lẻ, y tế, giáo dục… Bởi, đại dịch khiến nhu cầu tiêu dùng những mặt hàng thiết yếu trở nên quan trọng và hiện rất nhiều nhà đầu tư đang muốn rót vốn vào” – ông Phan Đức Hiếu phân tích.

Ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham, nhận định nhà đầu tư EU đang rót vốn vào khu vực ASEAN khoảng 300 tỉ USD, trong đó Việt Nam chiếm 10% tổng số vốn này. Ông tin rằng dưới tác động của EVFTA, sẽ có làn sóng vốn ngoại mới từ EU chảy vào Việt Nam thời gian tới, bởi có rất nhiều lĩnh vực đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Canada theo địa chỉ ca@moit.gov.vn